Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Nhớ về một người Anh hùng nông dân

VNTN- Huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên là mảnh đất có bề dày lịch sử, có nhiều tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước kiên cường, tinh thần hiếu học và nghị lực sáng tạo trong lao động được ghi danh sử sách và lưu truyền trong dân gian.

Trên thực tế, từ xưa tới nay mới có 4 người chính thức được vinh danh, đó là: (1) Tướng quân Lưu Nhân Chú được xếp vào bậc Công thần Khai quốc thời nhà Lê. (2) Tiến sỹ Đồng Doãn Khuê (Đồng Doãn Giai) - đỗ Hoàng giáp năm Bính Thìn (1736). (3) Anh hùng Lao động (AHLĐ) Trương Văn Nho - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Công, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái (được tuyên dương năm 1967). (4) Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh (được tuyên dương năm 2020).

Tuy nhiên, còn nhiều danh nhân như các tướng quân Lưu Trung, Phạm Cuống vẫn chưa được ghi danh thỏa đáng với công trạng của họ. Những cá nhân tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp như: Lôi Văn Nghiêu, Hà Văn Thứ, Chu Văn Sủi chưa được truy tặng danh hiệu cho đúng với sự hy sinh anh dũng của các sỹ phu yêu nước.
Bài viết này tôi dành riêng để nói về cuộc đời cơ cực đau thương và những nghị lực phi thường của AHLĐ Trương Văn Nho.

Côi cút sau nạn đói
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 (năm Ất Dậu) là một sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nạn đói này diễn ra trên diện rộng từ Quảng Trị trở ra Bắc ở 32 tỉnh, thành (cũ) với hơn 2 triệu người chết đói. Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất với 28 vạn người chết đói. 78 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của người dân Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi kinh hoàng khó quên.

                                    1-1690273520.jpg
Phần mộ của AHLĐ Trương Văn Nho

Trong Viện Sử học Việt Nam có lưu bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4/1945 tả về thảm cảnh nạn đói 1945: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế, thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.

Trong đoàn người nhếch nhác đó có gia đình anh nông dân nghèo Trương Văn Nho, sau khi người mẹ qua đời vì kiệt sức do nhịn đói lâu ngày, còn lại người cha cũng chỉ còn da bọc xương, trước hoàn cảnh gia đình đói rách không có lối thoát người chị cả đã phiêu bạt bặt vô âm tín còn lại chị gái thứ 2 và vợ chồng ông quyết ra đi mong tìm nơi thoát qua cái chết.

Mặc dù người cha năn nỉ rằng ông không còn sức đi được nữa, cứ để ông lại mà đi đi nhưng 3 chị em cố thay nhau khiêng người cha đi cùng với hy vọng sống được ngày nào hay ngày ấy, sau mấy ngày rệu rã vừa đi vừa xin ăn gia đình ông đến được một nhà họ hàng xa ở Linh Sơn - Đồng Hỷ. Tuy được ăn uống sơ sài chủ yếu cơm độn khoai sắn nhưng cũng có chút chất gạo người cha hồi tỉnh khỏe ra chút ít. Theo lời nhiều người mách rằng lên trên Đại Từ dễ sống hơn, trên đó có mấy nhà giàu họ đang phát chẩn, thế là mấy chị em ông quyết định đưa cha lên Đại Từ.

Ban đầu gia đình ông được một người cùng quê tại xóm Liên Giới, xã Hùng Sơn cho ở nhờ vào gian đựng rơm cạnh chuồng trâu, với hoàn cảnh tứ cố vô thân nên người cha thường xuyên phải nhịn đói, cơ thể suy kiệt. Khi thấy không còn hy vọng sống, do phong tục, chị em ông phải khiêng cha ra gầm bụi tre nằm để tránh vận đen cho nhà chủ. Do đói rét vì căn bệnh ngã nước nên người cha của ông đã chết đầu năm 1945. Lúc này vợ chồng ông cũng chưa tìm được việc để làm thuê, hàng ngày đi đào củ rừng, mò cua bắt cá để ăn, thỉnh thoảng đi đến nơi phát chẩn may ra thì được bát cháo loãng. Sau vài tuần cha chết, vợ ông đi mò cua bắt cá ngoài đồng do bị sốt rét sẵn trong người lại bị cảm lạnh cộng với đói khát nhiều ngày nên đã chết ngay ngoài đồng cùng năm đó.

Hàng ngày người chết đói, người xin ăn nằm la liệt dọc đường, mỗi sáng nhà chức trách phải điều động dân phu đi nhặt xác chất lên xe bò chở đi. Họ đổ xuống các hố trũng ở ven đường rồi lấp đất để chôn, không có áo quan hay chiếu bó gì hết.

Chỉ còn 2 chị em nên ông phải đi xin ăn, tìm việc làm nhưng trước cảnh bệnh dịch người chết đói la liệt thì không còn nhà nào mướn người, chỉ còn mỗi một việc đi lấp hố chôn người là còn thiếu, việc này rất ghê sợ ít người dám làm nên ông buộc lòng phải đến gặp nhà chức trách để xin được làm với tiền công mỗi ngày 3 xu chỉ đủ mua bát gạo ăn qua ngày… Một lần khi xe đổ xác những người chết đói xuống vũng đất trũng, ông và người làm cùng xúc đất lấp kín. Khi đang hất đất xuống hố thì có một cái xác ngóc đầu lên. Ông sợ quá định bỏ chạy thì người cùng làm bảo: “Cứ lấp đi đằng nào anh ta cũng chết”. Ông ngăn lại lấy nước cho người kia uống, uống xong hớp nước người kia thều thào “đói”, ông liền ra lấy túi đựng miếng cơm nắm của mình, bấu một miếng cơm bón cho người ấy thì người ấy chỉ cười cơm ở trong miệng mà hàm răng cứng lại không còn đủ sức nhai miếng cơm rồi ngắc lên mà chết. Việc đi lấp đất chôn người cũng bấp bênh hôm nào có người chết thì có tiền mua gạo, hôm không có người để chôn thì hai chị em lại nhịn đói nên ông lại phải đi tìm việc làm thuê. Ai thuê việc gì thì làm việc đó, cầm cự được mấy tháng thì sang đầu năm sau người chị gái thứ 2 lại mắc bệnh “ngã nước” không có khả năng cứu chữa, rồi một ngày chị nằm trong tay em bốn mắt thâm quầng rồi chị chỉ còn biết nhìn em mà chết.

Sau những lam lũ cơ cực đau khổ vì mẹ, cha rồi vợ và chị cứ lần lượt chết đói, chết bệnh vô phương cứu chữa, chỉ còn một mình với thân hình gày gò, đôi mắt thâm quầng đứng trước hoàn cảnh côi cút cơ cực cùng quẫn đến tột cùng nên một buổi tối ông đã ra cầu treo Huy Ngạc, nằm trên cầu với ý nghĩ; chỉ cần lăn xuống sông là kết thúc mọi đau khổ… Giữa lúc cùng quẫn đau khổ ấy thì có mấy người đi lên cầu, họ sờ thấy người ông còn nóng, hỏi thì ông nói khổ quá nên chả thiết sống nữa. Một người trong nhóm đó bảo ông: “Gắng lên sắp có cuộc đánh lớn, chắc chắn ta sẽ thắng, không còn cảnh người bóc lột người nữa”. Ông ngồi bật dậy xin cho đi theo nhưng mấy người nói “chúng tôi đang hoạt động bí mật anh cứ về nhà đi” rồi họ trút trong tay nải cho ông một ít gạo và đi tiếp.

Lao động để trả ơn cách mạng
Ông trở về với tinh thần mãnh liệt là đất nước sắp được giải phóng sắp khỏi cảnh nghèo đói áp bức, mặc dù vẫn phải đi làm thuê nhưng trong lòng ông luôn phấn chấn đầy hy vọng. Ông luôn nghĩ trong lòng nhờ có người của cách mạng cứu sống mình mới thoát chết nên ông luôn hướng về cách mạng với lòng biết ơn vô hạn. Trong thâm tâm lúc nào cũng nghĩ nhờ có cách mạng mới có cuộc sống này nên luôn khao khát muốn làm gì đó để tỏ lòng biết ơn.

                                    2-1690273519.jpg
Chân dung và bằng chứng nhận danh hiệu AHLĐ Trương Văn Nho

Sau Cải cách ruộng đất, người dân có ruộng, ông là người đi đầu trong việc vận động bà con thành lập các tổ Vần công rồi đến tổ Đổi công. Ông được bầu làm Tổ trưởng tổ Đổi công, được nhiều người quý trọng nên họ đã vun vén ông với bà Nguyễn Thị Tiệp cũng là người đi làm thuê, bà Tiệp hoàn cảnh chồng chết, có mẹ già và 2 con nhỏ, thằng anh khoảng 5 tuổi, đứa em khoảng 3 tuổi.
Nhờ có bà con và anh em giúp đỡ, ông bà dựng một túp lều ở cạnh cây sấu to thuộc xóm An Long. Về ở với nhau, nuôi mẹ già và hai con nhỏ, khi đứa em tên là Duyên được 4 tuổi thì bị sài đẹn, sài mòn chỉ còn da bọc xương rồi chết, ông bà cũng cố gắng đẻ được một mụn con trai vào năm 1949. Nuôi được gần 2 tuổi thì cũng bị sài giật sài mòn không có thuốc men nên đã chết chỉ còn lại người con trai của vợ là Phạm Văn Trình nên ông đã đổi sang họ của mình là Trương Văn Trình và dành hết yêu thương cho người con này.

Từ khi Bác Hồ về thăm Hùng Sơn vụ gặt năm 1954, câu chuyện về Bác được nhân dân truyền khắp đầu làng ngõ xóm, những lời căn dặn của Bác cứ thôi thúc ông phải làm gì cho quê hương. Là người mang nặng ghi ơn cách mạng nên ông nén mọi nỗi buồn của gia đình dành hết tâm huyết cho công việc rồi ông được bầu làm Phó ban Nông hội, ông đã vận động bà con tham gia thành lập các Hợp tác xã nhỏ. Năm 1956 ông được bầu vào Hội đồng nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc, năm 1958 ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã An Long.

Từ xưa cánh đồng xóm An Long từ khu vực Đầm Phủ ra tới đường rẽ đi Tân Thái có nhiều ruộng rất sâu bùn, nhất là khu cửa đầm phủ dọc theo đường lên đến khu Nhà máy Bột giấy, ruộng thụt sâu, người ta phải dùng những đoạn cây để đứng lên khi cấy hay gặt, hết mùa cỏ mọc xanh um tùm trâu ra ăn cỏ có con trườn ra chỗ sâu quá không tự lên bờ được phải dùng vai thiếu mắc cho con trâu khác kéo lôi lên, thậm chí có trường hợp dùng trâu cũng không lôi lên được người ta phải đành bắc cây ra đập chết xả thịt tại chỗ để cắt lấy thịt đem lên.

Trước cảnh cánh đồng thụt nên việc làm ăn canh tác rất khó khăn mà năng suất lúa rất thấp nên mỗi công lao động chả được bao nhiêu, ông đã suy nghĩ phải tìm cách làm sao cho thoát cảnh ruộng sâu, trâu thụt này. Qua nhiều đêm trăn trở ông đi dọc theo cánh đồng quan sát suy tính lập phương án: Đắp bờ đập khu Đầm Phủ để điều tiết nước và đào hệ thống mương thoát nước từ các chân đồi và khơi mương thoát nước cánh đồng thụt, khi đưa ra bàn với Ban quản trị Hợp tác xã (HTX), qua nhiều lần họp Chi bộ An Long cũng có vài ý kiến phản đối họ cho rằng ý nghĩ của ông là điên rồ, còn có ý kiến dọa: “Nếu bờ đập Đầm Phủ bị vỡ nước tràn xuống sẽ làm vỡ đường quốc lộ thì ai chịu trách nhiệm”. Nhưng với quyết tâm và kiên trì theo đuổi, dần dần ông cũng thuyết phục được Chi bộ đồng ý cho thực hiện. Ông cùng với một số thanh niên và xã viên tích cực dùng cuốc xẻng, chân tay đào rồi dùng thùng, chậu vét bùn tạo thành con mương to chạy dọc giữa cánh đồng bắt đầu từ cửa Đầm Phủ xuống tới ngã ba đường đi Tân Thái, dài khoảng 200 mét rộng 2 mét sâu trung bình 1,5 mét, chia thành 2 cánh đồng: Đầm Phủ và đồng Nhội. Sau đó đào các mương nhánh chia thành nhiều khu ruộng để nước thoát ra kênh chính. Sau 3 tháng hoàn thành, nước ở các ruộng thụt dần cạn và khô, không còn cảnh người và trâu bị thụt nữa nên việc canh tác đã dễ dàng.

Để khắc phục khi trời mưa to nước từ các chân đồi tràn xuống cánh đồng làm trôi hoa màu và sạt lở ruộng mương, ông đã nghĩ ra cách là đào đắp tuyến mương thoát nước từ chân đồi của xóm Hàm Rồng ra sông Công, giải quyết dứt diểm tình trạng mưa lũ ảnh hưởng tới mùa màng và đời sống của nhân dân.

Là người rất quan tâm đến thủy lợi, với quan điểm “Nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống”, để chủ động nguồn nước cho cánh đồng ông đã cho làm nhiều cọn nước dọc bên bờ sông Công dọc theo cánh đồng Hàm Rồng và cánh đồng An Long. Nghe tin có nơi dùng guồng nước đạp chân ông đã cùng cán bộ kỹ thuật đi tham quan học tập tỉnh bạn về cùng bàn bạc rồi tự thiết kế tự chế ra 3 chiếc guồng nước bằng gỗ để tát nước lên những ruộng cao, thời gian sau ông đã thuyết phục Ban quản trị HTX mua và đặt 3 máy bơm nước tự động cho 3 xóm Hàm Rồng, An Long và Xuân Đài, đào tuyến mương từ trên đỉnh đồng về tới khu Đồng Cửa và khu Nhà Nô của xóm Hàm Rồng.

Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Cầu Thành, một trong những hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của cả nước mới được thí điểm xây dựng. Hôm đó Bác đã đứng tại nhà ông Trịnh Văn Thịnh, xóm Cầu Thành nói chuyện với bà con nhân dân, khi ra về Bác đi bộ trên cây cầu treo Huy Ngạc.
Là người may mắn và vinh dự được gặp Bác Hồ, nghe thấu từng lời căn dặn của Bác, nhất là khi ra về Bác đi trên cây cầu treo Huy Ngạc, hình ảnh cây cầu lại gợi cho ông nhớ về cái đêm mà ông đã định kết thúc cuộc đời mình. Càng nghĩ ông càng ghi sâu công ơn cách mạng, ơn Bác Hồ và Đảng đã đem lại cuộc sống cho nhân dân và chính ông. Ông tự hứa với lòng mình dành hết sức lực cống hiến cho cách mạng, xây dựng quê hương đất nước. Từ đó ông bắt tay vào công cuộc cải tiến các phương thức lao động để chế biến đường cho các cánh đồng trồng mía của HTX. Ông đã chỉ đạo vận dụng theo địa hình để lắp đặt cây mật (ép mía). Ở chỗ cao thì dùng sức trâu, ở gần sông thì cải tiến dùng sức nước của những cây cọn nước quay cây mật. Bên cạnh là Lò nấu đường phên.

Ông là người vận động nhân dân thực hiện theo phong trào làm hố xí 2 ngăn để phòng tránh bệnh dịch và sử dụng nguồn phân bón cho hoa màu tăng năng suất cây trồng. Rồi phong trào làm phân xanh, nuôi bèo hoa dâu. Vận động thanh niên đi cắt phân xanh, vớt bèo tây, bèo hoa dâu, bèo ván đổ vào hố, vãi vôi và trát bùn lấp kín, sau một thời gian đem vãi ra ruộng góp phần cải tạo đất và tăng năng suất lúa và hoa màu. Phong trào này đã làm thay đổi nếp sống, thay đổi bộ mặt nông thôn thời bấy giờ. Do có tinh thần gương mẫu và nhiều công lao được nhân dân và Đảng ủy ghi nhận, ngày 25 tháng 5 năm 1960 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn xuất bản năm 2013 còn ghi rõ: Cuối năm 1966 đầu năm 1967, Hùng Sơn quyết tâm xây dựng HTX quy mô lớn, bậc cao lấy tên là HTX Thành Công với nòng cốt là HTX Cầu Thành hợp nhất cùng 5 HTX trong khu vực. Ngày đầu có 150 xã viên, Ban quản trị được bầu có 9 ủy viên, trong đó có một số nguyên là Chủ nhiệm, hoặc là ủy viên Ban quản trị HTX cũ, do đồng chí Trương Văn Nho làm Chủ nhiệm.

Thực hiện phong trào làm thủy lợi ông đã cùng Ban quản trị HTX Thành Công chỉ đạo nhân dân xây dựng hệ thống thủy lợi gồm một con đập ngăn sông lấy nước từ Vực Huấn (sông Công) chảy vào kênh mương để cung cấp nước cho một phần cánh đồng xóm Trung Hòa và 4 xóm vùng hạ lưu là cánh đồng các xóm: Táo, Cầu Thành, Đồng Cả, Xuân Đài. Bằng lao động thủ công trong 2 năm, công trình đã hoàn thành làm thay đổi hoàn toàn diện mạo xóm làng.

Ngoài ra ông đã chỉ đạo HTX đắp nhiều đầm nước để nuôi cá và chủ động tưới tiêu, xây các trại chăn nuôi lợn, xây dựng Nhà Văn hóa An Long thành khu Văn hóa có thư viện, có sân gạch rộng phục vụ cho các cuộc mít tinh, Đại hội xã viên, là nơi chiếu phim, diễn kịch cho nhân dân trong vùng đến xem…

Với sự nỗ lực của bản thân, với nghị lực cá nhân ông đã thay đổi diện mạo quê hương, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lúa và hoa màu, nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân, năm 1967, ông Trương Văn Nho được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngoài ra ông còn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã, làm Phó bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn; tham gia Hội đồng nhân dân huyện Đại Từ 4 khóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên 3 khóa, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh 1 khóa, Hội đồng nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc 2 khóa.

Xin đừng quên lãng
Sau khi nghỉ hưu tuy căn bệnh hen suyễn hoành hành nhưng ông vẫn tận tình trao đổi kinh nghiệm và tham mưu cho cấp ủy và Ban quản trị HTX nhiều phát kiến mới. Do tuổi đã cao sức khỏe suy giảm cộng với căn bệnh quái ác đã theo đuổi ông từ những năm nghèo đói nên trái tim người Anh hùng nông dân một lòng theo cách mạng đã ngừng đập vào ngày 27 tháng 2 năm 1978 trong căn nhà lá đơn sơ chỉ có nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huân huy chương và tấm bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

                                    3-1690273520.jpg
Căn nhà ở của AHLĐ Trương Văn Nho đang do con cháu quản lý

Ông ra đi để lại cho Hùng Sơn một mô hình HTX đang hưng thịnh và phát triển. Người kế nhiệm là ông Đặng Đình Sinh cũng là một thành viên xuất sắc trong Ban quản trị HTX. Ông Sinh đã tiếp quản và xây dựng lên HTX toàn xã Hùng Sơn với quy mô điển hình của toàn quốc có Trại gà công nghiệp có máy phát điện, có Đội xe cơ giới gồm 2 ô tô và hơn 20 xe công nông, có Đội Văn nghệ chuyên của xã, có nhà phát thanh - truyền thanh, nơi truyền tải các thông tin của Đảng, Nhà nước và các bản tin, các chương trình ca nhạc của địa phương.

Mỗi hộ gia đình có Sổ mua hàng theo định mức hàng năm được mua bao nhiêu mét vải, hàng tháng được mua muối, nước mắm, mắm tôm theo giá của HTX; cuối năm được lĩnh tiền lãi theo cổ phần. Sổ thực phẩm được phân hàng tháng hay theo vụ gồm thịt lợn, thịt trâu, cá, thịt gà loại, trứng gà công nghiệp… HTX nông nghiệp Hùng Sơn thời kỳ đó là mơ ước của rất nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên khi xã hội thay đổi mô hình HTX không còn phù hợp, nền nông nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn khoán 10 thì người ta có quyền phê phán những gì lạc hậu lỗi thời, nên hình ảnh HTX và những con người tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử đó cũng dần bị phai mờ… Hiện nay hỏi về AHLĐ Trương Văn Nho, hầu hết các nhà lãnh đạo cùng đại đa số lớp trẻ đều không biết, rất ít thông tin về ông trong các cuốn Lịch sử địa phương.

Lịch sử của bất kể dân tộc nào cũng có giai đoạn oai hùng, có thời kỳ bi tráng. Lịch sử chỉ đi theo một chiều, không ai có thể quay ngược lại. Các danh nhân là những người tiêu biểu cho mỗi thời kỳ, họ đều là những người kiệt xuất của một giai đoạn lịch sử, không thể phủ nhận những trí tuệ công lao đóng góp của họ. Như vậy, người Anh hùng trên mặt trận Nông nghiệp Trương Văn Nho thời ấy nay vẫn cần được trân trọng và tri ân.

Bước lên 60 bậc xây bằng gạch tới phần mộ Anh hùng Trương Văn Nho yên nghỉ, giữa đồi cây (thuộc quyền quản lý của gia đình chị Vui Tam). Do ít được chăm sóc nên ở sân mộ cành lá rụng đầy. Nghe nói mỗi năm nhà trường có cho học sinh lên thăm viếng, quét dọn một lần vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Tổ dân phố An Long tổ chức thăm viếng một lần trước tết Nguyên đán…

Trang 301 cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 3 (2001 – 2020) có in Danh sách Anh hùng Lao động của tỉnh (chỉ có 8 người). Đứng đầu danh sách là AHLĐ Nguyễn Mai Tâm (được tuyên dương năm 1962). Tiếp đến là Trương Văn Nho (tuyên dương năm 1967). Người cuối cùng trong danh sách là Nguyễn Văn Thắng (tuyên dương năm 2020).

Điều đó khẳng định, danh hiệu Anh hùng Lao động của đồng chí Trương Văn Nho là niềm vinh dự to lớn của cá nhân, nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, nhân dân huyện Đại Từ. Bởi vậy, tấm gương AHLĐ Trương Văn Nho cần được tuyên truyền rộng rãi và tôn vinh xứng đáng hơn nữa. Địa phương nên có sự đầu tư, sửa sang khu mộ và xây nhà tưởng niệm để giáo dục cho lớp lớp các thế hệ mai sau.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy