Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:05 (GMT +7)

Những file ảnh bị bỏ quên

VNTN - Đừng xóa đi bất cứ thứ gì đã được thu vào thiết bị qua khuôn ngắm của mình, bởi nó là cơ hội, là duyên phận và trên hết là vì: kinh nghiệm chỉ có thể chắt ra sâu sắc từ chính những thất bại của bản thân, chứ không phải từ những thành quả mà mình đã có.

Thông thường, sau mỗi buổi đi chụp về, nhà nhiếp ảnh vẫn hay có thói quen loại bỏ những file ảnh bị coi là xấu. Cái “xấu” trong những trường hợp này, thường là do cảm tính nhất thời. Có thể do file chụp bị non sáng, già sáng, hay những file ảnh gần giống nhau. Thật tiếc khi phải nói rằng, khi làm hành động này, nhiều người chụp đã chẳng hề biết là mình đang xóa đi những con số trong cái tài khoản vốn còm cõi của bản thân.

Trong thành quả của khoa học kĩ thuật, để có được cái dây tóc bóng đèn, Edison và đội ngũ kĩ sư của mình đã phải làm gần một triệu thí nghiệm mới tìm ra được thứ vật liệu bền bỉ cháy sáng trong hàng trăm giờ mà không bị đứt. Tương tự như vậy, các nhà chế tạo vũ khí phải trải qua nhiều nghiên cứu mới tìm được ra thứ vật liệu bé tí gắn vào lò xo làm đầu kim hỏa, để nó có thể trơ lì chịu được cả triệu chu trình tải. Mỗi khi sản phẩm hoạt động có sự cố, thì người ta kiểm tra ngược lại suốt cả quá trình từ sản xuất đến khâu nghiên cứu. Nên những thí nghiệm bị thất bại luôn được lưu giữ thứ tự theo năm tháng, để các kĩ sư lấy đó làm bài học cho việc cải tiến sản phẩm trong tương lai.

“Cô gái Tày” Ảnh: Kim Khoa

Với nhiếp ảnh, chẳng có nhà nhiếp ảnh nào chụp một “nháy” là đoạt ngay giải thưởng quốc gia. Sở dĩ nhiều người không ngờ rằng thứ mình có lại được hội đồng giám khảo đánh giá cao, là bởi anh ta đã không có cái nhìn bao quát của chú đại bàng. Trái lại có người cầm chắc là ảnh của mình sẽ soán ngôi quán quân, tuy vậy nó lại bị văng ngay ở “vòng gửi xe”, là do anh ta đã “thổi phồng giá trị của “đứa con tinh thần” mà mình yêu quý. Từng nghe chuyện nghệ sĩ than phiền, rằng bức ảnh đẹp của họ - tác phẩm họ tâm đắc chẳng được Ban tổ chức trao giải, cái được trao lại là cái mà ngay bản thân họ lại… không thích. Nhiếp ảnh là vậy, “thân phận” của những tấm hình cũng nổi chìm, cũng có duyên phận như trong xã hội của loài người.

Trở lại với những file ảnh mà người chụp đã xóa đi, thử hỏi có bao nhiêu những thứ mà mình không thích, nhưng người khác biết đâu lại sẽ thích? Ta làm như các nhà khoa học, thử nghiên cứu ngay chính tâm lý của bản thân, để xem cái đỏng đảnh của tính cách, đôi khi mang hại, gieo lợi cho bản thân mình như thế nào?

Từ ngày công nghệ số hất văng công nghệ film truyền thống, thì việc bảo quản tư liệu mới chụp được, dường như đã nhàn hạ đi rất nhiều cho các nhà nhiếp ảnh. Khi không phải so đo tính toán, nên việc ghi hình kĩ thuật số đã được mọi người thoáng đãng hơn với thời chụp bằng phim. Cũng chính bởi thế, nên người chụp vơ váo rất nhiều thứ ngoài hiện trường, có nhà nhiếp ảnh đang ăn tối mà còn bỏ đũa “dạng thẻ” ôm máy ảnh, cứ mải miết: Xem - xóa! Xem - xóa! Xem - xóa!… Người này chụp xong, giữ 1/3; người khác giữ lại 1/10; có người khoe chỉ cần giữ 1/100… Có nghệ sĩ nọ đã tỏ thái độ “đẳng cấp” hơn hẳn, khi chỉ lưu giữ vài ba khuôn hình cho một chuyến đi. Những thứ được đánh dấu để giữ lại trong thẻ nhớ nếu vô tình bị thất lạc, thì người gần gũi anh ta sẽ bị tra tấn màng nhĩ bằng những lời ca cẩm của kẻ bị mất của, của kẻ đi câu đánh mất con trắm đen chúa đầm. Chẳng may trong chuyến đi người nào đó lại có ảnh lọt vòng triển lãm quốc gia, gặt “điểm đinh”, thậm chí đoạt giải… thì anh ta sẽ công khai nói ngay: Những thứ đó chỉ là “muỗi” nếu đem so kè với lô file mà anh ta bị thất lạc! Thực tế, những file ảnh chụp được sau mỗi chuyến đi thường được “ve vuốt” cả tuần kế tiếp. Sau một năm thì còn dễ tìm. Sang đến năm thứ ba, người chụp sẽ không còn nhớ mình đã để nó trong ổ lưu nào nữa…

Tính cách con người luôn thay đổi theo thời gian. Tỉ như một cậu trai mới lớn, thoảng thấy mùi tóc của cô bạn gái mà đã đờ đẫn chân tay. Một anh bốn chục tuổi bị vợ bỏ, nhìn thấy người đàn bà nào cũng nghĩ: Toan tính gì đang ẩn sau nụ cười xinh đẹp của “ả”? Một lão già xập xệ sáu, bảy mươi thì không dám gắt gỏng thành lời, nhưng vẫn cau có lẳng lặng tìm chai rượu mà bà cùng nhà giấu ở đâu đó… Cái đẹp trong nhiếp ảnh cũng biến thiên trong mắt con người theo tuổi tác và những kinh nghiệm đường đời. Nhưng trong thực tế, giữa thời công nghệ tiến bộ khiến cho những thứ hôm qua là không thể, thì hôm nay là có thể. Những phần mềm hỗ trợ cho việc chỉnh sửa ảnh ngày một tốt hơn - có những file ảnh mà hôm qua tưởng vứt đi, thì hôm nay lại đầy giá trị! Nhóm file ảnh non, già một vài khẩu độ. Đám file ảnh chục năm trước chụp bằng những cái máy ảnh có độ hạt lồi lõm như mặt sân đang phơi ngô…, nay có thể khắc phục đáng kể một cách dễ dàng bằng một vài công cụ đã được cải tiến trong photoshop.

Bản thân người viết gần đây hay lục lại đống tư liệu cũ nằm trong mấy cái ổ cứng. Điều thú vị nhất nhận ra là, dường như những cảnh sắc nơi đã chụp mười năm, hai mươi năm trước nó đẹp hơn bây giờ. Những hạt sương ngày xưa nó cũng to nặng hơn. Nụ cười người miền núi khi ấy, như đám hoa đung đưa trong nắng sớm. Bây giờ những cung đường trải nhựa, đổ bê tông chằng chịt vươn tới mọi nẻo xa; thấy một khách sạn sơn vàng chóe mọc lên từ khi nào chẳng rõ, đã biến quả núi mơ mộng, tồn tại từ thủa hồng hoang nằm bên cạnh thành hòn non bộ. Còn rừng cây pơ mu vẫn ém mây lượn lờ trong đám lá, giờ tiều tụy vương xót lại chỉ vài mống, nhìn thảm hại như đám hành bị táp sương muối trong mảnh vườn một bà góa. Chán nản và vụn rã cả niềm tin vào cõi thánh thần, khi thấy ngôi miếu cổ có cây gạo ở bên thường vẫn rắc đỏ hoa trên mái ngói vào những cữ tháng ba; vừa rồi đi qua thấy đã bị kẹp lọt thỏm vào khe giữa của mấy căn nhà ống đang xây cất dở.

“Bức tranh quê” Ảnh: Kim Khoa

Những file ảnh hiện - rồi lặn chậm chạp trên màn hình, nó như từng trang vở trên cuốn nhật kí. Nó nhắc mình, rằng chặng đường qua gặt thất bại nhiều hơn là thành công. Thấy những thành phố mọc to ra mà chẳng biết để làm gì; thấy cánh đồng mượt mắt ngày nào giờ đã thành khu công nghiệp ngày đêm lầm lầm những ngọn khói phả lên trời, xung quanh rào kín mít như trại cải tạo… Và rồi một trong đám file cũ chợt lóe lên ý tưởng mời gọi… Thế là ta có được khuôn hình “độc” đem đi dự thi. Nó khiến đám bạn “ngáo ảnh” tròn mắt ngạc nhiên. Nó giựt phiếu của ban giám khảo. Nó còn làm tài khoản cá nhân tăng lên vài con số. Vậy là có thể đãi bạn chầu bia, vòng cà phê mà không bị “méo mặt”. Cuối buổi khai mạc triển lãm đem hoa về trao tặng vợ - để đổi lấy visa cho những chuyến đi sắp tới…

Chốt lại, chẳng có gì nhiều để trao đổi với các nghệ sĩ, các bạn đồng nghiệp. Chỉ duy nhất nhắc bạn bè đừng xóa đi bất cứ thứ gì đã được thâu vào thiết bị qua khuôn ngắm của mình. Bởi nó là cơ hội, là duyên phận và là kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý giá!.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy