VNTN - Rừng âm u, nhìn những đám mây lơ lửng chầm chậm vắt ngang đỉnh thác nước đổ ào ào, khuôn mặt đẫm mồ hôi của Trung tá Trần Minh Cường - Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân không giấu nổi sự lo lắng. Nhưng điều đó chỉ thoáng chốc rồi mất ngay. Anh dõng dạc: “Các anh em nhanh chóng tìm đường vượt thác nước này, đi bộ 5 tiếng nữa là đến nơi ”. Nghe rõ khẩu lệnh, mấy trinh sát nhanh nhẹn tỏa đi các hướng. Nhìn vẻ bụi bặm của họ, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là dân vàng tặc, quặng tặc hoặc dân địa chất tìm mỏ, chứ ít người biết đấy chính là một trong những chuyến hành trình theo dấu tội phạm của những cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên.
1. Gian nan và nguy hiểm, không đam mê nghề, thì không thể theo được, đấy là những cảm nhận chính của các chiến sĩ cảnh sát hình sự khi tâm sự về nghề. Thái Nguyên do đặc thù địa hình rộng và khá phức tạp nên có những vụ án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa việc đi lại điều tra của các cán bộ chiến sĩ gặp rất nhiều vất vả. Đặc biệt, những vụ án xảy ra ở vùng vàng lại càng phức tạp, để phá án các anh phải lần theo từng chút manh mối về dấu vết tội phạm. Đường núi chênh vênh, nhiều đoạn vách hiểm trở chỉ đặt vừa bàn chân, phía dưới là vực nếu sơ sểnh là có thể mất mạng.
Theo dấu tội phạm
Với những chiến sĩ cảnh sát hình sự, có lẽ ít khi các anh có được giờ phút thảnh thơi bởi những vụ trọng án thường xảy ra bất ngờ và lính hình sự luôn xác định, có lệnh là sẵn sàng vào cuộc. Những chuyến đi hàng tuần với các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (cảnh sát hình sự) công an tỉnh Thái Nguyên diễn ra thường xuyên. Chỉ hình dung trên những con đường rừng hoang vu ấy nhiều lúc còn phải tìm lối đi, vậy mà để lùng tội phạm các chiến sĩ cùng lúc phải tranh thủ tìm thêm thức ăn và nước uống trên đường, quả thực đấy là điều không đơn giản. Nơi thâm sơn cùng cốc, nếu không chuẩn bị chu đáo nhu yếu phẩm trước khi lên đường thì chỉ có nước nhịn đói. Bữa cơm giữa rừng có khi chỉ là con cá khô nướng cùng nắm rau rừng tranh thủ hái vội trên đường.
Hái rau rừng trên đường công tác
Do địa hình vắng vẻ ít người qua lại, nên những vụ án ở vùng sâu, vùng xa thường phức tạp, có những vụ xảy ra, nhiều ngày sau mới được phát hiện, lúc đó dấu vết còn lại rất ít hoặc bị thay đổi, thêm khó khăn cho công tác điều tra. “Anh hình dung, chúng tôi vào những hang vàng sâu 600m- 700m ngầm trong lòng núi tìm đối tượng. Trước đó phải “nhập vai” vào ăn ở với những người vùng vàng, rồi thương lượng mãi các bưởng mới đồng ý cho vào hang. Hay những vụ bắt các đối tượng đánh bạc tại Đèo Nhâu - Tràng Xá, Nác - Liên Minh (Võ Nhai)… Có phải cứ phi ô tô, xe máy vào đấy là bắt được đối tượng đâu. Tới nơi phải tính toán, ém quân như thế nào, chuyện phải nằm vùng xảy ra thường xuyên” - trung tá Trần Minh Cường tâm sự. Như sợ khách không tin, anh mở điện thoại cho chúng tôi xem một số clip và hình ảnh ảnh đã kịp quay làm kỷ niệm trong những chuyến phá án. Anh cho biết thêm, để giữ bí mật các cảnh sát hình sự không thể ra mặt như những lực lượng khác bởi nếu bị động tội phạm sẽ tìm đường “lặn mất tăm”, những lúc đó rất cần tới các biện pháp nghiệp vụ và sự hợp tác ủng hộ của người dân.
2. Nhiều người hay hình dung các “chiến binh hình sự” thường to khỏe và mang những nét phong trần, hầm hố nhưng điều đó chỉ đúng với hình sự đặc nhiệm, chống cướp giật, chống tội phạm trên tuyến địa bàn, chống tệ nạn xã hội… vì những nhiệm vụ này các chiến sĩ phải hóa trang, thâm nhập dùng vũ lực trấn áp đối tượng. Còn những chiến sĩ điều tra xét hỏi, điều tra trọng án, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài… lại có phong thái hoàn toàn khác. Họ điềm tĩnh, nhẹ nhàng và làm việc thiên về chiều sâu trí tuệ. Bởi công việc hàng ngày của họ gắn liền với hoạt động điều tra khám phá các vụ án hình sự, ngoài trình độ pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, còn đòi hỏi sự tỉnh táo và một tư duy khoa học lôgic, sự am hiểu tâm lý sâu sắc. Thiếu tá Dương Văn Long - Đội trưởng, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH- Công an tỉnh Thái Nguyên kể lại:
Ngày 14/11/2014, người dân huyện Phú Bình xôn xao trước sự việc phát hiện một thi thể đàn ông trôi dạt dưới sông Cầu, trên người chỉ mặc chiếc quần lót, cơ thể có nhiều vết đâm, chém. Vợ của nạn nhân sau đó đã đến hiện trường gào khóc thảm thiết, ngất lên ngất xuống vì quá sốc. Sau khi nhận được thông báo, các chiến sĩ cảnh sát hình sự đã đã có mặt ở hiện trường. Dựa vào những dấu vết để lại, đặc biệt sau khi ra tay, hung thủ còn nhắn tin vào máy nạn nhân để ở nhà “Ra sông tìm xác”. Ban đầu giả thiết đưa ra: đối tượng bị dân giang hồ rất chuyên nghiệp thanh toán vì cờ bạc, lô đề vì sau khi ra tay còn dám để lại tin nhắn như thách thức cơ quan điều tra, chứng tỏ hành vi rất dã man chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ và nghiên cứu, riêng anh Long lại đưa ra một giả thiết mới: đối tượng này thực ra không chuyên nghiệp mà chỉ mang tính bột phát, tỏ ra cách giết người chuyên nghiệp, tàn bạo, không sợ cơ quan chức năng phát hiện nhưng thực ra lại có sơ hở. Và anh đã báo cáo thủ trưởng đơn vị xin điều tra theo hướng đó. Sau khi xác minh các đối tượng, anh Long trực tiếp xuống ngay nhà người bị hại bởi anh cho rằng người đầu tiên nghi vấn chính là Nguyễn Thị Thưa - vợ nạn nhân. Gặp đối tượng anh Long chú ý cử chỉ hành động. Mặc dù kêu khóc rất nhiều nhưng nhìn trực diện vào ánh mắt vợ người bị hại anh Long nhận ra không có vẻ gì đau buồn mà chỉ tỏ ra sợ sệt. Anh càng củng cố thêm nhận định sau vài thao tác nghiệp vụ anh yêu cầu đối tượng mang điện thoại ra giao nộp. Trước yêu câu đó đầu tiên Thưa chỉ nộp chiếc máy điện thoại mang theo người. “Yêu cầu chị Thưa mang ra đây hai cái điện thoại. Tôi biết chị thường dùng hai cái”- Anh “phủ đầu” luôn: “Có có, em thường dùng hai cái” -Thưa luống cuống. Sau đó kiểm tra, xác minh hai chiếc điện thoại vừa thu được thì thật chính xác, người nhắn tin chính là Thưa. Đối với vụ án khác sẽ đưa đối tượng ngay về cơ quan công an nhưng với vụ án này gia đình đang có những bức xúc và tang gia bối rối nên cơ quan chức năng tạo điều kiện để Thưa hoàn thành bổn phận. Vậy là chưa đầy 20 tiếng đã tìm ra hung thủ, trước sự ngỡ ngàng và cảm phục của nhân dân trong tỉnh.
Bữa cơm ở vùng cao Bắt các đối tượng đánh bạc
Sau những vụ án, những chiến công thầm lặng là niềm vuì của những cảnh sát hình sự vì đã tìm được thủ phạm và làm được điều có ích. Nhưng cũng có không ít những vụ án để lại rất nhiều trăn trở, nói về điều này trung tá Trần Minh Cường không giấu nổi nỗi buồn: “Có những vụ án giết người mà chẳng có mâu thuẫn lí do gì, chẳng ai nghĩ có thể giết người mà nó vẫn xảy ra. Có thể chỉ dăm phút trước còn là bạn bè vậy mà chỉ lúc sau lại rút dao đâm chết bạn. Hay những vụ án giết người thân trong gia đình. Có vụ bố giết con xong rồi bỏ trốn. Vợ của thủ phạm cũng là mẹ của nạn nhân, lại đang nuôi con của nạn nhân nên đã che giấu tội phạm giết người là chồng mình. Rõ ràng là bà đó đang che giấu tội phạm nhưng phải làm gì, chẳng lẽ bắt bà ấy thì đứa cháu nhỏ bơ vơ biết nương tựa vào ai… ”
Đối mặt với dao găm, đạn nổ các anh không ngại, nhưng điều đáng sợ nhất với các anh là lại chính là về phía người thân và gia đình. Đã làm cảnh sát hình sự phải chấp nhận đối mặt với những hiểu lầm, những nỗi oan mà không bao giờ có thể thanh minh.
Một trinh sát trong đội trọng án mới vào nghề được mấy năm nhưng trông bụi bặm và già hơn tuổi rất nhiều, tâm sự: “Không đam mê với nghề thì không làm được anh ạ. Phải giải thích thế nào với bạn gái khi bị bắt gặp ngày nào cũng kè kè cùng một đồng nghiệp xinh tươi ở bến xe hoặc khách sạn… Còn nếu đã lập gia đình thì cũng không thể giải thích được khi người thân của vợ bắt gặp mình trong nhà hàng nơi có tụ điểm gái mại dâm. Thực ra chúng tôi đang ngụy trang để mật phục theo dõi. Lúc đó thì cần bí mật và không thể thanh minh ngay được. Khi phá xong án thì bạn gái đã bỏ mình rồi còn đâu”.
Chuyện các trinh sát lỗi hẹn với người yêu, với vợ xảy ra khá nhiều. Và việc bị vợ “cấm vận”, hoặc dọa li hôn vì không hiểu và thông cảm với nghề của chồng là chuyện như cơm bữa. Khi được hỏi các anh ước gì, các trinh sát đội PC45 đều bảo: "Ước có một hậu phương vững chắc, vợ hiền, hiểu và thương cảm!". Đằng sau những phần thưởng, những tấm huân, huy chương là những tháng ngày ròng rã trong bụng chỉ có nước lã và bánh mì để căng mắt dõi theo từng cử chỉ, hành động của tội phạm. Và còn một điều, ít người cảnh sát hình sự nào muốn nói: nghề nguy hiểm này, gia đình, người thương yêu có thể mất các anh vĩnh viễn…
Mặc dù với quân số còn hạn chế nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã điều tra, làm rõ gần 30 vụ phạm pháp hình sự, đấu tranh với hàng chục chuyên án, triệt phá các ổ nhóm trộm cắp, điểm đánh bạc, các đối tượng có hành vi môi giới mại dâm. Các vụ trọng án được điều tra làm rõ, đối tượng bị bắt giữ, nhiều tụ điểm đánh bạc bị triệt phá..., ngăn chặn và phát hiện các hành vi lừa đảo bị thu hồi tài sản cho người bị hại, những kết quả đó đã được quần chúng nhân dân ghi nhận và biểu dương. Chính vì những thành tích đó, trong 5 năm vừa qua đơn vị luôn là một trong những lá cờ đầu của Công an tỉnh Thái Nguyên. Nhiều năm liên tục được cấp trên khen thưởng trong đó Nhà nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 6 Bằng khen; Bộ Công an tặng 43 Bằng khen; Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng 56 Bằng khen; Giám đốc Công an tỉnh và các đơn vị khác tặng 197 lượt giấy khen…
Dũng cảm, mưu trí, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu…, đúng như dạy của Bác Hồ: "Đối với công việc phải tận tụy. Đối với địch phải cương quyết khôn khéo", các chiến sĩ phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân trong tỉnh.
Quang Khải
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...