Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:13 (GMT +7)

Những bậc thầy vĩ đại của ảnh siêu thực

VNTN - Ngày nay, nhờ phần mềm Photoshop, mọi người đều dễ dàng tạo được rất nhiều bức ảnh siêu thực. Thế nhưng nhiều thập niên trước, các nghệ sĩ gạo cội của thể loại này đã phải mày mò hết sức công phu, để làm ra những tác phẩm độc đáo, có tính giải trí cao, nằm giữa giấc mơ và thực tại, cho thấy nhiều điều kỳ lạ, bí ẩn lập tiền đề cho chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng.


Mọi sự chính thức bắt đầu vào năm 1924, khi thế giới vừa trải qua một cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Để vượt qua nỗi sợ cùng sự gò bó trong nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia đã phát huy mọi năng lực, sử dụng cả cách thể hiện tự do - ngẫu hứng tới việc vô thức - ảo giác nhằm tạo nên tác phẩm, biến một thực thể có thật thành một thực thể hư hư thực thực hoặc trừu tượng. Đặc biệt họ đều lấy cảm hứng từ thời nguyên thủy, chuyện thần tiên, những sự vật huyền bí, đưa vào ảnh cho nội dung trở nên phi thường, đôi lúc lãng mạn, đôi lúc đáng sợ và nói chung là giàu chất kịch, biểu tượng. Những thủ pháp ban đầu tuy khá đơn giản song cực kỳ hiệu quả, được áp dụng cho cả đề tài giật gân lẫn đề tài thông thường như ảnh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, khỏa thân, kiến trúc, báo chí và đó là kỹ thuật chụp hình bằng những tia sáng, chụp hai lần/ phim, tạo độ tương phản, méo mó, mờ ảo, phóng to, thu nhỏ, cắt dán và dàn dựng...

Người đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc về ảnh siêu thực là nghệ sĩ người Mỹ Man Ray (1890-1976). Ông có tên thật là Emmanuel Radnitzky, sinh ra trong một gia đình gốc Nga tại New York, và đã chuyển đến Paris (Pháp) năm 1921, dành phần lớn cuộc đời ở đây. Nghệ sĩ có biệt tài là chụp ảnh không dùng camera, nhưng vẫn tạo nên nhiều bức ảnh siêu thực hấp dẫn, gọi là ảnh rayograph, tức ảnh xuất hiện nhờ những tia sáng chiếu trực tiếp lên vật đặt trên giấy ảnh. Tùy vào vật đó mỏng dày, hình dạng ra sao mà ảnh sẽ có độ mờ đậm và hình thù lạ mắt khác nhau. Là một chuyên gia về phòng tối, ông đã đặt hàng trăm đồ vật, thậm chí là thân thể người lên trên giấy ảnh, cho chúng lộ sáng, và kết quả là có được những tác phẩm huyền ảo giống như âm bản. Phần nào của vật bị che đi sẽ có màu trắng, còn không che sẽ hóa đen, như thể một cuộc nô đùa giữa ánh sáng và bóng tối. Cùng với rayograph, ông cũng chụp ảnh bằng camera với nhiều người mẫu, tưởng tượng họ là những pho tượng hoặc sinh vật thần thoại. Rất tinh nghịch, ông còn cho vào ảnh trước khi công bố các chi tiết để biến nó thành siêu thực - ý niệm, ví dụ như thêm hai dấu f đen lên hai bên sườn của người mẫu đang ngồi khỏa thân quay lưng về phía người xem, biến cô thành một cây đàn vĩ cầm.

Lee Miller (1907-1977) cũng là một tác giả Mỹ đóng góp lớn về ảnh siêu thực. Bà là một phóng viên tiền phong tác nghiệp ngoài chiến trường trong Đại Thế chiến II. Sau một thời gian làm người mẫu tại New York, vào năm 1929, bà đã tới Paris xin phụ việc cho Man Ray, học ông cách làm ảnh bằng tia sáng và có các tác phẩm đầu tay rất ngộ nghĩnh. Vì bà là một trợ thủ đắc lực của Man Ray, người ta đồn rằng, nhiều tác phẩm của ông đều do bà chụp, vì nó có tính khôi hài, lém lỉnh. Bức ảnh nào của bà từ rayograph tới ảnh chụp máy đều dí dỏm, thậm chí khi bà thành phóng viên chiến trường thì trong ảnh vẫn thấy sự hóm hỉnh, siêu thực. Từ năm 1932, bà đã trở về New York và mở một hiệu ảnh riêng.

Ảnh siêu thực của Lee Miller

Dora Maar (1907-1977) lại là một nữ nhiếp ảnh gia kiêm họa sĩ và nhà thơ Paris có ảnh hưởng sâu rộng tới cả nhiếp ảnh và hội họa của thế giới. Năm 1930 khi đang sống tại Argentina, vì phong trào siêu thực, bà cũng trở về Pháp và tìm đến Man Ray. Tới năm 1936 thì thành một ngôi sao trên bầu trời văn hóa Pháp. Nữ nghệ sĩ có khá nhiều bức ảnh đặc sắc. Ảnh của bà thường đặc tả những cảnh vật kỳ dị- to lớn, và ngay cả con người cũng phi phàm, ví dụ như người có hai mặt, một thiếu niên có thể vác được một thi thể to hơn em, một cô gái che mặt bằng mạng nhện và một nam giới (họa sĩ Pablo Picasso) cởi trần đội đầu bò... Chúng thể hiện cho những điều huyền bí trong tự nhiên, sự đa tính cách và những cảm xúc khó tả trong tâm hồn người. Sau này nữ nghệ sĩ quen thân với danh họa Tây Ban Nha Picasso và làm người mẫu cho ông. Nghề ảnh của bà chấm dứt bởi vì dưới tác động của ông, bà đã chuyển sang vẽ.

Tác phẩm của Man Ray

Cũng là một nữ nghệ sĩ ảnh, diễn viên và nhà văn Pháp, Claude Cahun (1894-1954) mang tới cho ảnh siêu thực một đề tài hết sức nóng hổi, đó là giới tính thứ ba, song được đặt vấn đề như một giới tính trung, không đực cũng không cái, trong đó chính bà hóa thân vào các nhân vật. Ảnh trừu tượng ở chỗ không ai biết đó là nam hay nữ, mặc dù đôi lúc nó có đặc điểm của nam như đầu trọc, áo kẻ caro nhưng khuôn mặt và dáng đứng lại của nữ. Qua đó, khám phá được những nét đa dạng trong diện mạo và cá tính con người. Ngoài chủ đề giới tính trung, nhiều tác phẩm của bà còn đặc tả người hai đầu, hai bộ mặt và một số sự vật được nhân cách hóa. Gia nhập trào lưu siêu thực khá sớm, vào thập niên 30 đã có nhiều tác phẩm trứ danh tại thủ đô ánh sáng, bà còn là một người lập nên nhóm nghệ sĩ siêu thực chống lại chủ nghĩa phát xít trong Đại Thế chiến II, và dùng ảnh ủng hộ người Do Thái, người đồng tính, người bệnh, người đói nghèo và lang thang nói chung.

Vốn là một nhạc sĩ, họa sĩ du ngoạn khắp châu Âu, song đến năm 1924, nữ nghệ sĩ Florence Henri (1893-1982) của New York đã quyết định dừng chân tại Paris, làm một thợ ảnh chuyên nghiệp. Bà thường dùng những tấm gương, làn khói để tạo ra ảnh siêu thực về mọi chủ đề. Trong mỗi bức ảnh thường thấy dáng dấp của tranh lập thể do trước đó bà hay vẽ tranh này. Cũng thấy các cung bậc và các lát cắt như một bản nhạc, một phím đàn. Tất cả là vì người nghệ sĩ này sáng tác ảnh giống như sáng tác tranh và chơi piano. Mọi hình ảnh đều được bà cho phản chiếu qua gương, song nếu không nhìn kỹ, người xem sẽ tưởng mình đang được ngắm nhìn trực tiếp cảnh vật. Và hơn thế, trong một tác phẩm còn bao quát cùng lúc được nhiều cảnh vật kỳ diệu. Vì điều này, bà được gọi là nữ hoàng của ảnh siêu thực qua gương.

Maurice Tabard (1897-1984) là một nhiếp ảnh gia siêu thực đại tài khác của châu Âu và thế giới. Ông cũng xuất thân trong một gia đình làm nghệ thuật tại Lyon, cha là thợ in hoa văn trên vải và mẹ là nhạc sĩ. Năm 17 tuổi đến New York lập nghiệp, ông định sản xuất lụa, song trước phong trào thợ ảnh sôi nổi ở đây, ông đã quyết định học ảnh và thành một nghệ sĩ ảnh thời trang dẫn đầu tại Pháp thập niên 30. Ông là người đầu tiên cho người mẫu chụp ảnh ngoài trời dùng các kỹ thuật hiện đại. Những thành công thương mại đã giúp ông có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn về ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh siêu thực trong phòng tối. Học tập Man Ray, ông cũng dùng kỹ thuật chế ảnh bằng tia X ray, tia hồng ngoại, chụp đè, dàn dựng để có những bức ảnh ma mị, kỳ quái.

Người cây - Maurice Tabard

Là “đại thụ” của làng ảnh báo chí, chuyên phản ánh những sự kiện có thật, Andre Kertesz (1894-1985) người Hungary, cũng là một nghệ sĩ có nhiều ảnh siêu thực nhất, từ những sự vật nhẹ nhàng như bóng đổ của đoàn người qua lại trên phố tới cảnh nhà cửa, máy móc phức tạp và việc vặn mình “nhức mắt” của những cô người mẫu khỏa thân trên ghế, và họ uốn éo đến nỗi không còn nhận ra đâu là chân tay, mặt mũi. Vào năm 1912, khi đang làm nhân viên của Sở hối đoán Budapest, ông ngẫu hứng mua một chiếc camera để chụp vui, nhưng không ngờ đam mê sáng tác và cuối cùng bỏ ngành tài chính để trở thành thợ ảnh. Trong Đại Thế chiến I, ông đã tham gia chụp ảnh trong quân đội. Khi xuất ngũ, năm 1925 ông đã tới Paris và bắt đầu sự nghiệp báo chí tại đây. Người ta thấy rằng, trong nhiều loạt ảnh thời sự của ông, ngoài những thông tin thẳng tuột - dễ hiểu, còn phảng phất chất thơ rất lãng mạn cùng những yếu tố mỹ thuật. Sở dĩ như vậy là vì ông không chỉ chụp bề nổi của sự vật, mà còn diễn tả nó ở những chiều sâu, không gian, họa tiết và bóng đổ trên các vũng nước, cửa kính, tấm gương…, và khi nó được phản chiếu thì từ thực thể trở thành một thứ siêu hình, trừu tượng. Đặc biệt vào năm 1933, nhận lời mời của tạp chí Le Sourire, ông đã thực hiện một bộ ảnh khỏa thân đặc sắc, mang tên là Những hình ảnh méo mó, gồm 200 bức ảnh khôi hài. Để có bộ ảnh này, ông đã dùng một tấm gương trong nhà gương để tạo ra những hình ảnh phản chiếu, song không phải là phản chiếu thường mà mọi chi tiết còn bị uốn cong, biến dạng. Lúc đó, chụp ảnh khỏa thân vẫn là một điều cấm kỵ hoặc ít gặp trong xã hội vì người mẫu sợ bị đàm tiếu, song qua bộ ảnh này do tất cả cơ thể đều bị méo mó, không ai nhận ra ai nên mọi người đều có thể an tâm và vui vẻ.

Vừa phản ánh hiện thực vừa lồng vào đó những yếu tố thần kỳ, là nghệ sĩ người Đức Franz Roh (1890-1965), cha đẻ của Chủ nghĩa hiện thực kỳ bí. Với quan niệm mới về vẻ đẹp qua việc cắt dán, ông đã tạo nên khá nhiều ảnh siêu thực mà chủ yếu về khỏa thân kết hợp với kiến trúc nổi tiếng suốt thập niên 30-40. Ngoài là thợ ảnh, ông còn là một sử gia và nhà phê bình nghệ thuật uy tín trong cả hai cuộc đại chiến thế giới, có nhiều bài viết bênh vực các kiểu ảnh thủ công khác nhau. Ảnh của ông tương đối nhẹ nhàng nhưng đôi khi cũng huyền bí nhờ yếu tố thần kỳ.

Ảnh của Franz Roh

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy