Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:43 (GMT +7)

Những người bạn lớn của văn nghệ sĩ

VNTN - Không phải chỉ ở tỉnh ta mà rất nhiều địa phương trên toàn quốc, anh chị em viết lách thường có một mối lo ngại, có thể nói là thường trực, đó là khi xảy ra những chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa văn nghệ sĩ với các nhà tư tưởng. Ban Tuyên giáo là cơ quan chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về tư tưởng, trong đó có tư tưởng thể hiện trong văn chương, bởi vậy liên quan chặt chẽ đến văn nghệ sĩ.

Suy cho cùng thì đó là mối lo có thật. Xưa nay, người ta thường nói đến những nhận thức vênh lệch hoặc khó đồng cảm với nhau giữa người sáng tác vốn phóng khoáng, tự do với những người công tác tuyên giáo vốn nghiêm cẩn, chặt chẽ, đôi khi đến soi mói (có thể vì sự cảnh giác mà sinh ra như vậy). Thì thực tế trên địa bàn toàn quốc đã từng có bao nhiêu chuyện đáng buồn vì những va chạm như vậy.

Đồng chí Lê Quang Dực, (thứ ba, từ trái sang) Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Báo VNTN nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2013. Ảnh: Đào Tuấn

Chuyện ầm ỹ nhất cả nước là vụ truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, một tác phẩm chiếm được cảm tình của công chúng, đoạt nhiều giải thưởng, được làm phim… nhưng tác giả của nó đã phải “lên bờ xuống ruộng” vì ý kiến trái chiều của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau. Ở Lâm Đồng thì chỉ vì một cái truyện ngắn “Quán Dương Cầm” đăng trên tạp chí Langbian mà gây ra “bão tố” cho cả Hội Văn học nghệ thuật. Hay cái phóng sự truyền hình “Người nghèo vẫn khổ” ở Cao Bằng cũng vậy. Được giải vàng trong liên hoan truyền hình toàn quốc mà lại ngang nhiên bị cấm phát sóng ở chính địa phương. Đôi khi chỉ là một bài thơ nhỏ như bài “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân” của Đàm Chu Văn, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, mặc dù đã có “OTK” (nay gọi là KCS) của Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Lý luận Phê bình Văn học Trung ương mà tác phẩm vẫn bị tỉnh “Cấm đi khỏi... nơi cư trú”. Nhưng theo dõi thời sự văn học nhiều năm nay ở tỉnh ta, tôi nhận thấy mọi việc lại hoàn toàn ngược lại.

Là một người có mặt ở Hội Văn học Nghệ thuật ngay từ buổi đầu, tôi đã chứng kiến đủ mọi chuyện, trong đó có không ít những chuyện về mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ với người “gác cửa tư tưởng” của Đảng.

Có lẽ cách thuyết phục chân thực nhất là tôi xin kể lại những gì có thể gọi là “nổi cộm” của văn chương tỉnh nhà trong suốt mấy chục năm qua cùng cách nhìn nhận, đánh giá của Ban Tuyên giáo với những sự kiện ấy.

Thời gian Hội mới thành lập, Trưởng ban Tuyên giáo ngày ấy là anh Bùi Điệp. Tôi có chút gần gũi, thân thiện với anh Bùi Điệp có lẽ do anh và tôi đều xuất phát là giáo viên văn. Ngày ấy tôi là Thường vụ Thường trực Hội nên phải nhiều lần làm việc với Văn phòng của Ban Tuyên giáo về trụ sở Hội. Sau nhiều lần thương thảo trong thân thiện, Hội đã được Ban Tuyên giáo dành cho một nửa dãy nhà ở tầng một của liên cơ quan bây giờ. Tôi có chút giữ ý nên rất ít đến phòng Trưởng ban. Nhưng anh Điệp, thỉnh thoảng, những lúc rỗi rãi, thường xuống phòng tôi tán chuyện văn chương nghệ thuật. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ điệu cười cởi mở, phóng khoáng của anh vang xa tận hành lang. Có thể ai đó quan niệm ở cạnh cơ quan Tuyên giáo giống như việc gần lửa rát mặt, nhưng với chúng tôi ngày ấy thì Ban Tuyên giáo với anh em văn nghệ sĩ giống như anh em một nhà. Anh Thông, anh Long (là hai trưởng phòng của Ban) cùng sống với tôi trong khu tập thể. Anh Long cắt tóc rất đẹp nên cả cơ quan Hội đều đến nhờ anh. Tóc vừa đẹp lại vừa không mất tiền, ai chả thích. Vì thế anh Long khá vất vả và cũng tốn nhiều thời gian, nhưng anh rất vô tư. Anh Hà Đức Toàn, Chủ tịch Hội lúc bấy giờ đặt cho anh Long cái tên rất vui và hóm là: “Người tốt cuối cùng của thế kỷ XX”.

Trong chuyện liên quan đến văn chương nghệ thuật, tôi có hai kỷ niệm rất đáng nhớ với anh Bùi Điệp. Lần thứ nhất, ngày ấy, do bắt đầu có làn gió mới về phim ảnh nước ngoài thổi vào Việt Nam nên có thể có cả gió lành và gió độc nên tỉnh đã thành lập một ban duyệt phim do anh Điệp làm Trưởng ban. Lần ấy, anh Điệp rủ tôi cùng đi xem một bộ phim có vẻ nhạy cảm nhan đề là “Vườn thượng uyển”. Khi phim hết, anh Điệp quay sang hỏi tôi: “Cậu thấy sao?”. Thú thực lúc ấy tôi thấy hơi ngại vì nội dung phim không có vấn đề gì nhưng lại có vài cảnh hơi sex. Nhưng rồi tôi cũng thẳng thắn và ý tứ nói: “Phim hay anh ạ, tuy cũng nên xem xét lại vài cảnh hơi… khác lạ”. Anh Điệp cười: “Cậu nói đúng! Nhưng thực ra những điều khác lạ cũng không sao. Không phản văn hóa là được. Tớ sẽ đồng ý duyệt”. Kỷ niệm thứ hai với anh Bùi Điệp, đó là khi cái truyện ngắn “Hôsata” của tôi, là một tác phẩm phê phán mặt trái của kinh tế thị trường được đăng trên báo tỉnh. Lập tức có vài người cho là “có vấn đề”, hình như có cả chuyện phản ảnh “mồm” lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Một buổi sáng đi làm, anh Bùi Điệp gặp tôi ở cửa cơ quan Hội, níu lại, nhìn chằm chằm vào mặt tôi rồi buông một tràng cười rất dài. Tôi hơi lo, không hiểu mình mắc phốt gì mà “ông này” lại có cái cười… bí hiểm như vậy? Anh Bùi Điệp vỗ vai tôi: “Cậu viết cái truyện Hôsata quả là bi hài! Xã hội đang bước vào nền kinh tế thị trường như hôm nay, rất cần tập trung vào cách viết như thế!”. Tôi thở phào. Trời! Thế mà cứ tưởng…

Cũng gần thời gian đó, cuốn tiểu thuyết “Lạc thú” của Nguyễn Cao Thâm, một cây bút mới ở mỏ than Làng Cẩm ra đời. Hình như do cái nhan đề nghe có vẻ nhạy cảm cùng bài bình luận cởi mở của tôi đăng trên tờ Văn nghệ Bắc Thái đã động đến “thiên đình”, nên anh Hoàng Văn Pao, lúc ấy là Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã, sau đó sang làm Trưởng ban Tuyên giáo, đã đánh ô tô đến tận Hội, xin một cuốn về đọc. Tôi thoáng nghĩ phen này có khi gay go rồi. Vì của đáng tội, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Cao Thâm có vài chỗ hơi “tươi mát”. Mấy ngày sau, anh Pao gặp tôi, cười vui vẻ:

- Nó viết khá đấy cậu ạ, hấp dẫn đáo để, cũng nói được một số vấn đề cần thiết.

Tôi thở phào, đưa đẩy:

- Nhưng có lẽ cũng có những trang cần rút kinh nghiệm phải không anh?

- Chắc cậu muốn nói đến một số trang có vẻ hơi sex? Nhưng tác phẩm văn học mà khô khốc thì có ma nào thèm đọc.

Rồi bước sang thập kỷ thứ nhất của thế kỉ 21 cũng không phải là không diễn ra những chuyện tương tự.

Ngày ấy, báo Văn nghệ Thái Nguyên có đăng truyện ngắn “Thuốc nổ” của anh Lê Thế Thành với nội dung chống lại thói xấu trong giới quan chức một cách khá mạnh tay. Mấy hôm sau, có người đến gặp tôi khẳng định rằng nhất định cái truyện ngắn “Thuốc nổ” sẽ bị rầy rà. Họ cũng cho rằng biên tập viên của tờ báo cho in cái truyện ngắn kia thiếu giác quan chính trị, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính nhạy cảm của người gác cổng văn chương. Lúc ấy, quả thực tôi cũng có chút băn khoăn vì cái hình tượng “thuốc nổ” trong truyện ngắn ấy nếu suy diễn quá đi thì không biết chừng. Ít ngày sau, tại hội nghị tổng kết Hội, anh Lê Quang Dực, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói một cách dõng dạc trên bục:

- Truyện ngắn “Thuốc nổ” của nhà văn Lê Thế Thành là một truyện ngắn hay. Tuy phê phán rất mạnh mẽ, nhưng chỉ những cán bộ xấu mới ngần ngại khi đọc truyện ngắn này thôi. Những tác phẩm như vậy sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc đổi mới đất nước.

Tôi gật gù, mỉm cười, tự giễu: “Hóa ra mình còn… tuyên giáo hơn cả trưởng ban tuyên giáo”.

Câu chuyện cuối cùng là bài thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh, một nhà thơ được Giải thưởng Nhà nước, đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên có nội dung nhạy cảm thế nào đó mà đã bị một người viết thư phản ánh với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhiều anh em hội viên cũng tưởng sẽ to chuyện nhưng rồi tất cả đã được giải quyết một cách thuận chèo mát mái.

Trên kinh nghiệm thực tế, tôi thấy cái dễ mắc mớ nhất giữa tuyên giáo với văn nghệ phần nhiều xuất phát từ tác phẩm. Nếu không thống nhất với nhau về quan điểm, thậm chí chỉ là những quan niệm về nhân sinh thôi cũng dễ để lại những tì vết không cần thiết. Rất may là ở Thái Nguyên chuyện này, như tôi được biết, đã không hề xảy ra, dù chỉ một lần.

Thông thường, trong sinh hoạt chính trị và văn nghệ, trước một cán bộ tuyên giáo, anh em văn nghệ sĩ luôn có một quan niệm đó là những người tuyên truyền chính sách. Nhưng rồi anh em văn nghệ Thái Nguyên chúng tôi đã phải thay đổi quan niệm này khi một lần anh Hoàng Anh Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo sang Hội nói về tình hình thời sự đất nước. Ban đầu, nghe nói anh Trung vốn xuất thân từ một bác sĩ, một số anh em văn nghệ sĩ tỏ ra hơi thất vọng cho rằng anh chỉ biết đến kháng sinh với máy đo huyết áp chứ làm sao sâu sắc trong những việc khác được. Vậy mà hôm ấy, nhiều anh em văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã hoàn toàn đồng cảm trước cách nói rất thuyết phục, đầy kiến thức xã hội của ông Phó ban Tuyên giáo - bác sĩ.

Lại nhớ, cách đây hơn một năm khi Tỉnh ủy có chương trình tôn vinh các đội viên thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đại đội 915. Là một nhà văn, tôi được Ban Tuyên giáo triệu tập cùng đoàn cán bộ của tỉnh thâm nhập thực tế tới từng nhà của các đội viên Đại đội TNXP 915 ở các huyện vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Bắc Kạn. Đó là một chuyến đi đầy vất vả gian nan. Buổi ấy, nhóm công tác chúng tôi đang làm việc tại một gia đình cựu TNXP thì anh Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo đến kiểm tra tình hình. Nhưng đến nơi, việc đầu tiên của anh không phải là gặp trưởng nhóm để nắm thông tin mà vui vẻ đến bắt tay, hỏi han sức khỏe của tôi rồi quay sang Trưởng nhóm công tác là anh Trần Thép, chỉ vào tôi, nói phải quan tâm đến sức khỏe của thành viên nhiều tuổi nhất đoàn này. Cử chỉ rất nhỏ ấy nhưng lại làm tôi nhớ mãi.

Anh Trần Thép lúc ấy là một trưởng phòng của Ban Tuyên giáo, và hiện nay được tỉnh điều động sang làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Hiện tượng các cán bộ tuyên giáo được cử sang giữ các chức vụ lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật không phải là hiếm gặp. Rất nhiều tỉnh đã từng có việc này. Nhưng thành thực mà nói, không phải không có những rắc rối xảy ra chính từ những chuyện như thế. Có tỉnh do những va chạm mà sinh ra sự trì trệ, thậm chí có tỉnh cán bộ tuyên giáo còn bị “trả về nơi sản xuất”.

Ở tỉnh ta hoàn toàn khác. Anh Trần Thép tuy mới sang Hội nhưng đã được nhiều văn nghệ sĩ cảm mến vì tính cách chân thực mà điềm đạm, làm việc cân nhắc thận trọng mà lại biết cách đồng cảm với văn nghệ sĩ.

Cách đây gần ba mươi năm khi anh Lê Thế Thành cũng là một cán bộ tuyên giáo sang làm Phó Tổng biên tập cho tờ Văn nghệ Bắc Thái cũng vậy. Bằng năng lực và tình cảm của mình, anh Thành đã góp một phần quan trọng trong sự phát triển của tờ báo trong thời kỳ đầu. Bây giờ nhắc đến anh Thành, tôi tin rằng anh em văn nghệ sĩ Thái Nguyên không ai quên.

Kể chuyện Tuyên giáo, không thể không nhắc đến Phòng Văn hóa văn nghệ (nay là phòng Khoa giáo - Văn hóa văn nghệ), đó là cả một đội ngũ luôn đồng hành với Hội trên mọi thời điểm và chính các anh chị đã góp công rất lớn trong việc đề xuất để Ban tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cấp phát báo Văn nghệ Thái Nguyên đến tận các chi bộ xóm, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh.

90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, cùng ôn lại những kỷ niệm để thấy rằng, trên mặt trận văn hóa tư tưởng, văn nghệ sĩ và tuyên giáo vẫn luôn đồng hành vì một xã hội phát triển, văn minh.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy