Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:44 (GMT +7)

Những mảnh đời cần lắm tình thương

VNTN - Phải đi mất mấy cây số đường làng quanh co, uốn lượn mặt đường dù được trải bê tông nhưng nhiều chỗ đã nát tươm, gồ ghề, chúng tôi mới tới được nhà ông Trần Văn Tâm (60 tuổi) xóm Cầu Dài, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên. Nằm lọt giữa căn nhà cấp 4 cũ kĩ của gia đình với chuồng nuôi trâu, gà là gian phòng xây gạch mộc, không chát, rộng chừng 7 - 8m2. Cả căn phòng chỉ có độc một chiếc giường đơn ọp ẹp, trên trải chiếc mành còn hằn nguyên vết ố vàng của nước tiểu lâu ngày. Giữa phòng, anh Trần Văn Sự, con trai cả ông Tâm, đã 41 tuổi mà nặng có 20kg, người gày gò bé như một đứa trẻ con suy dinh dưỡng, cứ rên ư ử trong cuống họng rồi thỉnh thoảng lại kêu rú lên. Anh không mặc quần, co quắp ngồi dưới nền đất lạnh cùng những vũng nước tiểu lênh láng. Chốc nữa, ông bà Tâm sẽ bế con lên giường, dong vòi nước vào xịt rửa nền phòng. Nước thải bẩn được dồn chảy qua cái đường rãnh thoát nước ngay trong gian phòng… Không khí trong phòng vô cùng nặng mùi khiến tôi không thở được. Đã vậy, lại còn thêm ruồi, muỗi từ chuồng gà bay sang “góp vui”. Tôi rùng mình khi nghĩ đến cảnh một con người phải sống trong môi trường này. Thế nhưng, có muốn bế Sự ra ngoài, anh cũng không chịu, chân tay co quắp cứ cố ghìm mình xuống nền đất bẩn.

Vợ chồng ông bà Tâm kết hôn sớm,19 tuổi sinh đứa con đầu lòng. Những tưởng có được một bé trai bụ bẫm đáng yêu thì tai họa ập xuống khi Sự mới 3 tháng tuổi. “Ngày nào, con cũng lên cơn sài giật đến tím đen cả người. Nhiều lúc tưởng con đã chết, nhưng rồi con lại tỉnh, cơ thể hồi lại dần. Đưa con đi viện, bác sĩ bảo bị não, sống sẽ có di chứng, chẳng chạy chữa được đành đem con về nuôi, sống được ngày nào hay ngày đấy.” - Bà Trần Thị Phức (mẹ anh Sự) nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian con phát bệnh. Sau những cơn sài giật “chết đi sống lại” ấy, chân tay Sự bị liệt rồi teo dần, mất khả năng đi lại, cầm nắm, chỉ co quắp ngồi yên một chỗ. Sự cũng không nói được chỉ ú ớ kêu rên suốt. Ngày ba bữa ăn, bố mẹ phải bón, tắm giặt cũng phụ thuộc cả vào bố mẹ. Sự còn có 3 người em trai nữa, đều lấy vợ có gia đình riêng cả. Nhưng điều kiện kinh tế các em ai cũng khó khăn nên chẳng giúp gì nhiều được cho anh. Tất cả, Sự chỉ có thể phụ thuộc vào tình thương của bố mẹ.

Anh Trần Văn Sự co quắp ngồi dưới nền đất lạnh.

“Mặc quần áo con cứ cắn nát hết. Ngày xưa giường trải chiếu, con cũng gặm nham nhở cả. Đi vệ sinh thấy cả vải rách lẫn cuống chiếu! Giờ phải trải mành, con nằm lạnh nhưng mành còn cứng con không cắn được!” - Bà Phức vừa kể, vừa cố gắng bế con lên giường nhưng Sự vẫn không chịu. Dường như anh quen với cái nền đất bẩn, lạnh buốt giống như bố mẹ anh đã quen với nỗi đau bệnh tật của con. Đã 41 năm nay, bố mẹ anh phải cắn răng chịu đựng nỗi vất vả đằng đẵng cả về thể xác lẫn tinh thần để chăm sóc anh. Ba mươi mấy năm, ông bà Tâm không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ nhà nước, cứ lặng lẽ chăm sóc con, không một lời kêu than. Khoảng 5 - 6 năm gần đây, Sự mới được hưởng chế độ trợ cấp xã hội cho người khuyết tật trường hợp đặc biệt nặng, hàng tháng cộng cả tiền người chăm sóc là 540 ngàn đồng. Số tiền không nhiều nhưng cũng là niềm an ủi, động viên với bố mẹ Sự. Dù trong suốt buổi nói chuyện, không một giọt nước mắt yếu đuối nào rơi ra, nhưng trong sâu thẳm đôi mắt buồn rười rượi của ông bà Tâm là một nỗi âu lo: chẳng biết bản thân còn đủ sức để chăm sóc con được bao lâu nữa.

***

Cách nhà ông bà Tâm không xa là nhà chị Dương Thị Lan (41 tuổi) ở xóm Đanh. Trong căn buồng nhỏ được ngăn với phòng khách bởi một chiếc tủ đựng quần áo, Lê Văn Dương (20 tuổi), con trai cả chị Lan đang nằm ngoặt nghẹo trên giường, chân tay co quắp, hai tay nắm chặt hai mẩu nhựa làm đồ chơi của riêng mình. Cái cổ ngoẹo sang một bên, đôi mắt dán chặt vào chiếc tivi cũ - người bạn duy nhất chịu “nói chuyện” với Dương. Thấy người lạ đến chơi, Dương cười rất tươi. Chị Lan bảo: “Cháu thích nghe nói chuyện lắm. Những lúc mẹ đi làm, em đi học, nhà chẳng có ai cứ phải mở tivi cho cháu xem, như là có người đang nói chuyện mới được.”.

Lúc Dương 3 - 4 tháng tuổi, cái cổ yếu, cứ lỏng lẻo như muốn gãy. Vợ chồng chị Lan đưa con đi khám, bác sĩ kết luận Dương mắc bệnh bại não. Rồi dần, cơ thể Dương bị bại liệt hoàn toàn, chân tay co quắp, không nói được, cũng không ngồi được, lúc nào cũng chỉ trong tư thế nằm ngửa và xoay tròn. Thương con, hai vợ chồng chị Lan cố gắng vay mượn, đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Chưa trả được hết tiền vay chữa bệnh cho con, thì lại đến lượt bố Dương, anh Lê Văn Đại mắc bệnh ung thư phải ra vào viện điều trị suốt. Hai vợ chồng phải chạy vạy vừa vay ngân hàng vừa vay người ngoài, số tiền nợ nần lên đến mấy trăm triệu để lo chữa bệnh cho anh Đại và Dương. Nỗi đau lại một lần nữa giáng xuống gia đình chị Lan, khi tháng 10/2012 anh Đại mất, để lại toàn bộ gánh nặng con cái cùng những khoản nợ nần lên đôi vai vợ.

Em Lê Văn Dương đang vui khi có người đến chơi.

Người đàn bà sức vóc bé nhỏ, gày guộc, ốm yếu nhưng chẳng từ nan một công việc gì để kiếm tiền trang trải nợ nần, chăm đứa con bệnh tật và nuôi cậu con trai út ăn học. Chị Lan làm ruộng, lúc nông nhàn thì đi phụ vữa. Làm công nhân thì chọn ca đêm để ngày còn tranh thủ việc đồng áng và cốt là có thời gian săn sóc cho con. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu hằn rõ nỗi nhọc nhằn, vất vả, chị Lan trông già hơn nhiều so với cái tuổi 41 của mình. Chị tâm sự: “Cháu hay hờn dỗi lắm. Trái ý cháu là cháu giãy giụa, đập tay đập chân rồi gầm lên, hờn không chịu ăn cơm. Những hôm trời mưa, nhà dột, nước rơi vào người khó chịu, cháu cứ đánh với cấu mẹ suốt. Đến mùa nóng, mái prôximăng hấp hơi xuống, trong nhà nóng như ngoài trời, chân tay hở chỗ nào thì cháy rát chỗ đấy. Mình khổ mấy thì cũng chịu được, chỉ thương con thôi, nhưng biết lấy đâu ra tiền mà sửa nhà, bao nhiêu khoản nợ còn chưa trả hết!”. Căn nhà mẹ con chị Lan đang ở tường trát vôi bong tróc từng mảng; mái lợp prôximăng thủng lỗ chỗ; cửa gỗ mục nát, nham nhở.

Dương cũng thuộc trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng và được hưởng chế độ trợ cấp xã hội giống như anh Sự là 540 ngàn đồng mỗi tháng. Dương khác anh Sự ở chỗ em nhận thức được. Dù không đi lại được như người bình thường, thậm chí cũng không thể ngồi được trên xe lăn vì cổ em quá yếu nhưng Dương vẫn có thể di chuyển bằng cách xoay tròn, dịch chuyển người dần dần. Trong đôi mắt Dương luôn ánh lên niềm khao khát được gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người nhưng em chỉ có thể xoay tròn trong bốn bức tường và làm bạn với chiếc ti vi.

***

Bịn rịn mãi mới chia tay được với Dương bởi nụ cười tươi và ánh mắt không muốn rời của em, chúng tôi tiếp tục đến thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên. Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo nhiều lối rẽ, nhưng hỏi đến bé Hoàng Thanh Trà, 3 tuổi bị bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh thì hầu như ai cũng biết, cũng tận tình chỉ đường cho chúng tôi. Không ít người chép miệng: “Khổ thân con bé, quanh năm suốt tháng chịu đau đớn. Bố nó lại mới phẫu thuật thay khớp háng. Đã khó lại càng khó hơn!”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm được nhà anh Hoàng Văn Tuyến (31 tuổi) - bố của bé Thanh Trà. Ở nhà, chỉ có mỗi hai bố con đang dỗ dành nhau. Bé Thanh Trà nằm trên vai bố cứ quấy khóc suốt vì đau. Suốt gần 3 năm qua, bé ngày nào cũng phải chịu những cơn đau thấu xương từ những nốt phồng rộp, rỉ máu, chảy mủ ở khắp người. Cứ nốt này vừa se miệng lại đến nốt khác mọc lên. Toàn thân bé là từng mảng da bong tróc, đỏ tấy và đầy sẹo. Những vết phồng bọng nước còn mọc cả trong miệng, trong lưỡi khiến bé Thanh Trà nhai nuốt khó khăn, chỉ uống được sữa với nước. Chưa hết, đôi mắt của bé, cứ mỗi tháng lại bị đau bốn lần. Mỗi lần đau, hai mắt kéo một lớp màng kín bưng khiến bé không thể mở mắt được, cứ gục đầu lên vai ba mẹ, khóc ngặt nghẽo. Anh Tuyến vừa dỗ con vừa chỉ vào một bên chân của bé phải quấn băng kín, bảo: “Vừa đẻ ra, một bên chân của cháu đã bị lột da đỏ hỏn, đến giờ vẫn phải băng bó suốt. Lớp da chân ấy mỏng dính, chỉ cần động phải là trầy truột, chảy máu.”

Toàn thân bé Hoàng Thanh Trà da bong tróc, bị những nốt phồng rộp, rỉ máu, chảy mủ.

Căn bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh của bé chưa có thuốc gì chữa dứt điểm được mà phải điều trị cả đời. Bé phải tái khám thường xuyên bởi nguy cơ nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa luôn chực chờ bé. Hai vợ chồng anh Tuyến phải vay mượn khắp nơi lo tiền chạy chữa cho con. Nhưng tai họa tiếp tục ập đến khi tháng 5/2016 anh Tuyến bị hoại tử khớp háng, mất khả năng lao động, gia đình lại phải vay mượn 40 triệu đồng làm phẫu thuật. Dù được chữa chạy nhưng anh Tuyến không thể đi làm như trước được. Cái khớp háng đã được thay mới nhưng cứ trái nắng trở trời là lại đau. Giờ đây, mọi gánh nặng viện phí, thuốc men, nợ nần dồn cả lên vai vợ anh, chị Dương Thị Hương (27 tuổi). Với số tiền ít ỏi từ việc làm thuê của chị Hương chẳng đủ để lo bữa ăn cho gia đình và trang trải chuyện nợ nần nên tiền thuốc men, viện phí đầy đủ cho con thực quá sức với chị.

***

Chúng tôi ra về khi trời bắt đầu sẩm tối. Những ngôi nhà lụp xụp, tềnh toàng chẳng mấy chốc đã lùi xa, dần hiện trước mắt chúng tôi là phố xá nhộn nhịp, lung linh ánh đèn của thị xã Phổ Yên. Ba câu chuyện về ba hoàn cảnh chúng tôi vừa gặp như mảng màu u ám phết lên bức tranh rực rỡ trước mắt. Trời bỗng rắc mưa phùn - thứ mưa dịu êm của mùa xuân. Chúng tôi thấy lòng mình chùng xuống, tự hỏi: “Liệu mùa xuân ấm áp có đến được với cuộc đời họ không?”.

Chúng tôi chia sẻ những hoàn cảnh đáng thương trên, rất mong nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái. Mọi sự giúp đỡ có thể liên lạc trực tiếp tới từng hoàn cảnh qua các địa chỉ sau:

1. Ủng hộ anh Trần Văn Sự qua địa chỉ: Ông Trần Văn Tâm, xóm Cầu Dài, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. SĐT: 01656 814 946.

2. Ủng hộ em Lê Văn Dương qua địa chỉ: Chị Dương Thị Lan, xóm Đanh, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. SĐT: 01635 183 763.

3. Ủng hộ bé Hoàng Thanh Trà qua địa chỉ: Anh Hoàng Văn Tuyến, thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. SĐT: 01678 005 688. 

 

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước