Nhớ “người bạn già” của tôi
VNTN - Tôi không bao giờ nghĩ, lần tôi đưa lão “bôi sĩ” Nguyễn Minh Xuyết đi Mộc Châu những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, là chuyến đồng hành cuối cùng của lão với mình. Hôm ấy dù đã báo trước giờ đón tại nhà, xe đến cổng còi inh ỏi, vậy mà vẫn thấy lão bận quần xà lỏn lững thững bước ra bảo: “Đến sớm thế, vào làm chén rượu chờ tao mặc đồ đã”. “Lão hâm à, đúng là “Càng già càng hư”, đã không chuẩn bị đầy đủ lại rượu với chè, lão có đủ tiền nộp cho CSGT không?” - tôi phản ứng. Nghe vậy lão cười cười, bảo “cho tao năm phút”, rồi lao vụt vào buồng sửa soạn, không quên nói vọng ra phía bà vợ, bảo bà xách “hành trang” ra xe cho tôi xếp cốp. Vợ lão vội vàng ôm hai cái túi lão để đầu hè đi ra, ý chừng trách móc, bảo lão già rồi vẫn ham chơi, vẽ vời suốt đời chưa đủ nay lại còn ảnh ót… Thoắt cái đã thấy lão đi ra, đai kiện đàng hoàng, gọn ghẽ. Lão cười hiền lành cầm tay vợ nói rất nhẹ nhàng: Anh đi Mộc Châu chụp ảnh với các chú ấy mấy hôm nhá. Chú ấy quý anh lắm, lại tiện có xe nên đi cùng. Em yên tâm, từ trưa anh bảo các con rồi, chỉ chưa có lúc nào nói với em thôi.
Tác phẩm “Sôi động lòng moong” - Nguyễn Minh Xuyết
Thế là đi. Trên xe có thêm anh Đỗ Tuấn, Trần Chính (Chính râu), mọi người hùa trêu, nói lão nịnh vợ ngọt khiếp. Lão đã cười ha hả bảo, “chẳng dại gì nói sớm bà ấy làu bàu khó nghe. Nhưng được cái hiền lành lắm, chỉ nói thế chứ chưa bao giờ ngăn cản tao”. Rồi lão khoe có mang thêm rượu, bánh kẹo và lương khô dùng dọc đường cho đỡ buồn ngủ, vả lại đường đi Mộc Châu ban đêm ít quán xá…! Lão chuyện trò rôm rả đủ mọi thứ chuyện trên đời. Như biết đi đêm hay buồn ngủ nên lão đã chuẩn bị, sắp xếp các loại chuyện để giờ này “xả kho” cho “vui cửa vui nhà”, cái chính là “để thằng Hùng nó tỉnh táo lái xe”.
Nhớ ngày đầu mới quen, nhìn lão ốm nhách, góc cạnh và cái lối đi băm bổ, cái giọng nói lắp bắp thấy ghét. Nhưng qua dăm câu trò chuyện, tôi cảm mến lão luôn vì cái tính tình cương trực giống mình, lại rất thẳng thắn và nhiệt tình với mọi người. Qua những lần đi dã ngoại, giao lưu, họp hành, chúng tôi càng hiểu nhau hơn. Quý nhau nhưng tôi với lão cũng rất hay “bốp chát”. Không nên không phải là “vạch” ngay. Nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi lại chìa tay ra nhằm hạ hỏa, làm hòa, thì lão cười ha hả và ghé tai tôi thì thầm: “Mai xuống tao uống rượu nhá. Gần nhà tao có quán thịt chó ngon lắm, mà gọi cả Khánh Vân, Đỗ Tuấn nhá… Mày hứa với tao bao nhiêu lần rồi mà vẫn chưa xuống đấy nhá!”. Ba, năm lần “nhá” của lão mất gần chục phút mà tay vẫn chưa được buông ra.
Lão là người ham học hỏi và cả… “ham chơi” nữa. Nhiều khi ngấm men cay, lão lại rủ rỉ kể cho tôi nghe về đời lão, về môn “trát sơn bôi màu” mà lão gắn bó trước khi cầm máy ảnh. Kể về những ngày cùng theo anh em Câu lạc bộ Mỹ thuật - nhiếp ảnh Công nhân Gang thép đi điền dã chỗ nọ nơi kia… Ngày xưa khi còn đi làm nhà nước, lão hầu như chỉ vẽ. Đến khi về nghỉ chế độ lão mới sắm đồ nghề theo thêm nhiếp ảnh, vì vốn dĩ hai môn này đã là “anh em” từ lâu.
Bước chân vào nhiếp ảnh đơn giản như vậy. Bởi ảnh hưởng của món “bôi vẽ” nên ảnh của lão ít nhiều có nét hao hao những bức tranh lão từng có; màu sắc, lớp lang rõ ràng, tươi tắn, bố cục khá chặt chẽ. Bức ảnh “Xuống chợ” của lão trong một cuộc triển lãm khu vực gần đây đã tạo ấn tượng với người xem. Như câu nói cửa miệng của nhiều người là được “Trời thương”, thế nên mon men chơi ảnh khoảng 6, 7 năm nay, lão cũng có một số tác phẩm được trưng bày triển lãm, hay đoạt giải thưởng ở một số cuộc liên hoan, triển lãm ở tỉnh cũng như khu vực miền núi phía Bắc. Dù chẳng được bổ túc nghiệp vụ là bao, thành quả đạt được cũng khá khiêm tốn với một giải Ba và một giải Khuyến khích cấp tỉnh. Là một tay vẽ nghiệp dư nhưng lão cũng luôn dành thời gian cho nghệ thuật này. Năm 2018, trong cuộc vận động sáng tác về Đại đội TNXP 915 do Hội VHNT tỉnh phát động, lão cũng đoạt một giải Khuyến khích. Phần thưởng nho nhỏ thôi nhưng rất có nghĩa với người “cầm cọ” phong trào như lão.
“Bức họa vùng cao” - Nguyễn Minh Xuyết
Từ ngày vào sân chơi nhiếp ảnh lão rất chịu khó đi, nghe ai nói đi đâu là lão cũng đăng ký “nhập bọn”. Có lần một mình lão đi Mộc Châu bằng xe khách, nạp đủ “men đời” mải ngủ thế là quá giang 112km đến tận Sơn La mới tỉnh giấc. Xuống bến thấy trời vẫn chưa sáng, sợ lỡ cơ hội lão liền bắt taxi ngược về Mộc Châu để kịp chụp lễ hội. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lão còn khá khỏe khoắn, đi vùng cao vẫn leo núi nhanh nhẹn, vững vàng. Mỗi khi có dịp ngồi với nhau, lão thích đàm đạo về nghề nhiều hơn. Lão nói mình tuy tuổi đời cao hơn chúng tôi nhưng “tuổi chơi” chỉ là đàn em, có gì chưa hiểu sẽ học hỏi chúng tôi.
Lão không định hình cho mình một khuôn mẫu chủ đạo nào, kho ảnh lão chụp như “nồi lẩu thập cẩm” đủ các thể loại, thấy gì thích là chụp, ưng ý là bấm máy, y như bản tính thoải mái, phóng khoáng con người lão. Dường như với lão đi chụp ảnh là đi du ngoạn, đi chơi chứ không nặng nề ganh đua phải chụp được gì, phải chụp cái gì, ảnh có đẹp không…! “Già rồi, mắt kém rồi, được đi là vui, thanh thản mà chơi, anh em quý mến nhau, đoàn kết chia sẻ với nhau là sướng nhất” - lão tâm sự thế. Cứ mỗi lần rủ nhau đi đâu đó, tôi vẫn hay đùa bảo lão càng già càng “hư”, tuổi thì “hết đát” rồi mà vẫn “tham như nông dân”… Nghe thế lão chỉ cười sảng khoái, đáp: Mày là “thằng em hỗn xược” nhất đám, hay “chửi” tao mà vẫn không quên rủ tao “đàn đúm tụ tập” thế này là ok rồi. Trong Chi hội nhiếp ảnh tỉnh người cỡ tuổi lão trở lên thì Ban Chấp hành Chi hội luôn ưu tiên không phải tham gia những hoạt động ngoài nghiệp vụ cần sức lực. Nhưng lão biết việc là tìm đến, lao vào làm cùng mọi người. Lão hứng khởi nói, “phải làm nó mới khỏe người, ngồi nhà buồn chết”. Lão là tuyp người như vậy, sống giản dị, thẳng thắn, hòa đồng thân thiện với mọi người.
Bước vào tuổi 78, chuyến đi đầu xuân vừa rồi cùng chúng tôi lão vẫn năng động, xông xáo lắm. Vậy mà chỉ hơn tháng sau thấy lão đi viện. Anh em đến thăm động viên, lão cười khoáng đạt, luôn miệng kêu không sao, chỉ “bị” nhẹ thôi mà. Nhìn diện mạo của lão gầy đi đôi chút nhưng không mất đi thần thái hóm hỉnh, vui vẻ. Nằm viện rồi, miệng ho như cuốc kêu, ấy thế mà lão vẫn không quên nhắc anh em nếu có đi đâu thì nhớ gọi cho lão đi cùng; vẫn cố “thanh minh” cho cái sự khỏe của mình, “đi bao nhiêu lần rồi chúng mày thấy đấy, tao vẫn khỏe, vẫn nhanh nhẹn mà”. Dường như đam mê dễ làm cho con người ta quên đi cái tuổi già đang sầm sập xuống dốc. Có lẽ trong thâm tâm vì biết quỹ thời gian không còn nhiều nên luôn muốn làm được việc gì đó cho toại nguyện sở thích của riêng mình, họ thường “tham lam” gấp bội người khác. Nguyễn Minh Xuyết cũng vậy, cứ hễ nói đến vẽ, đến ảnh là vui như được đi hội, chuyện trò rôm rả lắm. Tưởng đâu lão đã quên cái vụ chúng tôi rủ nhau ra đảo Cát Bà từ ba năm trước, vậy mà nằm viện lão vẫn nhắc. Lão khoe ở ngoài đó lão có thằng cháu quý mến cậu ruột (là lão) lắm. Ở đấy xưa lão có tới rồi, đẹp và vui, nhiều hải sản ngon bổ rẻ nữa. Lão còn nằn nì, nói “mấy hôm nữa ra viện về nhà sẽ gọi báo cho cháu, tháng Năm đầu hè này anh em mình ra đó mấy hôm nhá”.
Nhưng rồi, chuyện không muốn nó đến, không muốn tin cũng đã tới. Cuộc hẹn đi Cát Bà còn nung nấu, vậy mà lão đã “xa” tôi và mọi người vào sáng ngày 20/4/2019. Tiếc thương biết mấy một người anh đáng mến, một người bạn đồng nghiệp say mê với nghề, chi hội mất đi một hội viên nhiệt tình năng nổ. Thắp nén hương thơm tiễn lão, tôi cảm thấy mình như còn mang nợ bởi lời hẹn đưa lão đi thăm cháu, đi chụp ảnh biển đảo chưa thành. Thương quý, nhớ về lão trong niềm xúc động, tôi chỉ xin lão một lần đại xá. Cầu mong lão thảnh thơi về miền an lạc, nhé - “người bạn già” của tôi!
Việt Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...