Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
04:28 (GMT +7)

Những bác sĩ làm “nhiệm vụ đặc biệt”

“Chúng tôi đã theo cuộc chiến này trong 2 năm, và chỉ cần còn khỏe mạnh, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng mỗi người bệnh trong cuộc chiến với COVID-19” - đó là một phần trong số rất nhiều những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hương Quỳnh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện C Thái Nguyên. Chúng tôi trò chuyện với chị Hương Quỳnh khi chị đang thực hiện nhiệm vụ trong khu điều trị người bệnh COVID-19 của bệnh viện; và đặc biệt, chị thực hiện nhiệm vụ ngay khi chính chị đang là F0...


Bác sĩ Lê Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên đón chúng tôi vào một buổi sáng tháng 3/2022. Sau khi đi dọc dãy hành lang nhỏ, chúng tôi được bác sĩ Bình dẫn đến Khu vực điều trị người bệnh Covid của bệnh viện. Khu vực này nằm cách biệt với phần lớn các chuyên khoa khác trong Bệnh viện để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tấm biển “Khu vực cách ly đặc biệt” được đặt tại cổng vào của khu vực này. Bước qua cánh cửa nhỏ, là khu vực điều trị với gần 150 giường bệnh. Trực ở vòng ngoài là kíp bác sĩ vừa mới thực hiện đảo quân sau gần 2 tuần thực hiện điều trị. Các bác sĩ quan sát, theo dõi diễn biến từng phòng bệnh qua hệ thống camera. Ở vòng ngoài, chúng tôi gặp những y bác sĩ mặc trên mình bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch. Trong số đó, có không ít bác sĩ mà tôi và các đồng nghiệp đã từng gặp gỡ, trò chuyện, song trong bộ đồ bảo hộ, có lẽ chính họ - khi đứng trên tuyến đầu cũng khó nhận ra nhau.

Các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức và Điều trị Người bệnh COVID-19, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang tiến hành chăm sóc một bệnh nhân F0 nguy kịch

Bác sĩ Lê Thị Thanh Bình chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, Bệnh viện đã bắt tay ngay vào cải tạo cơ sở vật chất, bố trí nhân lực, lắp đặt thiết bị, đảm bảo có thể tiếp nhận và điều trị hiệu quả người bệnh Covid. Mặc dù trong phân bổ, Bệnh viện được thiết lập khu điều trị theo kế hoạch là 100 giường, song bệnh nhân lúc nào cũng ở mức từ 140 – 150 người. Tinh thần của anh em cán bộ y bác sĩ đều rất nhiệt huyết, trong số những ekip của chúng tôi, có rất nhiều anh chị em cũng là F0 nhưng đã viết đơn tình nguyện để vào vòng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19”.

Hệ thống theo dõi camera được lắp đặt đến từng phòng bệnh tại Khu vực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện C Thái Nguyên

Ở một địa điểm khác, nơi mà các y bác sĩ cũng đang nhận những nhiệm vụ hết sức đặc biệt, đó là Trung tâm Hồi sức và điều trị người bệnh COVID-19 cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (được kích hoạt từ ngày 11/3/2022). Trung tâm được thiết lập với 500 giường bệnh, trong đó có 100 giường cấp cứu đặc biệt ICU. Đây là trung tâm hồi sức COVID-19 có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã kích hoạt Trung tâm Hồi sức và Điều trị người bệnh COVID-19 cơ sở 1 tại nội viện. Hàng chục kíp y bác sĩ cùng lực lượng hậu cần đã thay phiên nhau trực 24/24h tại Trung tâm với số lượng bệnh nhân trung bình mỗi ngày từ 180 đến 250 người. Đáng chú ý, đây đều là những bệnh nhân Covid nặng và nguy kịch.

Cụ Nguyễn Thị Đèo – 112 tuổi ở Thuận Thành, Phổ Yên đã chiến thắng Covid sau một thời gian điều trị tại Trung tâm Hồi sức và Điều trị Người bệnh COVID-19, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Lần nhận nhiệm vụ này, với bác sĩ Ngô Trung Thắng - Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có phần đặc biệt hơn. Anh cùng các đồng nghiệp đã phải trực tiếp trải qua những cuộc chiến sinh tử - giành giật sự sống và trao lại bình an cho nhiều nguy kịch. Bác sĩ Thắng chia sẻ: “Công việc vô cùng vất vả, dù anh em chúng tôi cũng chia ca, chia kíp, nhưng trong thực tế, do đặc điểm là nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid nặng và nguy kịch, nên hầu như bệnh nhân có thể nhập viện bất cứ thời điểm nào trong ngày, thậm chí là nửa đêm hay là sáng sớm. Thêm nữa, diễn biến của COVID-19 thường chuyển nặng rất nhanh, nên anh em chúng tôi luôn túc trực bên bệnh nhân 24/24h, nhất là với những bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan tới phổi, tim… và người già yếu. Dù vất vả, nhưng công sức của chúng tôi cũng đã không uổng phí. Có rất nhiều em nhỏ được mạnh khỏe trở về gia đình sau thời gian dài điều trị, thậm chí có những cuộc phục hồi ngoạn mục như trường hợp bệnh nhân 112 tuổi ở Thuận Thành, Phổ Yên - đã chiến thắng Covid ở cái tuổi xưa nay cực hiếm. Đó là những niềm vui và động lực rất lớn đối với chúng tôi”.

Cuộc phẫu thuật lấy thai thành công được thực hiện trên sản phụ là F0 tại Khu vực Điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện A Thái Nguyên

Tối muộn của một ngày giữa tháng 2, bác sĩ Hà Hải Bằng – Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên đã gửi cho tôi những hình ảnh được ghi lại từ Khu vực Điều trị Người bệnh COVID-19 của Bệnh viện A. Hình ảnh ghi lại một cuộc phẫu thuật đặc biệt, khi ekip phẫu thuật không mặc trang phục đặc trưng của phòng phẫu thuật mà lại mang trên mình những bộ đồ bảo hộ. Họ đang thực hiện mổ lấy thai cho một sản phụ là F0. Bác sĩ Hà Hải Bằng cho biết: “Là bệnh viện chuyên khoa về lĩnh vực Sản, Nhi, đảm bảo cho mỗi thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở thuận lợi là sứ mệnh và niềm hạnh phúc của chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi đã có những chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc thực hiện sứ mệnh này trong bối cảnh dịch COVID-19. Khu vực điều trị người bệnh Covid của chúng tôi tiếp nhận rất nhiều người bệnh là sản phụ. Hàng chục ca phẫu thuật đặc biệt như thế đã được thực hiện thành công. Cả các mẹ và các bé đều rất mạnh khỏe và an toàn, dù các mẹ khi vào khu vực điều trị đều đã ở những tháng cuối của thai kỳ và lại nhiễm Covid”.

Đồng chí Đặng Xuân Trường – UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh (thứ 3 từ phải sang) và PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (đứng giữa) kiểm tra Trung tâm Hồi sức và Điều trị người bệnh COVID-19 tỉnh Thái Nguyên

Ở nơi gian khó nhất, những phòng bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, đã có những điều - mà chúng tôi đặc biệt muốn dùng từ “Điều kỳ diệu” - đã xảy ra. Những tiếng khóc trẻ thơ chào đời trong khu điều trị, những cụ già ở tuổi xưa nay hiếm đã chiến thắng ngoạn mục với COVID-19… điều đó đã thắp lên niềm tin, hy vọng về một ngày không xa đại dịch sẽ kết thúc, cuộc sống trở về bình an. Điều kỳ diệu đó cũng tiếp thêm động lực, niềm vui, hạnh phúc cho những lần nhận nhiệm vụ thật đặc biệt của những chiến sĩ áo trắng, những người đã luôn có mặt trên tuyến đầu chống dịch trong hơn 720 ngày vừa qua.

Phương Thảo

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy