Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:47 (GMT +7)

Nhớ những đồng đội hy sinh trên đất Lào

(Tưởng nhớ các đồng đội, đồng hương Thái Nguyên của tôi đã hy sinh trên mặt trận Lào)

Tháng 3/1969, sau khi cuộc chống càn Pha Thí của ta thắng lợi, quân phỉ Vàng Pao chạy về cố thủ lập căn cứ tại Tòng Khọ thuộc huyện Mường Son. Phu Vai, Pha Kha thuộc huyện Viêng Thoong, mảnh đất cuối cùng của tỉnh Sầm Nưa chưa được giải phóng.

Bộ Tổng Chỉ huy Quân giải phóng Pathét Lào và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 766 và Tiểu đoàn 705 Quân giải phóng Pathét Lào giải phóng Phu Vai và Pha Kha; giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 923, Tiểu đoàn 927, Trung đoàn 766 vào giải phóng Tòng Khọ.

Cuối tháng 12/1969 đơn vị đang bí mật hành quân vào Tòng Khọ thì được tin Tiểu đoàn 5 đã giải phóng Phu Vai và đang áp sát Pha Kha.

Ở Tòng Khọ, địch bố trí thành một cứ điểm phòng ngự gồm 3 khu. Khu Trung tâm (ta gọi là Khu A), gồm A1, A2, A3 và A4. Trong đó A1 và A2 có sân bay trực thăng là trung tâm chỉ huy Tòng Khọ. Hướng Đông Bắc (ta gọi là khu B), gồm từ B1 đến B8 có sân bay dã chiến, pháo 105 ly, 106,7 ly và nhiều hỏa lực khác, đặc biệt là lực lượng cơ động địch ở xen kẽ với quân phỉ. Hướng Tây Nam là khu C gồm từ C1 đến C5. Tuyến phòng thủ vòng ngoài dưới chân bốt có quân phỉ ở làm hàng rào cho chúng. Toàn bộ căn cứ khoảng trên 2.000 tên do tên trung tá Di Lầu chỉ huy.

 

Lính Mỹ nạp bom vào B52 trong chiến dịch Liner Backer II (1972)

Ban Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 923 đột phá vào khu A, giao cho Đại đội 62 làm chủ công bí mật tấn công vào Sở chỉ huy đóng tại A1 và A2 và ưu tiên được nổ súng trước. Giao nhiệm vụ cho Đại đội 65 hỏa lực bắn phá mãnh liệt vào A3, A4. Giao cho Đại đội 61 và một đơn vị Quân giải phóng Pathét Lào bao vây gọi hàng khu C.

Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 927 tấn công vào khu B Tòng Khọ. Tư tưởng chỉ đạo được quán triệt đến từng chiến sĩ phải: tiêu diệt sinh lực địch; gọi hàng, thu bằng được dân đưa ra vùng giải phóng; mở rộng vùng giải phóng cho toàn bộ tỉnh Sầm Nưa.

17 giờ ngày 01/1/1970, Đại đội 62 rời dãy 1572 tiến vào khu A. 9 giờ tối toàn bộ đội hình Đại đội đã vượt qua khu C vào sát chân đội A1 và A2 và bắt đầu thâm nhập bằng kỹ thuật đặc công, các chiến sĩ dán mình xuống đất nhích từng xăngtimét một.

Đại đội 62 Tiểu đoàn 923 được giao nhiệm vụ chủ công đột phá vào Sở chỉ huy cụm cứ điểm và ưu tiên được nổ súng trước.

Trung đội 4 Đại đội 62 là đột kích 1 do Trung đội trưởng Lò Văn Ninh chỉ huy gồm: Phan Thanh Kỳ tiểu đội trưởng đi đầu, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Túc, Trần Trọng Ăng. Hỏa lực yểm hộ phía sau có các đồng chí với vũ khí súng B41, trung liên RBD, DKZ 57 ly, súng B40. Đại đội trưởng Đại đội 62 trực tiếp chỉ huy đột kích 1. Tiếp theo có Hoàng Văn Hiến Trung đội phó, Đào Ngọc Toàn, Dương Mạnh Việt, Nguyễn Xuân Tiến, Trần Đức Thể. Hỏa lực có Lê Văn Phòng, Lò Văn Kẹo với súng B40 làm thê đội 2 cho đột kích 1. Lực lượng dự bị do trung đội trưởng Hoàng Văn Yến và tiểu đội hỏa lực cối 60 do chính trị viên Nguyễn Quang Vinh chỉ huy sẵn sàng đột kích khi xung kích 1 gặp khó khăn.

Đêm đó trời rất lạnh, trăng xuống nhàn nhạt xen lẫn sương mù. Chúng tôi nằm dán mình xuống đất, cùng nhích từng tí một. Chúng tôi nhìn rõ những tên lính gác đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại ném một quả lựu đạn vào những bụi mà chúng nghi. Khẩu đại liên từ đồi A2 chĩa thẳng vào đội hình đột kích. Anh Ninh phân công anh Môn vác DKZ khi được lệnh nổ súng thì phải tiêu diệt thằng đại liên này trước.

1 giờ 30 ngày 1/1/1970, anh Kỳ tiểu đội trưởng đã cách chiến hào 10m. Sâm, Ăng, Túc đã vào vị trí được phân công mỗi người đảm nhiệm một hầm ngầm cố thủ. Thủ pháo đã cầm chắc trong tay, anh em vẫn dán mình tiềm nhập. Tên lính gác đi ngay trên đầu anh Kỳ nhưng chúng không phát hiện ra anh em chúng tôi. Tôi và Toàn nằm ở nhà bếp cách chiến hào 30m. Dàn hỏa lực B40, B41 đã sẵn sàng phóng đạn. Đại đội trưởng Phạm Mang xin lệnh nổ súng. Tiểu đoàn trưởng Lê Lợi yêu cầu đợi Tiểu đoàn 927 vào vị trí rồi mới nổ súng.

Bỗng khu B từng chùm pháo sáng của địch vụt lên trời. Những tiếng hô náo loạn, tiếng súng máy, tiếng pháo địch nổ. Cả một vùng trời sáng rực, những chiếc máy bay C130 xả những tràng đại liên và 20 ly xuống những khu rừng, từng chùm đạn lửa từ máy bay kéo dài không ngớt. Chúng tôi đoán ngay. Khu B bị lộ rồi! Khu A địch được báo động, khẩu đại liên từ đồi A2 quét chéo sườn đột kích 1. Từng chùm lựu đạn địch tung ra. Pháo cối bắt đầu khai hỏa. Một quả đạn B90 nổ ngay chỗ anh Ninh khiến anh hy sinh. Anh Nầu giữ trung liên bị bắn thủng bụng nằm quằn quại trước mặt tôi, quả lựu đạn đã nổ ngay trước mặt anh Kỳ. Các anh đều đã hy sinh ngay tức khắc. Trung đội dự bị của anh Yến có nhiều người bị thương vì cối không liều…

Đại đội trưởng Phạm Mang ra lệnh: Đánh! Một loạt B40, B41, DKZ 57 phóng vào đồn địch. Dứt tiếng nổ xung kích quân ta lao lên, tiếng thủ pháo nối đuôi nhau nổ liên tiếp, từng hầm ngầm bị ta tiêu diệt, từng loại AK ngắn gọn. Chưa đầy 10 phút, cả đồi A1 và A2 bị ta tiêu diệt hoàn toàn, xác địch nằm ngổn ngang khắp chiến hào. Anh Đảm liên lạc bắn 3 phát pháo hiệu xanh báo tin chiến thắng.

Đại đội trưởng Phạm Mang, chính trị viên Nguyễn Quang Vinh lệnh cho anh em thu chiến lợi phẩm, cử người chốt giữ và đưa gấp thương binh, tử sĩ ra tuyến sau.

Tôi chạy lại chỗ anh Ninh, anh Kỳ bế các anh lên. Tôi bế anh Ninh đặt lên võng cáng, máu nóng từ ngực anh chảy hết vào người tôi. Bó xong anh Ninh, tôi chạy đến chỗ anh Kỳ là A trưởng của tôi cũng vừa hy sinh, mất gần nửa mặt. Cạnh đó là xác anh Nầu, những viên đạn đại liên bắn gần đã cắt hết phần bụng của anh. Chúng tôi bó anh vào cáng và chuyển về tuyến sau. Bàn giao xong liệt sĩ chúng tôi quay trở lại chốt.

Tại khu B do bị lộ, Tiểu đoàn 927 rút ra đảm bảo hạn chế thương vong. Tiểu đoàn 923 cũng rút ra chỉ để lại Đại đội 62 giữ chốt, chúng tôi đánh lui 3 đợt phản kích của địch, lên chốt diệt trên 100 tên địch rồi mới chịu rút ra. Tiểu đội chốt có thêm anh Phòng người Hải Phòng và anh Hiến Trung đội phó thay anh Ninh hy sinh. Anh Thể người Lục Ba - Đại Từ bị thương thủng bụng. Chúng tôi đưa anh vượt vòng vây ra ngoài nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau anh Thể cũng hy sinh vì vết thương quá nặng. Đó là sáng 3/1/1970.

Đợt tập kích thứ 2 vào Tòng Khọ diễn ra vào thời gian từ 20 - 28 tết. Một bộ phận ở nhà gói bánh chưng, một bộ phận cán bộ phải đi trinh sát. Tôi được Đại đội trưởng Mang lấy lên làm liên lạc, ông là người dân tộc Thái Đen ở Quan Hóa -Thanh Hóa. Tuy ông rất dũng cảm xông xáo nhưng chỉ học đến lớp 3 nên xem bản đồ và tính thập phân hoặc con số hàng ngàn đều không biết. Ông lấy tôi làm liên lạc đi sát ông. Từ trinh sát đến vẽ sơ đồ tính toán tọa độ, đi theo phương vị và đắp sa bàn,... cả việc ghi chép ông đều giao cho tôi. Thật tình tôi không muốn làm liên lạc nhưng chọn cả đơn vị chẳng có ai làm được. Các anh lính cũ trải qua chinh chiến nhiều nhưng đa phần là người dân tộc thiểu số, học văn hóa chỉ biết đọc, biết viết. Nhưng được cái các anh rất tốt, truyền đạt kinh nghiệm cho tôi và coi tôi như em út đơn vị, có gì ngon cũng phần, có gì đẹp nhất cũng cho tôi nên tôi thích các anh lắm, mỗi khi ra hậu cứ tôi toàn xuống ngủ với các anh.

28/2/1970, đợt thứ 2 vào trinh sát thì gặp anh Ngô Thể Kỷ người An Khánh, Đại Từ bị quả đạn cối nổ. Anh hy sinh ngay bụi cỏ tranh, bụi cỏ bén lửa khiến toàn thân anh bị cháy.

Đợt tập kích thứ 3 ta giải phóng Tòng Khọ ngày 9/3/1970 có thêm anh Hinh người Vĩnh Phú, anh lĩnh trọn 1 quả DK57 bị vỡ mật nên da anh vàng sẫm. Còn anh Tăng Văn Sinh người Phú Cường - Đại Từ thì bị một viên đạn bắn tỉa trúng giữa trán.

Giải phóng xong Tòng Khọ chúng tôi truy kích địch về hướng Phu Cúm. Qua Pha Kha - Tiểu đoàn 5 vừa giải phóng. Chúng tôi vác gạo và tập kết vũ khí để chuẩn bị đánh Phu Cúm (Luông Pha Băng).

Ngày 20/10/1970, tổ 3 người vác gạo đến Pha Kha thì bị phục kích. Quả mìn định hướng Claymore của địch đã giết chết 3 người, trong đó có anh Dụng người xã Cù Vân - Đại Từ. Anh Dụng cao to nhưng khi bó anh chỉ còn một dúm, may cái đầu vẫn còn nguyên vẹn.

Ngày 7/7/1970, Tiểu đội của C27 đi vác gạo bị địch phục kích ở Bản Ổi - Phu Cúm hy sinh 7 anh, trong đó toàn người Đồng Hỷ - Thái Nguyên (nay thuộc thành phố Sông Công) trong đó có các anh Dương Ngọc Dinh, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Bể... Sau này tôi được làm nhiệm vụ quy tập nên xương cốt, hồ sơ các anh tôi làm chi tiết cả thời gian và vị trí chôn cất và báo cho gia đình đầy đủ.

Trận tập kích của Tiểu đoàn 923 vào căn cứ Phan Xi Phu đợt 2 cũng đầy ấn tượng. Phan Xi Phu là một mỏm núi đá trên 1.700m đường lên đỉnh ngoằn ngoèo ban đêm địch gài lựu đạn dọc đường đi.

Trận đánh đêm 10/1/1972 vào căn cứ này tôi được phân công mũi trưởng đột kích 2. Khi đắp sa bàn hạ quyết tâm chiến đấu tôi đã yêu cầu: trước khi xung phong đánh chiếm ta phải hô xung phong giả 3 lần để địch bấm mìn định hướng rồi ta mới lên. Hai là cứ 10m phải bắn 1 quả B40 vào đường lên để rung cho lựu đạn gài phát nổ rồi mới xung phong. Và tôi nghĩ thầm phải chạy thật nhanh theo đột kích 1 vì các anh ấy sẽ đạp vào lựu đạn, tôi chạy sau nếu chậm sẽ lĩnh đủ.

Khi phía ta bắn vào Phan Xi Phu, chúng tôi thực hiện theo đúng chiến thuật. Bắn xong hơn 10 quả B40 dọc đường lên rồi hô xung phong 3 lần, lần thứ 4 thì cứ thế xung phong, tôi chạy nhanh trước cả xung kích 1. Bọn địch bị pháo bắn trúng bò lổm ngổm khắp chiến hào. Khẩu AK trong tay tôi rung lên, những tấm thân đổ gục. Chiếm xong Phan Xi Phu, tôi và anh Bắc là trưởng mũi đột kích 1 gặp nhau, tôi đi xuống bốt. Đơn vị rút xuống rừng xanh dưới chân Phan Xi Phu để bảo vệ chốt.

11 giờ trưa chúng tôi đã đào xong hầm cá nhân thì bỗng thấy tiếng máy bay phản lực, nhưng chúng bay rất cao. Rồi một quả đạn khói 106,7 từ Phu Cúm bắn ngay vào chỗ đóng quân. Chưa kịp chạy thì đã nghe tiếng rít xé gió của bom và tiếng nổ như sét đánh của những chiếc F105 bổ nhào. Tôi đã thấy đầu óc choáng váng đất đá rơi rào rào vùi lên khắp người. Anh Toàn người xã Phú Cường - Đại Từ ngồi sau lưng tôi nói: Tao bị thương rồi, chạy thôi mày! Tôi bảo không được. Còn 2 loạt bom nữa. Loạt thứ 2 chúng thả bom cháy mùi phốt pho như mùi tỏi xào cháy. Toàn bảo, bom hóa học đấy! Chúng tôi liền đái ra và lấy nước giải bôi ngay lên mũi lên mặt. Loạt thứ 3 là bom bi. Bom nổ liên tiếp, tiếng kêu cứu của anh Lò Văn Kẹo bị lạc đi giữa tiếng bom dày đặc.

 

Vàng Pao chỉ huy bao vây Phu Keng (Lào), tháng 4/1970 (Ảnh tư liệu).

Hết loạt bom bi là cảnh tượng tan hoang: hơn 20 đồng chí hy sinh đủ các tư thế. Đại đội trưởng Phạm Mang, người mà tôi đã làm liên lạc cho ông suốt 2 năm đã hy sinh, cây gỗ sồi to như vành nón bị bom phạt đẹn ngang người ông. Biết không ai còn sống, tôi yêu cầu những anh em còn lại dìu thương binh ra ngoài và tạm thời tránh máy bay để đến tối mới lên lấy thi hài liệt sĩ.

Bọn địch đã chiếm được bốt, chúng ở ngay trên đầu bọn tôi, cách chưa đầy 100m. 5 giờ tối tôi huy động được hơn chục anh em đi lên lấy liệt sĩ. Lần lượt từng anh, tất cả 22 người. Chúng tôi chuyển từng đoạn một, đường dốc rậm rạp, tối tăm, đến sáng hôm sau các liệt sĩ đã được chuyển ra vị trí an toàn. Đói khát và đau rát vai, anh em phải lấy áo quấn vào đòn cáng cho đỡ rát rồi chuyển dần tử sĩ xuống tuyến ngoài. Tôi cẩn thận mở từng khuôn mặt nhận dạng và đánh dấu, ký hiệu cho từng liệt sĩ và bàn giao cho dân công hỏa tuyến chuyển về nghĩa trang. Đồng thời cho anh em đi kiểm tra trận địa cũ xem còn sót ai không, cử người nằm bám địch, phục kích địch bảo vệ đường rút quân rồi báo cáo Tiểu đoàn.

Cảm giác của tôi suốt đêm 11 rạng ngày 12/1/2972, suốt đời này tôi không bao giờ quên được. Cả Đại đội trên 80 con người, lúc vào trận hừng hực khí thế, khi trở ra thì... Nấu nồi cơm xoong 40 ăn chưa hết cơm. Ta thương vong nhiều quá. Bản thân tôi cũng bị bom vùi cháy cả tóc, cả lông mày, thế mà không dám rời anh em, vẫn lấy đến người liệt sĩ cuối cùng. Trong khi đó địch vây tứ phía cách chúng tôi chưa đầy 100m. Không hiểu sao lúc đó nỗi sợ hãi không còn nữa.

Đó là những trận đánh mà tôi giáp mặt với sự hy sinh to lớn của các đồng đội, đồng hương. Điều kỳ lạ là bom đạn đã tránh tôi. Quả bom nổ cách đúng ba bước chân, ba lô bay mất, khẩu AK gãy làm đôi mà không chết.

Trận tập kích vào đồi A1 sân bay Phu Cúm (Luông Pha Băng) đêm ngày 2/5/1972, cả tiểu đội đột phá, khẩu đội của tôi có 8 đồng chí thì 7 đã hy sinh ngay lúc cửa mở. Một mình tôi phải thay các anh ấy đánh liên tục 4 quả bộc phá. Quả cuối cùng do tuột dây nụ xòe tôi phải dùng thủ pháo tay đánh kích thích khối bộc phá 15kg (hợp chất C4). Chạy được 10m bộc phá nổ ném tôi đi xa vài chục mét. Quần áo bị vò nát và bay khỏi người tôi. Tôi chỉ bị ngất đi mà không chết.

Thật lạ kỳ!

Có lẽ linh hồn các đồng đội phù hộ cho tôi chăng?

DƯƠNG MẠNH VIỆT

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước