Những nghề “điểm tô cho ngày hạnh phúc” kỳ I
VNTN - Đám cưới là sự kiện vô cùng trọng đại của mỗi gia đình. Để ngày vui ấy được trọn vẹn, ai cũng muốn lựa chọn cho mình những dịch vụ tốt nhất. Đó cũng là lý do để các dịch vụ nấu cỗ, bắc rạp, cho thuê loa đài, MC phục vụ đám cưới ra đời. Những dịch vụ này, góp phần điểm tô thêm cho ngày hạnh phúc của các đôi uyên ương.
Gia đình có đám cưới, một trong những phần việc quan trọng và vất vả nhất có lẽ là lo khâu hậu cần. Phải làm cỗ gồm những món ăn gì? Sẽ nhờ ai nấu? Mượn đồ đạc ở đâu..., luôn là những câu hỏi làm đau đầu gia chủ. Nhưng đó là chuyện trước đây, còn hiện nay tất cả các việc “khó” này đều có dịch vụ lo trọn gói. Vài năm trở lại đây nghề làm cỗ cưới “nở rộ” giúp gia chủ có nhiều sự lựa chọn. Và để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi những người làm dịch vụ cỗ cưới cũng phải vận động không ngừng. Nhất là khi, dịch vụ này đang ở thế “bão hòa” như hiện nay.
Đây đang là thời điểm thịnh vượng nhất trong năm đối với những người làm nghề nấu cỗ cưới. Đối với những gia đình khá giả, hiện có xu hướng tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên hình thức này có nhược điểm là chi phí cao. Được lựa chọn nhiều hơn cả vẫn là tổ chức tiệc cưới tại nhà. Cách này vừa mang tính truyền thống lại tạo sự thoải mái, ấm cúng và giảm được phần nào chi phí. Để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng, loại hình nào cũng cố gắng tạo ra cho mình những dấu ấn riêng, khẳng định tính ưu việt để lấy lòng “thượng đế”.
Anh Nguyễn Trọng Biên, chủ nhà hàng Quý Biên hướng dẫn nhân viên bày trí bàn tiệc.
Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà hàng, khách sạn nhận tổ chức sự kiện, đặt tiệc cưới. Tổ chức tại đây, gia chủ sẽ không phải lo về địa điểm, trang trí khánh tiết và hầu hết đội ngũ phục vụ có tính chuyên nghiệp cao. Lợi thế là vậy, nhưng làm thế nào để thu hút được khách lại là câu hỏi khó. Khoảng 3 - 4 năm trước đây, Khách sạn Victory (đường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên) là một trong những địa điểm “lý tưởng” được nhiều khách hàng lựa chọn là nơi tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, đến nay khi nhiều nhà hàng, khách sạn mở ra có ưu thế hơn về cơ sở hạ tầng, vị trí đẹp thì việc nhận được hợp đồng tổ chức đám cưới không còn là chuyện dễ. Bà Nguyễn Thị Vinh, quản lý của Khách sạn chia sẻ: Làm dịch vụ cưới 2 - 3 năm nay quả thực rất khó khăn. Đối với mỗi khách sạn như chúng tôi thì ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo chất lượng món ăn. Ngoài ra chúng tôi còn miễn phí địa điểm, trang trí sân khấu, có bảo vệ trông giữ xe. Thế nhưng lượng khách đến đặt dịch vụ tổ chức đám cưới cứ ngày một ít đi. Trước chúng tôi dành 2 tầng 9 và 10 để tổ chức sự kiện nhưng nay do vắng khách, chúng tôi chỉ còn giữ lại tầng 10 thôi.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, không biết đã có bao nhiêu ngày bà Vinh phải rời nhà từ nửa đêm gà gáy, dầm mình trong cái buốt lạnh của ngày đông, hoặc vắt kiệt sức mình bên chảo dầu sôi giữa trưa hè để chuẩn bị những mâm cỗ cưới “hoàn hảo” nhất. Vậy mà giờ đây, nói về tình trạng kinh doanh, bà bần thần: Khách của chúng tôi giờ chủ yếu là hội họp, tiệc cưới còn rất ít. Trong tình trạng khó khăn chung hiện nay thì yêu nghề là động lực lớn nhất níu giữ tôi gắn bó với công việc này.
Mặc dù không có tên trong danh sách các những nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn trên địa bàn hiện nay nhưng nhà hàng Quý Suốt (số 299B, đường Thống Nhất, T.P Thái Nguyên) vẫn là sự lựa chọn của nhiều gia đình khi tổ chức đám cưới. Với thương hiệu và uy tín trên thị trường, nhà hàng là địa chỉ được nhiều khách hàng tự tìm đến. Mặc dù vậy, bước sang năm 2015, nhà hàng cũng phải đối diện với không ít khó khăn. Bà Đinh Thị Suốt, chủ nhà hàng chia sẻ: Năm nay, lượng khách hàng sụt giảm bởi các các cơ sở kinh doanh dịch vụ này mọc lên quá đông mà xu thế các đám cưới bây giờ mời khách cũng rất chọn lọc, không mời đông như trước. Đòi hỏi cơ sở phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.
Nhà hàng Quý Suốt hiện nay vẫn nhận sắp tiệc cưới tại nhà hàng hoặc bán cỗ tới tận hộ gia đình. Nếu khách hàng lựa chọn tổ chức tại nhà hàng, ngoài giá thành của mâm cỗ, khách không phải trả thêm bất kỳ dịch vụ nào khác. Ngoài ra, nhà hàng sẽ chuẩn bị khâu khánh tiết trong hội trường, làm cổng chào, rải thảm lối đi… làm quà cưới mừng cho các cặp đôi. Dù đã mấy mươi năm trong nghề, đào tạo ra hàng chục thợ bếp giỏi nhưng đến nay, bà Suốt vẫn tự tay nấu nướng khi đông khách. Đôi mắt có phần trũng sâu do thiếu ngủ, bà Suốt trải lòng: Không phải quá thường xuyên, nhưng đi chợ từ 2 giờ sáng với tôi không còn là chuyện hiếm. Bởi chỉ có tự tay chọn thực phẩm tôi mới yên tâm được. Có hôm sốt đùng đùng, nhưng cũng không dám nghỉ vì không thể để lỡ việc của khách. Thêm một lý do nữa, làm ăn ngày càng khó, khách hàng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, nếu cái gì cũng đi thuê thì sẽ chẳng còn lãi lờ. Khâu chuẩn bị thức ăn sẽ do nhân viên của nhà hàng thực hiện, ngày đông, chúng tôi chỉ thuê thêm người bưng bê.
Trong gian bếp của nhà hàng, dù đây đang là mùa đông nhưng trên gương mặt của anh Nguyễn Văn Quang, đầu bếp vẫn lấm tấm mồ hôi. Quang tâm sự: Những hôm làm tiệc cưới thì chuyện thức khuya, dậy sớm là đương nhiên. Có hôm tiệc cưới đông, mấy anh em bếp chúng tôi đứng bếp từ 2 giờ sáng đến tận chiều, không có thời gian ngồi nghỉ dù chỉ một lần. Đến khi xong việc bước đi không vững nữa, cả người như muốn đổ sụp xuống, lưng đau nhừ tử.
- Mức lương hiện nay có đảm bảo để anh trang trải cuộc sống không? - tôi hỏi:
- Nhà hàng đang trả tôi khoảng 6 triệu/tháng, chưa kể thưởng. Đây cũng là mức giá chung dành cho các đầu bếp làm cỗ cưới trên địa bàn tỉnh. Với mức này, cộng thêm lương của vợ, tằn tiện thì cũng chỉ tạm đủ lo tiền sữa, tiền gửi trẻ cho con và trang trải cuộc sống bởi hiện nay tôi vẫn đang phải đi thuê trọ.
Tạm gác lại câu chuyện với Quang, tôi chú ý tới một thanh niên trẻ đang lúi húi dọn dẹp trong bếp. Em là Nguyễn Văn Toản, quê Phú Thọ, hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Khi được hỏi, Toản rụt rè: Nhà em khó khăn, bố mẹ em phải vay tiền cho em đi học đại học. Vì vậy ngoài thời gian học em đều tranh thủ đi làm thêm để có chút thu nhập. Em cũng đã làm thêm ở nhiều nơi nhưng chỉ từ khi đến đây phụ làm cỗ đám cưới là thu nhập ổn định nhất. Công việc của em là phụ dọn dẹp, bưng bê cỗ. Bình quân thu nhập của em mỗi tháng được khoảng gần 3 triệu đồng. Nhờ vậy mà một năm nay, bố mẹ đã không còn phải gửi tiền lên cho em nữa. Các bạn của em cũng đến đây làm thêm khá đông nhưng chủ yếu họ chỉ làm nửa ngày, tiệc xong là về và nhận tiền công khoảng 100.000 đến 150.000 nghìn đồng/buổi. Còn riêng bản thân em, u Suốt thương nên tạo việc làm cho em làm thêm bất cứ khi nào em không phải lên lớp, ăn uống tại nhà hàng em cũng không bị trừ vào tiền lương. Bưng bê cỗ cưới, không nhanh và khỏe là không làm được đâu chị ạ.
Có kỹ năng giao tiếp, khéo tay, khả năng quan sát tốt là những yếu tố không thể thiếu của những người nhận làm dịch vụ bán cỗ. Để hiểu hơn về công việc của họ, chúng tôi đã tìm đến nhà hàng Qúy Biên (phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên), một trong những cái tên được gắn với khá nhiều đám cưới trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực T.P Thái Nguyên. Tiếp chúng tôi, ông chủ nhà hàng là một thanh niên ăn mặc lịch lãm, phong thái chững chạc hơn rất nhiều so với tuổi dưới 30 của mình. Biên chia sẻ về nghề của những người kinh doanh dịch vụ “cỗ cưới di động”. Có thực sự tìm hiểu mới có thể thấm thía phần nào những vất vả mà họ phải trải qua. Làm nghề này, ai cũng mong ngóng thời điểm những tháng cuối năm, nhưng đây cũng chính là nhược điểm của nghề. Các đám cưới thường trùng nhau vào ngày đẹp, khiến những người bán cỗ như Biên có lúc phải chơi dài và có khi lại chạy không hết việc. Những ngày nhận được nhiều hợp đồng, anh em trong đội phải căng mình ra làm không kể ngày đêm. Ngày cao điểm, Biên và bộ phận thợ bếp thường xuyên phải thức thâu đêm suốt sáng. Trên thực tế, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng có thể tìm được một cơ sở làm dịch vụ nấu cỗ thuê, nhưng để tìm được một đầu bếp có tay nghề cao lại không phải chuyện dễ. Hầu hết các đầu bếp của các cơ sở cung cấp dịch vụ đều làm theo kinh nghiệm và năng khiếu của mình chứ ít người được đào tạo qua trường lớp. Để có thể “sở hữu” được một đầu bếp giỏi, nhà hàng, chủ cơ sở phải chi một khoản thù lao khá lớn tùy theo mức độ công việc.
Để tạo sự mới lạ, hấp dẫn, cách trang trí mâm cỗ cũng phải luôn luôn đổi mới
Chia sẻ về vấn đề này, Biên cho biết: Nhà hàng hiện đang có 15 thợ nấu bếp có tay nghề cứng. Mặc dù không phải ai trong số họ cũng được đào tạo qua trường lớp về nghề nấu ăn nhưng quan trọng là mình phải nắm bắt được điểm mạnh của từng người, phát hiện ai có khả năng nấu món gì ngon để sắp xếp cho hợp lý. Những kiến thức mình được học trong trường cộng với kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc mình thường xuyên đem ra trao đổi với anh em. Đồng thời, cũng học hỏi lại từ mọi người nên mình khá yên tâm về đội ngũ đầu bếp mình đang có.
Càng tiếp xúc với nhiều người cung cấp dịch vụ bán cỗ, chúng tôi càng thầm cảm phục họ bởi tính kiên trì, nhẫn nại và tài thuyết phục người khác. Trên thực tế, hầu hết các đám cưới hiện nay đều vẫn mang hơi hướng truyền thống. Mâm cỗ cưới dù có được biến tấu đi nhiều nhưng chủ yếu chỉ là thay đổi cách trình bày, có chăng là thay đổi tên gọi các món, còn các món chủ đạo vẫn được giữ nguyên. Một mâm cỗ hiện nay thường vẫn duy trì 5 món chính trong tổng số 14 món (chưa kể đồ uống), giá thị trường bình quân dao động từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/mâm. Lý thuyết là vậy nhưng để tư vấn, thuyết trình được một thực đơn hoàn chỉnh với mỗi khách hàng không phải chuyện dễ. Thường nhà hàng, cơ sở bán cỗ nào cũng phải chuẩn bị cho mình “ngân hàng” thực đơn phong phú. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tư vấn giúp khách hàng có những lựa chọn hợp lý trong điều kiện cho phép.
Một trong những yếu tố không thể thiếu được của dịch vụ bán cỗ cưới hiện nay là đội ngũ chạy bàn. Họ hầu hết là sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học. Có mặt tại một đám cưới, tôi đã trầm trồ khi hơn 100 bàn tiệc được bày thẳng như kẻ chỉ: Các góc bàn, ghế, bát đĩa, khăn được sắp đều tăm tắp vô cùng hoàn hảo. Là tổ trưởng của bộ phận chạy bàn, em Bùi Văn Tiến, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên chia sẻ: Chỉ là kê bàn ghế, sắp chén bát nhưng chúng em cũng phải học rất nhiều. Chưa kể muốn là chạy bàn tốt còn phải học cách bê mâm, đặt món và ứng xử với khách nữa. Nhưng vất vả nhất đối với chúng em chính là lúc lên mâm. Nhiều gia đình tổ chức ăn đồng loạt hàng vài chục thậm chí cả trăm mâm. Nói không quá chứ lúc ấy bộ phận phục vụ chúng em như bước vào “cuộc chiến”. Nhất là khi thời tiết lạnh như hiện nay, không mấy món bày lên trước được. Một số món ăn khi bày lên mâm yêu cầu phải còn nóng, rồi không được để sót món và đáp ứng yêu cầu phát sinh của thực khách… Dù không dễ tí nào, nhưng với những sinh viên tranh thủ đi làm thêm như chúng em, thì đây cũng là công việc khá ổn.
Thực tế hiện nay đòi hỏi những người cung cấp dịch vụ phải năng động hơn. Theo nhận định của các cơ sở thì có đến 80% khách hàng có nhu cầu thuê trọn gói các dịch vụ trong đám cưới, từ cỗ, phông rạp, tổ chức chương trình… Trong đó cỗ và phông rạp thường đi liền với nhau. Nói về rạp đám cưới, không khó để nhận ra sự thay đổi về hình thức của nó trong vài năm trở lại đây. Nếu trước đây, khung rạp được dựng bằng tre, nóc và bốn bên được phủ bằng bạt, phông xanh đỏ thì hiện nay với nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, ngoài công dụng che mưa, nắng thì khung rạp còn là thứ dùng để trang trí. Với nhiều màu sắc và kiểu dáng, phổ biến hiện nay là khung thép, vải voal, tết hoa dây, đèn lồng, pha lê với nhiều tông màu bắt mắt như tông trắng, hồng, đỏ, tím, xanh… được trang trí rất bắt mắt.
Ngân Hoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...