Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
00:26 (GMT +7)

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) Nhớ lời Bác dạy

VNTN - Bác Hồ, vị cha già của dân tộc, Người đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho nhân dân các dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác có dịp đến thăm huyện Phú Lương. Đây là sự kiện vô cùng đặc biệt và thật vinh dự, tự hào cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương. Ông Hoàng Thiện nguyên là cán bộ tổ chức Huyện ủy huyện Phú Lương, lão thành cách mạng đã có hồi ức kể chuyện về sự kiện này. Tác giả bài viết ghi theo lời kể của ông Hoàng Thiện từ năm 1997.    

Di tích lịch sử Đình Kẻm, nơi Bác Hồ về thăm nhân dân huyện Phú Lương (26/11/1951) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng năm 2014

Vào tháng 11 năm 1951, Văn phòng Trung ương có giới thiệu 3 đồng chí cán bộ về làm việc với Huyện ủy huyện Phú Lương. Ba đồng chí đó là đồng chí Trường, đồng chí Kháng và đồng chí Dũng, để chuẩn bị cho việc Bác Hồ về thăm, làm việc với huyện Phú Lương. Mục đích của chuyến đi là Người về thăm nhân dân và nói chuyện về chủ trương Nhà nước sắp ban hành chính sách thuế nông nghiệp. Người muốn xin ý kiến của nhân dân về chủ trương này.

Đồng chí Đại Hải, Phó Bí thư Huyện ủy cho gọi ông Hoàng Thiện lên và giao nhiệm vụ tổ chức đón Bác Hồ về thăm nhân dân huyện Phú Lương. Lúc ấy, tôi (Hoàng Thiện) còn rất trẻ, chưa phải là đảng viên nhưng trước nhiệm vụ quan trọng này, tôi báo cáo với đồng chí Đại Hải: tình hình an ninh ở trung tâm huyện lúc này rất phức tạp, nên cân nhắc có lẽ phải tổ chức ở xã Yên Đổ, một địa bàn giáp với vùng khu ATK, là xã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả.

Các đồng chí lãnh đạo ở xã Yên Đổ đều là những người mà tôi hết sức tin tưởng. Lúc đó, ông Hùng là Bí thư, ông Thuần là Phó Bí thư và ông Tín là Chủ tịch. Nghe tôi báo cáo xong, đồng chí Đại Hải đồng ý luôn, giao cho tôi cùng 3 đồng chí ở Văn phòng Trung ương đạp xe ngay về xã Yên Đổ để gặp các đồng chí lãnh đạo ở xã nhận lệnh, chuẩn bị để kịp đón Bác vào tối 26 tháng 11 năm 1951. Đồng chí Hùng và đồng chí Thuần quyết định tổ chức cuộc gặp mặt này ngay tại đình làng Kẻm. Dự kiến, đoàn sẽ đi đón Bác vào lúc khoảng 19 giờ tối tại dốc Trào, rồi rẽ trái, đi theo con suối nhỏ vào đình Kẻm. Nếu tình hình bất lợi, không an toàn, sẽ bố trí cho Bác thoát bằng con đường đi xuyên qua sườn núi đến địa điểm đã hẹn trước, đó là tại Trường cấp II xã Yên Đổ bây giờ. Và nếu tình hình xấu nữa thì anh em sẽ bố trí cho Bác ngủ trên núi có bảo vệ canh gác cẩn thận. Sau khi nghe các phương án đón Bác, các đồng chí ở Văn phòng Trung ương đều yên tâm nhất trí, đồng tình. Sau đó, các đồng chí trở về Khu ATK – Định Hóa.

Để đảm bảo thật an toàn, các đồng chí lãnh đạo xã Yên Đổ lên phương án an ninh khoanh vùng lại một số cơ sở đối tượng vẫn chưa tin vào chế độ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các đồng chí phân công cụ thể đồng chí Thuần trực tiếp chỉ huy lực lượng an ninh. Thành phần dự Hội nghị do Huyện ủy triệu tập có: Bí thư, Chủ tịch, đại biểu các tổ chức, đoàn thể 10 xã, các cụ bô lão có uy tín trong nhân dân, mỗi xã từ 1 đến 2 người và một số cán bộ đầu ngành của huyện Phú Lương bấy giờ. Tất cả độ khoảng 50 đại biểu.

Đúng 19 giờ 30 tối 26 tháng 11 năm 1951, Bác Hồ đi từ Khu an toàn (ATK) ra đến dốc phố Trào cùng 3 đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương hôm trước và 2 đồng chí cảnh vệ. Đi vào đình Kẻm gồm có Bác Hồ và 3 đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương, còn 2 đồng chí cảnh vệ và ông Tuần Rốt, người bảo vệ của địa phương ở lại, làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài.

Đón Bác Hồ vào đình Kẻm hôm đó có đồng chí Phan Văn Sáng, Bí thư Huyện ủy Phú Lương, đồng chí Đại Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, ông Hoàng Thiện, cán bộ tổ chức, cùng các đồng chí lãnh đạo xã Yên Đổ. Đồng chí Sáng ra chào Bác, các đồng chí đi cùng và dẫn đoàn vào đình Kẻm. Trên đường đi vào đình chỉ soi bằng 2 chiếc đèn pin, im lặng không nói chuyện. Trong đình Kẻm lúc này chỉ thắp một ngọn đền dầu, các đại biểu ở địa phương đã ngồi đợi sẵn. Đi trước đoàn là đồng chí Kháng, đồng chí ra hiệu với các đại biểu là Bác đến, các đồng chí không vỗ tay ồn ào chỉ đứng dậy làm động tác chào Bác và ngồi xuống.

Khi Bác Hồ bước vào sàn gỗ của đình Kẻm, các đại biểu tuân thủ làm đúng như vậy. Bác bước thẳng đến chỗ để chiếc đèn dầu, bắt đầu nói chuyện. Trước tiên Bác thăm hỏi sức khỏe các cụ bô lão, các đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp. Bác khái quát về tình hình chiến sự trong nước và thế giới. Đặc biệt Bác nói về một số thắng lợi của quân và dân ta trong thời gian qua. Sau đó, Bác hỏi các đại biểu: “Muốn kháng chiến, kiến quốc mau thành công thì chúng ta phải làm gì?”. Mọi người trong Hội nghị chưa ai dám phát biểu. Bác nói tiếp: “Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công thì chúng ta phải đoàn kết, thi đua sản xuất thật nhiều của cải. Phải thực hành tiết kiệm, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Bác nói tiếp: “Nhà nước ta dự định ban hành chính sách thuế nông nghiệp nhằm đảm bảo thắng lợi lâu dài cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Muốn đạt được hiệu quả về chính sách thuế nông nghiệp Nhà nước sẽ phải tiến hành làm hai bước: Thứ nhất là giảm tô, thứ hai phải tiến hành cải cách ruộng đất để người cày có ruộng thì mới phát triển được sản xuất, mới có thóc để đóng thuế”. Bác giải thích như vậy, rồi Bác xin ý kiến các cụ bô lão, là Nhà nước dự định như vậy các cụ và các đồng chí thấy có nên không?

Hội nghị không ai dám trả lời, đồng chí Phan Văn Sáng, Bí thư Huyện ủy đứng lên xin phép các cụ bô lão nói:

“Đại diện cho cán bộ và nhân dân huyện Phú Lương quyết tâm thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước ban hành, đồng ý với chính sách thuế nông nghiệp của Cụ Hồ đã đưa ra”. Bác thấy thế, liền hỏi luôn:

“Toàn thể các cụ và các đồng chí có nhất trí không?”. Mọi người đồng thanh: “Nhất trí!”. Bác khen: “Như thế là tốt. Các cụ và các đồng chí hãy khuyên đồng bào nên cố gắng sản xuất tốt, có thóc lúa, có cái ăn thì mới thắng được giặc”.

Bác trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị trong thời gian khoảng độ 45 phút. Bác cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của địa phương. Bác chúc sức khỏe các cụ, các đại biểu, Bác căn dặn các cụ bô lão và các vị đại biểu phải là những người đi đầu trong công tác vận động về chính sách thuế nông nghiệp.

Bác chào các vị đại biểu và ra về. Vì được bảo vệ an ninh tốt nên Bác cùng đoàn về theo đường cũ. Các đại biểu dự hội nghị ai cũng đứng dậy ý muốn đưa tiễn Bác nhưng vì bí mật nên phải ngồi yên tại chỗ. Ông Thiện vinh dự được đưa Bác ra về, tay cầm bó đuốc đi trước, Bác và các đồng chí cán bộ đi sau. Ra đến dốc phố Trào, Bác bắt tay ông và nói: “Bó đuốc hãy còn, cháu về đi !”. Đợi đoàn đi khuất hẳn sau rặng núi ông Thiện mới quay về đình Kẻm báo lại với các đại biểu dự Hội nghị Bác đã về an toàn.

Một sắc phong niên đại Nguyễn Duy Tân năm thứ 3 (1908) của Di tích lịch sử Đình Kẻm.

Bác Hồ đi rồi, ai ai cũng cảm thấy xúc động. Từng lời nói của Bác thật thiết tha, ân cần như lời cha căn dặn các con, ai nấy đều cảm phục. Cảm phục vì Bác vô cùng giản dị nhưng cũng vô cùng vĩ đại. Nghe Bác căn dặn, ai ai cũng như muốn nuốt lấy từng lời. Riêng đối với ông Thiện lời dạy của Bác đã đi theo suốt cuộc đời phấn đấu, trong quá trình hoạt động cách mạng của ông. Bác đã dạy cho người dân quê tôi và tôi những người cán bộ cách mạng thêm sáng mắt, sáng lòng. Ai cũng tự nhủ mình phải luôn luôn cố gắng làm theo lời Bác dạy, bởi đã một lần được gặp Bác và được Bác dạy trong tình thương yêu vô vàn của một vị cha già dân tộc.

Thượng cung Đình Kẻm - thờ thành hoàng làng và thờ Bác Hồ, nơi Người về thăm nhân dân huyện Phú Lương.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy