Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:20 (GMT +7)

Những “liệt sĩ” trở về

VNTN - “Hôm nay, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5 Đông Nam Bộ tổ chức gặp mặt “ma” - tin nhắn của Trưởng ban Ngô Hồng Mưu khiến tôi thực sự tò mò, liền tức tốc đi đến điểm hẹn. “Ba con ma” là cách gọi vui mà những người đồng đội dành cho 3 người đàn ông đều ở tuổi lục, thất, bát tuần đã một thời vào sinh ra tử. Cầm trên tay Giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công của các Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Anh Tuấn (SN 1940), Trần Duy Minh (SN 1947) và Nguyễn Văn Bổ (1937), ông Ngô Hồng Mưu hóm hỉnh giải thích: Các ông ấy đều có giấy báo tử từ hơn 40 năm trước, chẳng “ma” thì là gì nhà báo nhỉ? Lúc này tôi mới vỡ lẽ, trước mặt tôi là 3 người anh hùng may mắn trở về từ chiến trường khốc liệt sau khi bản thân mỗi người đã có tên trên mộ. 


Nơi chiến trường khốc liệt

Ngôi nhà 3 gian đơn sơ, sân lát gạch đỏ nằm lùi sâu sau 2 cái ao to và cây đa cổ thụ tại xóm Chiềng, xã Đắc Sơn là nơi sinh sống của gia đình cựu chiến binh Trần Duy Minh. Nhìn dáng người nhỏ bé, ước chừng chỉ khoảng hơn 40kg của ông, tôi trộm nghĩ, không biết năm xưa sức mạnh nào giúp ông chống chọi lại được đòn roi tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1971, đang là sinh viên sư phạm, gác bút nghiên chàng trai trẻ Trần Duy Minh lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên toàn quốc. Sau một tháng rưỡi huấn luyện, cuối năm 1971, ông cùng đồng đội hành quân vào mặt trận Kon Tum. Tháng 2-1972, đơn vị ông nhận lệnh đánh chốt gần sông Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Đây là chốt giặc lập ra nhằm chặn đường chi viện vào miền Nam của quân ta. 3 giờ sáng đơn vị của ông làm chủ hoàn toàn thế trận. Ông cùng 5 đồng đội (thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66) được cử ở lại giữ chốt. Bị chiếm mất một cứ điểm quan trọng, địch điên cuồng dội bom nhằm hủy trận địa. Bom giặc rải rền suốt 8 tiềng đồng hồ, đến một cây cỏ cũng không còn nguyên vẹn. Sau đó chúng quay trở lại và phát hiện ông Minh bị bom vùi lấp. Kiểm tra người còn ấm, chúng liền đưa ông lên máy bay mang đi. Khói bom tạm tan, đồng đội đau xót lượm xương, thịt còn sót lại trên trận địa chia đều làm 6 phần mộ chôn gần bờ sông Sa Thầy.

Còn ông Minh, sau hơn 1 tháng điều trị và bị giặc thẩm vấn nhưng không khai thác được thông tin gì, địch đưa ông đến giam tại nhà tù Phú Quốc. Tại “địa ngục trần gian” này, ông đã phải trải qua và chứng kiến những trò tra tấn man rợ: Từ bị trói bằng dây thép gai trong chuồng cọp, đóng tay vào bàn đinh, đến rút móng tay. Bộ đội ta đấu tranh tuyệt thực cao điểm có khi đến 15 ngày. Lính Mỹ, ngụy nham hiểm tháo hết nước ngọt đi vì biết tù binh có thể chịu đói nhưng khát thì không thể. Khát quá sẽ phải quy hàng chúng... Bằng sự mưu trí, ông cùng một số người nghĩ ra một cách để không bị chết vì khát. Đó là lấy nước mắm đun cho cạn lại thành bột, tuýp kem đánh răng bóp bỏ hết ruột thay vào đó là nước mắm sau khi đun. Khi nào khát nước sẽ nhấm một chút “kem đánh răng” là sẽ qua cơn khát.

Về phần đơn vị, sau 6 tháng kể từ ngày tưởng ông Minh mãi mãi nằm lại bên dòng sông Sa Thầy, đơn vị làm giấy báo tử gửi về địa phương. Thời điểm ông “hy sinh” được xác định là ngày 14-2-1972.

Nhận giấy báo tử con, mẹ ông khuỵu ngã. Gọi tên con đến khi không thành tiếng. Chỉ cần nhìn lên ban thờ con là bà lại bất tỉnh. Chính quyền địa phương tổ chức lễ truy điệu trọng thể, khắc ghi công lao người con của quê hương. Kể lại chuyện năm xưa, trong đôi mắt đã đục mờ màu thời gian của ông Minh dường như còn hiển hiện nỗi đau của mẹ, sự chịu đựng của cha. Ông bảo: Bấy giờ tài sản lớn nhất của gia đình tôi chỉ có chiếc xe đạp. Ông cụ cũng đem bán để lấy tiền mua đồ lễ làm ma cho con.

Có giấy báo tử cùng ngày với ông Minh là ông Đỗ Anh Tuấn, người em họ cùng ở xã Đắc Sơn nhưng mỗi nhà một bên bờ sông Công. Theo bậc cao niên trong làng kể lại thì vào ngày chính quyền tổ chức lễ truy điệu cho 2 ông, bà Sáu là y tá của xã phải chạy đi chạy lại hàng chục lượt giữa 2 bờ sông, bởi mẹ và vợ ông Tuấn vừa kịp tỉnh thì mẹ ông Minh lại ngất. Trong họ, tiếng là em nhưng ông Tuấn hơn ông Minh 7 tuổi. Khi nhập ngũ năm 1968, ông đang là công nhân Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân Hà Nội. Ông được biên chế tại Sư đoàn 5, Quân khu 7. Sẵn có kỹ thuật sửa chữa máy móc, ông Tuấn được điều về đơn vị quân giới của Trung đoàn 2, thuộc Sư đoàn 5 Đông Nam Bộ. Trận đánh mà ông trở thành “liệt sĩ” là vào đầu mùa khô năm 1969, Trung đoàn 2 được lệnh đánh tập kích tiêu hao sinh lực địch vào khu vực đường 20, chi khu La Ngà - Định Quán (Đồng Nai). Ông Tuấn khi ấy là hạ sĩ, Trạm trưởng Trạm quân giới (E174), có nhiệm vụ sửa chữa và tiếp vũ khí, đạn dược cho bộ đội trực tiếp chiến đấu. Trận chiến kết thúc chớp nhoáng, các bộ phận đang rút lui thì đột ngột bị máy may B52 và pháo bầy (kéo rền như dàn nhạc) của địch phản kích. Là người chuẩn bị rút sau cùng, thì hầm nơi ông Tuấn trú ẩn bị trúng bom. Trong lúc bom đạn mịt mù, không ai trong đơn vị biết để ứng cứu. Một mình ông Tuấn vật lộn với khối đất đá đồ sộ, trong khoảng không gian chật hẹp và với chút không khí ít ỏi dưới hầm. Khi cố gắng thoát được ra ngoài thì đơn vị đã rút đi hết, ông Tuấn cắt rừng, cứ nhằm hướng Tây mà đi để về khu vực biên giới Campuchia - nơi đó có căn cứ của Trung đoàn. Gần 1 tháng đi trong rừng, ngày tìm cách tránh bom rơi, đạn lạc, tối tìm hầm nấp để tránh bị thú rừng ăn thịt. Suốt thời gian đó, ông chỉ biết ăn lá rừng, uống nước suối cầm hơi.

Các CCB cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường (từ trái qua phải lần lượt là các ông,

Trần Duy Minh, Nguyễn Văn Bổ và Đỗ Anh Tuấn  

Kể đến đây, gương mặt ông giãn ra, giọng nói đầy phấn khích: May mà trước khi hành quân, bộ đội chúng tôi đã được dạy những loại cây rừng nào ăn được, loại nào phải tuyệt đối tránh nên mới tồn tại được một mình như thế. Vừa may khi sức đã cùng, lực đã kiệt cũng là lúc ông về tới Trạm quân giới ở sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Tới nơi mới biết đơn vị đã di chuyển đi hơn 1 tuần. Không thể theo kịp đồng đội, ông Tuấn được phân công ở lại coi giữ kho gạo trong một thời gian dài. Trung đoàn 2 sau khi mất liên lạc với ông đã quyết định làm giấy báo tử ông và thông báo về cho gia đình.

Cùng Sư đoàn 5 với ông Nguyễn Anh Tuấn, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bổ có mặt tại chiến trường miền Đông Nam Bộ sớm hơn, từ cuối năm 1968. Trên đường hành quân, do kiệt sức ông được gửi lại bệnh xá của Sư đoàn. Bấy giờ bệnh xá có 120 bệnh nhân, bàn ghế không có, ăn cơm phải rải lá ngồi là chính. Trong thời gian trị bệnh, ông tranh thủ lấy cây mây rừng về đan được thành hơn 20 cái bàn ăn. Chỉ bằng một cái cưa và đục, ông dựng được một ngôi nhà xà gồ cho bệnh xá làm nơi để thuốc. Ai cần gì ông cũng nhiệt tình giúp đỡ. Lúc này, bệnh xá cần những người như ông nên đã giữ lại làm cán bộ và kết nạp Đảng tại đây. Ngày 6-12-1969, khi đang cùng mọi người lợp lại mái nhà của bệnh xá thì máy bay địch ào tới dội bom. Người chết, người bị thương, riêng ông bị sức ép của bom văng đi bất tỉnh. Tháng 5-1972 giấy báo tử về đến gia đình, trong đó ghi ông Bổ đã hy sinh ngày 6-12-1969.

Tang lễ của ông cũng có nhiều chuyện lạ. Đúng lúc chính quyền địa phương tổ chức truy điệu ông thì một người bạn cùng chiến đấu ở miền Nam tìm đến nhà chơi và khẳng định rằng, năm 1972 trước khi ra Bắc còn gặp ông Bổ rất khỏe mạnh nên không thể có chuyện hy sinh năm 1969 được. Cùng thời gian đó, gia đình nhận được thư ông từ chiến trận. Trong thư ông căn dặn vợ bán bò lấy tiền mua xe đạp cho con trai lớn đi học, mua con trâu cái cho nó sinh sản; dặn mọi người ở nhà làm thêm gian buồng mới vì trước khi đi ông mới chỉ kịp xây được 3 gian nhà. Ông còn nhắc vợ chặt cây bạch đàn trồng cạnh giếng đề phòng gió to sẽ đổ vào nhà. Thế là người thân của ông vừa cười vừa khóc. Vui vì tin rằng ông không hy sinh như giấy báo tử, nhưng khóc vì ai cũng biết sự khốc liệt của chiến trường, phút trước có thể vừa cười nói, phút sau đã trở thành người thiên cổ. Lễ truy điệu vẫn diễn ra.

Nước mắt ngày trở về

Chuyện ở quê nhà, vợ ông Tuấn là bà Lại Thị Nga sau khi chồng ra mặt trận đã ngày đêm tần tảo lao động sản xuất, chăm sóc con nhỏ và phụng dưỡng mẹ già để xây dựng hậu phương vững chắc. Tin sét đánh đến với bà vào một chiều hè năm 1972 (hơn 2 năm sau khi đơn vị làm giấy báo tử). Bà Nga kể: Tôi nhận được giấy báo mà như rụng rời cả chân tay, ôm chặt đứa con gái trong lòng khóc không thành tiếng. Dẫu biết chiến tranh, đã ra chiến trường là không hẹn ngày trở lại nhưng tin chồng hy sinh chẳng khác nào có người cầm dao đâm thẳng vào tim. Mẹ chồng tôi ngã khuỵu, mấy ngày liền không ăn uống được gì. Chính quyền địa phương đã tổ chức truy điệu trọng thể, bà con lối xóm cũng hết lòng động viên, giúp đỡ gia đình. Đặt tấm ảnh và tờ giấy báo tử lên ban thờ của chồng, tôi tự hứa với bản thân phải mạnh mẽ hơn trước, để thay ông ấy làm trụ cột trong gia đình. Quyết tâm là vậy, nhưng những cơ cực trong cuộc sống mà người đàn bà góa bụa trẻ phải chịu chẳng thể diễn đạt được bằng lời. Các biến cố cứ thay nhau ập đến. Nhưng rồi bao tủi hờn dường như tan biến, một năm sau ngày làm tang lễ cho chồng, có người từ chiến trường trở về báo tin cho bà Nga rằng ông vẫn còn sống và đã tìm được đơn vị. Cả gia đình vui mừng khấp khởi, nhưng vẫn chưa dám tin đó là sự thật. Chỉ đến khi ông Tuấn biên thư về, kèm theo đó là đồng bạc chính tay bà đưa cho ông đã mang theo khi lên đường vào Nam thì mọi người mới vỡ òa lên sung sướng. Trong thư gửi lại chiến trường, bà báo cho ông biết gia đình vẫn khỏe mạnh, con gái đã chuẩn bị vào lớp 1, căn nhà chính và bếp đã được xây lại cho chắc chắn...

Đón cuốn sổ nhật ký ông Tuấn cất giữ cẩn thận đã hơn 40 năm qua trong đó có chép lại từng lá thư người thân gửi vào. Những lá thư chất chứa đầy thương yêu, nhung nhớ của người vợ trẻ đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho ông yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đọc những dòng tâm tư của ông, tôi càng cảm thấy tự hào vì được làm công dân của một đất nước có nhiều thế hệ anh hùng, được là hậu sinh của lớp cha anh đã sống và chiến đấu hết mình với lý tưởng cao đẹp. Dù thương vợ, nhớ con, xót xa nghĩ cảnh mẹ già ngỡ con mình đã chết, mòn mỏi thắp hương cho con mỗi sớm mai thức dậy, vò võ trông con mỗi lúc chiều tà nhưng tình yêu đất nước, nỗi khát khao độc lập của cả dân tộc vẫn bao trùm lên tất thảy. Trong nhật ký của mình ông viết: “Cái hạnh phúc chung đã vực được hạnh phúc riêng tư đi tới một chân trời tươi sáng. Hòa bình đã có nhưng hòa bình chưa được củng cố. Mỹ đã cút nhưng ngụy chưa nhào, đất nước chưa thực sự thanh bình, ngày sum họp gia đình như mỗi cuối thư em mong đợi chưa thể thành sự thực nhưng chân trời đã rạng sáng, những tăm tối nhất đã lùi dần, ngày ấy chắc cũng không còn xa lắm. Nước nhà thống nhất thì niềm vui của gia đình ta mới trọn. Nhất định anh sẽ về. Chờ anh về em nhé!”. Sau ngày thống nhất, ông Vũ Anh Tuấn trở về trong niềm vui khôn tả của gia đình và bà con lối xóm. Nước mắt ngày sum họp chẳng gì đong đếm được. Nhưng rồi thử thách một lần nữa lại đến với hai vợ chồng ông. Năm 1976, vợ chồng ông sinh được một cô con gái. Sinh con ra lành lặn nhưng nuôi 17 tháng ròng mà con không hề phát triển, cứ bé cỏn con. Nhắc đến con, mắt ông rơi lệ: “Ngày đấy nào tôi có biết là cháu bị da cam, da quýt gì đâu, cứ cắn dứt là tại sao đẻ con ra mà không nuôi được con thành người. 17 tháng, cháu ăn hết 75kg đường rồi mất”. Nhìn ông, tôi tự hỏi mình: Liệu có nỗi đau nào tê tái và âm ỉ lâu hơn nỗi đau mang tên chất độc da cam mà những cựu chiến binh và người thân của họ đang phải gánh chịu?

Hạnh phúc ngày trở về của 2 cựu chiến binh Trần Duy Minh và Nguyễn Văn Bổ cũng là vỡ òa trong nước mắt và những vòng tay yêu thương như không thể tách rời. Ông Bổ trở về nhà khi trời vừa sáng. Mẹ ông đánh rơi con dao đang thái khoai ôm ghì lấy ông mà khóc. Cứ thế ông không rời khỏi vòng tay yêu thương của mẹ, của vợ và những người thân trong gia đình. Nhưng khó khăn lại một lần nữa đến thử thách bản lĩnh người lính. Việc một người đã được làm lễ truy điệu đột nhiên trở về ông lọt vào “tầm ngắm” và sự nghi kỵ của một số người. Tôi tò mò: ông đã nghĩ gì khi đó, thì ông bảo: Còn sống mà trở về, lại còn nguyên cả mắt, mũi, chân, tay là đã quá đủ rồi. Với lại trong chiến trường, chết còn chả sợ thì hà cớ gì phải sợ sự hiểu lầm. Lòng trung thành với Tổ quốc, không thẹn với đồng đội của tôi sẽ không vì sự nghi kỵ đó mà thay đổi.

May mắn hơn ông Bổ, ông Minh được giải oan rằng mình không phải là người quy hàng giặc ngay sau khi được xác định ông chỉ trùng tên với đối tượng có lý lịch không trong sạch. Nhưng oái oăm thay, về nhà ông bắt đầu lên cơn sốt rét. Ông nhớ lại: tôi được ra Bắc sớm hơn 1 tháng nhưng do sức khỏe yếu, đơn vị yêu cầu bắt buộc đi an dưỡng chứ không được về nhà ngay. Hôm đó tôi về đến nhà là 2 giờ sáng. Đến đầu ao, tôi phải ho đằng hắng mấy tiếng, đánh động vậy để xem thầy, u tôi có ra không. Điều tôi sợ nhất khi trở về là không biết thầy u tôi còn sống hay đã mất. Tôi đứng một lúc thì thấy u tôi đi ra, rồi thầy ra sau đó. Tôi chạy ào vào ôm lấy mà khóc. Đêm đó, trong nhà còn có ông thầy lang đến cắt thuốc cho thầy tôi. Ông cũng chạy ra rồi kêu lên rằng: Ông trời ơi, hôm nay coi như ông bà ấy đẻ thêm được một thằng con trai. Vừa đẻ ra nó đã to lớn như này. Nói xong ông ấy rút ra cho tôi 10 đồng mà sau này tôi vẫn giữ làm kỷ niệm.

“Liệt sĩ” và các đại diện Ban liên lạc thường xuyên gặp gỡ để động viên và kịp thời giúp nhau trong cuộc sống (bữa trưa ấm áp nghĩa tình đồng đội tại nhà CCB Trần Duy Minh) 

Và cứ như thế, các ông đã lần lượt vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác mà không hề kêu than, oán trách số phận nhiều lúc quá nghiệt ngã của mình. Để rồi cảm động hơn, giờ đây khi mỗi người mắt đã mờ, chân đã chậm, kinh tế chẳng phải dư giả gì nhưng chỉ cần biết đồng đội không may hoạn nạn tìm đến nhau để chia sẻ, đỡ đần. Xúc động, tự hào là điều mà tôi cảm thấy trong nhiều buổi gặp gỡ và nghe chuyện kể về các ông. Nhưng cũng còn có điều khiến tôi day dứt. Trước khi chia tay, CCB Trần Duy Minh đã nắm tay tôi thật chặt và giãi bày rằng: Cuộc sống của bác hôm nay tuy vẫn còn rất khó khăn, nhưng bác không cho đấy là khổ. Bác biết mình còn may mắn hơn những đồng đội khác rất nhiều. Như những người bạn tù cùng thời của bác đã về với tiên tổ gần hết rồi cháu ạ. Ước nguyện lớn lao nhất của bác và những người còn lại là một lần được trở lại thăm nhà tù Phú Quốc, để tưởng nhớ đồng đội và cảm nhận rõ hơn đất nước ta tươi đẹp đến nhường nào. Bác nghe người ta nói, nơi ngục tù tăm tối xưa kia giờ bình yên lắm lắm. Nhưng cái khó nó bó cái mong. Không biết mong mỏi ấy có trở thành hiện thực.

Tôi chỉ mong mình làm được điều gì đó, để giúp cựu chiến binh Trần Duy Minh thực hiện được ước nguyện này!

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước