Những chuyện ấm áp về tình người trên đất Thái Nguyên
VNTN - “Cuộc đời ơi, ta mến yêu người…”. Tôi thốt lên như vậy, bởi nhận ra, bên cạnh những “mảng tối” khiến chúng ta luôn cảm thấy bất an, buồn nản, thì cuộc đời này vẫn còn đó những con người đầy thiện tâm, cứ lặng thầm cho đi mà chẳng mảy may tính toán. Họ chính là những nguồn năng lượng tốt vẫn âm ỉ chảy giữa cuộc đời.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook, zalo, thông tin “Miễn phí đối với hành khách mắc bệnh ung thư” khi đi tuyến Hà Nội - Thái Nguyên của Nhà xe Đất Chè, số 376, đường Thống Nhất, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên được nhiều người chia sẻ. Cảm ơn, cảm động, trân trọng… là những từ được nhiều người bình luận trong mỗi lượt bài. Không cảm động sao được khi hành động của Nhà xe Đất Chè chính là sự chia sẻ thiết thực nhất đối với những người không may mắc phải căn bệnh quái ác này. Họ, hầu hết đều rất khó khăn về kinh tế. Đối với họ năm chục, một trăm nghìn đều rất quý giá, bởi bệnh tật đã khiến những người dù có điều kiện cũng trở nên khánh kiệt. Người khỏe không tiền đã khổ, người bệnh không có tiền càng khổ gấp nghìn lần. Thấm thía điều đó, Nhà xe Đất Chè đã chọn cách giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân mỗi lần đi trị bệnh.
Điều khiến chúng tôi càng trân trọng hơn, đó là khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về nội dung này thì tất cả nhân viên và lãnh đạo Nhà xe đều một mực từ chối, với lí do: “Việc bình thường, chúng tôi làm từ tâm, nên không muốn báo chí đề cập, vì có thể có những người bệnh, họ không muốn điều đó”. Thế rồi, phải thuyết phục rất nhiều lần, chúng tôi mới được Nhà xe đồng ý cho chụp hình và cung cấp một vài số liệu.
Theo đó, việc áp dụng miễn phí cho bệnh nhân xạ trị được Nhà xe Đất Chè triển khai từ cuối năm 2018, sau một thời gian mở tuyến chạy trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và trả, đón khách ở một số điểm cố định trên địa bàn Hà Nội. Chỉ một thời gian ngắn, sau khi thông báo tại Văn phòng và trên trang Facebook, đã có rất nhiều người đến nộp hồ sơ để được làm thẻ đi xe miễn phí trọn đời. Hoặc, dù không có thẻ, nhưng chỉ cần có hồ sơ, người bệnh đã được miễn phí đi lại. Một bệnh nhân (không muốn nêu tên) được hưởng ưu đãi của Nhà xe cho biết: có những hôm, trên xe có 16 khách thì có tới 11 - 12 người thuộc diện miễn phí, còn trung bình thì gần như chuyến nào thuộc cung đường đi qua các bệnh viện lớn cũng có 1 đến 2 người bệnh. Tính đến cuối tháng 3 năm 2019, đã có vài trăm lượt bệnh nhân được hưởng sự ưu đãi này và hơn 100 người đã nộp hồ sơ để được làm thẻ miễn phí đi lại trọn đời. Với giá vé 70 nghìn và 100 nghìn đồng/lượt (tùy theo địa điểm bệnh viện gần hay xa) thì tính ra, số tiền mà Nhà xe đã miễn phí cho bệnh nhân thời gian qua đã là vài chục triệu đồng. Và quan trọng là, bệnh nhân không bị giới hạn số lần đi trong ngày, trong tuần, trong tháng hay trong năm.
Bà Phạm Thị Dung, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương chia sẻ: Hơn 2 năm trước, tôi bị liệt, không đi lại được nên kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn. Chữa được bệnh liệt, có thể đi lại nhúc nhắc thì tôi lại mắc K. Mỗi lần đi điều trị, tôi lại phải bán thóc, bán gà, vì trung bình mỗi lần khám, điều trị đều tốn kém vài ba triệu đồng, từ mua thuốc thêm, thuê phòng trọ đến tiền xe. Nay được Nhà xe cho đi không mất tiền thế này, thật là quý hóa cho chúng tôi lắm. Tôi rất cảm động về sự giúp đỡ này. Chúng tôi biết ơn lắm.
Câu lạc bộ Từ thiện Đất Thép và Hội Giáo dân Thái Nguyên thường xuyên nấu cháo cho bệnh nhân tại bệnh viện Gang Thép
Đó cũng là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Thu Hằng, xóm 6, xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên mà chúng tôi gặp ở Nhà xe khi chị đến làm thẻ miễn phí đi lại cho bố đẻ đang mắc căn bệnh hiểm nghèo. Chị Hoa cho biết, hồ sơ để làm thẻ của Nhà xe bao gồm: Tóm tắt bệnh án có dấu của bệnh viện tại Hà Nội; 1 bản phô tô chứng minh thư nhân dân có công chứng; 1 bản photo sổ hộ khẩu có công chứng và 6 ảnh 4x6cm, tất cả đều không quá 6 tháng, kể từ ngày đến nộp.
Cũng cùng mục đích giúp người khó, Câu lạc bộ Từ thiện đất Thép và Hội Giáp Dần Thái Nguyên đã khiến rất nhiều bệnh nhân cảm động khi mỗi sáng thứ 4 hàng tuần, Câu lạc bộ lại tổ chức nấu và phát trên dưới 500 suất cháo; 80 đến 100 lít nước uống miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Gang Thép. Câu lạc bộ được thành lập tháng 8 năm 2017, hiện có 37 thành viên, trong đó, người lớn tuổi nhất đã ngoài 80 và nhỏ nhất là 22 tuổi. Câu lạc bộ chia ra làm 3 tổ, tổ đi phát phiếu chiều hôm trước; tổ mua nguyên vật liệu và tổ nấu, phát cháo. Để có cháo và nước sôi cho các bệnh nhân vào lúc 5h 30 phút, thì tổ nấu cháo phải có mặt tại bệnh viện từ lúc 2h30 sáng để bắt đầu công việc thiện nguyện. Sau 6h30 phút, mỗi người một việc, các thành viên Câu lạc bộ lại trở về với công việc thường ngày của mình.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Thoa vẫn dành số tiền 500 nghìn mỗi tháng cho chương trình “Cặp lá yêu thương”
Thành phần tham gia Câu lạc bộ rất đa dạng, người là cán bộ công chức nhà nước, người thì buôn bán nhỏ, có người đã nghỉ hưu, có người làm công việc nội trợ… nhưng họ đều có chung tấm lòng thơm thảo, mong muốn được chia sẻ với những bệnh nhân, giúp họ có thêm niềm vui, sự mong chờ nào đó vào buổi sáng mai thức dậy với cốc cháo nóng hổi ấm áp tình người. Anh Dương Văn Đăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về một bệnh nhân nữ, sau một lần nằm viện được nhận cốc cháo từ thiện của Câu lạc bộ, khi khỏi bệnh, ngay tháng lương sau đó và cho đến tận bây giờ, đã hơn 1 năm, tháng nào cũng đều đặn dành 300 nghìn đồng để đóng góp vào nồi cháo. Trong khi tổng lương của cô ấy chỉ là 2,3 triệu đồng và gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng giống Nhà xe Đất Chè, bệnh nhân ấy nhất định từ chối nói về mình. Và chúng tôi chỉ có thể nói với bạn đọc rằng, cô ấy tên là Hòa, hiện ở phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên.
Một câu chuyện nữa chúng tôi cũng muốn kể cùng bạn đọc.
Bà Phạm Thị Dung và chị Nguyễn Thị Thu Hằng (ngồi giữa) đang làm thủ tục để được miễn phí đi lại tại Nhà xe Đất Chè
Hơn 3 năm qua, tháng nào cũng vậy, từ số tiền lương hưu, vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Thoa, ở tổ 4, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên lại dành 500 nghìn đồng ủng hộ Chương trình “Cặp lá yêu thương” để giúp 1 địa chỉ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) tỉnh. Khi được hỏi lý do khiến vợ chồng ông đến với “Cặp lá yêu thương”, ông Thành chia sẻ: Thấy trong xã hội mình hiện vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh éo le, nhất là đối với những đứa trẻ, chỉ vì kinh tế gia đình khó khăn mà nhiều cháu phải nghỉ học, nên khi biết có Chương trình này, vợ chồng tôi đã quyết định nhận giúp đỡ 1 địa chỉ, với hy vọng khi cùng có nhiều người tham gia, các cháu sẽ tiếp tục có cơ hội đến trường.
Nhóm học sinh trường THCS Chu Văn An làm kế hoạch nhỏ để giúp bạn nghèo
Bởi tôi nghĩ, chỉ khi có kiến thức, các cháu mới đỡ khổ và có cơ hội nuôi sống bản thân cũng như hỗ trợ được cho gia đình và như thế cũng đỡ đi phần nào gánh nặng cho xã hội. Nếu cháu phải bỏ học quá sớm, sẽ rất dễ xa ngã, nhất là cháu trai, hoặc nếu không cũng sẽ là khó khăn hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai. Bà Thoa thì bảo: Dù một trong hai chúng tôi mất đi, thì người ở lại vẫn sẽ tiếp tục. Chỉ khi cả hai cùng mất thì chúng tôi mới dừng sự giúp đỡ này.
Còn tại xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) lại có một câu chuyện cảm động khác. Bà Trần Thị Cương, 70 tuổi và chồng là ông Nguyễn Văn Hội, 80 tuổi là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai ông bà già đau ốm triền miên, con cái ở xa nên mỗi lần ông ốm phải đi khám bệnh, ông bà chả biết trông cậy vào đâu. Vậy là anh Phạm Văn Thường, người hàng xóm làm nghề lái xe đã tự nguyện thay con cháu làm việc ấy. Vì nhà ông bà cách xa đường, lại toàn bờ ruộng nên lần nào cũng vậy, anh Thường phải cõng ông Hội đoạn đường vài trăm mét trước khi lên xe. Đã vài năm nay, anh cứ tận tụy với ông bà như thế mà không lấy tiền. “Chỉ thi thoảng lắm, để vợ chồng tôi đỡ áy náy, anh Thường mới “chịu” lấy chút tiền xăng xe” - bà Cương cảm động nói.
Nếu muốn giúp người khác thì không thiếu gì cách, ví như chị Ninh Huyền Nương, số nhà 99, đường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên - người khởi xướng ra quầy quần áo từ thiện với phương châm: “Ai thừa đến cho, ai cần đến nhận”. Hay như các em học sinh Trường THPT Chu Văn An, từ 2 năm nay đều tổ chức nhiều đợt quyên góp giấy vụn, ve chai từ thiện để gây quỹ cho Câu lạc bộ “Sách và đồng hành” và mua tặng sách, vở, đồ dùng học tập tặng các bạn học sinh nghèo. Hoặc sự ủng hộ của Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội An Viên (Hà Nội) ủy quyền cho Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình hàng tháng tổ chức trao tặng 76 bệnh nhân của Trại Phong Phú Bình mỗi người 1 suất quà gồm 10kg gạo và 200 nghìn đồng. Hay trên mạng xã hội, rất nhiều cá nhân có uy tín trong cộng đồng đã thường xuyên vận động quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và được nhiều người hưởng ứng… Những câu chuyện đó đều rất đáng trân trọng!
Còn nhiều, nhiều lắm những tấm lòng cao đẹp mà chúng tôi chưa biết đến và trong phạm vi một bài viết cũng không thể đề cập hết được. Hóa ra, cuộc sống này không bao giờ hết đi những điều tốt đẹp. Hãy yên tâm bạn nhé, và đừng bao giờ hết niềm tin ở cuộc đời!.
Đỗ Thụ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...