Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:37 (GMT +7)

Những điều chưa biết về một bức thư của Nguyễn Ái Quốc

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)

Mùa hè năm 1919 tại Paris, Bác Hồ dưới tên gọi “Nguyễn Ái Quốc” đến Pháp và hoạt động công khai trong các phong trào chống thực dân. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, khi biết tin một tổ chức đạo Tin Lành Pháp đang bắt đầu nhiệm vụ nghiên cứu Truyền đạo tại Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã viết một bức thư gửi mục sư Ulysse Soulier, người khởi xướng chương trình. Bức thư đánh máy bằng tiếng Pháp dài 3 trang được đề ngày 8/9/1921, giấy in đã ố sang màu vàng, nhưng chữ vẫn rõ ràng chưa bị phai. Trong bức thư, Nguyễn Ái Quốc nêu ra rõ ràng những mâu thuẫn của một hoạt động lẽ ra là đáng khen ngợi nhưng lại đi ngược với bản chất nhân đạo và trở thành đồng phạm của chủ nghĩa thuộc địa.

Tôi đã có may mắn được đọc bức thư, trong một lần đi công tác tại thư viện Défap (số 102 đại lộ Arago, Paris) với tư cách chuyên gia di sản văn hóa. Lá thư của Nguyễn Ái Quốc được xếp vào một trong những tài liệu lịch sử “hiếm” và là “tài sản quốc gia”. Ở Pháp, tất cả các tài liệu “hiếm” được nhà nước bảo hộ và xếp vào tài sản quốc gia, mọi tra cứu phải có lý do chính đáng. Bức thư được chính gia đình mục sư Soulier tặng lại cho thư viện cùng với một số tài liệu khác. Dưới đây là bản dịch đầy đủ của nội dung bức thư: Paris, ngày 8 tháng 9 năm 1921 Thưa ông Mục sư, Tôi xin cảm ơn ông về những tài liệu và thư mà ông đã có nhã ý gửi cho tôi. Tôi đã đọc rất kĩ lời kêu gọi của ông. Các dự án của ông rất đáng ca ngợi và tôi chắc rằng nó sẽ được những người thiện tâm tán thành và khích lệ. Tuy nhiên tôi xin lưu ý ông về vài điểm trong lời kêu gọi dường như đi ngược lại với ý tưởng cơ bản của công việc của ông, bởi vì những điểm này có thể gây ra những mâu thuẫn tình cảm ở những người mà sứ mệnh của ông đang hướng tới. Trước khi làm việc đó, tôi mong ông tin rằng tôi nhấn mạnh những điểm này không phải vì tinh thần phê phán hay càng không phải vì tinh thần tranh luận. Là người Việt Nam (1), tôi biết điều mà những người Việt Nam khác suy nghĩ và, trong những giới hạn eo hẹp của tôi, tôi muốn giúp đỡ tất cả những ai đang hoạt động vì lợi ích của đồng bào tôi tránh được những trở ngại có thể xảy ra. Vì vậy tôi phải nói một cách thành thật thẳng thắn điều mà tôi tin là có ích cho ông. Như tất cả những gì thuộc về lý tưởng, tôn giáo không có và không nên có biên giới, và những người đảm nhiệm công việc truyền bá tôn giáo phải tự đặt mình lên trên mọi chủ nghĩa dân tộc và mọi lợi ích chính trị, vì vậy cho nên, theo thiển ý của tôi, từ “Đông Dương” ngắn gọn, không có tính từ, diễn tả tốt hơn (2) ý tưởng của Người (3) mà tất cả chúng ta đều yêu quí và niềm hy vọng của những ai mà ông muốn dạy thương yêu Người. Tính từ “thuộc Pháp” đặt sau “Đông Dương” mang lại một kết quả hoàn toàn trái ngược với điều mà ông và chúng tôi muốn; bởi vì, như ông nói, công việc của Chúa là giải phóng và giải thoát, trong khi chủ nghĩa thực dân dù là kiểu nào cũng là một công cuộc áp bức và nô dịch. Đông Dương bị đô hộ không thể là một Đông Dương thật sự của đạo Tin Lành. Dường như Hội Thanh niên Tin Lành (4) ở Đông Dương chỉ mở cửa cho những cựu quân nhân, sinh viên và con cái của quan lại. Như vậy, phải chăng nó khép cửa đối với quần chúng, trong khi chỉ có quần chúng mới có nhu cầu nhiều nhất được an ủi và chiếu rọi ánh sáng? Trong lời kêu gọi của ông Đại úy Monet có câu “đối với người Việt Nam, sự dối trá và giấu diếm là những tài khôn khéo rất đáng khen ngợi”. Tôi lấy làm tiếc rằng một vài hạng người Việt Nam có những khuyết điểm ấy - khốn thay, trong mọi quốc gia và mọi dân tộc đều có những hạng người như vậy. Đó là những khuyết điểm đáng ghét và có ở người Việt Nam cũng như ở những quốc gia khác, dân tộc khác. Hơi xa sự thật khi nói rằng người Việt Nam xem những khuyết điểm này như những tài khôn khéo rất đáng khen ngợi, nghĩa là như những phẩm chất của dân tộc. Ông biết rằng người Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ đã học chữ “trung” và chữ “tín” (5) như những đức hạnh hàng đầu sau lòng hiếu thảo. Xa hơn một chút, ông ấy nói “những đặc điểm về sự giấu diếm hay ích kỷ như vậy chỉ là kết quả của những nguyên lý cốt yếu của “triết lý Khổng giáo” và của Phật giáo v.v…”. Tôi tin rằng chỉ tồn tại một triết lý, một nguyên lý và một tôn giáo cho tất cả mọi người, bởi vì chỉ có một Chân Lý. Chúng ta chỉ được phép thấy Chân Lý này từ phía chúng ta đang đứng và chúng ta đặt tên cho nó theo cái mà chúng ta thấy hay đúng như chúng ta có thể thấy: Khổng Tử hay Phật đối với người phương Đông và Chúa đối với người phương Tây. Phật giáo + Khổng giáo + Tin Lành giáo = Điều Tốt Đẹp. Bởi vì chúng ta có được hạnh phúc chiêm ngưỡng cùng một lúc cả ba nguồn ánh sáng này, nên chăng ông yêu thích cả ba và cố gắng điều hòa cả ba với bản tính của con người để làm cho bản tính đó tốt hơn, thay vì đem ba cái đó ra đối chọi lẫn nhau. Ông Đại úy Monet nói rằng “những tín đồ Tin Lành Pháp phải hiểu rằng dân Việt Nam bị áp bức về mặt tinh thần (6) và họ đau khổ vì sự áp bức đó”. Điều phát hiện này hoàn toàn đúng, nhưng không đủ, bởi vì dân Việt Nam cũng bị áp bức cả về các mặt vật chất, xã hội và chính trị lẫn về mặt tinh thần. Người ta không thể biến họ thành những tín đồ Tin Lành tốt bằng cách chỉ làm nhẹ bớt một phần khổ đau của họ, cũng như người ta không thể làm cho một người mạnh khỏe bằng cách chỉ chữa một phần bệnh của người đó, ngược lại người ta có thể biến người bệnh thành người bại liệt. Tôi thiết tưởng rằng những lợi ích về tinh thần và những lợi ích về vật chất phải đi song song với nhau, vì cái này không thể được thực hiện nếu không có cái kia. Và tại sao chúng ta, những người tranh đấu cho sự thật, lại không nói lên toàn bộ sự thật? Ở cuối lời kêu gọi, ông đại úy Monet nói phải cố hết sức biến 3.000 sinh viên thành những tín đồ Tin Lành thật sự và thành những người Pháp tốt (7). Đối với một người hay một xã hội, hoàn toàn không thể hoàn thành cùng một lúc hai sứ mệnh trái ngược nhau; một sứ mệnh đẹp nhất, cao quý nhất: sứ mệnh rao giảng Phúc âm, dạy cho mọi người thương yêu Thượng đế và đồng loại; và sứ mệnh kia, đặt một nhóm người “vào những tầng lớp khác” và khuyến khích họ từ chối tổ quốc của họ hay làm cho họ yêu một tổ quốc khác với tổ quốc của họ. Người Việt Nam, dù là sinh viên hay nông dân mù chữ, là người Việt Nam, mãi là người Việt Nam. Làm người Việt Nam tốt không ngăn cản họ làm tín đồ Tin Lành tốt. Ngược lại là đằng khác. Phải chăng con người duy nhất được Thượng đế thừa nhận là con người tự do; tổ quốc duy nhất mà chúng ta phải thừa nhận là Nhân loại. Những kẻ làm con chiên ngoan ngoãn cho các ông chủ ngày nay sẽ không xứng đáng với Người Chủ Chăn Vĩnh Cửu (8), bởi vậy nếu ông muốn tìm một tín đồ Tin Lành thật sự ở Đông Dương, ông hãy tìm một Đông Dương chân chính, chứ không phải ở nơi nào khác. Thưa ông Mục sư, tôi biết rất rõ những gì các hội truyền đạo Công giáo đã làm ở Đông Dương và những gì các hội truyền đạo Tin Lành đã làm đối với nước Triều Tiên láng giềng của chúng tôi, nên tôi không thể không hết lòng cầu mong ông sẽ thành công trong việc truyền bá nhanh chóng đạo Tin Lành ở nước tôi. Nhưng để thay đổi tinh thần của một dân tộc, nhất là của một dân tộc đã có những phong tục, những truyền thống và tính mẫn cảm được hình thành qua nhiều nghìn năm lịch sử, trước hết ông phải thấu triệt não trạng của dân tộc đó. Chính vì để làm cho phận sự hàng đầu của ông được dễ dàng và để đáp lại mối thiện cảm của ông đối với tôi, tôi mạn phép kính gửi tới ông bức thư này. Tôi hy vọng ông sẽ miễn thứ cho tính thẳng thắn của tôi và tôi xin ông hãy tin ở những tình cảm chân thành của tôi. Nguyễn Ái Quốc Bức thư được viết bằng tiếng Pháp trang trọng, lời lẽ văn hoa, lịch sự, nội dung bức thư là cả một kho tàng những kiến thức văn hóa và lịch sử sâu sắc được đưa ra để làm minh chứng thuyết phục người đọc. Việc hai lần gạch chân (một lần gạch hai gạch chân và một lần một gạch) những điểm gây tranh cãi xung quanh các quan niệm về đạo đức và lòng yêu nước là cách hùng biện hữu hiệu, tiết kiệm lời bằng cách gây chú ý của thị giác. Chữ ký bằng tay với nét chữ bay bổng, hơi nghiêng và bằng mực đen cho thấy người viết hiểu sâu sắc văn hóa viết thư Pháp (ở Pháp, thư hành chính hoặc thư có tính chất ngoại giao đều được ký bằng mực đen). Việc các lỗi chính tả được sửa và từ được thêm vào được viết cùng một màu mực và cùng một nét bút (thanh, hơi nghiêng như chữ ký) cho phép người đọc hiểu rằng chính tác giả là người đã sửa lỗi. Bởi những bút tích thêm vào của mục sư được viết bằng màu mực khác. Về mặt nội dung, bức thư là cả một bản hùng biện rất thẳng thắn không ngụy biện bằng những lời hoa mỹ, rất trung thực, khiêm tốn thể hiện suy nghĩ phê phán của Nguyễn Ái Quốc về một dự án truyền đạo Tin Lành Pháp tại Đông Dương. Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đưa ra lập luận trên lập trường trung lập, không đi sâu vào lĩnh vực hoạt động của đạo Tin Lành, cũng như không đưa ra bất cứ phán xét nào về tôn giáo. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh vào sự tồn tại của các đạo giáo khác nhau là kết quả của các nền văn minh xã hội khác nhau, nhưng trên tất cả đó chính là Chân Lý. Chân Lý giúp con người cùng đoàn kết. Vì thế truyền đạo phải để giúp con người đoàn kết, giúp giải phóng chứ không phải để phục vụ cho chủ nghĩa thực dân mà hoạt động chính là đàn áp và bóc lột. Trong đoạn thứ chín, bức thư có nói về đặc tính của trị bệnh. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc đang muốn tố cáo về hình thức “chữa bệnh” kiểu “chữa lợn lành thành lợn què” của thực dân Pháp khi sử dụng thuốc phiện và tôn giáo để “giúp người dân xóa bớt nỗi đau”. Nếu như thế thì vô hình trung, công việc mà Soulier và các đồng nghiệp đang muốn làm chính là tiếp tay cho thực dân. Như vậy, có nghĩa là mục đích giúp đỡ dân chúng chỉ là nói dối.

Cho đến cuối bài viết, Nguyễn Ái Quốc vẫn dùng lối viết nhẹ nhàng, trang trọng không hề đả kích bằng cách lật ngược lại vấn đề mà Soulier và các đồng nghiệp của ông đang muốn thực hiện tại Việt Nam, đó sẽ là một dự án thất bại bởi nó không phù hợp với mục đích và tiên chỉ của tôn giáo. Và Nguyễn Ái Quốc đã kết luận, muốn làm tốt việc truyền giáo, thì trước hết phải hiểu thấu đáo văn hóa và truyền thống của dân tộc của đất nước đó. Nhưng cả Soulier và Monet, hai trụ cột của dự án đều không có được điều đó. Cái tài của Nguyễn Ái Quốc chính là việc chỉ ra cái sai của dự án, khi nó là vấn đề tôn giáo nhưng lại lập luận bằng âm mưu của chủ nghĩa thực dân. Nói về quan điểm của Nguyễn Ái Quốc với đạo Tin Lành vào thời điểm viết bức thư, có thể hiểu như sau: Công giáo có mặt ở Việt Nam từ mấy thế kỷ trước, còn đạo Tin Lành vào nước ta muộn hơn nhiều. Mục sư truyền đạo Tin Lành đầu tiên vào Việt Nam là năm 1897, do chính quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó không ưa đạo Tin Lành. Về chính trị, Pháp lo ngại ảnh hưởng của Mỹ thông qua sự phát triển đạo Tin Lành. Về tôn giáo, Pháp đang nâng đỡ, ưu ái Công giáo nên không muốn đạo Tin Lành cạnh tranh với Công giáo. Mãi đến năm 1911, các mục sư F. A. Jaffray, P. M. Hosler và G.L. Hughes mới lập được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. Lợi dụng lúc chiến tranh thế giới I nổ ra, tháng 5 năm 1915, chính quyền Pháp ra sắc lệnh cấm truyền đạo Tin Lành cho người bản xứ. Sau đó, 4 trong 9 giáo sĩ Hội truyền giáo CMA (The Christian and Missionary Alliance) bị trục xuất khỏi Việt Nam. Chiến tranh thế giới I kết thúc, các mục sư mới được trở lại hoạt động bình thường. Do đặc điểm lịch sử nói trên, Nguyễn Ái Quốc không đánh đồng các nhà truyền đạo Tin Lành với các nhà truyền đạo Công giáo. Chính vì thế Bác đã gửi cho Soulier với tư cách một người Việt Nam yêu nước. Bối cảnh ra đời của bức thư gần như rất rõ ràng không có điều gì phải tranh cãi. Bức thư viết ngày 8/9/1921 và gửi cho mục sư, đó là điều đã in trên giấy, thêm vào đó gia đình mục sư là người đã tặng lại tài liệu cho thư viện, điều đó chứng tỏ Soulier là người nhận và giữ bức thư. Nhưng điều đặc biệt ở đây chính là bút tích của mục sư Soulier được viết tay bằng mực xanh vào tháng 3 năm 1965, bên lề trái trang thứ nhất, tức là 44 năm sau khi Bác Hồ gửi. Bút tích của Soulier như sau “Ôi, suy nghĩ của anh bạn, trí thức An Nam này thật chính xác! Nhưng đôi mắt của các tín đồ đạo Tin Lành Pháp vẫn chưa mở đủ to! Ulysse Soulier, tháng Ba 1965”. Rõ ràng có một khoảng trống thời gian. 8/9/1921, ngày Bác viết lá thư thì cả Ulysse Soulier và Paul Monet (1884 - 1941) đều đang ở Việt Nam. Cả hai sang Việt Nam từ ngày 22/2/1920, Soulier trở về Pháp năm 1923, Monet trở về năm 1925. Bác đã viết cho mục sư khi được U. Soulier tặng cuốn “Nghiên cứu chuẩn bị cho việc thành lập một phái bộ truyền đạo Tin Lành Pháp ở Đông Dương” (étude préparatoire à la fondation d'une mission protestante franaise en Indochine), xuất bản ở Paris năm 1920, và việc xuất bản của "Lời kêu gọi của Đông Dương thuộc địa Pháp, vì Chúa Tin Lành - Pháp - ở Đông Dương" ngày 12/3/1920. Đó là cuốn tài liệu dày 50 trang, đồng tác giả Soulier và Monet, với mục đích giới thiệu sự cần thiết của nhiệm vụ truyền đạo của đạo Tin Lành Pháp ở Đông Dương nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các tín đồ. Ở trang bìa với tên gọi tóm tắt dự án truyền giáo "Lời kêu gọi của Đông Dương thuộc địa Pháp, vì Chúa Tin Lành - Pháp - ở Đông Dương". Ở nền phông là bản đồ Pháp và Đông Dương lồng vào nhau, và được chồng lên bởi hình cây thập giá cắm lên phía sau đầu con rồng, phủ phục dưới chân hai bản đồ. Hai bên trái phải đối xứng là hai câu đối trích dẫn của đạo Tin Lành. Bên trong cuốn tài liệu, ngoài một bản đồ và vài bức ảnh chân dung của những người tham gia dự án, còn có một bài viết về quá trình dẫn Soulier tới dự án và tới các cộng tác viên của dự án. Tuy nhiên, đó không phải là nội dung mà Nguyễn Ái Quốc chú ý, bởi trong bức thư gửi Soulier, không hề nhắc tới. Ngược lại, bản “Khái quát về tình hình Đông Dương dưới con mắt của người truyền đạo” của đại úy Monet lại là một trong những chủ đề để Nguyễn Ái Quốc lập luận. Mỗi lần nhắc đến Monet, Nguyễn Ái Quốc đều nhấn mạnh chức vụ “Đại úy” như để tách biệt nhiệm vụ quân đội và nhiệm vụ truyền giáo. Các đoạn được chọn tuy không phản ánh toàn bộ suy nghĩ của Monet nhưng lại phản ánh các mâu thuẫn nội tại của quan điểm của Monet. Monet rời quân đội vào cuối Thế chiến I và tham gia rất nhiều vào các hoạt động phi tôn giáo được tài trợ bởi các quỹ tư nhân Mỹ. Việc ông ghi danh tại Khoa Thần học ở Paris năm 1920 không làm thay đổi quan điểm của ông về suy nghĩ tự do tôn giáo. Điều này đã được chứng minh qua vụ xung đột với Marc dandolo, Giám đốc tờ “Tương lai Bắc Kỳ” về các phái bộ công giáo ở Đông Dương và các hoạt động tôn giáo của họ chính là minh chứng cho tư tưởng tự do tôn giáo của Monet. Do đó, bài viết của Monet trong cuốn kêu gọi là hoàn toàn mâu thuẫn và không trung thực của con người ông ta. Vậy lý do nào khiến Soulier và Monet, hai con người với hai nguồn gốc xã hội và tính cách khác nhau lại hợp tác và hỗ trợ nhau trong một dự án lớn? Monet là một sĩ quan giàu kinh nghiệm, sành sỏi của Đông Dương, người dường như đang tìm cách trở lại để bắt đầu một công việc giáo dục và được công nhận là người phi tôn giáo. Soulier, người khởi xướng dự án, là một người duy tâm, một mục sư tận tâm với nghề. Nguyễn Ái Quốc đã hiểu vấn đề trước Soulier, bức thư chính là lời cảnh báo về ảnh hưởng mà Monet có thể mang lại cho dự án của Soulier bằng cách áp đặt quan điểm của hắn. Một số ghi chú trong tự truyện của Soulier trong những năm 1960 đã nói về “sức mạnh mê hoặc” của Monet và sự ngờ vực tôn giáo của hắn.

Năm 1965 là năm diễn ra sự kiện được đánh giá là quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo của thế kỷ XX. Đó là Hội đồng Đại kết Vatican II (thường được gọi là Hội đồng Vatican II của Giáo hội Công giáo) được khai mạc vào ngày 11/10/1962 bởi Giáo hoàng Jean XXIII và kết thúc vào ngày 8/12/1965 dưới thời giáo hoàng Paul VI. Hội đồng Vatican II là biểu tượng cho sự mở cửa của Công giáo với thế giới hiện đại và văn hóa đương đại, có tính đến tiến bộ công nghệ, thừa nhận sự giải phóng của các dân tộc. Đó cũng là năm chiến tranh leo thang tàn khốc ở Việt Nam. Trong bối cảnh tôn giáo và chính trị đó, Soulier đã đọc lại bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho ông từ 44 năm trước và phải cúi đầu thừa nhận “Ôi, suy nghĩ của anh bạn này, trí thức An Nam thật chính xác! Nhưng đôi mắt của các tín đồ đạo Tin Lành Pháp vẫn chưa mở đủ to! Ulysse Soulier, tháng Ba 1965”. Bức thư thể hiện cái nhìn sâu sắc về quan điểm của một người yêu nước An Nam khi đối mặt với một dự án truyền giáo Tin Lành ở Đông Dương thuộc Pháp. Bức thư này là minh chứng rõ ràng cho một Hồ Chí Minh tương lai với quan niệm về niềm tin vào chủ nghĩa duy lý. Bằng việc viết thư, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ với lời kêu gọi truyền giáo, sự liên quan của tôn giáo và chính trị, nói cách khác, mâu thuẫn nội tại giữa truyền giáo và thuộc địa. Quan điểm này đã được Nguyễn Ái Quốc theo suốt trong quá trình đấu tranh chống thực dân. Theo PGS.TS Pascal Bourdeaux, giảng viên tại Trường thực hành Nghiên cứu cao cấp (école pratique des Hautes études) ở Paris (Pháp), người đầu tiên đưa tài liệu ra công chúng, tài liệu chưa được công bố rộng rãi này làm sáng tỏ về sự hình thành tư tưởng chính trị của một Hồ Chí Minh tương lai, về một trong nhiều nguồn gốc của đạo Tin Lành Việt Nam, về các cuộc tranh luận xung quanh đạo Tin Lành Pháp và về vấn đề thuộc địa và truyền giáo. Ông viết trong bài nghiên cứu của mình “Được viết trong những năm đầu trên con đường hình thành quan điểm chính trị, giai đoạn có rất ít những tài liệu lưu trữ về ông Hồ Chí Minh khi còn ở Pháp, sự hiện hữu của bức thư này rất quan trọng về mặt tiểu sử. Bên cạnh khoảng chục báo cáo của cảnh sát và những bài báo được xuất bản chủ yếu trên các tạp chí chính trị, những gì chúng ta biết được về khoảng thời gian này trong cuộc đời của ông Hồ chủ yếu xuất phát từ những câu chuyện mang tính hồi tưởng - đa số là hồi ký của chính ông - bởi thế việc khám phá ra tài liệu gốc có tính đời tư này rất hiếm, nếu không nói là chưa từng có”. --- Chú thích bản dịch bức thư: (1) Trong thư, Bác sử dụng từ "Annammite" (người An Nam) vì từ Việt Nam lúc đó chưa thông dụng. (2) Sau từ "diễn đạt", có chữ viết thêm một từ (viết tay, giữa hai hàng chữ đánh máy, hơi khó đọc), có thể đoán "mieux" tức là "tốt hơn". (3) Từ "Người" với "N" viết hoa chỉ Chúa (4) Trong nguyên văn, Bác viết Y.M.C.A, tên tắt của Young Men's Christian Association, thành lập ngày 6/6/1844 tại Luân Đôn (Anh), có trụ sở ở Genève (Thụy Sĩ). (5) Hai chữ "trung" và "tín" viết bằng chữ quốc ngữ mà không dịch ra tiếng Pháp, điều đó cho thấy mục sư Ulysse Soulier biết tiếng Việt (6), (7) Trong nguyên văn của bức thư, đây là các từ được gạch chân, "về mặt tinh thần" được gạch hai gạch và một gạch dưới cụm từ "những người Pháp tốt". (8) Cụm từ chỉ Chúa.

QUYÊN GAVOYE

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước