Nhờ trà lưu giữ hương hoa
VNTN - Trà ướp hoa nhài, hoa sen, hoa quỳnh và giờ là hoa hồng, mỗi loại đều mang lại cho người thưởng thức và người làm ra những cảm hứng mới…Tất cả đều bắt đầu từ đam mê của cặp vợ chồng trẻ An - Dương.
-“Đó là đam mê, chị ạ. Nếu tính lợi nhuận thì chả bao nhiêu đâu, vì mua hoa đắt, lại rất vất vả, nhưng đã đam mê thì phải theo đuổi đến cùng. Thỉnh thoảng chế thành công một loại mới, thế là đủ vui để tiếp tục…”. Anh Nguyễn Thành Dương, chủ thương hiệu trà An Dương (Hợp tác xã Chè trung du Tân Cương - Thái Nguyên) vừa pha ấm trà hoa hồng mời khách vừa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Dương sinh năm 1981 và vợ là Phạm Thùy An sinh năm 1986, là công dân vùng chè Tân Cương nức tiếng. Cũng như bao hộ dân ở đây, lúc đầu anh chị cũng chỉ sản xuất chè búp để cung ứng cho thị trường. Hai vợ chồng trẻ, với sự hỗ trợ đắc lực của bố mẹ, cặm cụi làm và từng bước trưởng thành, đã dần khẳng định thương hiệu của mình. Trà An Dương giá cả vừa phải, chất mộc như người nông dân một nắng hai sương, như cái duyên thầm của người con gái, càng uống càng thấy ưng. Sau hơn 10 năm lăn lộn cùng búp chè, lúc được lúc thua, giờ thì An Dương đã có thị trường ổn định, mỗi tháng cung cấp hàng tấn chè búp khô, chủ yếu cho Hà Nội và Tây Ninh.
Vốn thích hoa và cũng ham tìm tòi sáng tạo, năm 2013, An Dương bắt đầu nảy ra ý định chế biến trà ướp hoa vì biết thị trường miền Nam rất ưa chuộng loại này. Đầu tiên là hoa nhài. Thấy bụi nhài của nhà sai bông, hương thơm ngào ngạt, nhất là về đêm, An bèn ngắt hoa bỏ vào ống bơ ướp trà. Làm đi làm lại, thấy ưng, hai vợ chồng bèn điện cho khách hàng ở Tây Ninh đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Có mối rồi, anh chị quyết tâm sản xuất. Xuống Phủ Lỗ tìm được nguồn hoa. Chỉ có điều, lúc làm thử số lượng ít thì dễ, khi sản xuất với số lượng lớn mới thấy khó khăn, mẻ thì nhạt hương, mẻ lại thơm gắt quá. Sau mấy bận vừa làm vừa điều chỉnh, mới rút ra được công thức chuẩn và những bí quyết riêng. Giờ thì mỗi năm, An Dương cung cấp cho thị trường miền Nam khoảng 2 tấn trà nhài.
Thành công với trà nhài, lại ngấp nghé với trà sen. Đầu tiên là tách gạo sen ướp với trà, cách này đơn giản, mỗi tội tốn hoa. Mỗi bông được tí gạo, ướp mấy lần mới được một mẻ trà. Trà gạo sen cũng đượm hương, nhưng để cả bông có vẻ được thị trường ưa chuộng hơn. Thì lại làm thêm trà sen nguyên bông. Lặn lội về Hồ Tây mua sen (dứt khoát phải là sen Hồ Tây mới có mùi hương đặc biệt), thức trắng đêm tra chè, rồi nâng niu, rồi lo lắng, rồi kiểm tra… Và thành công! Bao mệt nhọc như tan biến hết khi đã cầm chắc bí quyết mới, đảm bảo cho một mẻ trà ướp hoa làm các “thượng đế” hài lòng. Nhấp một ngụm trà, hương sen thanh tao dìu dịu, nuốt ngụm trà rồi, mùi hương vẫn còn lưu lại, bâng khuâng…
Nhài rồi.
Sen rồi.
Một lần đi dự lễ hội Trà - Cà phê tại Lâm Đồng, gặp một chủ trà có tiếng trong đó, qua câu chuyện có ý cho rằng, dân Bắc chỉ có thể làm trà sen chứ đâu có làm được trà hoa quỳnh! Đúng là với miền Bắc, trà hoa quỳnh nghe cũng lạ tai. Đam mê lại trỗi dậy, xen chút tự ái nghề nghiệp, thế là mùa hoa quỳnh năm đó, vợ chồng An Dương đã lọ mọ hằng đêm với những bông hoa trắng tinh khiết. Và rồi những người thân, những khách hàng ruột lại có cơ hội được thưởng thức thêm một loại thức uống đặc biệt - trà ướp hương quỳnh. Đã ba mùa nay, những bông hoa vốn chỉ tồn tại một đêm, nhờ đôi tay An Dương đã hiện hữu lâu hơn trong những ấm trà phảng phất sự kiêu sa riêng có của loài hoa trắng đặc biệt này.
Khẽ khàng đảo những cánh trà - hoa
Anh Dương cho biết: Cách ướp hương quỳnh cũng tương tự như ướp hương sen. Chỉ có điều, sen thì có thể cắt về nhà làm. Còn quỳnh thì phải ướp tại cây. Khoảng 9h tối, khi những cánh trắng muốt bắt đầu bung ra là thời điểm để tra chè búp vào, để nguyên vậy đến khi hoa nở hết, từ từ cụp cánh lại, mới lấy dây buộc nhẹ cho chè ngậm hương, rồi đóng túi hút chân không, cho vào tủ đá bảo quản. Với trà hoa quỳnh không thể nóng vội, bởi nếu không để hoa nở tự nhiên thì hương sẽ không tỏa.
Nghề chơi công phu là thế. Mỗi mùa quỳnh, An Dương chỉ làm được vài chục bông để đãi khách. Ai đã từng được thưởng thức loại trà này, chắc sẽ khó quên, nhất là khi bên chén trà, gia chủ đã tinh tế để sẵn một đĩa long nhãn.
Thời gian gần đây, phong trào chơi hoa hồng rộ lên, nhà nhà trồng hồng, bản thân chị An cũng trồng vài chục gốc, toàn những giống hồng quý, thơm ngát. Thật ra, chị đã có ý từ khi chọn giống và chăm sóc cẩn thận, nói không với thuốc trừ sâu. Năm nay hoa nở nhiều, vậy là trong danh sách trà ướp hoa của nhà An Dương lại thêm một loại mới: trà hoa hồng.
Bàn tay nhẹ nhàng tách những cánh hồng thơm ngát vừa cắt từ vườn nhà, chị An bảo: “Nghe nói đến trà hoa hồng lâu rồi, nhưng năm nay mới được tự tay làm. Cũng vẫn là hàng hóa thôi, nhưng lúc làm trà hoa, tôi đều có một cảm giác thích thú. Kiểu như là đang được sáng tạo, thổi hồn vào những cánh chè ý…”. An cười và khẽ khàng đảo những cánh trà hoa cho đều.
Chị An cho biết thêm: Quan trọng nhất, quyết định chất lượng trà hoa là phải hiểu được đặc tính của từng loài hoa, biết được thời khắc hoa nở, vì đó mới là lúc hoa dậy hương. Bí quyết thứ hai là làm sao để giữ được trà không bị đỏ nước, nhất là trà hoa hồng, vì cánh hồng thường làm đỏ trà. Chỉ hai thứ ấy thôi mà vợ chồng tôi cũng phải nghĩ lên nghĩ xuống, nát óc ra ấy…
Hiểu tính hoa rồi nhưng cũng còn phụ thuộc vào thời tiết, có hôm hoa nở sớm, có hôm nở muộn. Hoa nhài, khi mua về thì chỉ là nụ, phải bảo quản, chờ cho hoa lớn thêm, đến khi nở đúng độ thì mới ướp. Sớm quá thì chưa dậy hương, muộn quá thì hương đã nhạt. Sen cũng phải chọn từng bông chứ không thể cắt ào ào. Hồng thì phải “rình” đúng thời điểm khoảng 4h sáng để cắt hoa, vì đó là khi hoa tỏa hương nhiều nhất. Nhài thì phải ướp đủ ba đêm rồi đưa vào tủ sấy. Trong ba đêm ấy, cứ vài tiếng lại phải dậy canh hoa, đảo trà một lần, có vậy hương mới thấm sâu vào cánh trà, uống mãi không nhạt hương. Hồng thì chỉ ướp một ngày đêm trong dụng cụ bằng đất nung. Khi đã ngậm đủ hương, cánh trà mềm ra nhưng vẫn giữ hình móc câu, còn cánh hồng thì dường như nhạt đi, lúc đó đem trà đi sao. Nhiệt độ khi sao phải đảm bảo 50 độ, không hơn không kém. Sau chừng 20 phút thì xong một mẻ trà hoa hồng. Sen và quỳnh thì không cần sao, sấy, ướp xong chỉ đóng túi hút chân không và cấp đông.
Nói thì rất đơn giản, nhưng làm lại không thế. Chị An cho hay: Mỗi đợt làm chè ướp hoa, anh chị còn bận hơn nuôi con mọn. Thức trắng đêm là chuyện bình thường. Tốn công, tốn cả của mà giá bán cũng chả cao hơn bao nhiêu, ví dụ chè búp giá 350 nghìn/kg, thì trà nhài bán 700 nghìn nhưng mua hoa tươi cũng hết 120 nghìn lại còn tốn công; Trà sen gạo, mặc dù bán giá 3,5 triệu/kg, nhưng trừ chi phí vẫn không lãi là bao. Chỉ có trà hoa hồng, hiện chưa phải mua hoa thì gọi là lấy công làm lãi với mức giá 500 nghìn/kg, nhưng nguồn hoa chưa sẵn nên cũng chỉ thỉnh thoảng làm cho những khách mê.
Câu chuyện về trà hoa của nhà An Dương chắc sẽ còn tiếp tục, cũng giống như niềm đam mê của cặp vợ chồng đó, sẽ vẫn còn cháy mãi…
Huệ Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...