Những điều đọng lại từ năm cũ
VNTN - Nếu như trước kia nhắc tới Thái Nguyên người ta thường chỉ nghĩ đến chè và gang thép, thì khoảng 4-5 năm trở lại đây, vùng đất này còn được biết đến với sự hiện diện của Samsung - tập đoàn điện tử, điện thoại hàng đầu thế giới, cùng với đó là nhiều chỉ tiêu vượt trội trong phát triển kinh tế - xã hội so với cả nước. Sự thay đổi tích cực này đã và đang mở ra nhiều cơ hội, hợp tác phát triển cho tỉnh trong những năm tiếp theo, nhất là khi có hàng trăm dự án khác đã và đang tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh…
Vậy là năm 2019 đã chính thức khép lại để chào đón một năm mới - mở đầu cho một thập kỷ mới - 2020, cũng là năm cuối trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Nhìn lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua nói riêng, từ đầu nhiệm kỳ (2015-2020) nói chung với các chỉ tiêu kế hoạch đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, hẳn mỗi cán bộ, công chức và người dân Thái Nguyên đều thấy tự hào và cảm nhận được rõ ràng về sự thay đổi từ những sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày đến việc làm các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền từ tỉnh tới cấp xã, phường. Nếu như năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt gần 27 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, con số này là trên 48 triệu đồng và dự ước đến năm 2020 đạt 67 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, từ 13,4% năm 2015, xuống còn 4,38% năm 2019 (năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,01% so với năm 2018).
Toàn tỉnh đã có 560 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (chiếm 82,35%). Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường THCS Hương Sơn, T.P Thái Nguyên.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả đó là nhờ trung bình mỗi năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Trong đó, năm 2019 là năm đánh dấu số lượng người lao động được giải quyết nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây với khoảng 21,5 nghìn người, vượt 43,3% kế hoạch năm. Tính chung 4 năm qua, gần 90 nghìn lao động đã được tạo việc làm (về trước 1 năm theo kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX - chỉ tiêu Nghị quyết là tạo việc làm cho 15.000 lao động/năm).
Sở dĩ có được kết quả này là bởi trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nên số lượng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trên địa bàn tăng nhanh qua các năm. Tính đến cuối năm 2019, tổng số DN, hợp tác xã (gọi chung là DN) trên phạm vi toàn tỉnh đang hoạt động có phát sinh doanh thu trong năm là gần 4,3 nghìn DN (không bao gồm các chi nhánh DN hạch toán phụ thuộc và các DN không phát sinh doanh thu trong năm báo cáo), gấp 2,1 lần so với năm 2015. Trong số, có khoảng 9% là DN lớn và vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,032 tỷ USD (tương đương khoảng 187 nghìn tỷ đồng), trong đó vốn giải ngân đạt trên 90%.
Một số kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH của tỉnh năm 2019: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 9%; bình quân thu nhập đầu người đạt 83,5 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 743,8 nghìn tỷ đồng (đứng đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, tốp 3 tỉnh dẫn đầu trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội); giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 27,63 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 15.561 tỷ đồng…
Một kết quá đáng chú ý khác đó là tính đến nay, sau 17 tháng tỉnh ta tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào tỉnh (ngày 1/7/2018), đã có 27/57 dự án (DA) đã hoàn thành thủ tục về đầu tư, với tổng kinh phí nhà đầu tư đã thực hiện giải ngân gần 5 nghìn tỷ đồng; 30 DA còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư. Ngoài ra, nhờ sức lan tỏa từ sau Hội nghị XTĐT, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang tiếp tục đến tìm hiểu cơ hội hợp tác vào tỉnh. Tính đến nay, ngoài 57 DA trên, trong năm 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho gần 60 DA, với tổng vốn đăng ký gần 6,8 nghìn tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư 27 dự án Khu đô thị, điểm dân cư nông thôn thực hiện đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 9 nghìn tỷ đồng…
Chính nhờ sự đầu tư của các dự án, DN trong và ngoài nước đã giúp cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Theo đó, tính đến hết năm 2019, ngành công nghiệp, xây dựng đã chiếm tỷ trọng 58% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; dịch vụ chiếm 31,7%; còn lại 10,3% là nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tương ứng với đó là tỷ trọng lao động trong các khu vực cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Từ 50,5% lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2015 đã giảm còn gần 40%; công nghiệp, xây dựng từ gần 27,5% tăng lên khoảng 33%; lao động khu vực dịch vụ từ 22% lên trên 27%.
Toàn tỉnh hiện có gần 780 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 177 trang trại so với năm 2015. Việc phát triển ngày càng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Một điểm nhấn khác trong kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua đó là xây dựng nông thôn mới. Với 13 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình này trong năm đã nâng tổng số xã toàn tỉnh đạt xã nông thôn mới lên 101 xã (về trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh); 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Với kết quả này, Thái Nguyên đang là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) về những thành tích xuất sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 103 xã.
Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên: Chưa khi nào, Thái Nguyên lại được biết đến với nhiều thành tích nổi bật như thời gian qua. Tôi và cộng đồng DN đánh giá cao việc lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 29-3-2019). Nếu như trước kia, nhiều cán bộ ở một số sở, ngành thực thi công vụ vẫn mang nặng tư tưởng “nhờ vả”, “xin cho” thì nay, thái độ phục vụ đã tốt hơn rất nhiều. Các sở, ngành cũng đã tăng cường đối thoại với DN nên nhiều vướng mắc đã kịp thời được nắm bắt và giải quyết, giúp DN yên tâm và hoạt động hiệu quả hơn.
Cùng với kinh tế và cũng nhờ có những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục… cũng có sự quan tâm đầu tư và đạt được những bước tiến đáng kể. Toàn tỉnh đã có 560 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (chiếm 82,35%); 173/180 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chiếm tỷ lệ 96,1%); trên 90% gia đình, 70% xóm, làng, tổ dân phố; 90% cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là: Quy mô kinh tế của khu vực có vốn trong nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ; quy mô sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển còn chậm. Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, công trình trọng điểm đạt hiệu quả chưa cao. Quy mô giá trị ngành lưu trú, dịch vụ du lịch chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, tiềm năng để phục vụ nhu cầu phát triển…
Vì thế để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, đã có nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trong sẽ được tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp: Tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án lớn, dự án công nghệ cao, quan tâm nhà đầu tư lớn, có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm; lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo; các dự án có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu sát về cơ sở; nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng DN. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 của tỉnh đạt 743,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực trong nước đạt 53 nghìn tỷ đồng, còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Elovi Việt Nam, T.X Phổ Yên.
Có thể nói, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, cũng như 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Vị thế của Thái Nguyên đang ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tin tưởng rằng, trong năm mới 2020 này, với sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, năng động sáng tạo, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu mà tỉnh đưa ra, trở thành tỉnh thứ 18 trong cả nước tự cân đối được thu chi, tiến tới có sự điều tiết về ngân sách trung ương và là một cực tăng trưởng trong các tỉnh phía Bắc của nước ta như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiều lần làm việc với Thái Nguyên.
HOÀI VY
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...