Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:56 (GMT +7)

Những người đón giao thừa ngoài đường phố

VNTN - Hơn hai mươi ba giờ, nhà tôi đã hoàn tất các thủ tục đón giao thừa. Nghe tiếng thùng xe va nhau lộc cộc cùng tiếng chổi xoèn xoẹt trên đường, tôi mở cửa bước ra, những công nhân môi trường đang oằn lưng gom rác, ai cũng hối hả giành giật từng giây với năm mới. Nhưng nhìn những đống rác ngồn ngộn kia, tôi áng chừng phải bốn năm tiếng nữa, các chị mới được trở về nhà…

Ba mươi Tết, trên các trục đường Nha Trang, Hùng Vương, Bến Tượng, Bến Oánh, khu chợ Thái, chợ đầu mối Túc Duyên và khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp vẫn tấp nập bán mua. Hoa, quất cảnh vẫn bày rất nhiều dọc các con đường. Bất chợt một cơn mưa rào đổ xuống giữa ban trưa rồi rải rác kéo suốt sang chiều. Sấm chớp ì ùng, có cả những hạt mưa đá vãi xuống nhiều nơi…

Nếu như không có trận mưa ấy, có lẽ lòng tôi bớt băn khoăn, bất an về sự bất thường về sự biến đổi khí hậu vào đúng thời điểm này. Có tiếng ai đó đang bàn luận trên đường: chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ có của mấy chục năm rồi, đây là hậu họa của việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường, của báo hiệu bất thường mà con người phải gánh từ chính ý thức của mình thôi. Bất giác, tôi nhìn dọc con đường Bến Oánh trước cửa nhà mình. Một không gian vô cùng ảm đạm, trời đất sầm sì, đôi người bán rau, bán hoa vẫn quàng áo mưa đứng đó, những đống rác nối nhau ngồn ngộn hai bên đường. Lòng chợt thoáng buồn vì thời khắc năm mới cận kề mà vẫn mưa gió thế này. Thương những người giờ phút năm cùng tháng tận vẫn bơ bải bán nốt mớ rau, cành hoa vì Tết. Và cũng thương bao con người giờ này đang miệt mài, thu gom, quét rửa làm sạch những trục đường để phố phường kịp sạch đẹp đón năm mới vào sáng mai. Lại bỗng liên tưởng về những điều đang nhìn thấy kia chứ nào phải xa xôi gì. Đâu phải bắc cực, nam cực. Đâu phải lỗ thủng tầng ozon hay hiện tượng băng tan. Rác ngay chính con người hàng ngày thải ra cũng đang là điều nan giải về môi trường khi cuộc sống ngày càng đi lên. Và, mọi nhà vẫn đinh ninh một điều, ta đã đóng phí rác, ta có quyền vứt ra bất cứ thứ gì bỏ đi ra vệ đường. Họ, những người mặc bộ đồ xanh, có dải phản quang ấy phải làm. Đấy là công việc của họ. Miên man những điều ấy, tôi lại để tâm dõi theo và chỉ mong nhanh nhìn thấy những bóng áo xanh trên con đường khi mưa chưa thôi rắc xuống.

Khoảng hai mươi giờ, khi hương trầm tỏa lan từ những ngôi nhà hai bên đường, khi ti vi đang có chương trình Gặp nhau cuối năm, nhà nhà đóng cửa vì mưa rét, chỉ có ánh đèn trang trí nhấp nháy hắt qua cửa kính ra ngoài. Tôi hé cửa nhìn ra, con đường vắng lặng, những đống rác vẫn nối nhau còn đó. Giá như mọi năm, trời tạnh ráo thì những bóng áo xanh đã đang quét dọn con đường. Tôi nghĩ có lẽ do mưa nên rác bỗng nặng thêm nhiều, họ còn phải tập trung dọn các trục đường khác, trục đường Bến Oánh là trục đường chợ sẽ dọn sau cùng.

Hơn hai mươi ba giờ, nghe tiếng thùng xe va nhau lộc cộc cùng tiếng chổi xoèn xoẹt trên đường. Tôi mở cửa, lúc này các anh chị đã thu dọn xong từ dưới cầu Bến Oánh lên, còn cách quảng trường Võ Nguyên Giáp khoảng năm trăm mét nữa. Tôi nhẩm tính với khối lượng rác này phải năm tiếng nữa mới thu xong. Vậy là đúng đến sáng các anh chị mới hoàn thành công việc để về nhà đón Tết. Vậy là họ sẽ đón giao thừa trên đường chứ không như niềm mong mỏi của tôi khi chập tối. Nhìn cảnh một người hai xe, một cái đẩy trước, một cái kéo sau rác đầy chót vót mới biết họ phải khẩn trương thế nào để kịp với thời gian. Tôi lặng lẽ lấy điện thoại ra chụp mấy kiểu ảnh mà lòng đầy cảm xúc. Khi mọi người hân hoan, reo hò chào đón từng chùm pháo hoa trên bầu trời, khi trong các ngôi nhà mọi gia đình đang nâng cốc chúc mừng nhau năm mới thì quanh khu vực quảng trường, những công nhân môi trường vẫn đang hối hả làm việc. Hầu như năm nào buổi sáng sớm mồng Một tôi cũng phóng xe máy dọc đường Bến Oánh ra khu quảng trường. Có năm các anh chị đã làm xong, có năm thì bảy giờ sáng vẫn còn công việc cuối là phun rửa đường. Tôi cứ nghĩ đấy là ca trực luân phiên cuối cùng của năm cũ. Cái cảm giác buổi sớm đầu năm đi trên con đường thành phố sạch bong còn vắng bóng người qua lại sao nó yên bình, nó cho ta một cảm giác thư thái, yêu quí vạn vật xung quanh, tin yêu vào cuộc sống này, lòng như được mở ra đón một năm mới bắt đầu.

***

Tôi đã đến gặp và chuyện trò cùng anh Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên. Anh cho biết công ty có 7 đội chuyên làm công việc vệ sinh môi trường cho cả thành phố. Mỗi đội gần năm mươi công nhân, cả công ty có 12 xe chuyên dụng nhận và chuyên chở rác. Mỗi tháng bình quân thu gom từ 250 đến 300 tấn rác trong thành phố, riêng tháng Tết có thể lên đến trên 1.000 tấn. Với đặc thù công việc này 100% anh chị em công nhân năm nào cũng phải làm việc trong đêm Ba mươi đến sáng, trừ nghỉ thai sản, ốm đau. Lương bình quân sáu triệu rưỡi/ tháng. Tôi đã thoáng ngỡ ngàng, thì ra không có sự luân phiên ca kíp nào trong đêm tất niên, mà tất cả nhân viên công ty đều có mặt trên mặt đường. Có cả những đôi vợ chồng trong công ty, mấy chục năm nay đều đón giao thừa trên đường. Tôi băn khoăn về điều này, chả nhẽ hai người mà không được một người ở nhà lo chuyện nhà cửa, sắm mâm cơm cúng tổ tiên đêm tất niên?

Chị Nguyễn Thị Kim Luân Đội trưởng Đội Vệ sinh 2, là một trong số ấy. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Vinh là lái xe, ngoài việc nhận rác tại các điểm còn phải chở rác vào bãi đổ xong về rửa xe mới được nghỉ. Chị Luân bảo, hai mươi bảy năm từ lúc đi làm, chị được nghỉ đúng một Tết do sinh con. Hai mươi sáu cái Tết còn lại đều đón giao thừa trên đường. Tất cả 46 anh chị em trong đội của chị đều thế. Hỏi về chuyện sắp xếp gia đình thế nào cho ổn thỏa trong bằng ấy năm, chị bảo, may anh chị còn mẹ chồng, chị cứ sắm Tết và dọn dẹp nhà cửa dần, tranh thủ mỗi ngày một tí, còn lại nhờ mẹ chồng tất, kể cả nấu nướng bày mâm cỗ cúng tổ tiên. Chị Đào Thị Thu Hương, cùng Đội 2 với chị Luân cũng cho biết, tháng Tám tới chị được nghỉ hưu nhưng chị luôn đón năm mới trên đường, từ khi vào làm đến giờ.

Đội của chị Luân phụ trách đoạn đường từ đường tròn qua khu chợ Thái, chợ đầu mối Túc Duyên, đường Bến Oánh, cầu Bến Tượng và khu dân cư hai phường Trưng Vương, Túc Duyên. Những địa bàn này vào dịp Tết là vất vả nhất vì là nơi bán mua tấp nập, đông người qua lại ắt rác thải sẽ nhiều. Chị Luân chia sẻ, mấy năm gần đây nhận thức của mọi người về công việc của chúng em có tốt hơn. Chứ một số năm về trước, chúng em bị nhìn bằng ánh mắt khinh thường lắm. Có khi bọn em vừa quét xong, xe vẫn còn đứng đó, họ xách thùng rác trong nhà ra đổ toẹt ngay xuống rệ đường mà chúng em vừa quét, rồi quay vào nhà, anh bảo thế có tệ không? Nói thật với anh, đúng là bọn em làm công ăn lương, quét dọn là việc của chúng em, nhưng chúng em cũng muốn được tôn trọng.

Tôi cũng đã chứng kiến nhiều nhà cứ có vật dụng hỏng kể cả bộ sa lông là đem vứt chềnh ềnh ra vệ đường, như vật vô chủ. Dịp cuối năm, người người dọn nhà, bao to, bao nhỏ bỏ ra bị dồn ứ lại. Ngay Tết vừa rồi, có hộ kinh doanh hoa giáp chợ Thái để tồn 12 xe hoa úa. Ra Tết họ định vứt bừa ra đường mặc các chị phải thu, đã thế còn có những lời lẽ chửi bới, các chị đã phải nhờ công an can thiệp.

Chị Luân bỗng trầm giọng: Không ít cái Tết, bọn em phải thu gom hàng xe ô tô quất, hoa người ta bán ế bỏ lại trên đường. Nhìn đống cây cối ngổn ngang, chị em trong đội ngán ngẩm vô cùng, nhưng cũng lại thương họ quá, cố ngồi bán đến tối ba mươi hòng vớt vát tí vốn, vậy mà bị ế nên đành bỏ lại những cây còn tươi rói vội vã nhảy xe về quê… Năm nay cũng vậy, trời đổ mưa xuống bất ngờ vào trưa ba mươi, quất đào không bán được, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Thế thì còn Tết với nhất gì! Mưu sinh quá nhiều cảnh nhọc nhằn anh ạ.

Thì ra, tôi ngậm ngùi cho các chị, nhưng các chị lại ngậm ngùi cho những số phận khác, cuộc đời luôn mang lại hơi ấm từ những sự sẻ chia ấy. Trở lại với câu chuyện của chị Luân, tôi đang định hỏi chị, thời khắc giao thừa bước sang năm mới, khi nhà nhà quây quần đoàn tụ thì các anh chị vẫn còn bận làm sạch phố phường, lúc ấy cảm xúc của các anh chị thế nào? Nhưng rồi tôi không hỏi nữa, bởi cứ thấy phố phường mỗi sáng mùng Một Tết đều sạch sẽ tinh tươm là tôi đã đoán được câu trả lời của chị.

Chị Luân cười hiền lành kể tiếp, biết chúng em vất vả, nên giao thừa năm nào lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh cũng đến nơi động viên, tặng quà, chúc Tết và lì xì cho chúng em đấy.

Tôi chợt nhớ đến việc mẹ con người bạn ở phường Quang Trung vẫn hay làm, đó là ngóng những công nhân môi trường trong ngày đầu năm đi thu gom rác để lì xì cho họ và chúc một năm mới tốt lành. Số tiền lì xì có thể không nhiều, nhưng tình cảm và sự trân trọng ấy chắc chắn sẽ làm những công nhân môi trường kia cảm thấy xe rác hôm đó bớt nặng hơn. Tôi thầm mong điều ấy được lan tỏa, nếu vậy, rác sẽ không bị vứt bừa bãi nữa, bởi khi đã biết yêu thương, tôn trọng những người làm công việc ấy, mỗi người sẽ có ý thức hơn về giữ gìn môi trường.

Tết đã qua, những người mặc bảo hộ lao động xanh có dải phản quang vẫn đều đặn ngày ba ca trên các con đường, các khu dân cư trong thành phố. Cảm giác bất an về biến đổi khí hậu chưa qua thì dịch cúm do virus Corona lại đang lan trên thế giới và đã có ở nước ta. Những người làm vệ sinh môi trường cũng đang góp phần quan trọng trong phòng chống dịch. Công ty Cổ phần môi trường cũng đã có kế hoạch kịp thời như phát bảo hộ, áo mưa, khẩu trang cho công nhân. Việc phun thuốc khử trùng luôn được tiến hành ở kho bãi, xe cộ và các điểm tập kết rác. Trong khi mọi người tránh đi lại, tránh đám đông thì họ luôn phải làm việc trên mặt đường, khu chợ đông người và tiếp xúc với đủ các loại rác thải. Tôi nghĩ đội quân áo xanh vệ sinh môi trường cũng là đội quân xung kích trên mặt trận chống dịch này. Họ xứng đáng có được niềm tin yêu, trân trọng của mọi người vì một môi trường xanh sạch đẹp của thành phố Thái Nguyên.

PHẠM QUÝ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước