Những cánh hoa không run trong giá rét
VNTN - Mấy chục năm nay, kể từ ngày làm việc ở số 10 đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên, tôi thấy Tết luôn về sớm.
Cách Tết khoảng một tháng, những con phố gần cơ quan tôi đã rì rầm không khí Tết.
Vừa tối hôm trước, đoạn vỉa hè trước cổng còn trống trơn, sáng hôm sau ở đó đã mọc ra chi chít những chậu sành, lọ thủy tinh, bình gốm sứ. Cứ như là bóng đêm đã hóa ra những thứ ấy một cách nhẹ nhàng. Tôi ngắm gương mặt người bán hàng, ai cũng tươi rói, chả biểu hiện gì của một đêm khuân vác, xếp đặt “binh chủng” đông đảo mặt hàng dành cho việc cắm hoa bày Tết.
Tôi buột kêu lên cái nhận xét ngu ngơ của chính mình: Hóa ra, nhiều người nay không lo gạo, lo đỗ, lo thịt đầu tiên, mà lo trước nhất là đón Tết sao cho đẹp. Hay nâng quan điểm lên chút xíu là thượng tôn cái giá trị tinh thần.
Đến sau “chàng” lọ khoảng dăm ngày là “nàng” hoa xuất hiện. Thật, ngôn từ trở nên thô thiển trước vẻ đẹp của muôn loài. Hoa truyền thống như hồng nhung, đồng tiền đơn, thược dược, violet, cúc đại đóa… đọ sắc với hoa lai tạo, ngoại nhập như ly, thủy tiên, dạ yến thảo, mimoda, cát tường… cứ là lộng lẫy, ngan ngát một vùng.
Nhưng không hiểu sao, đi giữa trăm hương ngàn sắc tôi lại không nghĩ nhiều về hoa, mà thăm thẳm nhớ một người.
Bạn tên là Lan, nhà làm hoa giấy.
Năm ấy là năm 1970. Sau một lần suýt chết đuối ở con suối xóm Chợ, xã Phúc Trìu (thời ý thuộc huyện Đồng Hỷ), tôi được bố mẹ chuyển sang học ở trường Cấp 1 Thịnh Đức (xã Thịnh Đức). Trẻ con thành phố đi sơ tán hay bị các bạn người bản địa bắt nạt. Chúng tôi thường xuyên “ăn củ đậu bay”, hoặc bị túm tóc ấn đầu xuống đất, tận hưởng mấy cú đá vào mông. Sau mấy tháng bị bạo hành như thế thì tôi chơi với một bạn nhà ở khu vực chúng tôi hay bị đón đường đánh đấm. Bạn tên là Lan, người mũm mĩm, khuôn mặt đầy đặn, cười rất hiền. Nhà Lan ở Thành phố nhưng chuyển vào Thịnh Đức lâu rồi. Từ khi chơi với Lan, tôi chơi luôn với đám bạn bản địa và cũng từ đó chúng tôi không bị bắt nạt nữa.
Thời gian đầu chơi với Lan, tôi ngạc nhiên thấy tay Lan đổi màu. Hôm màu vàng, hôm màu đỏ, hôm màu tím.
- Nhà tớ làm hoa giấy - Lan giải thích.
- Cho tớ xem với.
- Ừ, vào nhà tớ.
Nhà Lan cách đường một quãng ruộng, trước nhà có vườn chuối um tùm. Trong ngôi nhà lợp lá cọ, tường trát bùn rơm, nền đất, bày la liệt hồ, kéo, giấy tung tóe. Lan chỉ cho tôi cách làm hoa. Lúc đầu chỉ là xấp giấy hình vuông, cỡ nhỉnh hơn bàn tay, đủ màu, nó gấp vào giở ra, cắt cắt, dán dán một tí, thế là thành bông hoa. Lay ơn, thược dược, hồng, cúc… đủ loại. Tôi nhìn tay nó múa trên cái kéo mà phục sát đất. Thấy tôi học lóng ngóng quá, nó (chuyển luôn cách xưng hô), bảo: Mày chả có hoa tay gì cả (mặc dù tôi có 10 cái hoa tay), để tao dạy làm xúc xích là dễ nhất. Một mảnh giấy màu hình vuông, gấp đôi, gấp tư, gấp tám, cắt chéo, dán tấm nọ vào tấm kia, kéo ra là được một dây hoa, gọi là xúc xích. Ngày đó, đám cưới đám hỏi hay lễ tết các nhà đều chơi hoa giấy. Trên ban thờ, trên bàn tiếp khách nhà ai cũng có một bình hoa giấy. Mua một lần dùng vài năm, màu giấy bạc phếch đi mới thay. Hoa giấy vừa đẹp vừa rẻ, hợp với túi tiền còm của người dân.
Nhà tôi toàn con gái, cái sự làm đẹp càng dữ dội hơn nhà khác. Ăn chả đủ nhưng Tết là phải có hoa cắm lọ, hoa xúc xích chăng khắp nhà.
Tôi học lên cấp hai thì gia đình tôi chuyển về Thành phố. Tôi xa Lan từ đấy. Mỗi lần ra chợ mua hoa giấy cắm Tết, tôi lại nhớ Lan. Mẹ Lan tên là Mười, bố Lan mất sớm, để lại Lan và cậu em bé xíu tên là Luật. Hai chị em ở nhà với bà, mẹ đi làm suốt ngày. Dịp gần Tết Lan thức khuya như người lớn, hoa cành cắm vào cái bùi nhùi rơm, nó chụp vào đấy mảnh ni lông tránh mưa ướt, vác cây hoa ra chợ bán. Chỉ thấy cây hoa khổng lồ di động, không nhìn thấy người đâu cả. Nếu vẫn giữ nghề, Lan bây giờ được gọi là nghệ nhân, đến gần 50 năm làm hoa giấy còn gì.
***
Thái Nguyên không có lịch sử hoành tráng về nghề làm hoa giấy như làng hoa Thanh Tiên (Huế). Làng này ra đời từ thời Chúa Nguyễn. Hàng ngàn bông hoa sen dâng lễ tế Nam Giao khiến nghề làm hoa ở đây thành nghề tâm linh.
Theo lời kể của người cao tuổi thì nghề làm hoa giấy Thái Nguyên xuất hiện vào những năm 1960, cùng với sự ra đời của Nhà máy in Bắc Thái. Cũng là lẽ tự nhiên thôi, giai đoạn ấy giấy không dễ mua như bây giờ. Có nhà in là có giấy thừa (đầu mẩu, giấy lề không in sách báo được). Người lao động vốn cần cù, thông minh, họ mua những đầu mẩu ấy về nhuộm màu rồi làm hoa giấy bán.
Cũng có lẽ vì thế mà những nhà làm hoa giấy đa phần có nghề chính là công nhân Nhà máy in. Mẹ bạn tôi, cô Mười, cũng vậy.
Ông Bùi Song Khắc, 64 tuổi (phường Đồng Quang) có một tuổi thơ tay nhuốm màu công nghiệp, kể:
Thành phố có khoảng 20 nhà làm hoa giấy. Người lớn chỉ hướng dẫn, còn làm trực tiếp chủ yếu là trẻ con. Vào dịp gần Tết, ông Khắc, năm đó khoảng 12-13 tuổi cùng bố, mẹ và các em thức trắng đêm. Bố thì vót tre làm cành, mẹ kết hoa “dóng” cành, các con cắt, dán, xoáy, vặn làm bông hoa. Những ngón tay bé xíu, màu thuốc nhuộm không che nổi màu da thâm đen vì rét. Đôi mắt trẻ con thèm ngủ díu vào nhau, nhưng vẫn cố mở to mà vuốt cánh hoa cong đều, nụ hoa he hé, nhuộm màu thật giống. Để rồi mới ba bốn giờ sáng, sương muối còn bưng lấy mặt, rét như lưỡi dao lách vào manh áo mỏng, mấy đứa trẻ trứng gà trứng chim mỗi người một xe đạp, chở “cây” hoa trùm hụp che đậy phía sau, đạp lên tận chợ Đu, chợ Trào (Phú Lương), sang tận chợ Hích (Đồng Hỷ), các chợ huyện Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên cách thành phố 20-30 cây số để bán hoa. Người khỏe, có xe đạp thì đi chợ xa, người yếu, không có xe thì vác cây hoa ra chợ Thành phố, chợ Đán, Phúc Trìu đứng bán. Cứ thế, hoa giấy làm đẹp cho mọi nhà, làm tươi hơn cái Tết nghèo ngày ấy.
Tuy chỉ rộ lên vào dịp Tết, nhưng người làm hoa phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 7 tháng 8 âm lịch. Đám trẻ con có nhiệm vụ trèo lên cây ngọc lan bẻ cành mang về, rồi thì tỉ mẩn tỉa từng cái lá còn nguyên cuống xếp vào chum sành, đổ nước cho ngập. Ngâm như thế 3 đến 4 tháng, thịt lá rữa ra chỉ còn gân lá nom rất đẹp, đem nhuộm thành lá kết cùng hoa. Mỗi cành hoa thường có 2 nụ, 3 hoa, 5 lá. Cầu kỳ nhất là làm hoa hồng nhung, dễ nhất là làm hoa thược dược và hoa xúc xích.
Thức khuya dậy sớm làm hoa giấy dịp Tết hồi đó có nhà ông An Khắc Thành, ông Viễn, ông Phê, ông Mô, ông Đàm. Ngoài “quân” nhà in còn có nhà ông bà Tân Kỳ, Xuân Hy, Việt Tiến cũng làm hoa giấy rất giỏi.
Mỗi vụ hoa như thế, các nhà lo được cái Tết đơn sơ, có năm xủng xỉnh còn mua được cho mỗi đứa con bộ quần áo và đôi dép tông Thái Lan, diện chơi Tết oách ra trò.
***
Cuộc sống dần khá lên, những đóa hoa giấy dù làm khéo đến mấy cũng không mềm mại và tỏa hương như hoa thật. Ít người mua kéo theo ít người bán. Rồi dần dần người ta “buông” nghề từ bao giờ. Nó “chết” cùng thời với nghề cuốn thuốc lá, bóc lạc thuê ăn hạt “kẹ” và dán hộp mứt Tết.
Giờ thì nghề làm hoa giả đã đạt đến mức nghệ thuật. Vải, ni lông, kim loại, đá, đất, vàng, bạc… đều có thể biến thành hoa. Cách đây chưa lâu, tôi đến Vườn hoa bãi đá Sông Hồng, điểm chụp ảnh cưới nổi tiếng ở Hà Nội. Hoa thật chỉ có vài vạt bướm, cúc vạn thọ, violet, còn lại là hoa giả. Các loại hoa nổi tiếng thế giới quy tụ ở đây: Hồng (Bungari), Tuylip (Hà Lan), Anh đào (Nhật bản). Hoa giả mà thật hơn cả thật, đẹp hơn cả đẹp. Những đóa hoa không biết run trong rét, không biết héo, bất chấp gió mưa. Mọi người chụp ảnh, ngắm nghía và thỏa mãn với cái đẹp… giả ấy.
Đón xuân về, trong phút giây thư thái ngắm lọ hoa lay-ơn đỏ rực, tôi chợt ngửi thấy mùi hoa cưới của mình mấy chục năm về trước. Ờ nhỉ, dù ngày xưa nghèo đến thế, nhưng tôi chưa thấy cô dâu nào phải ôm hoa giấy về nhà chồng. Đấy cũng là nét đôn hậu của một thời khốn khó.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...