Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
03:23 (GMT +7)

Những bài học quý báu khi đọc tác phẩm về chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Khi một tác phẩm ra đời, đương nhiên nó là “con đẻ” của tác giả, song tác phẩm bao giờ cũng có đời sống riêng độc lập. Đối tượng của tác phẩm là độc giả, nhưng độc giả vốn đa dạng, phong phú. Vậy nên mỗi người sẽ từ cương vị, từ môi trường sống, làm việc của mình mà có những cách tiếp cận tác phẩm ở những góc nhìn khác nhau, phù hợp với nhận thức, nhu cầu.

Tác phẩm đặc biệt vì tác giả đặc biệt

Tác phẩm đặc biệt vì nó là của một người đặc biệt: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Việt Nam, Đảng được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, với những gì tác giả viết trong cuốn sách này chính là những thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm không ngừng nghỉ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

                                    1-1688962618.jpg


Cuốn sách của Tổng Bí thư có phần tuyển chọn 24 ý kiến của chính khách, học giả nước ngoài về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở Việt Nam, trong đó có cả ý kiến của ngài Joe Biden, Tổng thống Mỹ. Đây chỉ là những ý kiến mà ban biên soạn lựa chọn, song điều ấy cũng nói lên rằng quốc tế rất quan tâm đến công tác PCTNTC ở Việt Nam.

Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế, nếu chúng ta không quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những gì người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam viết trong cuốn sách này không chỉ là thông điệp tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân mà còn là thông điệp và cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

Những nội dung tác phẩm đề cập phong phú

Cuốn sách của Tổng Bí thư gồm 3 phần với những nội dung đề cập rất rộng bao gồm: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam”; “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” và “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Trước hết, tác phẩm khẳng định PCTNTC ở Việt Nam hiện nay là “Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược”. Đây cũng là tiêu đề bài viết tổng quan của cuốn sách để góp phần giải đáp những câu hỏi lớn mà dư luận băn khoăn rằng PCTNTC như hiện nay có làm “nhụt chí”, “chùn bước”, làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Từ đó, tác giả khẳng định băn khoăn nêu trên là không đúng, và rằng thực tế còn diễn ra ngược lại. Tác giả khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân (tr. 14). 

Rõ ràng công cuộc PCTNTC hiện nay không chỉ góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị mà cái được lớn nhất là lấy lại được niềm tin của Nhân dân.

Có niềm tin của Nhân dân thì chắc chắn mọi quyết sách sẽ được Nhân dân ủng hộ. Khi Nhân dân đồng lòng, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công. Bác Hồ kính yêu đã từng nói như vậy.

Chuyện xưa kể rằng Tử Cống đẩy xe cho thầy mình là đức Khổng Tử. Tử Cống hỏi thầy mình rằng một quốc gia cần phải có những điều kiện gì để bảo đảm cho sự phát triển và cường thịnh. Đức Khổng Tử trả lời cần phải có 3 điều: thứ nhất, phải có đủ lương thực cho dân ăn; thứ hai, phải có quân đội đủ mạnh để bảo vệ đất nước; thứ ba, phải có niềm tin của nhân dân.

Tử Cống hỏi tiếp thầy mình rằng, trong 3 điều ấy nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào? Đức Khổng Tử nói bỏ quân đội. Tử Cống hỏi tiếp nếu bất quá phải bỏ tiếp điều thứ hai thì đó là điều kiện nào? Đức Khổng Tử nói bỏ lương thực. Đức Khổng Tử nói rằng nếu không có lương thực thì nhân dân trong nước ấy tất sẽ chết đói, song một chính quyền mà không có niềm tin của Nhân dân thì chính quyền ấy khó mà tồn tại.

Chúng ta vẫn thường nghe nói Dân tin Đảng song Đảng là một tổ chức đông đảo, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình đó là ở việc Đảng có ban hành và lãnh đạo thực thi các chủ trương, chính sách đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân hay không và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có gương mẫu hay không. Tham nhũng là của người có chức vụ, ở Việt Nam ai là người có chức vụ, đương nhiên là đảng viên.

Vậy nên Tổng Bí thư đã có lần phát biểu trong một cuộc tiếp xúc cử tri rằng: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”. Khi ông phát biểu điều này, các thế lực thù địch đã ngay lập tức xuyên tạc đường lối PCTNTC và cho rằng ta đánh ta thì làm sao chống nổi (!?). Đúng là ta đánh ta thì rất khó khăn, bởi kẻ thù nhiều khi ẩn nấp trong những người thân của ta và có khi ẩn nấp ngay trong chính ta.

Vậy nên chiến thắng kẻ địch có lẽ dễ hơn nhiều lần, thắng được chính mình mới là khó khăn. Nhưng, ở đời phàm cái gì đạt được qua khó khăn gian khổ thì giá trị càng lớn. Đã có thời kỳ chúng ta chưa thành công trong công cuộc PCTNTC cũng bởi vì những khó khăn này.

Nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng thậm chí còn viết rằng một trong những nguyên nhân trước đây chúng ta chống tham nhũng chưa thành công bởi đám tham nhũng nhận diện ra người “đồng hội, đồng thuyền với mình” (Phiếm luận về tham nhũng và chống tham nhũng, in trong sách “Kẻ sĩ Gia Định”, Nxb QĐND, 2005, tr. 193). Có lẽ vì những khó khăn, phức tạp trong công cuộc PCTNTC nên trong cuốn sách của mình, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh cần “kiên quyết, kiên trì”. “Kiên quyết” để không lùi bước, không nhụt chí; “kiên trì” để xác định cuộc chiến này là cuộc chiến lâu dài, gian khổ và không ngừng nghỉ.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng chưa hiệu quả, các thế lực thù địch rêu rao rằng Đảng không thực tâm chống tham nhũng, không thể chống tham nhũng. Khi Đảng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả như hiện nay, các thế lực thù địch lại cho rằng chẳng qua chỉ là “phe phái đánh nhau”.

Người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Với tất cả những kết quả lớn về PCTNTC đã được nêu trong cuốn sách này của Tổng Bí thư chính là những minh chứng bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc PCTNTC ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cuốn sách phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng vô tư, trong sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư đã nêu lên những kết quả lớn, ấn tượng trong công cuộc PCTNTC ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1 tháng 2 năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Trong 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022 đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Thanh tra, Kiểm toán đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp (tr. 117-118).

                                    2-1688962618.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên ngày 10/1/2023. Trong ảnh: Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TPTN. Ảnh: Hoàng Hùng.


Cũng trong 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… (tr. 117-118).

Nếu như trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng dưới 10% thì trong những năm qua, tỷ lệ này đã lên tới 34,7%, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi đạt 41,3% (Báo Nhân Dân online ngày 30/6/2022).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.1, tr. 284). Người cũng nói: “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.16).

Còn nhớ, có lần phát biểu khi làm việc với Thanh tra Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tay nhúng chàm” không thể chống tham nhũng. Để chống tham nhũng hiệu quả chắc chắn phải cần những người có “bàn tay sạch”. Nhưng, “bàn tay sạch” chưa đủ mà còn cần những con người mà trái tim và khối óc luôn cùng nhịp đập, cùng suy nghĩ trong niềm vui, nỗi đau của dân tộc mình.

Trong phần thứ hai của cuốn sách này có 14 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; 8 bài viết về việc rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên. Điều đặc biệt, trong số những bài viết này có những bài Tổng Bí thư đã viết từ khi còn là một cán bộ rất trẻ.

Chẳng hạn bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” (tr. 465) được viết khi ông mới 29 tuổi. Xâu chuỗi lại tất cả những bài viết này của ông, soi chiếu với cuộc đời ông, những gì ông nói, ông làm có thể thấy cả cuộc đời ông là tấm gương mẫu mực, giản dị, liêm khiết, nói đi đôi với làm, hết lòng hết sức vì Đảng, vì dân.

Từ chính cuộc đời vô tư, trong sáng, từ chính cương vị của mình, Tổng Bí thư có đủ thẩm quyền để nhắc nhở yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trọng danh dự, bởi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Tác phẩm của Tổng Bí thư có giá trị như một cẩm nang về PCTNTC. Tác phẩm đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về PCTNTC, nêu bật những thành tựu lớn trong công cuộc PCTNTC, rút ra những bài học từ thực tiễn và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Tác phẩm quan trọng này cần được nhanh nhất đi vào thực tiễn, hòa mình trong đời sống sôi động của đất nước hiện nay để truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, cổ vũ, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, lên án những hiện tượng, hành động xấu xa để cùng nhau đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực"

Hồng Phúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy