Nhọc nhằn sau vô lăng
VNTN - Chẳng phải tranh giành khách, không lo lắng chuyện lỗ - lãi, cứ theo “lốt”, đúng giờ là chạy. Trở thành lái xe cho công ty Samsung đã được rất nhiều người lựa chọn, vì mưu cầu sự ổn định. Nhưng rồi, đằng sau những chiếc xe “thương hiệu”, là không ít những nỗi cực nhọc của người trót ôm lấy nghiệp vô lăng…
Mặt bằng ổn định…
“Lốt” xe đầu tiên trong ngày của công ty Samsung bắt đầu sớm nhất từ 5h30 sáng, tiếp theo là 6h30, 8h30, lốt cuối cùng chốt về đến các bến là 22h10phút; với các tuyến xuyên suốt như: Lê Văn Lương, Nguyễn Chánh, Gia Lâm, Chờ (Hà Nội); Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); cầu vượt Đán, Võ Nhai, Bệnh viện A Thái Nguyên, Đại Từ (Thái Nguyên); Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên (Bắc Giang); Bắc Ninh,... Để chạy “lốt” 5h30, thì 4h50 phút tài xế phải mở cửa xe, kiểm tra xe một lượt, tập trung hô khẩu hiệu trước mỗi hành trình. Một ngày chạy 3 - 4 tuyến, là 3-4 lần câu khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” được vang lên, như một hành động để lái xe “lên dây cót” vậy.
Samsung hiện nay có nhiều doanh nghiệp hợp tác vận tải gồm: Hikari Việt Nam, Bảo Yến, Vijasun, Kumho Việt Thanh, Quân Trung, Vinasun, Kumho Samco, Rote, An Nguyên…, với số lượng xe lên đến cả nghìn chiếc. Các doanh nghiệp có phương thức tuyển dụng lái xe với những yêu cầu về bằng cấp, sức khỏe, kinh nghiệm đường trường (3 năm)…, tổ chức thi sát hạch khá chặt chẽ. Bến xe khu nhà máy Samsung Thái Nguyên có 2 cổng chính là cổng Nam và cổng Đông, cách nhau 1km. Nơi dừng đỗ đều tăm tắp, trật tự, gọn gàng.
Chuyện chấp hành kỷ luật lao động, nội quy hoạt động dường như là bất di bất dịch với các tài xế Samsung. Mỗi công ty có hệ thống điều hành riêng, tất cả xe di chuyển được giám sát, định vị GPS (tính năng bản đồ và xác định vị trí), quản lý hành trình hết sức quy củ. Chỉ cần có xe đi quá tốc độ, chậm giờ, hoặc mở - đóng cửa quá số lần quy định trên tuyến… thì ngay lập tức sẽ được hệ thống ghi lại. Ban điều hành căn cứ vào đó để có hình thức phạt lỗi lái xe. Với những va chạm xe cộ, doanh nghiệp nào mua thân vỏ 100% thì bảo hiểm chi trả, nếu không lái xe sẽ phải chịu một phần trách nhiệm, tùy theo mức độ thiệt hại, ít nhất 500 nghìn - 1 triệu đồng, nhiều thì tính hàng 10 - 20 triệu. Chi phí xăng dầu cũng được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng, bơm cấp đầy đủ, đảm bảo cho các xe chạy thông suốt. Các doanh nghiệp chi trả cả tiền vệ sinh cho xe (500 nghìn đồng/xe/tháng). Với những “điều khoản” có phần ổn định nhưng nghiêm khắc, đòi hỏi các tài xế luôn phải giữ tinh thần tỉnh táo, cẩn trọng với nhiệm vụ của mình.
Lịch trình mỗi ngày của các lái xe được bộ phận điều hành gửi đến qua điện thoại cá nhân từ chiều hôm trước. Tùy vào lốt chạy mà các lái xe có thể tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn tại các phòng lưu trú tập thể (tại bến của Samsung và tại các tuyến ở huyện). Phòng lưu trú tại bến khá rộng, sạch sẽ, tiện nghi, ngay bên cạnh là không gian giải trí, có trang bị vô tuyến và bàn ghế, tiểu cảnh… trông khá bắt mắt. Các không gian này nhộn nhịp hơn vào buổi tối. Chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp vận tải không giống nhau. Có nơi trả lương theo tháng (trong khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/tháng), có chỗ lại khoán thù lao theo lượt chạy, mỗi lượt 100 nghìn đồng.
Anh L.C có kinh nghiệm lái xe đã được 10 năm, trước chạy tuyến đường dài, đầu quân cho Kumho Samco cũng gần 4 năm nay. Lái tuyến Đại Từ gần nhà, nên cứ sáng đi tối về. Cả doanh nghiệp có hơn trăm xe, tuyến Đại Từ có 18 đầu xe, ngày nhiều nhất anh chạy 5 lượt, cao điểm gần 100 lượt/tháng. Thu nhập hàng tháng của anh bình quân 9 -10 triệu đồng. Riêng khoản ăn uống hầu như đều tự túc, chỉ số ít doanh nghiệp (như Bảo Yến) có hỗ trợ bữa ăn trưa, nhưng không phải cho tất cả lái xe mà chỉ những trường hợp chạy tuyến tỉnh.
Xét theo mặt bằng chung, thì mức thu nhập 8-10 triệu đồng hiện nay của người lao động là tương đối ổn định. Các lái xe chỉ cần hạn chế những lỗi như: xe bẩn, đón không đúng giờ, xe gây tai nạn nhiều, uống rượu… thì coi như có một công việc bình ổn.
Tập trung hô khẩu hiệu trước mỗi hành trình
…Và chuyện nghề của các “ong thợ”
Tranh thủ ăn sáng sau một lượt chạy, anh N.T.L (Sông Công) hài hước chia sẻ: “Có những ngày chạy 7 lượt, khoảng 350 km/ngày, về nhà con nhận không ra bố. Cầm vô lăng là cầm trong tay mình sinh mạng của gần 50 con người, căng thẳng đầu óc lắm. Cái nghề chẳng qua học ra rồi thì phải theo, chứ hiếm khi có niềm vui với nó”. Sau bữa sáng vội vã, nhấp ngụm trà nóng tráng miệng, anh L tiếp lời, kể: Đối diện với những bất trắc là điều hiển nhiên mà cánh lái xe chúng tôi phải luôn chuẩn bị tinh thần. Năm 2014, tôi có tuyến đi Bắc Ninh, có hai thanh niên chạy xe máy va quệt một bà cụ rồi tính bỏ chạy. Thế nào mà loạng quạng ngã gần ngay xe mình. Lần ấy tôi phải bỏ cả chục triệu đồng tiền túi để lo giải quyết với các lực lượng chức năng, lấy xe ra để chạy tiếp. Dù mình không có lỗi, nhưng dùng dằng chậm 5, 10 phút không đón được công nhân là công ty thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể, nên đành chịu thiệt vậy.
Tài xế T.T (Đồng Hỷ) lái xe cho Sam sung hơn 3 năm, lịch trình chạy nhiều, lại ở tuyến huyện xa, có khi cả tuần anh mới về nhà được mấy tiếng. Doanh nghiệp Vijasun trả lương cố định 8,5 triệu đồng/tháng, và không có bất kỳ ngày nghỉ nào. Bắt đầu ngày làm việc từ 4h30 sáng và nhiều khi kết thúc muộn vào lúc 22h, thời gian nghỉ ngơi hầu như là tranh thủ. Nhưng phòng lưu trú thường xuyên có người ra vào, ồn ào, nên đa phần các lái xe chỉ dùng làm nơi tắm gội, còn việc ngủ thì chủ động ngay trên xe, người ở gần nhà thì về nhà. Anh T. và đồng nghiệp thường nói vui, ví mình như những con “ong thợ”, cần mẫn hết ngày này qua ngày khác mài nhẵn những cung đường. Quy định của công ty chặt chẽ trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh, thái độ phục vụ, công nhân khi tan ca ai cũng mệt, cứ lên xe là ngủ tít, thành thử lái xe như người câm điếc. Khi chuyển chạy tuyến xe mới anh còn gặp tình huống “thót tim” khi xe bị ném đá. Hư hỏng là một chuyện, phiền nhất là sau những sự cố bất ngờ như thế, tâm mình không an, sơ sểnh một giây thôi cũng muôn phần nguy hiểm.
Đối với những tuyến xa như Võ Nhai (Thái Nguyên), Tân Yên, Việt Yên (Bắc Giang), lái xe chạy nhiều lượt cao điểm khoảng 350km/ngày. Số giờ thực lái vẫn chỉ gói trong khoảng 8 giờ làm việc hành chính. Nhưng thời gian di chuyển từ điểm nọ sang điểm kia, chờ “lốt” đưa đón, thì khá dài. Cánh lái xe Samsung thường tụ tập ở các quán trà đá gần bến mỗi khi nghỉ chờ lượt chạy mới, tếu táo chuyện trò, hẹn nhau những bữa “cơm chó”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên ra chiều khó hiểu, anh T cười hóm hỉnh: Khi chạy tuyến huyện thì không nhiều xe, anh em thường chờ nhau ăn cơm cho vui. Bữa ăn thường rất muộn, có khi 13h mới ăn bữa trưa, 22h30 mới là bữa tối, mọi thứ đều nguội ngắt nguội ngơ, cơm thừa canh vét… nên gọi vui cơm chó là vì thế. Ăn uống ở ngoài tốn kém, có khi dừng ăn cơm còn phải trả thêm phí mới được đỗ xe.
Ngoài khoản lương cố định, mỗi tháng các doanh nghiệp đều chi trả kinh phí để lái xe thực hiện khâu vệ sinh xe. Với những hỏng hóc lớn do va chạm, hoặc vỡ kính khi bị ném đá, bể săm thủng lốp, xe hết dầu…, thì tài xế chủ động sửa chữa, lấy hóa đơn về công ty thanh toán. Trong trường hợp vượt thẩm quyền thì phải chụp ảnh gửi về cho bộ phận phụ trách, họ sẽ đến tận nơi kiểm tra, giải quyết. Những hư hỏng nhỏ như còi xe “tậm tịt”, cháy bóng đèn… thì lái xe phải rút hầu bao tự sửa. “Rửa xe công nghiệp, phụt qua cũng 20 nghìn. Rửa kỹ thì khoảng 50 - 100 nghìn/ lần. Với khoản hỗ trợ đó, mùa hè thì đủ, còn mùa đông phải rửa nhiều vì mưa gió thất thường thì phải bỏ thêm tiền túi ra” - Anh C (lái xe Kumho Samco tuyến Đại Từ) chia sẻ.
Trên lịch trình mỗi tuyến, thời gian di chuyển được doanh nghiệp tính toán chi tiết, đảm bảo an toàn với tốc độ cho phép. Tuy nhiên, loại xe 47 chỗ khá cồng kềnh, đường sá lại nhỏ, lượng người tham gia giao thông đông… nhiều khi khiến việc chậm giờ diễn ra ngoài mong muốn. Chẳng phải tranh giành khách, không lo chuyện lỗ - lãi, nhưng việc làm hài lòng các nhân viên lại không hề dễ dàng. Các tài xế đều phải ghi chép lịch trình mỗi ngày, có nhân viên đi xe ký xác nhận, rồi nộp lại công ty vào mùng 10 hàng tháng. Những trường hợp xe có muỗi, hoặc ồn, nhân viên gọi điện về trung tâm điều hành báo cáo, tài xế sẽ phải làm tường trình, gây ức chế tinh thần. Hoặc có người muốn đi nhanh, người muốn chậm, ăn uống trên xe… Hay như việc lịch trình tuyến quy định chỉ được phép đón 4 điểm, đóng và mở cửa 4 lần, nhưng có trường hợp nhân viên say xe, có người không thể nhịn tiểu…, lái xe cũng phải châm trước dù biết là phạm quy. Vậy nhưng ở Samsung không có kiểu làm việc duy tình, giải thích mà cứ “sai là phạt”.
Nhắc chuyện phạt lỗi, anh T cười hiền: tôi từng phải nộp phạt hơn 2 triệu đồng vì xuất bến chậm 5 phút. Rồi vì lý do khách quan bỏ hô khẩu hiệu một lần, bị trừ một ngày lương (gần 300 nghìn đồng), để xe bẩn, hoặc ồn cũng bị trừ… Các mức phạt tương đối nặng, đánh vào kinh tế, nếu nhìn vào con số 8,5 triệu/tháng thì thấy cao, nhưng cả tá những bất trắc cứ lơ lửng treo trên đầu, thì chừng ấy tiền cũng chả lấy gì làm vui sướng.
Quy định nghiêm ngặt thế, song không hiểu do áp lực thời gian hay vì lí do gì mà các tài xế cứ vô tư sở hữu quốc lộ 3 mới suốt một quãng dài, gây ức chế cho người tham gia giao thông.
Hành trình có tuyến ngắn tuyến dài, có người may mắn được làm việc cho doanh nghiệp thầu tuyến ngắn, chỉ chạy tối đa 3 - 4 nghìn km/tháng, nhưng cũng có người phải chạy 8.000 - 9.000 km/tháng. Nhiều tuyến di chuyển về đến công ty là 23, 24 giờ đêm. Mức thu nhập sàn sàn nhau cả. Những phút nghỉ ngơi ngồi với chén trà nóng, câu chuyện của cánh lái xe rôm rả, tếu táo, và có cả những câu “chửi thề” mạnh miệng. Những bữa “cơm chó” nhiều khi khiến họ ưu tư, nhưng vì mưu cầu cơm áo, họ chấp nhận và nỗ lực làm tròn vai nhất có thể.
Lấy sự an toàn, đi đến nơi về đến chốn sau mỗi hành trình làm niềm vui, các anh vì mưu sinh mà chấp nhận vất vả. Anh T bộc bạch: Giờ nghỉ, ngày nghỉ không rõ ràng, lắm khi nhà có việc xin nghỉ rất khó. Xe của mình mà đổi (nhờ) cho người khác lái thì không an tâm. Có nhiều hôm lịch chạy trong ngày đã hết, nhưng công ty cần tăng cường, bổ sung cho tuyến khác, dù rất mệt nhưng vẫn phải làm.
“Trót ôm lấy nghiệp vô lăng”, đời tài xế chẳng hề thênh thang, lộng gió như những con đường họ đi qua
Tuệ Nghi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...