Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:53 (GMT +7)

Những chiến binh chống “giặc lửa”

VNTN - Nếu hiểu nghề này người ta sẽ thấy họ như những chiến binh quả cảm, sẵn sàng bước vào đám cháy, để khắc chế “giặc lửa” hung bạo, cứu người, cứu tài sản và bước ra trong tư thế ngẩng cao đầu. Dù mặt trận không tiếng súng, không có tội phạm nhưng ở đó cũng đầy những hiểm nguy bởi khi làm nhiệm vụ “hỏa tặc” luôn rình rập có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.


“Giặc lửa” đến lúc nửa đêm

Đêm cuối năm yên tĩnh. 1h30 ngày 29/12/2015 tiếng chuông điện thoại báo cháy bỗng đổ dồn từ phòng trực ban của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Thái Nguyên. “Có cháy lớn xảy ra tại tổ 19, phường Thịnh Đán thành phố Thái Nguyên, các anh đến ngay”. Bằng biện pháp nghiệp vụ các chiến sĩ trực ban xác định đây là thông tin chính xác. Tiếng kẻng tập trung vang lên. Những chiến sĩ phòng cháy bật dậy. Chưa đầy phút họ đã nai nịt gọn gàng tập trung nhận nhiệm vụ của chỉ huy để lên đường. Tiếng xe lao vun vút trong đêm, 5 phút sau họ đã có mặt tại đám cháy với đầy đủ các dụng cụ và phương tiện cứu hỏa. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội đang liếm dần hết toàn bộ cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Nguyễn Công Bằng.

Sau khi nhận diện đám cháy, lập tức các mũi tấn công nhận nhiệm vụ vào vị trí chiến đấu. Điện được ngắt và những lăng chữa cháy liên tục phun nước ngăn chặn và khống chế ngọn lửa. Tổ trinh sát tỏa đi các hướng để nắm tình hình 20 phút sau hai mũi trinh sát báo về: trụ nước dự trữ gần khu vực có thể không đủ cung cấp để dập tắt đám cháy; trong nhà còn người và rất nhiều tài sản và đặc biệt còn hai bình ga ở gian bếp. Nghe báo cáo, chỉ huy chữa cháy lập tức điện thoại cho Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên cho bơm tăng áp kịp thời vào trụ nước, đồng thời lệnh cho các mũi tấn công sẵn sàng dụng cụ để khi khống chế được ngọn lửa là phá cửa hoặc đập tường vào cứu những nạn nhân đang mắc kẹt ở phía trong. Gần 1 giờ trôi qua ngọn lửa cơ bản đã được khống chế, phía ngoài cửa hàng không còn cháy nhưng còn cháy phía bên trong. Giữa khói bụi và khí nóng bỏng rát các chiến sĩ nhận lệnh, các mũi cầm lăng chữa cháy tiến sâu vào bên trong dập lửa. Tuy nhiên, cửa hàng tạp hóa có nhiều đồ dễ bắt lửa nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Trong gian hàng rộng khoảng 250 m2 hàng hóa đang ngùn ngụt cháy, những người lính cứu hỏa tập trung toàn lực lượng tấn công ngọn lửa. Gần 2 giờ sau, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Rất nhiều tài sản đã được cứu, nhưng giặc lửa đã cướp đi tính mạng của ông Nguyễn Văn Tòng và cháu Nguyễn Tuấn Hải, hàng hóa và 3 xe máy bị thiêu rụi và làm hai chiến sĩ trong lực lượng cứu hỏa bị thương và bị bỏng nặng.

Hiện trường vụ cháy đêm 29/12/2015

Nhớ lại vụ cháy đó Thượng tá Ma Công Diện, Trưởng Phòng hướng dẫn chỉ đạo về công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, người trực tiếp chỉ huy chữa cháy vụ đó ánh mắt đăm chiêu không giấu nổi nỗi buồn. Anh cho biết: Hỏa hoạn thường xảy ra lúc nửa đêm lúc mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ. “Nước xa không cứu được lửa gần”, giá như vụ cháy đó các anh nhận được tin báo sớm hơn chắc chắn không có điều đáng tiếc xảy ra. Cứu nạn cứu hộ không chỉ tính bằng phút mà phải tính bằng giây. Thời điểm xảy ra vụ việc trong nhà có 5 người đang ngủ. Người dân phát hiện đám cháy bùng phát dữ dội tại cửa hàng nên hô hào chữa cháy nhưng không dập tắt được nên đã gọi điện cho cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, đám cháy quá lớn. Ngôi nhà lại xây có cửa kiên cố và rất kín, tuy chống được “đạo chích” nhưng lại là yếu điểm để “hỏa tặc” tấn công (Vì khi hỏa hoạn rất khó thoát vì ngạt khói độc và sức nóng).

Không run sợ trước “hỏa tặc”

“Nếu không hiểu về nghề mọi người thường nghĩ “Lính cứu hỏa thì có việc gì để làm” hay “Đến hiện trường còn chưa chữa cháy ngay mà giương mắt lên đứng nhìn”... Nhưng họ có biết đâu đứng trước mọi đám cháy chúng tôi phải phán đoán xác định để đưa ra phương án khả thi nhất”. Anh Diện thanh minh và theo lời anh: có thể một đám cháy lớn lượng nước chưa đủ, cần phải huy động thêm nước để cùng lúc phun đồng loạt mới dập tắt được. Cuộc sống hiện đại với biết bao tiện nghi nhưng cũng đồng nghĩa với giặc lửa ngày càng hung bạo, nếu lượng nước cung cấp không đủ lúc đấy việc cứu hỏa sẽ càng khó khăn.

30 năm gắn bó với nghề anh Diện đã tham gia không biết bao nhiêu vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhắc tới “giặc lửa” giọng anh cương quyết: “Chúng tôi chưa bao giờ biết sợ, nếu sợ chắc tôi đã không theo nghề này rồi. Có những vụ chữa cháy kho đạn như vụ kho đạn Trại Gà trong Thịnh Đức năm 1988 lúc đó tôi là chiến sĩ. Khi chúng tôi vừa vượt qua vòng lửa thì phía sau bộ đội công binh cũng đi cắm cờ trắng cảnh báo nơi nguy hiểm chết người. Hay vụ nổ Z115 năm 2003, đơn vị vào chữa cháy, lúc đó chưa có mặt nạ cách ly. Mặc dù biết ở đó có rất nhiều quả đạn chưa nổ nhưng vì nhiệm vụ cứu tài sản, cứu người anh em đã quên đi nỗi sợ hãi để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đang chữa cháy thì quả nổ cuối cùng xảy ra, rất may là quả nổ không lớn. Buổi sáng hôm sau khi đã dập tắt được đám cháy anh em nhìn hiện trường mới thấy sợ. Nói dại nhỡ quả nổ đó như những quả nổ lúc trước thì anh em chắc đã là liệt sĩ hết rồi”.

Cao to, khỏe mạnh, nước da nâu như rám lửa, Đại úy Trần Hữu Hậu mang hình dáng của một người lính cứu hỏa thiện chiến, gần 20 năm trong nghề thì có tới mười mấy năm anh trực tiếp cầm lăng chữa cháy. Nói về nghề anh xúc động: “Cuối năm 1998 tôi chuẩn bị học hết phổ thông trung học. Đứng trước cánh cửa vào đời, phải tự lựa chọn một tương lai đã thực sự làm tôi bối rối. Lúc nhỏ tôi mê phim hành động Mỹ và thần tượng người lính cứu hỏa. Nhà có người thân trong ngành, vậy là tháng 3 năm 1999 tôi quyết định nhập ngũ phục vụ có thời hạn trong lực lượng PCCC. Khi bước chân vào ngành tôi mới thấy đây là nơi rèn luyện tuyệt vời và cũng là một nghề rất ổn định. Hết thời hạn phục vụ, tôi được đơn vị tuyển làm lính chuyên nghiệp và cho đi đào tạo 5 năm ở trường Phòng cháy, sau đó về đơn vị công tác”. Anh Hậu khẳng định: Để được trở thành người lính cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn không hề đơn giản. Phải có sức khỏe, lòng can đảm, phản xạ nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp và phải yêu nghề. Một ngày của lính cứu hỏa bắt đầu từ lúc 5h15' sáng. Mọi người ra khỏi giường với tác phong nhanh nhẹn, tập thể dục hoặc chạy dài. Sau đó mỗi người đều có nhiệm vụ của mình: người quét sân, người quét nhà… rồi sau đó là làm vệ sinh cá nhân. Bài học đầu tiên là điều lệnh đội ngũ… Cứ như vậy, lính cứu hỏa phải thường xuyên tập luyện, thậm chí dựng những vụ cháy giả để diễn tập vì ngoài bài học ở trường, nghề này còn cần rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu.

Dẫn khách đi tham quan cơ sở vật chất của đơn vị, đứng trước hàng xe cứu hỏa, cứu hộ đỏ rực, bóng sạch anh Hậu tự hào: Tháng 10/2012 theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngoài việc cứu hỏa chúng tôi còn được nhận thêm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và vừa rồi có quyết định chuyển từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thái Nguyên. Ngoài những xe chữa cháy và xe thiết bị trước đây, năm 2015 chúng tôi được trang bị thêm một xe thang có tầm vươn 30m… Còn đây là chiếc xe cứu hộ cứu nạn của Hàn Quốc, trên xe có gần 400 trang thiết bị như: quần áo chống nóng, quần áo chống hóa chất, mặt nạ cách ly, các máy thiết bị thủy lực như: banh, cắt, kích, dụng cụ phá dỡ, hệ thống tời, hệ thống cẩu, xuồng cao su, phao cứu sinh… Nhờ có những thiết bị này mà vụ tai nạn giao thông của người Hàn Quốc trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên các anh mới banh, cắt các cấu kiện ô tô để đưa nạn nhân mắc kẹt ra ngoài. Hay những trận lũ lụt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh năm vừa qua các anh dùng xuồng cao su phối hợp cùng các lực lượng khác để cứu người và tài sản bị nạn. Để sử dụng các thiết bị này thành thục đơn vị phải thường xuyên luyện tập. Một năm chia làm 2 đợt, mỗi đợt huấn luyện 3 tháng liên tục vào 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi chiến sĩ

bị bỏng đêm 29/12/2015

Để người dân bình yên đón tết

Những người lính cứu hỏa dường như không có khái niệm thời gian. “Giặc lửa” có thể bùng phát bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Tính đến thời điểm cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh xảy ra 89 vụ cháy trong đó có 2 vụ cháy lớn. Cháy 1 máy xúc 60 xe máy, 262,5 m2 nhà cấp 4 và một số tài sản trị giá 4. 395,3 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2014 số vụ cháy tăng 47 vụ, thiệt hại tăng 2.726,7 triệu đồng. Nguyên nhân cháy do chập điện chiếm tới 70,8% ở khu vực thành thị, còn ở nông thôn do chập điện là 68,5%... Một vài con số trên cho thấy sự phức tạp và nguy hiểm của nghề. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa dừng lại, đặc biệt các vụ cháy nổ, tai nạn thường xảy cao điểm nhất vào tháng tết cuối năm. Dù luôn trực chiến 24/24 nhưng những tháng này càng phải canh phòng cẩn mật.

Anh Hậu cho biết: vất vả và căng thẳng nhất trong những ngày lễ, tết. Tết đến xuân về cũng là mùa khô, mức độ sử dụng lửa để nấu nướng, thắp hương trong mỗi gia đình rất cao vì vậy nguy cơ hoả hoạn có thể nói là thường trực. Công tác phòng cháy và triển khai lực lượng chữa cháy khi có hoả hoạn là hết sức khó khăn. Ngày lễ lớn, các chiến sĩ cảnh sát PCCC vẫn thường trực với tư thế sẵn sàng. Chuyện ăn tết với gia đình là một điều không thể. Bản thân anh Hậu mới chỉ có 2 năm được tranh thủ đón tết ở nhà. Nhắc đến tết giọng Mai Anh Hùng chiến sĩ bị thương trong vụ cháy 29/12 buồn buồn: “Tết này là tết thứ 2 em ở đơn vị. Nhớ nhà lắm anh ạ! Nhìn mọi người sum họp, gia đình cùng đi chợ tết, đón giao thừa; chúng em vẫn phải trực chiến, phải thức suốt đêm để bảo vệ cho tất cả các tụ điểm bắn pháo hoa, các khu vui chơi giải trí công cộng… Cũng may ở đơn vị có đồng đội và thủ trưởng cơ quan. Tết ở cơ quan cũng có đủ các món như ở nhà nên cũng vơi đi ít nhiều. Làm nghề này vất vả nhưng cũng vinh quang, nghĩ đến nhiệm vụ giữ bình yên cho người dân là em thấy vui”.

Một tình huống diễn tập

  Vâng! Quả thật để mùa xuân trọn vẹn đến với mỗi gia đình, thì một phần đóng góp không nhỏ thuộc về những người lính PCCC và cứu hộ cứu nạn.

 

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước