Những bức tranh cổ Ai Cập nổi tiếng
VNTN - Là một nền văn minh lâu đời nhất thế giới, Ai Cập cổ đại cũng là một quốc gia có đời sống văn học nghệ thuật vô cùng rực rỡ, thể hiện qua nhiều tác phẩm sống động, từ kim tự tháp đến tượng nhân sư, cùng một hệ thống kỳ vĩ các bức tranh - chữ tượng hình, được thấy trên các công trình kiến trúc. Mà hấp dẫn nhất phải kể tới sáu loại tranh cho thấy đỉnh cao trí tuệ xưa.
Tranh nhảy múa, ca hát
Dễ dàng thấy ở rất nhiều phần mộ Ai Cập cổ đại những bức tranh và phù điêu có hình người nhảy múa - ca hát. Ở Ai Cập 5.000 năm trước, đã có khá nhiều điệu múa, gồm múa nghi lễ, như múa để ngợi ca thần linh, đón chào vua chúa, đưa tiễn người chết và múa để giải trí với các hoạt động thư giãn hàng ngày. Múa nghi lễ thường là múa tập thể có tính chất trang nghiêm, sùng kính. Người múa hay đứng cách quãng và thực hiện các động tác khoan thai, hướng tới đối tượng được tán thán. Còn múa giải trí là múa đơn, múa đôi có sự cuồng nhiệt, khêu gợi phục vụ đông đảo du khách. Dù là điệu múa gì, chúng đều có cách biểu diễn khá cầu kỳ, đơn giản nhất là múa với hai tay đưa lên cao, vỗ vào nhau theo nhạc và phức tạp hơn là thân uốn dẻo, nhào lộn, xoay tròn... Do múa hát đóng vai trò quan trọng, tạo niềm vui cho cuộc sống, nên không chỉ có hội hè mà nhiều sinh hoạt bình dị của Ai Cập xưa, như chăn nuôi, trồng trọt, săn bắn cũng rất giàu nhịp điệu, có người đứng, kẻ ngồi hay cúi với nhiều tư thế uyển chuyển.
Nữ hoàng Ai Cập Nefertari
Tranh thần thánh, linh thú
Người Ai Cập cổ đại thờ tới 2.000 vị thần, và ở mỗi nơi thờ một vị thần khác nhau, nên khắp Ai Cập thấy vô số tranh tượng thần, nhiều nhất là tranh thần Amon, Mut, Ra, Horus, Osiris, Anubis,…. Amon là vua của các vị thần Ai Cập, cũng là thân phụ của các pharaoh. Thần thường đứng bộ ba với Mut - vợ mình và thần mặt trăng Khonsu (con trai). Tranh, tượng thường khắc họa thần là một người đội hai chùm lông rất cao hoặc có đầu cừu, thậm chí là một chú cừu. Do Amon có nghĩa là người bí ẩn, các họa sĩ thường vẽ thần mặc áo xanh lam- biểu thị sự vô hình. Nữ thần lớn nhất Ai Cập - Mut tượng trưng cho một Ai Cập thống nhất, và luôn đội trên đầu hai vương miện để chỉ Thượng và Hạ Ai Cập. Trong chữ tượng hình, bà thường hiện lên dưới dạng một con chim kền kền, mèo, rắn, bò hoặc sư tử… là các linh thú bảo vệ triều đại.
Thần mặt trời Ra cũng là người nắm vị trí quan trọng trong lịch sử Ai Cập. Đây là người tạo ra thế giới, cho dân gian ánh sáng, mùa vụ, sự hồi sinh, chống lại bóng tối, cái lạnh và đói khát. Ra thường được vẽ như một người đầu chim ưng đội vòng tròn đỏ, lái con thuyền mặt trời băng qua màn đêm. Thần thường được hợp nhất với thần bầu trời Horus ngụ ý người giám hộ từ trên cao. Vì là bầu trời nên Horus vừa là mặt trời vừa là mặt trăng. Mắt phải của thần chứa mặt trời, mắt trái chứa mặt trăng. Cũng có đầu chim ưng, song thần bầu trời đội trên đầu một chiếc mũ cao trắng - đỏ, vương miện của pharaoh. Các vị vua Ai Cập đều xem mình là hiện thân của Horus. Bản thân thần là con trai của Osiris và Isis. Vì cha bị sát hại nên đã báo thù, rồi cai trị toàn Ai Cập. Osiris vốn dĩ là vua của người sống, nên khi mất ông tiếp tục trở thành vua của người chết, và được tôn là thần cai quản âm phủ, đồng thời là thần cây với nước da màu xanh lá, mang lại sự tươi tốt cho ruộng đồng và những dòng nước lũ quanh đôi bờ sông Nile. Sở dĩ như vậy vì thần sinh Osiris là thần đất Geb, người cho đất đai màu mỡ và nhiều sản vật. Vì là thần đất nên khi cười Geb luôn gây ra các cơn địa chấn, thần cũng là người giữ trọng trách cân trái tim của người chết để quy án theo như cuốn sách cái chết. Người Ai Cập xưa tin rằng, ông sẽ giữ lại linh hồn của những kẻ xấu và vứt nó xuống sông Nile cho cá sấu ăn thịt.
Anubis lại là vị thần đầu chó dưới âm phủ được giao cho nhiệm vụ ướp xác và dẫn dắt linh hồn về bên kia thế giới. Thần có làn da đen tượng trưng cho nước sông đen. Cùng các vị thần trên, còn có thần cá sấu Sobek trên sông Nile chuyên trừng phạt kẻ ác, thần trí khôn Thoth- người tạo ra niên lịch, toán học- triết học- vật lý, thần tình yêu Hathor cũng đồng thời là nữ thần phương Tây đưa người chết tới một cuộc sống mới, thần sinh sản Khnum, thần khoái lạc Bastet, thần y dược Heka,…
Tranh vua chúa, nữ hoàng
Với người Ai Cập xưa, vua chúa cũng là thần thánh. Vì thế, ai cũng tôn thờ họ, và trong mỗi phần mộ tại thung lũng các vị vua hay nữ hoàng đều có tranh tượng. Một trong các pharaoh được vẽ nhiều nhất là vua Ramesses đại đế. Ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Ai Cập cổ đại. Trong hơn 66 năm trị vì từ năm 1279 đến 1213 trước Công nguyên, Ramesses II đã thực hiện nhiều cuộc mở mang bờ cõi và xây dựng lên một thành trì vững chãi từ châu thổ sông Nile tới các sa mạc xa xôi. Ngoài tả cuộc sống hàng ngày của đức vua, người ta rất hay ghi lại các trận đánh hay chiến công của ông, ví dụ như trận chiến Nubia để chống trả người Nubian hay trận Dapur và Kadesh để chinh phục Syria… Các bức tranh đều khắc họa Ramesses II hùng dũng, cưỡi ngựa một mình, cầm cung tên tả xung hữu đột, chống trả hàng nghìn tên lính mà không cần sự hỗ trợ nào.
Cuốn sách về cái chết
Nữ hoàng Nefertari, vợ vua Ramesses II cũng là người phụ nữ được gợi nhớ nhiều hơn cả trong các bà chúa Ai Cập. Mộ của bà cũng là nơi đẹp nhất trong thung lũng các nữ hoàng. Sủng ái Nefertari, đức vua đã cho xây lăng mộ vợ như một thiên đường với trần nhà đầy các vì sao lung linh, còn những bức tường là các cảnh khi bà còn sống hết sức rực rỡ, xinh đẹp. Trong mộ, có hàng trăm họa phẩm và chữ tượng hình đặc tả bà như thần tình yêu Hathor hoặc đang vui chơi, ví dụ như đánh cờ senet, hoặc làm lễ dâng cúng lên các nữ thần, để họ yêu mến và đưa bà tới miền cực lạc.
Tranh thiên đường, cõi âm
Từ cách đây hàng nghìn năm, người Ai Cập đã có quan niệm rất nhân văn về thế giới sau cái chết. Họ cho rằng, trên đời ác giả ác báo và có các vị thần sẽ phán quyết cho người được tái sinh hoặc phải chịu kiếp đọa đày, cầm thú. Ai nấy đều mong muốn được hồi sinh và vẽ lên một vùng đất cực lạc hay thiên đường. Tại đó, mỗi người sống vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, trước khi đến đích, họ phải trải qua một hành trình rất dài, băng qua âm phủ và gặp gỡ các vị thần giám hộ hay trừng phạt. Tất cả đều phải đối mặt với việc trái tim của mình sẽ bị cân đong, đo đếm xem có thật sự trong sáng, không tội lỗi hay không, và nó sẽ được đối trọng với một sợi lông rất nhẹ, sợi lông sự thật và công lý lấy từ mũ miện nữ thần Maat. Nếu nhẹ hơn sẽ được đi qua cửa âm phủ, còn nặng thì bị thần cá sấu Ammut nuốt chửng. Nói chung, các bức tranh đều nói về con đường đi tìm sự bất tử, khắc họa những mong ước sâu thẳm của con người lúc tại thế và sau khi mất. Có người mong ước được chạy nhảy, câu cá, canh tác trên các đồng cói, có người lại ao ước được đứng trên chiếc thuyền mặt trời, chu du vũ trụ…
Tranh lễ tang, tử kinh
Người xưa tin rằng, ngay ở đám tang của một người, thần linh sẽ quyết định cho người đó cơ hội tái sinh hay không, nên họ làm đám ma rất linh đình, nhất là vua chúa thường có kiệu rước. Trên nhiều phần mộ thường khắc họa hình ảnh của một người, giống như một tiểu sử ngắn với các cấp bậc, hoạt động, tài năng, sở thích để thần linh thấu hiểu và giúp đỡ. Trong đám rước, vua chúa thường được tả to hơn kích cỡ thật để chỉ họ đã trở thành thần. Thê thiếp, nô tỳ hay con trẻ, động vật thường được vẽ nhỏ đi ngụ ý kém quan trọng, ít được châm trước. Người ta còn viết cạnh đó các câu bùa chú như là một lời cầu xin, giới thiệu đối với các vị thần cõi âm. Đặc biệt là có cuốn sách về cái chết táng cùng xác ướp, nhằm chỉ bảo cho người chết cách trở về hay tới bên kia thế giới. Cuốn sách này thực chất là một loại tranh miêu tả những gì sẽ xảy ra sau khi mất. Ngoài được chôn, nó còn được vẽ trên tường của phần mộ, và chứa nhiều câu thần chú giúp cho hành trình của người chết xuyên qua thế giới ngầm và tái sinh vào thiên đường hanh thông, thuận lợi. Những hình ảnh và câu chữ cổ nhất đã ra đời 5.000 năm và mới nhất từ thế kỷ 11 đến 7 trước Công nguyên, đều khá dễ hiểu để người chết có thể đọc lưu loát.
Tranh ướp xác lưu hồn
Cái chết, theo người xưa chỉ là sự tạm thời gián đoạn của sự sống, và một người có thể sống lại sau khi chết, hoặc thậm chí bất tử nhờ thần linh. Vì thế, họ thường ướp xác nhằm lưu giữ thi thể và linh hồn lâu bền. Mới đầu, họ phơi khô xác, sau đó dùng các hỗn hợp muối natron để tiêm vào thi thể. Người chết tiếp tục được quấn nhiều lớp khăn và đưa vào cỗ quan. Quá trình này kéo dài 70 ngày. Trong mọi bức tranh, thần Anubis luôn là người được thấy tiến hành việc ướp xác, và dẫn dắt linh hồn người ấy tới âm phủ. Việc ướp xác có nhiệm vụ lớn nhất là để thi thể được nguyên vẹn, sau này linh hồn trở về hòa nhập. Tuy nhiên, do một lúc có thể có nhiều thể xác khác nhau nên trên phần mộ luôn phải vẽ hình của chủ nhân, và thậm chí đặc tả nhiều bộ phận thân thể chi tiết hơn bình thường để linh hồn dễ dàng nhận ra mà quay lại.
Nói chung, những bức tranh trên là một cách để người xưa ghi chép về từng sinh hoạt cuộc sống, cũng như cho một thoáng nhìn xinh đẹp về quá khứ. Để mọi thứ sống mãi, họ thường trát trên tường nhiều lớp vữa cho phép vẽ, khắc được nhiều câu chuyện hơn, và dùng các loại sơn làm từ đất đá trộn với gôm và keo động vật, giúp bám dính lâu bền. Do cầu kỳ, tỉ mỉ mỗi họa phẩm dù là của dân gian hay vua chúa đều tuyệt mỹ, sặc sỡ với các màu chủ yếu là đen, đỏ, lam, dương và vàng.
Chu Mạnh Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...