Những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Tôi sinh ra ở một vùng quê thuần nông nằm ven sông Cầu. Người làng tôi phần đa gia đình đều đã có nhiều đời làm nghề nông và nhà tôi cũng vậy. Bởi thế, tôi thấu hiểu thế nào là nỗi nhọc nhằn của những người ngày qua ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Người nhà nông làng tôi
“Nông dân muôn đời khổ”! Trước đây tôi có phần không đồng tình với câu nói ấy vì tôi nghĩ làm gì có ai khổ mãi bao giờ. Song, càng trưởng thành tôi lại càng thấy điều đó đúng. Nó đúng bởi một lẽ, người làm nghề nông như ở quê tôi có thể giàu lên nhưng công việc đồng áng chưa khi nào nhàn hạ.
Cái vất vả, nhọc nhằn của người nhà nông, chúng tôi đã được làm quen từ tấm bé. Làng tôi, các gia đình ngoài cấy lúa để đảm bảo lương thực tự cung tự cấp ra thì chủ yếu làm rau màu. Một ngày mới của nông dân làng tôi thường bắt đầu từ khi gà chưa gáy sáng. Chúng tôi, những đứa trẻ của làng cũng giống như những đứa trẻ ở nơi khác, tất nhiên nhiệm vụ chủ yếu là học. Thế nhưng, khác với trẻ con thành phố là thức dậy khi mặt trời đã lấp ló, ngồi vào bàn ăn sáng tại nhà hoặc ra quán ăn sáng trước khi đến trường, những nông dân nhí chúng tôi cũng theo bố mẹ dậy từ khi trời đêm vẫn buông màn đen sẫm. Không có thời gian ngái ngủ, đứa nào đứa ấy vục dậy rửa mặt thật nhanh rồi vơ cái đèn pin, nếu trời mưa thì xỏ thêm đôi ủng rồi ra cánh đồng cắt rau để mẹ kịp buổi chợ sớm. Tôi sợ nhất là khi trời có sương muối, lá rau ướt sũng và tay tôi lạnh cóng. Khoảng 6 giờ sáng, chị em chúng tôi sẽ được về để chuẩn bị đi học. Còn lại bố sẽ phụ mẹ mang rau xuống sông khỏa cho sạch đất, xếp vào quang gánh để mẹ mang sang bên kia sông bán.
Đi chợ về, người làng tôi ai nấy lại tay năm, tay mười cuốc đất, nhặt cỏ, bón phân, gánh nước tưới rau… cho đến tận trưa. Những công việc ấy sẽ tiếp tục lặp lại vào buổi chiều cho đến khi mặt trời khuất bóng. Lam lũ thế nhưng những buổi chợ cũng chỉ đủ cho mẹ tôi và những người đi chợ trang trải đồng mắm, đồng muối và dè sẻn chi tiêu cho các sinh hoạt khác trong gia đình. Không nói đến công to việc lớn cần đến nhiều tiền, mà chỉ có người mời đi đám giỗ hay cưới hỏi thôi cũng đủ khiến nhiều người lo lắng nếu như rau chưa kịp đến lứa thu hoạch.
“Một nắng hai sương” là vậy nhưng chỉ cần trời mưa lớn liên tiếp vài ngày hoặc đang mưa lại bừng nắng gắt là bao công sức của người dân đều thành công cốc. Luống rau mới vun gọn gẽ, mưa làm đất trôi hết xuống rãnh, lá rau đang mơn mởn sẽ héo rũ hoặc thối rữa… chỉ có thể cuốc bỏ làm phân bón đất.
Rau, quả phải phá bỏ làm phân bón không chỉ có lúc gặp thời tiết bất lợi mà cả khi rau tốt tươi nhất nhưng rớt giá. Mà cái vòng xoay được mùa mất giá vẫn là nỗi ám ảnh của nhà nông bao năm nay vẫn không xoay chuyển.
Đơn cử như thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2021, giá rau xanh lao dốc thảm hại trong một thời gian dài, chỉ còn một nghìn đồng mỗi kg cà chua, su su, su hào, bắp cải, 3-4 nghìn đồng 1 kg hành, 5 nghìn đồng 1 kg rau húng… khiến người làng tôi bỏ cà chua chín đỏ đầy ruộng; su su sai chi chít quả để già. Su hào, bắp cải bị nhổ bỏ làm phân bón ruộng… Bởi có thu hái cũng chẳng bõ tiền công, mà mang sang chợ thì đứng xuyên đêm tới sáng cũng chưa chắc đã bán được hết một gánh hàng.
Cần mẫn với ruộng đồng
Bao năm trôi qua, làng tôi giờ vẫn vậy. Ngoài việc xuất hiện những chiếc máy cày, máy gặt, máy băm đất thay cho sức kéo của trâu, bò thì công việc của người nhà nông chúng tôi vẫn thế.
Bà Lưu Thị Khánh về làm dâu tại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên từ khi còn là cô gái chưa đầy 20 tuổi. Từ ấy bà gắn bó với cánh đồng ven sông Cầu của làng. Năm nay, bà đã gần 70 tuổi. Không biết có phải do lội ruộng bùn nhiều không mà 2 chân bà ngày càng đau nặng. Lâu lâu, hai đầu gối của bà lại tấy đỏ, sưng lên vài hôm khiến bà khó khăn trong việc đi lại. Thế nhưng chỉ cần cơn đau vừa tạm bớt, bà lại bước thấp bước cao ra đồng chăm rau và đi chợ.
Tôi hỏi bà sao không nghỉ ngơi, chữa bệnh, bà cười bảo: Ôi dào, cái chứng đau xương này có mà cả làng bị. Lúc nào nó đau phải chịu chứ đỡ rồi thì phải đi làm chứ. Nghỉ dài ngày rau, lúa hỏng hết rồi lấy gì mà ăn.
Lời bà Khánh nói tôi hiểu. Người nhà nông như ở quê tôi bây giờ dẫu cuộc sống không đến nỗi quá khó khăn như trước, nhiều nhà cũng có chút của ăn, của để, song mọi sinh hoạt trong nhà từ đồ ăn, thức uống, rồi tiền ga, tiền điện, tiền cho con, cháu học hành… đều vẫn trông vào gánh rau đi chợ.
Bà Khánh không phải trường hợp ngoại lệ, ở quê tôi, chỉ cần còn có thể đi lại là sẽ chẳng có ai chịu xa rời cánh đồng làng cả, cho dù đó là những cụ ông, cụ bà 70 hay 80 tuổi đi chăng nữa.
Và, những người nông dân khác
Trưởng thành rồi, công việc cho tôi cơ hội được đến nhiều vùng nông thôn khác nhau. Tập quán sản xuất, loại cây trồng… mỗi nơi mỗi khác, nhưng có một điểm chung là người nông dân ở đâu cũng lam lũ, nhọc nhằn với biết bao nỗi lo “trên trời dưới đất”.
Vừa kịp buông chiếc giỏ tre dùng đi hái chè ban sáng xuống, dù trời đã giữa trưa, anh Đặng Ngọc Hà, xóm Phú Hội, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa vội sấp ngửa cầm theo chiếc rổ nhựa chạy ra chỗ mấy ruộng nuôi ốc trước nhà. Gương mặt anh sạm đen, hằn lên những nhọc nhằn qua năm tháng. Quần xắn “móng lợn”, anh Hà lội xuống ruộng nhặt vài con ốc chỗ này, vài con chỗ kia lên kiểm tra, rồi lại vạch cỏ nhặt từng buồng trứng ốc. Anh chia sẻ: mấy hôm trước, tôi phát hiện ốc mắc bệnh. Cũng may kịp thời phát hiện nên đã dùng thuốc để điều trị. Nay kiểm tra thấy tình trạng bệnh đã giảm. Tuy nuôi ốc không quá vất vả nhưng nếu không sát sao, để ốc bị bệnh thì sẽ không có hiệu quả.
Mô hình nuôi ốc thương phẩm của anh Đặng Ngọc Hà, xóm Phú Hội, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa
Chia sẻ về công việc của nhà nông, anh Hà trải lòng. Trồng chè và nuôi ốc mấy năm trở lại đây đã mang lại cho gia đình anh và nhiều hộ dân ở Phú Hội một nguồn thu ổn định. Dẫu vậy thì việc của nhà nông chưa khi nào vơi vất vả. Ví như đi hái chè khi trời rét căm căm, sương ngấm vào người lạnh đến cắt da, cắt thịt hay “phơi” mình dưới cái nắng nóng gay gắt thì người làm chè trước đây hay ngày nay cũng vẫn phải trải qua. Có chăng, ngày nay chỉ khác về công đoạn chế biến nhờ có máy móc hiện đại hơn mà thôi. Còn với mô hình nuôi ốc nhồi hiện tại, dòng dã hàng tháng trời từ mờ sáng anh đã dậy đắp bờ, nạo vét bớt bùn đất đến độ sâu phù hợp để biến những chân ruộng một vụ, lầy thụt thành những chiếc ao đảm bảo điều kiện chăn nuôi ốc. Sau khi ốc giống đã được thả, muốn tiết giảm chi phí chăn nuôi, ngày ngày, anh Hà phải đi nhặt, thu gom những phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn thêm cho ốc. Đến khi ốc đẻ trứng, ngày nào cũng phải một đến 2 lần đi nhặt trứng dù mưa hay nắng. Có như thế trứng ốc mới cho chất lượng tốt nhất. Những phần việc ấy không có máy móc nào làm thay sức người được cả.
Hay khi bắt gặp những nương ngô trải dài bên sườn núi đá. Cảnh vật ấy dễ khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa khen đẹp, nhưng mấy ai mường tượng được hết nỗi gian truân của người làm rẫy. Không có máy móc nào có thể “bò” lên tít non cao ấy. Chỉ có người nông dân vùng cao như những chú sơn dương đặt từng bước chân lên dốc núi. Bao nhiêu gốc ngô là bấy nhiêu nhịp tay người nông dân phải vung lên, hạ xuống chọc lỗ, tra hạt. Rồi lại nhọc nhằn gùi từng chuyến ngô xuống núi khi thu hoạch. Ấy là khi mưa thuận, gió hòa.
Nói thì ngắn gọn thế thôi chứ người nông dân phải “trông” nhiều thứ lắm. Đâu phải chỉ có những đôi bàn tay dầm trong lớp bùn buốt lạnh khi vào vụ cấy giữa Đông; những đôi chân trần bỏng rát lội ruộng trong cái nắng 37 – 40 độ C giữa ngày hè là đủ làm ra hạt gạo. Mấy tháng cây lúa sinh trưởng là bấy nhiêu thời gian người nông dân phải trông chừng, diệt trừ từ ốc bươu vàng cắn mạ, các loại sâu bệnh hút hết nhựa cây, rồi nạn chuột đồng quấy phá, lúc lại lo nắng hạn hoặc ngập úng cánh đồng. Ngay cả đến khi hạt thóc đã mang về đến nhà, phơi ngoài sân vẫn nơm nớp lo những cơn mưa rào bất chợt…
Hết vụ này qua vụ khác, năm này qua năm khác, người nông dân quê tôi vẫn phải đối mặt với những nỗi lo và nhọc nhằn như thế!
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...