Những nghề “điểm tô cho ngày hạnh phúc” kỳ 2
VNTN - Đóng góp không nhỏ vào thành công của một đám cưới là những người dẫn chương trình (MC) và điều chỉnh âm thanh, ánh sáng. Những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với dịch vụ đám cưới đã khiến họ trở thành một đội ngũ hết sức chuyên nghiệp.
Kỳ 2: Những “nghệ sĩ chốn hôn trường”
Không chỉ là “bán nước bọt”…
MC từ lâu đã trở thành người không thể thiếu trong mỗi đám cưới. MC hay hay dở ảnh hưởng rất nhiều đến không khí buổi hôn lễ. Vì vậy, cặp đôi nào cũng mong muốn trong ngày trọng đại của mình tìm được một MC “xuất chúng”. Sẽ rất khó để những MC chuyên nghiệp có thể nhớ mình đã từng dẫn chương trình cho bao nhiêu đám cưới. Những ngày đắt show, một MC có thể đảm nhận từ 5 đến 6 đám cưới. Làm thế nào để không được lặp lại chính mình, đòi hỏi họ phải lao động nghiêm túc, đổ mồ hôi và chịu không ít áp lực. Nhiều người nghĩ, MC đám cưới chỉ cần hoạt ngôn là đủ, chỉ cần đứng trên sân khấu nói ào ào, luyến thoắng là được. Nhưng với những người coi MC đám cưới là một nghề nghiêm túc, họ sẽ không chấp nhận điều đó. Những MC đúng nghĩa, được nhiều khách hàng tìm đến đều là những người có phong cách riêng, không bắt chước người khác. Loại trừ ở một số vùng quê xa xôi, giờ đây, ở chốn thị thành đã qua rồi cái thời MC đám cưới chỉ cần thuộc lòng mấy câu thơ thuận vần, đúng điệu. Dân trí càng cao, đòi hỏi những MC càng phải sâu sắc trong từng câu nói, tinh tế trong từng hành động.
MC Khánh Huy với giọng nói chuẩn và giọng hát trầm ấm, đang trở thành gương mặt
được nhiều bạn trẻ “nhắm” tới trong ngày trọng đại của đời mình.
Xin được bắt đầu bằng câu chuyện của MC Đinh Thu Thủy (xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên). Chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nguyên là diễn viên kịch nói. Đến với nghề MC như một cái duyên, nó tình cờ như tình yêu chị dành cho nghệ thuật. Cũng nhờ tình yêu ấy đã giúp chị có diện mạo và phong thái trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi ngoài 50 của mình. Tôi có ấn tượng sâu sắc khi được tham dự đám cưới do chị là MC. Cách dẫn dắt câu chuyện vừa tự nhiên, dung dị, nhân cách hóa tôn lên cái đẹp của nhân vật được nhắc đến, nhưng tuyệt đối không “chém gió”. Đó là đám cưới của cô dâu người Thái Nguyên và chú rể người Đà Nẵng. Chị bắt đầu chương trình bằng câu chuyện của bản thân: Kính thưa quý vị, vừa rồi tôi có được cùng cậu con trai út vào tham gia cuộc thi Giai điệu tuổi hồng được tổ chức tại Đà Nẵng. Ở đó, mẹ con tôi được đón tiếp bởi những con người nồng hậu và một môi trường sạch đẹp đến không thể đẹp hơn. Tôi vẫn ao ước sẽ được gặp lại những con người ấy và hôm nay vinh dự cho tôi được cùng họ nhà gái đón họ nhà trai những con người tuyệt vời đến từ thành phố đáng yêu… Thái Nguyên chúng tôi vừa tổ chức xong Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, đã chọn ra được người đẹp của xứ Trà và hôm nay xin chúc mừng họ nhà trai cũng đã chọn ra được cô dâu, người đẹp xứ trà của gia đình… Và sau những lời lẽ ấy của chị, dường như tình cảm thông gia giữa hai họ càng được thắt chặt thêm.
Một lần, chị nhận dẫn chương trình đám cưới ở gần Trường THPT Lương Thế Vinh (T.P Thái Nguyên), sân khấu được làm trên khu đất không bằng phẳng. Đúng lúc cô dâu, chú rể bước lên sân khấu, tháp ly đổ ụp xuống, cả hôn trường lặng trong giây lát rồi bỗng rì rầm, ồn ào bàn tán. Trước tình huống này, nếu không phải là người có nghề và bản lĩnh sân khấu chắc chắn bị bối rối. Nhưng ngay lập tức, những câu nói của MC đã đánh bạt được những suy nghĩ không may mắn trong đầu những người chứng kiến. Nét mặt vui tươi, giọng nói hoan hỉ, chị cất tiếng: Kính thưa quý vị, không phải chỉ hôn trường của chúng ta đang hân hoan khi con tim của cô dâu chú rể hòa chung nhịp đập mà đến cả những chiếc ly mà chúng tôi đã xếp ngay ngắn trên tháp rượu cũng đang nhảy xuống sàn tung tăng dưới chân cô dâu chú rể để chúc mừng cho ngày hạnh phúc…
Tiếng vỗ tay không ngớt, quan viên hai họ thực sự bị cuốn vào cách dẫn dắt của MC. Cái cách chị Thủy thuyết phục người khác hãy tin tưởng mình cũng thật đặc biệt, và chính điều đó đã góp phần tạo ra cái riêng cho phong cách của chị. Không trình bày, không khoe về bản thân nhiều, khi đàm phán với gia chủ, chị thường bảo: “Tôi là MC nên chắc chắn là tôi nói phải hay. Vì thế đừng nghe tôi nói, hãy nhìn cách tôi làm. Khi xong việc, nếu thấy tôi làm hay, gia đình hãy trả tiền, còn nếu thực sự thấy dở thì coi đấy là quà mừng đám cưới”.
Nếu như MC Thu Thủy chinh phục người nghe bởi phong cách trẻ trung, tâm hồn nghệ sĩ và khả năng dẫn dắt chuyện và tài ứng khẩu cực nhanh trên sân khấu thì Nguyễn Khánh Huy (thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật Gió Ngàn, T.P Thái Nguyên) lại gây được ấn tượng mạnh mẽ bởi chất giọng chuẩn và giàu ý nghĩa nhân sinh trong từng câu nói. Mặc dù mới đứng trên sân khấu hôn trường được 3 năm, xong chàng trai người gốc Thái Bình đã bước đầu tạo dựng cho mình chỗ đứng nhất định. Không được đào tạo bài bản xong nhờ ham học hỏi, chịu khó đọc sách, báo, xem tivi đã giúp Huy có vốn kiến thức khá phong phú. Đặc biệt, nhờ đam mê đọc sách Khổng Tử nên Huy vận dụng khá hiệu quả những triết lý sâu sắc về tình nghĩa gia đình trong từng câu nói của mình. Thêm một điểm nữa giúp Huy “ghi điểm” với khán giả chính là hiểu biết của anh về văn hóa, nét đặc trưng của các vùng miền. Nếu cô dâu hoặc chú rể là người Hà Giang, Huy sẽ giới thiệu cho quan khách hình ảnh những nóc nhà, từng làn khói bếp chiều hôm với những điệu sáo Mèo vờn quanh lưng núi; nếu là người Tuyên Quang, Huy sẽ giới thiệu về sông Lô với chiến thắng lẫy lừng đã trả lại vẻ đẹp cho dòng sông lịch sử chảy giữa ngút ngàn Việt Bắc; Nếu là Cao Bằng sẽ có giai điệu của Suối Nguồn, có tiếng hát giữa rừng Pác Bó…
Ngoài những yếu tố trên, những MC đắt khách thường đi kèm với giọng hát hay, am hiểu về âm nhạc để “phù phép” hợp lý các tình huống trên sân khấu như lấp chỗ trống hoặc nâng tầm bài hát do khách dự đám cưới tham gia… Nhìn vào mức thu nhập của những MC này khiến nhiều người mơ ước. Ngày nhận được nhiều show, thù lao của họ có thể lên 5 đến 7 triệu đồng, nhưng ít ai thấu hiểu những nhọc nhằn họ đã và đang trải qua để khẳng định chính mình. MC Thu Thủy và Khánh Huy tâm sự: Nhiều hôm chạy mấy đám đến nước còn không kịp uống. Tối về đến nhà toàn thân rã rời, cổ họng bỏng rát. Có khi cả đêm phải nằm trong viện truyền nước. Vừa nằm vừa tư duy xem trong đám cưới ngày mai, mình sẽ giới thiệu như thế nào về cô dâu, chú rể về bố mẹ hai bên…, sáng ra vẫn phải thật rạng ngời trên sân khấu.
“Luôn phải làm mới mình” câu nói này ai cũng có thể nói nhưng để làm được lại không hề đơn giản. Với mật độ xuất hiện dày đặc, đòi hỏi ở các MC sự nỗ lực không ngừng: từ trang phục, đầu tóc, cách trang điểm đến nội dung chương trình mình dẫn dắt…, để không bị lặp lại chính mình. Với MC đám cưới, chỉ dừng lại ở chỗ có “gu” ăn mặc, nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật trình diễn vẫn chưa đủ, họ còn phải biết ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống (kể cả những tình huống xấu do các thực khách quá chén gây ra), để đẹp lòng hai họ và ngày vui đúng nghĩa là ngày hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ cơ sở âm thanh Đức Thịnh từ lâu đã coi việc phục vụ
các đám cưới là niềm vui của mình.
Những người không danh nhưng có phận
Đóng góp không nhỏ vào thành công của hôn lễ, nhưng những “kỹ sư” điều chỉnh âm thanh, ánh sáng không mấy khi xuất hiện, không mấy ai biết mặt họ. Là người góp phần quan trọng kiến tạo nên không khí của buổi lễ nhưng lại luôn đứng ở hậu trường. Làm thế nào để âm thanh thật hay, ánh sáng thật đẹp là công việc của họ.
Ngoài việc phải nắm bắt được các kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng, thành thạo trong việc sửa chữa những sự cố của loa máy, những người kinh doanh dịch vụ âm thanh, ánh sáng còn phải đầu tư số vốn tương đối lớn để mua sắm các thiết bị hành nghề. Theo xu thế, nghề cho thuê loa, đài hiện nay cũng không còn đơn giản như trước. Anh Vũ Duy Bằng, ở tổ 1, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: 10 năm trước khi bắt tay vào nghề tôi chỉ có 1 đôi loa và một chiếc âm ly. Tiền đầu tư chưa đến 10 triệu đồng. Tất cả cho lên xe máy chở đi phục vụ khắp nơi. Khoảng 3 năm gần đây, thị hiếu của khách hàng thay đổi nhiều, họ yêu cầu khắt khe cả về hình thức và chất lượng. Đám cưới bây giờ phải có ít nhất là 3 đôi loa công suất lớn, hình thức đẹp. Trước chỉ cần đầu đĩa để họ hát thì nay nhiều gia đình họ yêu cầu phải có cả cây cảm ứng để chọn bài hát… Đến nay tôi đã phải sắm đến 30 đôi loa các loại, bàn trộn… trị giá trên 300 triệu đồng. Riêng 1 chiếc micro dành cho ca sĩ hát của tôi cũng có giá tới 6,5 triệu đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đức, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cũng đã phải dốc toàn bộ vốn liếng để sắm thiết bị loa, máy và xe ô tô chuyên chở. Trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ bày la liệt loa và các thiết bị liên quan khác. Anh Đức chia sẻ: Hiện nay số loa, máy của tôi còn có giá trị cao hơn cả ngôi nhà tôi đang ở. Làm được đến đâu lại tái đầu tư đến đó, nhưng nếu không đầu tư để theo kịp xu hướng thì mình sẽ bị đào thải ngay. Đơn cử như không có xe ô tô, trong khi đám nào cũng phải 3 đôi loa, hộp đựng micro, bàn trộn, hệ thống đèn, dây điện… nếu phải thuê xe thì sẽ không chủ động được và lời lãi cũng chẳng còn là bao.
Cũng giống như những MC, những “ông chủ” kinh doanh loa, máy đều là những người yêu và say mê với âm thanh. Anh Nguyễn Văn Đức bắt đầu khởi nghiệp sau khoảng thời gian đăm đắm chỉnh sửa, tháo lắp rồi tự nguyện mang đôi loa của nhà ra phục vụ bà con ở nhà văn hóa xóm mỗi dịp hội hè. Còn anh Vũ Duy Bằng thì là do sớm có tài thẩm âm khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Nhưng không phải ngay từ đầu họ đã có được thành công, giống như bao người mới vào nghề khác, do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm bắt được kỹ thuật nên loa của cả hai anh Bằng và Đức bị hỏng, cháy liên tục, có khi mang đến nơi khách hàng yêu cầu nó lại “dở chứng” khiến chủ “khóc dở mếu dở”. Họ vẫn gọi đùa đó là thời “nguyên thủy”. Giờ đây, bên cạnh hệ thống thiết bị chất lượng, các cơ sở kinh doanh cùng dịch vụ còn tìm đến liên kết với nhau, nhờ đó có thể hỗ trợ, bổ sung, tìm kiếm việc làm cho nhau. Nhóm liên kết có thể gồm 2 đến 3 cơ sở hoặc đông hơn. Quan trọng đó phải là những người có chung quan điểm và thiết bị tương đương nhau. Với mỗi đám cưới phục vụ trong 2 ngày, họ nhận được khoản tiền công là 1,5 triệu đồng. Trong đó, chi phí hết từ 400 đến 500 nghìn đồng.
Nhanh nhạy, chính xác, ham hiểu biết là những yếu tố căn bản của những “kỹ sư” âm thanh. Trước mỗi tình huống của buổi lễ khi “tiết tấu” thay đổi yêu cầu họ phải điều chỉnh chính xác và phản ứng nhanh trước yêu cầu đưa ra. Bên cạnh đó, các phương tiện kỹ thuật, máy móc được cải tiến liên tục đòi hỏi người sử dụng phải luôn cập nhật, tìm hiểu để có thể bắt kịp với xu hướng. Nhìn mớ dây diện loằng ngoằng như “ma trận” đấu nối các thiết bị âm thanh và hệ thống đèn chiếu sáng ở các đám cưới có thể thấy, người cho thuê dịch vụ này còn phải có kiến thức về kỹ thuật điện…
Ngân Hoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...