Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:55 (GMT +7)

Những “bông hoa” lặng lẽ tỏa hương

VNTN - Giữa dòng đời với bao bộn bề lo toan, vẫn hiện hữu những người lặng thầm làm việc thiện. Dù điều kiện vật chất chỉ ở mức bình thường, thậm chí có người còn đầy khó khăn, nhưng với họ: sống là để cho đi…


“Lo cho người dưng”

Nhiều lần có mặt tại các chương trình hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, tôi bị ấn tượng bởi một khuôn mặt phụ nữ đen sạm nhưng luôn nở nụ cười rạng rỡ. Hỏi ra thì được biết, chị là Xuân Thị Hồng, cái tên thật đẹp nhưng cuộc sống lại dường như chỉ toàn màu “xám”. Bao biến cố, bất hạnh đều đổ dồn lên chị, nếu là người khác có khi đã gục ngã từ lâu chứ chẳng nói là kiên cường và có được tấm lòng nhân ái như vậy.

Dày công dò hỏi, cuối cùng tôi đã gặp được chị tại… một góc vỉa hè ở ngã ba Bắc Nam. Đó là vị trí quen thuộc hơn 2 năm nay của chị Hồng với nghề chạy xe ôm. Chủ cửa hàng tạp hóa gần đó cho biết: Chị Hồng thường làm việc xuyên trưa, bữa trưa chỉ qua loa, xuề xòa với cái bánh mì, chai nước lọc. Nắng nóng như này, khách đi xe ôm ít lắm, chủ yếu là khách quen, phần nhiều vì thương cảm mà đi xe ủng hộ.

Chị Xuân Thị Hồng trong một lần hiến máu tình nguyện

Và câu chuyện về cuộc đời cứ hé lộ dần qua lời kể của chị.

Sinh năm 1969, từng tham gia quân đội, năm 1989, hết nghĩa vụ, chị thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, chuyên ngành Sinh - Hóa, ra trường được phân công dạy tại Trường THCS Tức Tranh (Phú Lương), sau đó được chuyển về Trường THCS Sơn Cẩm 2 (nay thuộc TP. Thái Nguyên). Cuộc sống những tưởng cứ bình lặng trôi đi thì năm 1999, chồng chị là anh Trần Quang Vinh đang làm công nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh tâm thần. Gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi mà bệnh không thuyên giảm. “Năm 2011, trong một lần phát cơn tâm thần, anh không tự chủ được hành động, đã đánh tôi chảy cả máu mồm, may mà hàng xóm đến can ngăn kịp. Sau lần đó tôi phải đưa anh vào ở Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Tâm thần kinh của tỉnh chữa trị. Xót lắm, nhưng chẳng thế nào làm khác được” - chị Hồng ngậm ngùi.

Biến cố gia đình chưa dừng ở đó, năm 2017, cô con gái Trần Thị Thanh Hảo đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên lại bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, thập tử nhất sinh. Chị đành bán căn nhà ở tổ 19, phường Gia Sàng để lo cho con rồi chuyển về làm căn nhà tạm ở tổ 8, cùng phường. Con gái chị sau vụ tai nạn, dù có hồi phục nhưng thần kinh bị ảnh hưởng, nhiều lúc cứ ngơ ngẩn chẳng kiểm soát được hành vi. Em đã thử đi xin việc ở một vài nơi nhưng ở đâu cũng chỉ được vài ngày là phải nghỉ.

Con lớn thì vậy, cậu con trai thứ hai Trần Xuân Anh, đang học lớp 10, có biểu hiện trầm cảm từ nhỏ nên học lực chỉ ở mức trung bình. Còn bé út Trần Huyền Lương đang học lớp 3 cũng từng phải mổ rò luân nhĩ cách đây 2 năm mất hơn 100 triệu. Bất hạnh chồng chất, năm 2018, chị Hồng buộc phải xin nghỉ chế độ sớm để gồng gánh gia đình. Với chiếc xe máy cà tàng, cứ mỗi sáng sau khi đưa hai con đi học chị lại ra ngã ba Bắc Nam chạy xe ôm để thêm thắt vào số tiền trợ cấp nghỉ mất sức trang trải cho cả gia đình.

Chỗ ở của 4 mẹ con chị Hồng hiện nay là căn nhà rộng chừng hơn 30m2, thấp lụp xụp, nóng hầm hập bởi lợp mái tôn. Tường nhà loang lổ vì chưa trát hết vữa, công trình phụ chưa hoàn thiện. Trong căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá, chiếc tivi và tủ lạnh cũ trưng ra đó chỉ “để cho có” bởi đã hỏng từ lâu. Có lẽ “điểm sáng” duy nhất là chiếc bàn học kê giữa nhà, bởi trên đó chị đặt trang trọng Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ngay sát đó là những quyển giáo án một thời được xếp ngay ngắn.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Hồng luôn sống lạc quan, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chị đã 12 lần tham gia hiến máu. Chị bộc bạch: “Mình còn khó khăn nhưng chắc chắn bên ngoài kia còn nhiều hoàn cảnh éo le hơn. Không có điều kiện tài chính thì tôi có máu, có sức khỏe. Những giọt máu cho đi này, hy vọng có thể cứu giúp được ai đó”.

Bà Vũ Ngọc Thảnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Sàng kể: Dẫu nghèo nhưng chị Hồng là người nhiệt tình, trách nhiệm lại tốt tính nên ai cũng thương, cũng quý mến.

Và một điều chắc cũng ít người biết, chị Xuân Thị Hồng là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh thời điểm bệnh nhân này đang nguy kịch do COVID-19. Chị bảo: Tôi nghe thời sự, khi biết thông tin bệnh nhân nguy kịch, có tính đến phương án cần phải ghép phổi; vậy là tôi liên hệ với Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để đăng ký làm các thủ tục cần thiết, sẵn sàng thực hiện khi có yều cầu.

Tôi hỏi: Hiến phổi cho người hoàn toàn xa lạ, trong khi điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc chăm lo cho gia đình mình, chị không sợ à? Không chần chừ chị đáp lại ngay: Mạng sống con người là quan trọng nhất. Dù họ không phải công dân Việt Nam, chẳng có họ hàng với tôi thì cũng cần phải cứu sống.

Thế mới thấy nghị lực của con người mạnh mẽ đến nhường nào. Dù phải hứng chịu liên tiếp những biến cố ập đến, song chị Hồng vẫn luôn vững vàng, thật đáng khâm phục.

Hạnh phúc là cho đi…

Tôi đã từng được nghe kể về chuyện làm thiện nguyện của cựu giáo chức Nguyễn Mạnh Hùng (78 tuổi), ở tổ 4 phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên cũng là một người giàu lòng nhân ái. Vốn xuất thân từ thành phần bần nông, thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của người vùng cao nên ngay khi bước vào nghề giáo, dù đủ tiêu chuẩn để dạy tại trường THPT Lương Ngọc Quyến nhưng ông đã quyết định xin lên huyện miền núi Định Hóa để “gieo” chữ cho trẻ em vùng cao. Bốn năm trước, khi con cái đều đã thành đạt, ông có nhiều thời gian hơn để đi đây đó, về thăm lại những ngôi trường xưa, ông trăn trở vì vẫn còn những ngôi trường cũ, những học trò còn gặp quá nhiều khó khăn.

Vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhau đóng gói quà để đi làm thiện nguyện

Nghĩ là làm, thông qua những mối quan hệ khá rộng của mình ông kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ sách vở, quần áo, đồ dùng sinh hoạt… để mang đến cho họ. Bạn bè, học trò cũng như các con ông đều ủng hộ nhiệt tình nên đã nhanh chóng quyên góp được một lượng lớn quà. Ngay chuyến tặng quà đầu tiên, ông đã được các em học sinh, các thầy cô trường học vùng cao đón nhận nhiệt tình.

Ông Hùng bảo: “Thấy sự mừng rỡ của các cháu khi nhận được những món quà, tôi xúc động lắm. Động viên được các cháu một chút, dù không đáng là bao nhưng tôi cảm thấy thật ấm lòng và thấy mình sống ý nghĩa hơn”. Chỉ trong năm đó, ông đã quyên góp, tổ chức được 8 chuyến đi tặng quà tại 8 xã của huyện Định Hóa rồi sau đó liên tục là những chuyến đi tặng quà khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Chỉ với chiếc xe đạp, ông Hùng tìm đến tận nhà những người có lòng hảo tâm để nhận đồ ủng hộ, nếu họ bận không mang đến nhà cho ông được. Ông Hùng vui vẻ: “Đạp xe để thân thiện với môi trường và rèn luyện sức khỏe. Gần 80 cái xuân xanh rồi nhưng tôi chưa từng phải dùng một viên thuốc nào và chưa biết mùi bệnh viện nó ra sao đâu!”. Vậy nhưng, thật không may, tối hôm trước ông đi ra khu vực Tỉnh ủy để nhận hàng từ thiện, đang dừng đèn đỏ thì bị một nhóm học sinh đi xe đạp điện tông vào. Đau nhức khắp người, nhưng ông vẫn cố gắng để sắp xếp, phân loại, đóng gói quà tặng bởi chỉ vài hôm nữa là đến ngày đi tặng quà cho 2 xóm khó khăn của xã Thịnh Đán. Ông bảo: “Của cho không bằng cách cho” nhưng “của cho” cũng cần phải chuẩn bị chu đáo. Mọi người quyên góp đồ, có thứ dùng được, có thứ đã hỏng, có đồ còn mới, có đồ cần phải sửa sang, nên mình cũng không thể không cẩn thận”.

Bà Nguyễn Thị Nội (71 tuổi), vợ ông Hùng khẽ nói với tôi: “Chân cẳng như thế nhưng vẫn “cứng đầu lắm”, quyết gì là phải làm cho được, còn lâu mới nghe ai khuyên. Khỏe thật đấy, nhưng có tuổi rồi nên cũng lo chứ. Hôm nào cũng hì hụi với những thùng đồ đó, có khi đến tận 2 - 3 giờ sáng, trong khi 10 phút để trò chuyện cùng vợ cũng chả có. Có người còn bảo “hâm”, cứ đi lo việc tặng quà mà không chú ý đến bản thân. Thôi thì kệ! Một thời gian nữa chúng tôi chuyển vào Nam sống cùng con rồi. Hơn 70 năm gắn bó với vùng đất chiến khu này rồi, tôi hiểu lòng ông ấy, muốn làm điều gì đó tốt nhất khi còn có thể!”. Nói xong bà nhanh tay cầm kéo, băng keo ra cùng chồng phân loại, đóng gói quà…

Cũng giống ông Hùng, nhà báo nghỉ hưu Lưu Sĩ Mùi (66 tuổi), nguyên phóng viên Báo Thái Nguyên cũng là một người say sưa làm thiện nguyện. Sau vài lần hẹn gặp… hụt, cuối cùng ông Mùi cũng cho tôi một cơ hội trò chuyện. Ông bảo: “Cháu thông cảm, tối qua có người báo một trường hợp trẻ em bị khuyết tật, chú kêu gọi ủng hộ ngay, nên sáng nay có luôn xe lăn để đi tặng. Hôm nọ đi Võ Nhai, Đại Từ tặng quà, hôm qua thì tiếp nhận quà mang lên “gian hàng 0 đồng”...”. Thế mới biết, sau khi về hưu (năm 2014), thay vì nhàn hạ, hưởng thụ tuổi già, ông Mùi lại dành toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động thiện nguyện nên có khi còn vất vả hơn lúc đang công tác. Lúc này, ông đang dành tâm huyết nhất cho “Gian hàng 0 đồng” với tên gọi “Quầy hàng chắp nối sẻ chia” và khẩu hiệu “Phục vụ người lao động nghèo, ai cần thì đến lấy, ai có thì mang đến” đặt tại ngôi nhà của mình tại quê (xã Văn Yên, huyện Đại Từ). Từ 2 năm nay, gian hàng đã trở thành điểm đến quen thuộc, góp phần giảm bớt phần nào gánh nặng cuộc sống cho những người dân nghèo ở không chỉ Văn Yên mà còn ở các xã lân cận thuộc huyện Đại Từ.

Ông Lưu Sĩ Mùi tặng xe lăn cho một bé trai bị khuyết tật

Cái “máu” làm từ thiện đã ngấm sâu vào ông mấy chục năm nay. Ông bảo: công việc từ thiện của ông bắt đầu từ khi Báo Thái Nguyên thiết lập chuyên mục “Địa chỉ cho những tấm lòng từ thiện” (khoảng năm 1990), ông được phân công đảm nhận chuyên mục này. Ông đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu may mắn để viết bài. Những bài viết của ông đăng báo địa phương và trung ương đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ độc giả. Nhiều nhà hảo tâm, các câu lạc bộ từ thiện biết được nên đã liên hệ để quyên góp giúp đỡ. Thấy công việc giúp ích được cho xã hội, càng thôi thúc ông có động lực đi viết. Hễ nghe ở đâu có trường hợp khó khăn, thiếu may mắn là ông lại lên đường. Rồi ông chủ động hơn bằng cách cầm những bài báo mình viết đến các tổ chức, đơn vị để kêu gọi sự ủng hộ… Nhiều người hỏi ông: Đi xin tiền, xin tài trợ thế này liệu có thấy “sao sao” không? Ông chỉ cười: “Chuyện đó đâu cần bận tâm. Mình đi làm cho người nghèo thì đó là việc tốt cơ mà”. Cứ như vậy, mấy chục năm nay, ông cùng chiếc xe Honda Cub 81 đã cũ mèm đồng hành trên khắp các nẻo đường để tác nghiệp và chở theo những suất quà, mang niềm vui nhỏ đến với những người không may mắn.

Ông chia sẻ: “Hễ gặp người có hoàn cảnh khó khăn là tôi lại bị ám ảnh đến mất ăn mất ngủ. Trong đầu chỉ nghĩ làm sao để có cách giúp đỡ phần nào cho họ. Bằng cách nào thì cách, kiểu gì cũng phải giúp cho bằng được, không nhiều thì ít. Mỗi lần giúp được một trường hợp nào đó, tôi đều cảm thấy hạnh phúc lắm”.

Đến nay, chính ông cũng chả nhớ mình đã là cầu nối cho bao nhiêu người, chỉ biết là qua ông, đã chuyển hàng tỷ đồng gửi tới người nghèo vượt qua cơn khốn khó, xây những ngôi nhà vững chãi… Chưa kịp kêu gọi được sự ủng hộ thì ông sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra. Khi thì để thuê xe chở hàng đi từ thiện, lúc thì tự mua đến 15 cái xe đạp, lúc thì mua xe lăn, hay cả vài chục bộ quần áo ấm… với số tiền không hề nhỏ.

Có lần đi qua xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, ông Mùi thoáng thấy một người phụ nữ nhỏ bé ngồi khâu nón giữa hiên nhà lụp xụp. Linh cảm mách bảo, ông ghé vào mới biết chị bị khuyết tật hệ vận động. Sau khi nắm rõ hoàn cảnh của chị, ông không ngần ngại vét sạch túi tiền của mình đưa cho chị. Trên đường quay về thành phố, lúc nào cũng nơm nớp, chỉ sợ chả may xe bị hỏng dọc đường thì… toi. Nhưng bù lại ông cảm thấy vui lắm! Sau này, có dịp đi qua ông vẫn tranh thủ mang ít thịt lợn, hoa quả, quần áo ghé thăm gia đình chị. Với ông: “họ cũng không khác gì những người thân thiết của tôi”.

Chị Hồng, ông Hùng, ông Mùi là những người trong số rất nhiều người có tấm lòng nhân ái trên đời này. Mỗi người có một cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mong muốn, san sẻ cho vơi bớt những cảnh đời bất hạnh. Chính họ đã vun góp cho cuộc đời thêm tươi thắm, để chúng ta thấy được rằng, cuộc sống này luôn tràn ngập tình cảm yêu thương, ấm áp.

Anh Thắng - Nhị Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước