Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:21 (GMT +7)

Những mùa xuân ấm ở vùng cao Ba Họ

VNTN - Điện lưới quốc gia đã về xóm; với tinh thần đoàn kết, đồng tâm, người dân tự góp tiền sửa sang đường đi; tiếp thu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả…, những mùa xuân mới của bà con xóm Ba Họ (xã Yên Ninh, Phú Lương) 100% dân tộc Dao đã và đang khoác lên mình “chiếc áo” của sự đổi thay, no ấm.


Chuyện ở Ba Họ

 

Cái tên Ba Họ nghe chừng cũng thật đặc biệt, là bởi từ năm 1945 khi lên định cư tại vùng đất này, xóm lúc đó chỉ vỏn vẹn 3 hộ, người ở xóm chỉ mang 3 họ gồm: Triệu, Vương, Hoàng. Đường đi được khai khẩn là lối mòn men theo suối. Đến năm 1993, nhờ nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng của Ban Định canh định cư tỉnh Bắc Thái, quãng đường 4km từ quốc lộ 3 vào xóm mới được san ủi, mở rộng. Có đường là một bước tiến lớn, song do địa hình khúc khuỷu, suối dốc nên khi mưa nhiều đoạn bị xói mòn trơ đá hộc, đoạn thì trơn trượt, nếu không quấn xích vào lốp xe thì không tài nào đi nổi. Con đường vốn nổi tiếng khó đi cho đến nay vẫn là trăn trở lớn nhất đối với nhân dân Ba Họ. Chuyện rằng có hôm trời mưa nước suối đổ về dâng cao cắt ngang đường về xóm, người dân đã phải làm “cáng” bằng tre lội nước quá rốn “kênh” xe máy qua suối. Còn chuyện vượt suối khiến xe “gặp nạn”, bình nhớt trắng như nước gạo phải thay mới; phụ nữ chạy xe thiếu kinh nghiệm, tay yếu, về ga về số không nhanh thì xe máy quay ngang ở đường trơn là chuyện thường…

Có điện, công việc xao chè giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều

Nhiều năm trước, cuộc sống của bà con chủ yếu trông chờ vào sản phẩm nông nghiệp như lúa, ngô, đỗ tương và cây chè. Nguồn nước sinh hoạt lấy từ khe núi, sau này “nâng cấp” thành giếng khoan. Nước phục vụ sản xuất phải nhờ trời nên có năm đủ năm thiếu. Nhưng từ ngày điện lưới quốc gia về xóm, những chiếc máy bơm nước cũng theo chân về, chuyện trồng lúa gieo ngô đã chẳng còn phải chắc lép ăn may như trước.

Ba Họ hút mắt chúng tôi bởi màu xanh của đồi rừng. Nơi đây có hơn 400 ha diện tích rừng phòng hộ giao cho dân quản lý. Xóm có Nhà văn hóa được xây từ năm 2002 từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của Chi cục Phát triển Nông thôn; chiếc kẻng treo trên cây ngay sát khu nhà được dóng lên mỗi khi xóm có sự vụ tạo ra một nét “hồn cốt” rất riêng của vùng đất này. Có lẽ may mắn đi vào tiết trời tạnh ráo, tuy là tay lái phải gồng lên mỏi nhừ nhưng con đường không làm khó chúng tôi khủng khiếp như tưởng tượng. Trưởng xóm Hoàng Văn Lý mới ngoài ba mươi, trẻ và tâm huyết, không ngại khó ngại khổ gắn xích vào lốp xe vượt đường trơn những ngày mưa để ra UBND xã tiếp thu, lĩnh hội các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về truyền đạt cho nhân dân, gặp chúng tôi anh cười tươi phân trần ngay, rằng con đường vừa được sửa sang lại cách đây ít ngày, do người dân tự bỏ tiền mỗi hộ 300 nghìn đồng thuê máy móc san ủi lại mới được thế.

Ở Ba Họ, việc chăm lo giáo dục, y tế cũng dần tạo điểm sáng. Không có phân trường tại xóm là một hạn chế, song 100% các cháu nhỏ được đến trường, có nhiều em học lên cấp 3. Trưởng xóm Hoàng Văn Lý cho biết: “trẻ đến lớp phải vượt chặng đường hơn 8km ra gần trung tâm UBND xã, tính ra mỗi ngày cha mẹ đưa đón phải đi lại 4 lượt, hơn 30km. Vất vả đấy, nhưng giờ bà con ai cũng muốn con cái học hành nâng cao dân trí nên không quản ngại. Xóm có y tế thôn bản, việc khám chữa bệnh cũng được quan tâm hơn. Các kỳ tiêm chủng theo định kỳ cho trẻ nhỏ được y tá nắm bắt sát sao, thông báo đến các hộ gia đình để kịp thời đưa con, cháu đi chích ngừa. Những buổi sinh hoạt cộng đồng được duy trì để bà con nắm bắt thông tin từ chính quyền; sự gắn kết, sẻ chia với nhau vì thế mà ngày càng khắng khít”.

“Có điện sướng lắm”

Một điểm thuận lợi mang tính đột phá đối với Ba Họ, là từ tháng 7 năm 2013 xóm đã có điện lưới quốc gia thắp sáng. Giấc mơ sống trong ánh sáng mấy mươi năm của người dân đã thành hiện thực, và nó như một phép màu làm nên những điều kỳ diệu.

 

Gia đình bác Hoàng Thông Minh sau bữa cơm trưa ngồi quây quần xem chương trình truyền hình, ai nấy đều thích thú dẫu chiếc ti vi đời cũ sau một lần chập điện đã méo lệch khung hình. Bác Minh hồ hởi: “Có điện sướng lắm, trẻ nhỏ hứng thú học hành hơn; xem ti vi nắm bắt được tin tức và nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho việc sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Ở phía sau nhà, chị con dâu Lộc Thị Tuyết đang tranh thủ xao chè. Chị Tuyết hào hứng: “nhà mình có hơn 7 sào chè, ngày trước không có điện phải vò và xao bằng tay, mỗi lứa được hơn 1 tạ mà đau lưng mỏi gối, thấy vất lắm. Giờ thì máy chạy bằng điện làm thay hết nên rất khỏe, chỉ việc canh lửa và kiểm tra sản phẩm trong máy xao. Sản phẩm chè làm ra chất lượng hơn, bán được giá hơn trước. Đi làm về muộn có nồi cơm điện, ấm nước siêu tốc, nhoáng cái là có cơm ăn chứ không còn phải lui cui củi lửa, canh chừng cơm sôi… như trước, cuộc sống nhàn nhã, thuận tiện hơn nhiều”.

Có đường giao thông, có điện sáng về thôn xóm, người dân Ba Họ còn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Dân trí ngày càng được nâng cao, các hộ nhanh chóng tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Với 6 ha đất lúa, 4 ha đất chè, một diện tích lớn rừng phòng hộ giao dân quản lý, hàng năm bà con được khai thác tỉa và trồng mới, nhiều hộ còn có đất đồi rừng nhờ khai hoang từ xưa, chính vì vậy mà Ba Họ có tiềm năng và thế mạnh lớn từ rừng. Nhờ có vốn vay, có đất để phát triển kinh tế đồi rừng, gần mười năm nay cuộc sống của đại đa số các hộ gia đình trong xóm đã từng ngày thay da đổi thịt. Nhiều hộ vừa kết hợp phát triển kinh tế đồi rừng vừa đầu tư chăn nuôi đã có dư vài chục triệu đồng mỗi năm, đời sống dần khấm khá.

Trong ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang của gia đình anh Hoàng Xuân Hàm, tiếng đàn lợn cả chục con ầm ĩ đòi ăn như phá vỡ không gian im ắng vốn có của núi rừng. Có 4 sào chè, gần một mẫu diện tích đất trồng lúa và ngô nên chủ động nguồn lương thực chăn nuôi, cộng thêm nguồn thu từ sản phẩm chè, mỗi năm gia đình anh để dư được vài chục triệu đồng. Vừa chăm lo kinh tế đồi rừng vừa mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, cao điểm có lúc trong chuồng gần 20 con, mỗi năm từ một đến hai lứa, mỗi lứa trừ chi phí anh thu về từ 3 đến 7 triệu đồng. Năm 2013, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 40 triệu đồng, anh Hàm mua thêm một con trâu và hai lợn nái sinh sản. Chủ động được nguồn giống lợn, anh duy trì, đẩy mạnh chăn nuôi; trâu sinh sản sau vài năm nuôi dưỡng cũng bán được vài ba chục triệu. Được giao quản lý rừng phòng hộ hơn mười năm nay, cùng với diện tích đồi rừng của gia đình, anh Hàm trồng keo, năm 2015 đến tuổi khai thác đã thu về cả trăm triệu. Ở vùng này mà xây được nhà với kinh phí gần 800 triệu chỉ bằng việc tích cóp từ chăn nuôi, từ cây rừng thì cũng thật đáng nể. Cuộc sống với tiện nghi đầy đủ trong nhà, giữa không khí rừng núi bạt ngàn trong lành, gia đình anh Hàm đã nêu một tấm gương sáng, có một đời sống là mơ ước của nhiều người.

Căn nhà của gia đình anh Hoàng Xuân Hàm được xây dựng nhờ

phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi

Với 31 hộ dân, 128 nhân khẩu, cách đây 5 năm tỉ lệ hộ nghèo ở Ba Họ giảm được 50% thì nay con số đó là 88%. Niềm vui đón năm mới trong ánh điện sáng trưng, những bữa ăn ngày càng chất lượng hơn, niềm mong mỏi của bà con cũng đầy tin tưởng, tha thiết về một con đường bằng phẳng được làm từ bê tông hay đổ nhựa trong nay mai. Rừng là tiềm năng, là thế mạnh giúp người dân thoát nghèo, nhưng họ mong sao một số diện tích rừng phòng hộ có thể được cấp trên xem xét chuyển đổi thành rừng sản xuất, có như vậy thì sự phát triển đối với người Ba Họ mới thật sự bền vững.

Nói về những mong ước trước thềm xuân mới của bà con xóm Ba Họ, ông Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: “Hiện tại đường giao thông còn khó khăn vẫn là nỗi trăn trở lớn nhất. Chúng tôi xác định với tiềm năng đất lâm nghiệp, sẽ hướng dẫn bà con trồng và giữ rừng. UBND xã đã có văn bản đề nghị lên cấp huyện để truyền đạt nguyện vọng sát thực của nhân dân lên cấp trên xin chuyển đổi một số diện tích đất rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, giúp bà con phát triển ổn định, lâu dài. Hỗ trợ xóm làm đường đi cũng là vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền xã Yên Ninh mong muốn được các cấp ngành giúp sức, thực hiện trong thời gian tới”.

Những mùa xuân mới với những đổi thay mới và những ước vọng chính đáng, tin tưởng rằng sự ấm no sung túc đã và đang được tạo dựng ở Ba Họ hôm nay rồi sẽ đưa vùng đất này vươn mình mạnh mẽ hơn vào ngày mai.

 

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước