Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
06:40 (GMT +7)

Những cơ hội mới đã mở ra

(Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

Xin phép nhà thơ được ngược dòng thời gian, trở về với tư cách Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Nhà thơ có thể cho biết những cảm xúc của mình khi đây là số cuối cùng Văn nghệ Thái Nguyên đến với độc giả với hình hài một tờ báo?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Khi tiếp nhận Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Chính phủ với cương vị Tổng Biên tập, thú thật là tôi đã rất ngậm ngùi. Thật khó mà hình dung được một tờ báo đã có bề dày sự nghiệp, có uy tín, đã nỗ lực mấy chục năm để trở thành tuần báo, nay lại phải chuyển đổi sang một hình thức xuất bản khác.

Nhưng sau khi cùng Tòa soạn xây dựng Đề án chuyển đổi báo in sang tạp chí in và thiết lập Tạp chí điện tử trình các cấp có thẩm quyền, tôi thấy mọi sự cũng không quá khó khăn. Những cơ hội mới đã mở ra. Và từ những giá trị đã có, trên hành trình đưa các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật đến với công chúng Thái Nguyên và cả nước, Văn nghệ Thái Nguyên sẽ kiến tạo những giá trị mới, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới. Nghĩ về điều đó, tôi thấy ấm áp và hy vọng.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Từ 2004 đến 2019, đó là khoảng thời gian nhà thơ đã gắn bó với Văn nghệ Thái Nguyên trên cương vị người đứng đầu. Trong 16 năm ấy, chị đã làm báo Văn nghệ Thái Nguyên như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi nhận trách nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên từ năm 2004, tức là 16 năm trước. Ngày ấy tôi thì còn rất trẻ, 36 tuổi thôi, và các tổng biên tập là nữ rất hiếm. Nên nhạc sĩ Trần Hoàn, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tới dự Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên xong đi các nơi thường nói: Thái Nguyên có nữ Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập trẻ nhất nước.

Dù đã được coi là một trong hơn bảy mươi hội viên sáng lập của Hội (năm 1987) nhưng chưa từng làm báo ngày nào, tiếp nhận công việc Tổng Biên tập từ nhà thơ Ma Trường Nguyên tôi vô cùng lo sợ. Nhưng lo sợ mấy thì cũng không thế cứ đứng một chỗ, trong khi xã hội tiến về phía trước.

 

Đồng chí Dương Ngọc Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa, chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Văn Nghệ Thái Nguyên nhân dịp ra mắt tuần báo (tháng 10/2014).

Trong tâm thế của một nhà báo, tôi làm những việc của một phóng viên học nghề, từ những bài học căn bản, từ viết tin đến làm những bài lớn hơn. Tôi chịu khó đi thực tế kể cả những vùng biên giới, biển đảo từ Nam chí Bắc, và đi về là viết. Và tôi cố gắng cùng với đội ngũ của mình học điều bắt buộc của dân báo chí văn nghệ, ấy là phải hiểu các lĩnh vực văn học nghệ thuật hơn người khác. Để không biến tác phẩm văn học nghệ thuật thành công cụ chỉ chăm chăm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp như báo chí thông tấn.

Trong tâm thế người quản lý, tôi đưa anh em Tòa soạn cùng với mình đi học hỏi kinh nghiệm ở các báo và tạp chí bạn, xây dựng đề án đổi mới tờ báo, từng bước phát triển. Khởi đầu là tăng từ một kỳ một tháng lên hai kỳ một tháng, tiếp theo là tăng từ 8 trang lên 12 trang, tiếp theo nữa là tăng lên 3 kỳ/ 1 tháng (2010), rồi trở thành tuần báo (tháng 10/2014); thiết lập trang điện tử tổng hợp từ năm 2012 (chạy thử nghiệm, đến 2015 chính thức được cấp phép) để từng bước tác nghiệp trên môi trường thông tin điện tử.

Quãng thời gian 16 năm ấy là tất cả những năm tháng sung sức nhất của tôi, và những gì có thể làm được để góp phần phát triển Báo Văn nghệ Thái Nguyên tôi đã làm bằng tất cả khả năng của mình.

Chừng ấy năm làm báo, có điều gì nguyên Tổng Biên tập muốn chia sẻ với độc giả và các đồng nghiệp của mình?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Để có một tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên như hôm nay, không thể không biết ơn những người đã góp công rất lớn. Chúng ta biết ơn các thế hệ văn nghệ sĩ Bắc Thái, Thái Nguyên đã yêu quý, đóng góp tác phẩm, làm nên trụ cột chính của tờ báo. Chúng ta biết ơn các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của tờ báo qua từng giai đoạn. Chúng ta biết ơn lớp lớp độc giả đã yêu quý tin tưởng, nâng niu Văn nghệ Thái Nguyên. Và chúng ta biết ơn những lao động thầm lặng, miệt mài của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên qua các thời kỳ, để góp phần tạo nên một “thương hiệu” mang tên “Văn nghệ Thái Nguyên” trong đời sống báo chí cả nước.

Với phương châm “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã được xây dựng và phát triển theo tinh thần mở, vừa hội tụ vừa lan tỏa. Bởi “Hội tụ và lan tỏa” cũng chính là bản sắc của văn hóa Thái Nguyên. Với Văn nghệ Thái Nguyên, hội tụ là trân trọng tiếp nhận tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Bắc và tinh hoa văn hóa các vùng miền khác, tiếp nhận văn minh nhân loại. Lan tỏa, là quảng bá những giá trị ấy trên mặt báo. Chúng ta đã không đóng Văn nghệ Thái Nguyên trong cái khuôn báo địa phương, chúng ta lấy Thái Nguyên làm điểm nhìn để nhìn ra đất nước, nhìn ra thế giới. Nhất là từ khi có trang web, chúng ta chủ trương “đưa Thái Nguyên đến với cả nước, với thế giới và đưa cả nước, đưa thế giới về với Thái Nguyên”.

Văn nghệ Thái Nguyên đã thực sự gần gũi Nhân dân, đã đồng hành với những vui buồn của người dân Thái Nguyên, nhất là những người yếm thế trong xã hội. Văn nghệ Thái Nguyên được yêu mến vì luôn cất lên tiếng nói thẳng thắn và mạnh mẽ của văn nghệ sĩ trước các vấn đề lớn của địa phương và đất nước.

Có lẽ đó là những điều muốn nói nhất của tôi lúc này.

Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định rằng, Văn nghệ Thái Nguyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình để bước sang một hành trình mới - xuất bản Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Thời khắc này, nhà thơ, với tư cách là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật - thủ trưởng cơ quan chủ quản, có suy nghĩ gì?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi nghĩ với lịch sử gần 30 năm xây dựng và phát triển của mình, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã tạo ra cả một cơ nghiệp đồ sộ. Cơ nghiệp ấy không của riêng Tòa soạn hay đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên, mà thuộc về Nhân dân Thái Nguyên. Bởi vì cơ nghiệp ấy đã là một phần diện mạo văn hóa của con người Thái Nguyên. Đó là phần tinh hoa nhất, được kết tinh bởi tâm hồn, trí tuệ, tài năng và thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của người dân Thái Nguyên, thông qua các thế hệ văn nghệ sĩ và những người làm báo văn nghệ mấy chục năm qua.

 

Báo Văn nghệ Thái Nguyên tặng quà cho trẻ em tại Trường Tiểu học Tùng Vài (Quản Bạ - Hà Giang)

Cơ nghiệp ấy không đo bằng khối lượng vật chất nhất định cho dù chúng ta có thể thống kê qua số bản in báo hằng năm. Cơ nghiệp ấy lấp lánh sáng trong tâm hồn, trong tình cảm, trong đời sống tinh thần của người Thái Nguyên, thứ ánh sáng ấm áp và đẹp đẽ của lòng nhân ái, hướng về Nhân dân, hướng về những gì tốt đẹp nhất của Con Người.

Chúng ta có quyền tự hào vì đã chung tay làm nên cơ nghiệp ấy, đã mang tinh thần Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển đi một hành trình rất dài để đến được ngày hôm nay, trong niềm yêu mến của công chúng, sự trân trọng đánh giá cao của bầu bạn văn nghệ cả nước.

Sứ mệnh của những người làm Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên hôm nay là tiếp tục phát triển cơ nghiệp ấy. Hãy làm việc đó bằng tình yêu, yêu cái Đẹp và yêu Con Người. Tình yêu ấy chỉ có giá trị khi chúng ta hiểu biết sâu sắc và rung cảm chân thành với những gì chúng ta gửi đến công chúng trên từng trang Tạp chí.

Và một lời khuyên dành cho các cộng sự của chị đang bắt đầu sự nghiệp mới với Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi vừa nói về sự hiểu biết sâu sắc và rung cảm chân thành với những gì chúng ta gửi đến công chúng. Đó là sự hiểu nghề. Hiểu để quản lý, để thay đổi tư duy tổ chức, điều hành bộ máy, để tác nghiệp thế nào cho hiệu quả, tạo ảnh hưởng xã hội... Nhưng như vậy chưa đủ. Còn phải đồng hành với các trạng thái tinh thần của người dân và theo kịp đời sống xã hội. Nếu không nắm bắt được nhu cầu và cảm xúc thẩm mỹ của công chúng, không theo kịp đời sống xã hội, nhất là xã hội đang tiến sâu vào kỷ nguyên số với sự lấn át của truyền thông số, thì làm báo chí văn nghệ dễ dạt qua bên lề rồi tụt lại phía sau, sản xuất ra những thứ cũ kỹ mà công chúng có khi chẳng cần, trong khi đời sống và nhu cầu thẩm mỹ của xã hội thì hằng giây hằng phút luôn tiến về phía trước.

Vâng, “đồng hành với các trạng thái tinh thần của người dân và theo kịp đời sống xã hội”, sẽ vẫn là mục tiêu mà Văn nghệ Thái Nguyên phải thực hiện trong những năm tiếp theo. Trân trọng cảm ơn nhà thơ về những trao đổi thẳng thắn và thấu đáo này.

Huệ Minh thực hiện

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy