Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:35 (GMT +7)

Nhớ năm Ất Dậu mà đau đớn lòng

VNTN - “Hàn vi cay đắng ruột dầu. Nhớ năm Ất Dậu mà đau đớn lòng. Nhật đem đổ thóc biển Đông. Bắt dân nhổ lúa để trồng thay đay. Gông cùm cơ cực đắng cay. Dân bị chết đói hơn hai triệu người…”.

Những vần thơ rút ra tận đáy lòng ông Nguyễn Gia Hoạt ở làng Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi có đến 280.000 người chết trong trận đói khủng khiếp nhất của lịch sử nước Việt, năm 1945.

Bắp ngô trên mâm cỗ cúng

Năm nào cũng vậy, trên mâm cơm giỗ của nhà ông Nguyễn Gia Hoạt dù nhiều bát, lắm đĩa cũng không thể thiếu một bắp ngô. Bắp ngô là ước ao cuối cùng của em trai ông dặn mẹ trước lúc bị chết đói. Khi bà cầm được bắp ngô từ chợ về thì con đã chết cứng tự lúc nào. Đó là ngày 24/3 âm lịch năm 1945. Bố cùng anh trai ông khiêng đi chôn. Sang đến ngày 1/4 âm lịch, anh này đói quá nói với mẹ rằng muốn có một nắm cơm nhưng bà bất lực, đành nhìn con chết trong ngày. Lần này thì bố cùng với ông Hoạt khiêng đi chôn.

Bố là thầy tử vi nhưng lúc đó chẳng có ai xem nữa vì sống hôm nay chưa chắc đã đến ngày mai, bởi vậy cả nhà chỉ trông chờ vào tài buôn thúng bán mẹt của mẹ. Thỉnh thoảng bán được cái gì đó, bà lại mua một bơ cám về rang lên, lấy lá mít xúc cho mỗi người một lá.

Nhớ về thời kỳ này, ông Hoạt có mấy vần thơ rằng: “Hàn vi cay đắng ruột dầu. Nhớ năm ất Dậu mà đau đớn lòng. Nhật đem đổ thóc biển Đông. Bắt dân nhổ lúa để trồng thay đay.Gông cùm cơ cực đắng cay. Dân bị chết đói hơn hai triệu người. Trẻ thơ không có tiếng cười. Xóm làng ảm đạm vắng người vào ra. Nhiều gia đình chết cả nhà. Bó manh chiếu rách thật là thảm thương…Trẻ thơ chưa nói thành lời. Nhoai vần xác mẹ bú hơi sữa tàn”.

Đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh và chết đói tại Hà Nội (1951)

75 năm đi tìm cha mẹ

“Tên tôi là Nguyễn Thị Hòe, sinh năm 1939, ở Vân Trì 4, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội. Cần tìm gia đình thất lạc 1945. Quê quán không nhớ rõ, chỉ nhớ ở Thái Bình hoặc gần đó như Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình… Nhà gần chợ Cầu, chợ Đồn (hoặc chợ Cồn) có bán rất nhiều mực tươi, rươi, trước nhà có cái ao to mọc nhiều củ ấu… Bố đẻ làm thợ mộc, mẹ đẻ bán trầu cau. Tôi có 2 người chị tên là Phú và Phí, có cậu em trai tên Tám. Lúc đó tôi tên là Hải. Ông Tuân hàng xóm có con gái là chị Xế. Năm 1945 cả gia đình chạy đói lên đến chợ Nhổn, Hà Nội được người ta xin nuôi rồi từ đó mất liên lạc… Mọi thông tin xin liên lạc với con trai tôi là Sáng, ĐT: 0938739999…”.

Đã 20 năm nay, anh Vương Duy Sáng con trai út của bà Hòe, nhiều lần đi tìm người thân cho mẹ. Lúc đầu qua bạn bè, về sau anh vào cả UBND các xã hay vào làng gặp người cao tuổi để hỏi. Gần đây anh còn đăng trên facebook, in tờ rơi phát hay đến các đài phát thanh, truyền hình ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định…thông báo mà vẫn chưa có kết quả.

Trong cửa hàng tạp hóa tại nhà, bà Hòe vừa quệt nước mắt vừa kể. Chưa bao giờ bà nguôi ngoai ký ức cái ngày lon ton theo bố mẹ từ quê lên Hà Nội lánh đói để từ đó phải chia ly.

“Gia đình tôi cũng chẳng phải là quá nghèo, có 4 gian nhà tranh nhưng năm đó chẳng hiểu sao lại đói. Thêm vào đó là khoản vay nặng lãi của một hàng xén trong làng. Lúc đầu, nhà tôi còn được ăn cháo nhưng sau gạo hết, phải chuyển sang ăn cám... Mấy hôm liền ăn cám như thế, một đêm mẹ gọi chúng tôi dậy, bảo đi.

Mẹ bế đứa em trai tôi mới còn lẫm chẫm, hai chị thay phiên nhau gánh quần áo, chăn màn còn bố thì xách chàng, đục. Từ quê đi bộ lên Hà Nội bao nhiêu ngày tôi cũng chẳng nhớ nữa mà chỉ tiếc mãi đôi guốc màu đỏ mẹ mới mua cho, không dám dùng mà vẫn treo ở trên vách nhà vì vội nên đã bỏ quên…”.

Đã ba phần tư thế kỷ qua đi, từ ký ức của một đứa bé lên 5, lên 6, bà Hòe, nay đã thành cụ Hòe, vẫn nhớ như in từng chi tiết như vậy. Đôi guốc màu đỏ mẹ mới mua cho còn chưa kịp đi, vẫn treo trên vách nhà. Đôi guốc ấy dù lùi sâu trong ký vãng nhưng bà Hòe không thể nào quên.

“Con đi theo bà này về nhà sẽ được cho ăn cơm”. Bố dỗ dành như vậy nhưng tôi cứ bám chặt lấy đùi ông: “Con không thích ăn cơm, con ở đây với thầy bu cơ”. Ông kiên quyết gỡ tay tôi ra, cầm lấy 2 hào người ta đưa rồi bà kia dắt tôi từ chợ Nhổn (Hà Nội) về nhà. Mẹ nuôi đầu tiên tên là Thịnh-một địa chủ. Vì quá bé nên tôi chỉ làm được mỗi việc quét sân nhưng ở một thời gian ngắn thì bị bệnh kiết lị. Sợ chết, mẹ đem tôi cho bà Miên - một địa chủ khác. Uống xong một ấm thuốc của cụ lang trong làng thì tôi khỏi hẳn.

Thủ phạm

Để xảy ra nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Việt Nam, không ai khác ngoài Nhật và Pháp, hai lực lượng ngoại bang đô hộ nước ta khi ấy.

Từ khi vào Đông Dương (9/1940), Nhật Bản vì mục đích phục vụ chiến tranh đã lạm dụng và khai thác quá sức vào nông nghiệp vốn đã lạc hậu, đói kém gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của Việt Nam. Sau khi đảo chính lật đổ Pháp (9/3/1945), chiếm đóng Việt Nam rồi thực hiện các biện pháp khác khốc liệt hơn nhằm mục đích khai thác phục vụ chiến tranh (bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, buộc người dân bán lúa gạo với giá rẻ mạt để chuyển về Nhật). Không những thế, khi nạn đói bắt đầu xảy ra, chính quyền Nhật tại Đông Dương đã cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra Bắc, cũng cấm luôn việc mở kho gạo cứu đói. Chính phủ bảo hộ Pháp nhu nhược, không có một hành động nào phản đối, cũng không hề cứu trợ đồng bào ta trong nạn đói.

Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa nhưng Pháp và triều đình nhà Nguyễn vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh, làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu, dùng đốt lò thay cho than đá. Nhật cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra, vơ vét thóc ở miền Bắc khiến giá thóc, gạo tăng vọt.

Liên quan đến nạn đói năm Ất Dậu, cũng cần xem lại những chính sách của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Báo Tin Mới, số thứ ba, ngày 12/6/1945, đăng ngay trang nhất: “Theo chế độ mới về thóc gạo: Các tư gia chỉ được trữ một số gạo đủ dùng trong 2 tháng”.

Mục đích cốt yếu của việc đặt ra, ở mỗi tỉnh một cơ quan của Chính phủ có độc quyền mua thóc gạo, là để ngăn ngừa sự đầu cơ.Tự nay giở đi, ngoài Nhà nước ra không ai có quyền đong nhiều thóc của các nhà sản xuất. Vả lại, có ích gì mà đong nhiều? Chỉ có nhà nông mới có quyền tích trữ; còn các nhà buôn bán, các tư gia chỉ được giữ trong nhà một số gạo đủ ăn trong 2 tháng là cùng”.

Bà Nguyễn Thị Hòe, 75 năm nay vẫn đi tìm cha mẹ

“Vấn đề thóc gạo là vấn đề sinh tử cho dân chúng Bắc Bộ Việt Nam. Cũng vì thế mối kỳ vọng của dân chúng đối với Chính phủ quá phạm vi có thể được của nhà chuyên trách”.

Cũng theo báo Tin Mới, do sự thay đổi vì chính trị, quan Tổng Tư lệnh quân đội Nhật Bản đã thấu rõ tình cảnh của dân Bắc Bộ Việt Nam, cho nên đã ưng thuận nguyên tắc: “Cấm hết mọi người, cấm tất cả các công ty, không một ai lấy tư cách gì, được mua thóc gạo nếu không có giấy phép của ông Bắc Bộ khâm sai”.

Ở một số báo khác cho ta biết thông tin sau: “Việc tiếp tế cho các thành phố lớn - Dân chúng không nên kỳ vọng vào Chính phủ nhiều quá”.

Như vậy, phải chăng Chính phủ Trần Trọng Kim đã tiếp tay cho nạn đói năm 1945?

Một tượng đài tưởng niệm nạn nhân chết đói

Đó là chia sẻ của ông Dương Trung Quốc Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học - lịch sử Việt Nam:

Thời điểm này, chúng ta có những thành tựu về kinh tế, nhất là nông nghiệp thể hiện rất rõ. Tưởng niệm nạn đói không những chỉ tưởng niệm người xưa mà chúng ta còn ghi nhận những thay đổi tích cực trong nông nghiệp Việt Nam ngày nay. Có 2 nơi người ta hay bàn đến.

Nạn đói xảy ra trên một địa bàn rộng kéo dài từ Quảng Trị ra khắp các tỉnh miền Bắc chứ không phải của riêng một địa phương nào; thời gian kéo dài từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945.

Sau cuộc điều tra xã hội học của các nhà sử học Nhật Bản cùng với các nhà sử học Việt Nam đầu những năm 1990 mà cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” của GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo là bằng chứng khoa học chứng minh rằng có một nạn đói quy mô làm hơn 2 triệu người chết đói. Chúng ta nên xây dựng tượng đài vừa phải để tưởng niệm cho các nạn nhân chết đói, hoặc xây dựng một tấm bia nào đó làm chứng tích.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đồng tình dựng đài tưởng niệm “thảm họa đau đớn khôn lường và là một vết thương không bao giờ kín miệng được của dân tộc ta”.Nhà văn Hoàng Quốc Hải bình luận:

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

“Một đất nước nông nghiệp trù phú như vậy mà 2,5 triệu người chết vì đói. Nên nhớ năm 1945 cả nước ta chỉ có 22 triệu dân, vậy là hơn 1/10 dân số chết đói. Lịch sử khoảng 500 năm trở lại đây chưa bao giờ xảy ra một cái họa mang tính diệt chủng đến như thế. Vậy mà cho tới nay, Pháp không xin lỗi, Nhật không xin lỗi đó là điều sỉ nhục đối với các nước văn minh. Còn đối với nước ta, chưa hề có một hình thức nào để nhắc nhớ về thảm họa đó.

Theo tôi lúc này nên có một đài tưởng niệm và nên có một chương trình bố cáo rộng rãi cho toàn dân được biết đây là một nỗi quốc hận và cần làm cho các thế hệ sau này không bao giờ để cho bất cứ kẻ thù nào có thể đô hộ được nước ta. Chúng ta phải cường thịnh, tự cường lên, không cho kẻ nào có thể xâm chiếm đất nước ta và đặt nền thống trị nước ta”.

Kiều Mai Sơn - Đình Tường - Quốc Tuấn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước