Những em bé Sa Pa
Thị trấn Sa Pa có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, với tên gọi thơ mộng, ngoài các điểm mang tên: Nhà thờ cổ, Cầu Mây, Thác Bạc, núi Hàm Rồng, còn có những điểm mang tên: Đá vợ đá chồng, thác Tình Yêu, thung lũng Hoa Hồng… và một chợ tình thổn thức tiếng khèn gọi bạn. Từ cả trăm năm nay, những vùng đất thuộc Sa Pa như: Bản Khoang, Bản Hồ, Bản Thào, Nậm Sài, Sa Pả, Sử Pán… sinh sôi nảy nở, làng bản thêm đầm ấm hơi người. Nhưng cũng ở vùng đất được ví là thiên đường du lịch, còn có nhiều phận đời mang tuổi thơ buồn.
Các em nhỏ lang thang trong giá lạnh Sa Pa.
Mã A Lềnh là một trong những em nhỏ như thế. Hằng ngày Lềnh theo mẹ lang thang đi bán hàng rong trên dọc các đường phố Sa Pa. Hỏi chuyện, Lềnh bảo: Cháu theo mẹ đi bán hàng kiếm tiền đóng học… Ngày trước, mẹ của Lềnh, bà nội, bà ngoại của Lềnh còn không được học chữ, cứ theo nhau lang thang đến các điểm du lịch để bán hàng. Những tuổi thơ buồn lặp lại như số mệnh. Hình ảnh người phụ nữ Mông địu con nhỏ đi trong tiết trời lạnh cắt da, xé thịt, cảnh các em bé đầu trần đội sương, đôi chân gầy dũi đất, tay cầm mấy chiếc túi vải thổ cẩm như tạc nét khắc khổ vào bức tranh du lịch Sa Pa.
Em Mã A Lềnh cho vội chiếc kẹo vào miệng
khi nhặt được trên đường.
Mũi dãi quệt ngang mặt, quần áo lấm lem chưa đủ ấm, 4 anh em Giàng A Chờ bám váy mẹ đi trên đoạn đường trước Nhà thờ cổ. Tôi hỏi người đàn bà là mẹ của Chờ về đứa con chị đang địu trên lưng. Chị bảo: Nó được 4 tháng tuổi. Còn tôi 27 tuổi. Giây lát dừng lời như thăm dò, chị tiếp tục câu chuyện: Nhà tôi ở Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa 8 km, 5 mẹ con dắt díu nhau đi nửa ngày đường thì ra đến đây. Đêm qua, trời rét lắm, mấy mẹ con ôm nhau ngủ ở trước cửa hàng bán đồ lưu niệm bên phố đi bộ. Tôi lại hỏi: Thế bố các cháu đâu? Người mẹ nghèo dắt theo đàn con lít nhít trứng gà, trứng vịt ấy trả lời: Bố các cháu bận uống rượu.
Em Thào Thị Mỷ, 7 tuổi, địu em nhỏ
4 tháng tuổi đi bán hàng rong.
Thấy mẹ nói chuyện với người lạ, Chờ cùng mấy đứa em nhao nhác nhìn. Hình như bọn trẻ sợ lạc mẹ. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh Giàng Nhè Pó, người bản Cát Cát bảo: Bọn trẻ ở Sa Pa sớm có cách sống tự lập. Chúng không sợ lạc nhà, xa mẹ. Bất chấp mọi thời tiết, đứa lớn dắt đứa nhỏ, chúng tự truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng sống ngoài đường phố cho nhau… Nhớ lại gần 20 năm trước, lên Sa Pa tôi đã chứng kiến cảnh các em nhỏ bám chân du khách bán hàng. Các em cầm trong tay mấy chiếc túi, ví thổ cẩm hoặc chiếc lắc bạc. Các em xúm quanh du khách, dơ những thứ mình có trong tay, miệng lặp đi lặp lại câu nói: Mua đi… mua cái này… cái này 10 nghềnh, cái này 20 nghềnh. Gặp người nước ngoài, các em nói tiếng Pháp, tiếng Anh, đại loại là mỗi cái túi có giá bao nhiều tiền. Các em còn quá nhỏ, nên cái sự bươn chải mưu sinh thấy ngồ ngộ, du khách thích thú, chụp ảnh, cho các em tiền. Sau gần 20 năm trở lại Sa Pa, tức là bằng khoảng thời gian một người sinh ra, trưởng thành, tôi vẫn gặp các em nhỏ đi bán hàng rong trên đường phố và các điểm du lịch. Trời Sa Pa nhiều sương mù và hơi lạnh. Lạnh và mù mây là đặc sản hấp dẫn du khách. Cũng trong mù mây và giá lạnh, hình ảnh những em bé lẽo đẽo theo chân du khách, chìa vào mặt du khách từng chiếc túi vải tí xíu màu ngũ sắc như một thói quen. Cái hình ảnh không ai mong đợi ấy cứ hiển hiện mỗi ngày. Thế hệ sau theo thế hệ trước, cứ lặp lại những vòng đời luẩn quẩn ở Sa Pa. Bên lề phố, tôi gặp Hầu Thị Mỷ vừa bế em nhỏ 6 tháng tuổi, vừa bán hàng giúp mẹ. Mỷ chưa nói thạo tiếng phổ thông, nên khi có du khách hỏi mua hàng, em chỉ nói mua đi, cái này “chau chẩu xia” (20 nghìn), cái này “y pùa xia” (100 nghìn). Một du khách cầm chiếc túi của Mỷ, bỏ đi một đoạn xa không trả tiền. Mỷ nhìn theo, em không biết nói gì, chỉ ôm chặt hơn đứa em nhỏ vào lòng, mắt ngấn nước nhìn theo. Rất may, du khách xa lạ ấy đã quay lại, trả tiền chiếc túi, cho thêm Mỷ 100 nghìn đồng. Mỷ nhận tiền, cũng không biết nói lời cảm ơn.
Em Hầu Thị Mỷ, 5 tuổi, vừa bán hàng,
vừa bế em 6 tháng tuổi.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...