Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
05:07 (GMT +7)

Những chuyện vặt không nhỏ

Mạng xã hội phát triển và dần trở thành nhu cầu thiết yếu như cơm ăn nước uống hàng ngày. Với nhiều người, một ngày không có kết nối internet, mọi thứ đều trở nên… nhạt toẹt. Không phủ nhận rằng công nghệ số mang lại nhiều tiện ích, nhưng đi kèm đó có không ít chuyện tiện quá hóa kém duyên. Những ứng xử thuộc phạm trù văn hóa trên không gian mạng, mấy chuyện tưởng chừng vặt vãnh mà lại không khỏi bận tâm, ngẫm ngợi.

Đường đột gọi video là bất lịch sự

Tham gia mạng xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều lựa chọn cho việc kết nối và chia sẻ thông tin với đồng nghiệp, người thân, bạn bè… nhanh chóng và hiệu quả. Những ứng dụng phổ biến như nghe - gọi thoại, cuộc gọi video, messenger… là các phương thức liên lạc vô cùng tiện lợi. Cái gì không tiện nói thì soạn tin nhắn, khi có thể nói/cần nói, nếu không tự tin trình diện trước camera thì gọi thoại. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh có thói quen bấm gọi video một cách rất tùy hứng và tùy tiện, lý do là bởi họ… lười soạn tin nhắn. Có thể nói, việc tùy tiện, đường đột gọi video là một hành động bất lịch sự mà ít người để ý.

                                    1-1694422903.jpg
Việc đường đột và thường xuyên lạm dụng gọi video call đôi khi sẽ trở thành “vô duyên”. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Việc thực hiện cuộc gọi video (video call) mà không báo trước, hình thức giao tiếp này dễ bị từ chối và gây ra sự khó chịu cho cả đôi bên. Người bấm video call thì thường ở thế chủ động và sẵn sàng về điều kiện âm thanh (không quá ồn), ánh sáng (không ở chỗ tối); bản thân thì trang phục kín đáo, mặt mũi, đầu tóc… đã được chỉnh trang chỉn chu. Nhưng phía người nhận cuộc gọi thì hoàn toàn thụ động. Có thể họ đang ở chỗ ồn ào (ngoài đường, trong chợ…), hoặc ở nơi ánh sáng không tốt (quá thiếu hoặc quá xấu). Trang phục có thể đang xuề xòa, tóc tai rối bù, mặt đang đắp mặt nạ dưỡng da trông… thấy sợ…

Người chủ động bấm video call, ít nhiều đang có không gian ngồi hoặc đứng tương đối thoải mái. Trong khi đó, người nhận có thể đang ở chỗ riêng tư, thậm chí đang ở toilet. Người chủ động thực hiện cuộc gọi video là đã có nội dung trò chuyện, là một chuyện vui cần khoe, hoặc chuyện buồn cần chia sẻ. Nhưng người nhận có khi đang trong lúc lu bù công việc, hoặc tâm trạng đang trong những ngày khó ở và không muốn nghe gì, không muốn gặp gỡ ai. Vậy thì cuộc gọi video chẳng hóa vô duyên? Người bấm video call một cách tùy hứng thì sẽ “tặc lưỡi”, rằng gọi không nghe thì thôi, chẳng vấn đề gì. Nhưng với người nhận cuộc gọi, nếu bấm từ chối nghe thì sẽ có tâm lý e ngại vì như thế là từ chối một điều gì đó mà nó không đáng phải xảy ra.

Nói chung, việc đường đột gọi video giống như bạn vào phòng người khác mà không gõ cửa xin phép. Trong khi đó, người ở một mình trong phòng thì đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng đón một người khác bước vào. Thế nên muốn giao tiếp tạo được sự dễ chịu nhất, vẫn là nên nhắn tin. Nếu cần gọi thì nhắn tin thông báo rằng sẽ gọi, hỏi đối phương xem họ có thể/sẵn sàng nghe/ nhận cuộc gọi không. Để khiến việc giao tiếp của cả hai trở nên dễ chịu, thì với cuộc video call, ta cần biết người nhận đã sẵn sàng thì mới nên bấm gọi.

Phát video trực tiếp “hành” người xem

Trên các nền tảng mạng xã hội, việc giao lưu, gặp gỡ giữa người với người ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Nhiều nội dung bổ ích, những hình ảnh đẹp từ các lĩnh vực được chia sẻ và tiếp cận một cách nhanh chóng. Ứng dụng phát video trực tiếp trên facebook (còn gọi là live stream) khá hấp dẫn và được lòng người dùng. Live stream không chỉ phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực bán hàng online, mà hiện nay trong nhiều sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật cũng ưa chuộng như một hình thức truyền thông hữu hiệu. Có nhiều những live stream được đầu tư trang thiết bị và chăm chút về kỹ thuật quay - phát thu hút người xem, để lại ấn tượng tốt đẹp. Song bên cạnh đó có không ít những video được thực hiện bởi những người “nghiện” live stream nghiệp dư. Sở hữu chiếc smart phone có kết nối 3G, 4G, cứ hễ đi đâu, làm gì, hở ra là họ quay - phát theo kiểu “cây nhà lá vườn”, quả thật không khỏi khiến bạn face ngán ngẩm.

Sở dĩ người ta chuộng livestream vì ứng dụng này có thể giúp lưu trữ, kéo dài video mà dung lượng không bị giới hạn. Tuy nhiên, nhiều người (nhất là bậc trung niên) thiếu kiến thức về việc lựa chọn bối cảnh, khung hình, kỹ năng quay khi di chuyển…, nên video là một mớ hình ảnh hỗn độn bởi những cú lia chóng mặt trên, dưới, trái, phải, những góc quay đang đứng bỗng đổ ngang như đánh đố người xem. Để xem được, phải nghiêng (quay) đầu 90, thậm chí 180 độ, hoặc là quay ngược điện thoại, máy tính lại mới đúng người đúng cảnh.

Người viết không ít lần vì lý do bất khả kháng chẳng thể tham gia những sự kiện văn hóa quan trọng của làng quê, khu phố, thường xuyên vắng mặt trong các ngày vui của người thân, bạn bè, muốn thông qua video phát trực tiếp của những người quen biết để nắm bắt tình hình, như một cách “nhập cuộc” gián tiếp vậy. Nhưng lắm khi xem không nổi bởi video của họ chẳng khác nào một màn tra tấn cả về thị giác lẫn thính giác. Nhiều người rất thích thú, thậm chí cuồng tính năng quay - phát video trực tiếp, nên bất kể đi đâu, làm gì họ cũng có thể thực hiện. Không kể là lúc tụ tập ăn uống, hay đang chạy xe ngoài đường, trong tiệc cưới hay đám hiếu… Họ vô tư quay mà không để ý góc nhà lồ lộ quần lót, áo con. Quay và không quan tâm việc có người lúc ăn uống dáng vẻ thô tục thế nào. Quay và quên đi sự trang nghiêm thành kính cần có đang khi nhà có tang…

Việc livestream bán hàng là một phương thức hữu hiệu khi qua video giới thiệu sản phẩm trực tiếp, chủ hàng “chốt” được nhiều đơn hơn. Tuy nhiên, chăm chút hình ảnh khi quay - phát trực tiếp là vấn đề đáng bàn. Có chị chủ cửa hàng bán hoa quả nọ hào hứng quay video giới thiệu lô dứa tươi ngon vừa “cập bến”. Sau khi lựa chọn góc đặt điện thoại vừa ý, chị xăng xái ngồi xuống ghế đẩu bắt đầu gọt dứa, camera hướng vào chỗ chiếc thớt, nhưng cũng vô tình chiếu thẳng vào vùng nhạy cảm của chị. Video kéo dài cả chục phút đồng hồ, có lúc không gọt dứa mà chị ngồi tán chuyện với khách hàng bên ngoài, vùng nhạy cảm cứ lồ lộ, choang hoác ra trước camera. Nói thật, xem video chẳng hề thấy trái cây chị bán ngon ngọt chỗ nào, chỉ thấy sự phản cảm mà thôi. 

Tham gia mạng xã hội, đó cũng là một kênh giao tiếp, ít nhiều thể hiện trình độ văn hóa của người dùng. Phát video trực tiếp là kiểu có gì quay đó, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn bối cảnh phù hợp, ước lượng được những gì sẽ xuất hiện trong video để tránh những tình huống dở khóc dở cười. Quay video, thông qua video để kết nối, trò chuyện với bạn bè, thì video chính là khuôn mặt của mình. Một khuôn mặt với dáng vẻ xinh xẻo thì mới khiến người ta nán lại ngắm nhìn. Những video với khung hình, bối cảnh, lời thoại bừa phứa tiện sao quay vậy, xem chút là muốn “hoa mắt chóng mặt” thì mấy ai hứng thú dừng lại lâu?

Văn hóa phản hồi email

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, email là phương tiện trao đổi quan trọng trong công việc. Nó được xem như một sản phẩm mang tính ứng dụng đáp ứng gần như tuyệt đối nhu cầu trao đổi thông tin. Thế nhưng, văn hóa giao tiếp thông qua email cũng khối chuyện đáng bàn. Ở bài viết này, xin chỉ nói về khía cạnh phản hồi email.

Thiển nghĩ, thông qua phản hồi email, chúng ta có thể nhận biết về văn hóa ứng xử của một người. Người viết từng nhận được một email “chào tạm biệt” từ biên tập viên của một tờ báo có tiếng khi rời vị trí đảm nhận bấy lâu. Email nêu rõ lý do tạm biệt kèm lời cảm ơn chân thành, không quên hướng dẫn các cộng tác viên cách tiếp cận và kết nối với người phụ trách mới. Nhận email, cảm thấy xúc động, tiếc nuối nhưng lại tràn đầy sự vui vẻ. Nó mang lại cảm giác được trân trọng, khác hoàn toàn với sự khó chịu khi bị “quăng lơ” trong trường hợp khi chuyển công tác, hoặc nghỉ hưu, người ta ngưng dùng email và im lặng, chẳng quan tâm xem những người trước giờ “qua lại” với mình sẽ tiếp tục thế nào.

Hiện nay, ở hầu hết các cơ quan công quyền, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất..., việc dùng email để trao đổi văn bản, giấy tờ liên quan rất phổ biến. Có người vì muốn tiết kiệm thời gian, nên thường cài đặt đôi dòng trả lời tự động, nội dung đại khái là đã nhận email và cảm ơn. Người gửi có thể tin tưởng rằng email của mình đã “đến đích”, nhưng lại không mấy bằng lòng với kiểu hồi âm “công thức” này. Đôi khi chỉ cần một đôi lời (không nhất thiết phải ngay và luôn), nói rằng công việc làm tốt hay chưa, có thể khích lệ hay yêu cầu làm lại, vẫn khiến người nhận vui vẻ hơn. Vì chí ít họ biết rằng, email của mình đã được kiểm tra, xem xét. Có những trường hợp, email gửi đi là nhiều file hình ảnh, video chiếm dung lượng lớn. Người gửi sau vài, ba ngày sẽ phải xóa bớt nhằm đảm bảo dung lượng email để thực hiện gửi những file tương tự khác. Nếu không có thư phản hồi, họ không thể biết những hình ảnh, video đó đã được người nhận tải xuống hay chưa. Nếu lỡ xóa rồi mới thấy người nhận hồi âm, gửi lại email rất mất thời gian và không hề thoải mái chút nào.

Mạng xã hội cho chúng ta cơ hội kết nối rộng rãi, là nơi thể hiện văn hóa giao tiếp khá cởi mở. Song càng cởi mở thì càng phải kỹ lưỡng và tinh tế để định vị giá trị của bản thân và các mối quan hệ trong đời sống. Lan man nghĩ mấy chuyện như trên, nghe qua chỉ là chuyện vặt vãnh, nhưng ngẫm ra thì hẳn lại không phải là chuyện nhỏ!

Minh Hưng

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước