
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Số báo 52, ra ngày 29/12/2020 này sẽ là ấn phẩm cuối cùng của Văn nghệ Thái Nguyên dưới hình thức báo in. Bắt đầu từ số sau, Văn nghệ Thái Nguyên sẽ trở thành Tạp chí. Thời khắc chuyển giao, chúng ta cùng tìm lại số báo đầu tiên - tờ Văn nghệ Bắc Thái (tiền thân của Văn nghệ Thái Nguyên) số 1, xuất bản vào tháng 6 năm 1991 để nhớ về Tờ báo, khép lại một hành trình gần 30 năm nỗ lực dựng xây và phát triển “Báo Văn nghệ Thái Nguyên”.
“Dung nhan người cũ”
Thật may, sau bao cuộc di dời chuyển trụ sở, Chánh văn phòng Nguyễn Đắc Thế vẫn lưu giữ được số báo đầu tiên này. Cầm trên tay tờ báo đã ngả màu theo thời gian, các mép giấy rách lem nhem, ố vàng mà tôi không khỏi bâng khuâng. Khẽ khàng, tôi lần giở từng trang.
Trang 1 tờ Văn nghệ Bắc Thái số 1
Tờ báo vỏn vẹn 8 trang, khổ 30 x 42, trang 1 và 8 in 4 màu hẳn hoi. Hồi ấy, chắc thế đã là oách lắm. Trang 1, góc trên cùng, ngay dưới măng sét, là Lời ra mắt được đóng khung trang trọng, với nội dung:
“Tháng 6 này - tháng 6-1991, Văn nghệ Bắc Thái ra mắt bạn đọc số đầu.
Đây là một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời sống văn hóa nghệ thuật của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ rõ hướng đi của Văn nghệ Bắc Thái: Giới thiệu các sáng tác của người làm công tác Văn học nghệ thuật; tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tỉnh trong cả nước, chọn lọc giới thiệu văn hóa thế giới…
Sức mạnh của tờ báo nằm ở nhu cầu của đông đảo người đọc cộng với sự lao động nhiệt tình đầy trách nhiệm của những người cầm bút.
Công cuộc đổi mới với việc thỏa mãn nhu cầu thông tin nhiều chiều cho nhân dân là yêu cầu khách quan cho sự ra đời của báo Văn nghệ Bắc Thái.
Số đầu của báo Văn nghệ Bắc Thái gắn với một thời điểm lịch sử, Đại hội VII của Đảng Cộng sản VN - Đại hội đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Báo Văn nghệ Bắc Thái mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ trìu mến của bè bạn gần xa”.
Thật giản dị mà đầy đủ, không cầu kì câu chữ, không khách sáo dông dài, không câu nệ lễ nghĩa, cứ tràn đầy cái “tình” văn nghệ thôi. Tôi thích thú đọc lại: “Mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ trìu mến của bạn bè gần xa”, ngôn ngữ đại chúng mà rủ rỉ như tâm tình. Đúng là chỉ có ở Văn nghệ.
Kế bên là bài viết của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngô Hai mang tên: “Tâm hồn trong sáng bản sắc quê hương”, là sự ghi nhận những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà, đồng thời giao nhiệm vụ cho Báo. Bài viết có đoạn: “Báo Văn nghệ địa phương ra đời là vinh dự và trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh… Báo Văn nghệ phải khác các báo khác ở chỗ nào? Phải khác báo văn nghệ ở địa phương khác chỗ nào? Đó là đòi hỏi của cả lãnh đạo và độc giả đối với cơ quan biên tập và đội ngũ phóng viên và cộng tác viên của báo”…
Tiếp đến là bút kí “Dòng sông, quả núi và con đường” của Tổng Biên tập - nhà thơ Hà Đức Toàn với cách viết vô vùng hóm hỉnh, linh hoạt và rất giàu chất thơ. Giờ đọc lại, thấy vẫn học được rất nhiều về nghề, từ ông.
Các trang trong gồm truyện ngắn “Cây khóc tình người” của Vy Hồng và “Lam chướng” của Nguyễn Bình Phương; thơ của nhiều tác giả; truyện ngắn nước ngoài; chuyên mục Gương mặt văn nghệ sỹ; Giai thoại văn học; Giới thiệu sách; Trang thiếu nhi, Tin văn hóa văn nghệ; Góc thư giãn và tranh, ảnh của nhiều nghệ sĩ. Nhìn chung, số báo phong phú về chuyên mục và hấp dẫn về nội dung. Chỉ có điều, trên cùng một trang nhưng có bài thì chữ to, bài khác chữ lại nhỏ xíu… Hóa ra, đó là kết quả của việc trình bày bằng vẽ trên giấy, “chia lô” cho mỗi bài theo số chữ, chứ không phải dàn trang điện tử như hiện nay. Vì vậy, bài chữ to là do “lô đất” được phân quá rộng, ngược lại bài chữ nhỏ là do “đất chật chữ đông”… Nhưng, có hề chi, chữ to nhỏ không quan trọng, miễn là vẫn đủ chữ để độc giả nhâm nhi.
Lời kể của những người trong cuộc
Nhà báo Đặng Vương Hạnh, Tổng Biên tập Báo Khoa học & Đời sống nhớ lại. “Năm 1991, tôi vừa chân ướt chân ráo từ quân ngũ ra được chú Hà Đức Toàn (Chủ tịch Hội Văn nghệ Bắc Thái lúc đó) nhận về cơ quan làm việc.
Hồi đó tôi mới là một anh lính trẻ ngoài đôi mươi tập tọe viết lách, chưa có thành tích gì nổi bật, lại mới từ Quân khu I chuyển về nên lơ ngơ cả chuyện đời lẫn chuyện nghề. Chú Toàn trước là Phó Chủ tịch huyện Đại Từ song cũng là một nhà thơ cực kỳ say sưa, cực kỳ tốt tính và xuề xòa. Chú không thích đi công tác bằng ô tô lắm, nên thường bảo tôi lấy xe Minks chở chú rong ruổi khắp nơi, kể cả lặn lội lên tận Ba Bể, Na Rì (Bắc Kạn).
Một hôm chú Toàn gọi tôi, bảo: “Báo Văn nghệ Bắc Thái (VNBT) sắp ra đời. Mày chuẩn bị trình bày, rồi lo in ấn nhé”. Tôi cứ ngỡ chú đùa vì Hội hồi đó quy tụ nhiều họa sĩ tên tuổi như Tuấn Vinh, Thế Hòa… trong khi tôi là dân ngoại đạo, chả hiểu mô tê gì về trình bày báo chí, in ấn chứ đừng nói gì tới hội họa là thứ gì đó rất cao vời so với cái thằng nửa quê nửa tỉnh như tôi. Tôi giãy nảy, nêu đủ lý do thoái thác vì lo không làm nổi. Tuy nhiên chú Toàn nghiêm mặt, nói: “Đây là nhiệm vụ, là công việc cơ quan giao cho mày”.
Tôi vẫn choáng nhưng cũng hiểu rằng đây là chuyện rất nghiêm túc chứ không nói chơi và Chủ tịch Hội phải có lý do để quyết định như vậy. Tôi nghĩ mình phận lính tráng, trên sai gì thì cứ làm thôi còn làm được đến đâu thì tính sau, cùng lắm thì nhận kỷ luật, tình huống xấu nhất là nghỉ việc chứ gì.
Nhận nhiệm vụ rồi, tôi sợ đến mất ăn mất ngủ. Nhờ vả mấy vị họa sĩ khả kính kia thì chẳng dám, vì họ luôn bận bịu toàn công to việc nhớn, hơn nữa mình tuổi gì mà dám mon men làm phiền họ. Có khi nhờ chẳng xong mà còn bị ăn mắng là khác. Nhưng chẳng lẽ đành bó tay chịu chết, rồi dày mặt lên thưa với Chủ tịch rằng không làm được và thể hiện trước toàn cơ quan mình là đồ giá áo túi cơm, ăn bám cơ quan hay sao.
Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân chứ ngồi than thân trách phận cũng chẳng đi đến đâu. Tôi nảy ra một ý, bèn mượn mấy chồng báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Tiền Phong, tạp chí Văn nghệ Quân đội… rồi đi xin nhà in mấy mảnh tôn mỏng làm thước. Sau đó, tôi ngồi đóng cửa phòng họp, kỳ cạch đếm xem phần truyện ngắn hay phóng sự, ghi chép trên mấy tờ báo đó họ chia làm mấy cột, một trang có bao nhiêu ngàn chữ, nửa trang có bao nhiêu chữ, họ để ảnh hay tranh minh họa. Sau đó tôi vạch trên thước tôn để áng chừng số chữ trong một bài để quy ra diện tích cần phải trình bày trên khổ báo A3. Thế là đã có thước trình bày văn! Mục thơ cũng đếm chữ tương tự, nhưng phải xem là thơ lục bát hay thơ tự do, mỗi dòng bao nhiêu chữ, mỗi bài có bao nhiêu dòng và cũng vạch vào thước tôn để áng chừng. Một trang thơ ang áng chứa được từng này bài. Vậy là được thêm thước trình bày thơ!
Khi đã có trong tay “thước văn, thước thơ” thần thánh ấy rồi, chỉ cần đếm từng bài trong mỗi trang mục xem số chữ là bao nhiều, dù là thơ hay văn xuôi đều “cân” được tuốt. Trang nhất của Báo VNBT tôi cũng cứ rập khuôn theo tờ Văn Nghệ, mô-li-phê đi chút ít là ổn. Các trang trong cũng dùng cách đếm chữ rồi đem công trình “thước văn, thước thơ” bất đắc dĩ kia ra áp vào để tính toán. Trường hợp còn thừa chỗ thì cạy cục nói khó với mấy họa sĩ Thế Hòa, Khắc Thiện để nhờ vả vẽ vi-nhét minh họa nhằm lấp vào cho… vừa.
Loay hoay, bò ra tính toán, áp thước toát mồ hôi hột bao ngày trong phòng hội trường cơ quan, ơn giời số báo đầu tiên cũng ra đời trót lọt, cũng không thấy ai chỉ mặt mắng mỏ gì (có lẽ có nhưng chỉ là tôi không biết đấy thôi). Tới lúc cầm tờ báo VNBT trên tay thơm thơm mùi giấy mực, có đủ cả các trang mục theo yêu cầu, tôi vẫn chưa dám tin là mình lại dám trình bày cả tờ báo của các cây đa cây đề văn nghệ sĩ trong tỉnh. Thở phào vì xấu đẹp gì cũng là một sản phẩm qua tay mình, miễn sao không sai sót nghiêm trọng còn nếu có va vấp thì lại lần mò, tự rút kinh nghiệm.
Thế rồi, các số báo VNBT tiếp theo vẫn được một ông “họa sĩ trình bày” dở mùa là tôi làm cứ thế lần lượt được xuất bản. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy dạo đó mình liều thật”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Khắc Thiện cũng chưa quên những ngày ấy. “Năm 1991, tôi khi ấy ở Phòng Thiết kế - Chế bản điện tử của Nhà in Bắc Thái. Cả ngành chữ hơn trăm công nhân giải thể và thành lập phòng chế bản có hơn mười nhân viên. Tôi được phân công phụ trách phòng và lo khâu đánh máy, thiết kế, chế bản. Số báo đầu tiên của Hội khổ 30 x 42cm, in 8 trang, ruột từ trang 2 đến trang 7 in đen trắng bằng máy in offset, bìa 1 và 8 in 4 màu. Ông Lê Thế Thành, Phó Tổng biên tập Báo và anh Đặng Vương Hạnh nhân viên của Báo mang bản thảo và maket đi Hà Nội chế bản ở Phòng vi tính Viện kỹ thuật In. Chế bản xong ông Thành mang bản can sang Nhà in Bộ Lao động - Thương binh. Tôi có đề nghị ông Lê Thế Thành khi mang báo về thì cũng mang toàn bộ bản can về để phục vụ cho số tiếp theo. Số báo thứ 2 Tòa soạn chỉ có tờ makét khổ báo chia các cột và phác họa bài, vị trí ở từng trang, còn lại do Nhà in Bắc Thái thực hiện toàn bộ. Do chưa có kinh nhiệm mi báo bằng vi tính, lại chỉ có máy in Laser HP khổ A4 nên chúng tôi phải in từng cột hoặc từng khổ nhỏ, sau đó “ghép” vào khổ to là khổ A3 (30cm x42cm). Tít báo và tít bài tôi vẽ tay. Vi-nhét và minh họa tôi vẽ bằng mực can. Khổ nhất phần in ảnh, tôi phải đi xe máy về Hà Nội chế bản film và phân màu điện tử, mang về ghép vào bản bình. Có được bản bình cho đi phơi bản kẽm là coi như tờ báo đã xong. Chỉ còn chờ in và phát hành. Tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên ra đời những ngày đầu là như thế”.
Trang thơ của số báo đầu tiên
Nhà báo Minh Hằng nhớ lại: “Lúc đó tôi và chị Thanh Hằng được nhà thơ Hà Đức Toàn giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung và biên tập cho số báo đầu tiên. Cũng phải loay hoay mất gần hai tháng mới xong được phần bài vở cho 8 trang báo. Được cái nhà thơ Hà Đức Toàn rất xông xáo, thấy thiếu bài, ông lao đi viết ngay, viết rất nhanh và hay nữa. Tôi và Thanh Hằng, Đặng Vương Hạnh cũng xoay ra viết. Bản thảo hồi đó, mọi người toàn viết tay, chúng tôi tập hợp, biên tập rồi chuyển lên lãnh đạo duyệt, xong chuyển chị Phương Châm đánh máy. Chị Châm có tài đánh máy nhanh và luận chữ rất giỏi, chữ xấu mấy chị ấy cũng luận ra được. Giờ nhìn lại số báo đầu tiên, thấy bóng dáng mình ở đó, cũng thấy vui”.
Lời kết
Đọc lại số báo khởi đầu của hành trình Báo Văn nghệ Thái Nguyên cách đây 29 năm, thấy được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền và sự nhiệt huyết của hội viên, cộng tác viên và các cán bộ Tòa soạn. Từ đó đến nay, sự quan tâm đó, niềm nhiệt thành đó vẫn không thay đổi. Hơn một nghìn số báo đã đến tay bạn đọc, góp phần làm giàu lên đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thái Nguyên, khẳng định được vị trí của mình trong làng báo chí văn nghệ cả nước. Những gì chúng ta cùng cố gắng đã được ghi nhận và chúng ta hài lòng về điều đó. Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Cảm ơn độc giả và những người yêu quý đã luôn đồng hành cùng Báo, ngày mai chúng tôi lại bước sang một hành trình mới đầy hứa hẹn.
Hẹn gặp lại các bạn trong Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số 1, tháng 1 năm 2021!
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...