Nhớ cái tết Thái Nguyên sau Hiệp định Paris
VNTN - Ngày 27/1/1973 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Tý), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, cũng là lúc Tết cổ truyền của dân tộc chỉ còn một tuần lễ.
Sau nhiều năm chiến tranh và chịu đựng 12 ngày đêm bị máy bay Mỹ ném bom B52 tàn phá khốc liệt, người dân Thái Nguyên vỡ òa niềm vui vô bờ bến. Hệ thống loa công cộng mở hết công xuất truyền dẫn liên tục các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin ký kết Hiệp định Paris và bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi”. Tết Quý Sửu 1973 thực sự là cái Tết của hòa bình, của hồi sinh và hy vọng, một cái Tết kỳ diệu, ấn tượng và ý nghĩa. Miền Nam còn bị chia cắt, nhiều người con của quê hương lên đường ra trận chưa trở về, nhưng niềm vui chiến thắng tràn ngập khắp mọi nhà. Trò chuyện với bố tôi sau khi nghe bản tin, mấy bác đồng đội của bố từng chiến đấu tại mặt trận Điện Biên năm xưa, dù vui vẫn tỏ ra thận trọng: “Hòa bình mới được lập lại ở miền Bắc, đất nước chưa liền. Kẻ thù sẽ ngoan cố chống phá. Để đi đến trận cuối cùng, còn nhiều máu xương đổ xuống. Nếu Tổ quốc cần, chúng ta phải tiếp tục cầm súng…”.
Hồi ấy tôi còn bé. Chả hiểu vì lý do gì, bố cuốc bộ đi làm, giao cho tôi chiếc xe đạp Phượng Hoàng khung nam, nói như ra lệnh: “Lớn tướng rồi, mang xe ra ngõ mà tập”. Không hẳn tôi chưa sờ đến xe. Hồi trong năm được bố cho phép, tôi cũng dắt xe ra sân kho hì hục tập. Khổ nỗi, chiếc xe cao lênh khênh, tôi phải luồn chân sang một bên, thân người một bên, chỉ ngoáy mông đạp vài vòng xe và người đã lăn kềnh ra đất. Vai đau ê ẩm, ngón chân cái tóe máu. Cáu tiết dắt xe về. Lần này, tôi lấy hết dũng khí quyết tập đi xe bằng được. Í ới đôi câu, một lũ nhóc gần đó đã bám quanh xe giữ cho tôi khỏi ngã. Chứng kiến bom đạn, chết chóc mãi thành quen, cái chết với tôi chả nghĩa lý gì, nhưng cứ nghĩ đau là tôi hãi. Mạnh dạn đạp từng vòng, chiếc xe chệnh choạng từ từ chạy. Khi đã biết cách lái để chiếc xe khỏi đổ, chỉ trong nửa buổi sáng, tôi đã thấy lái xe đạp cũng không khó khăn gì. Chán ở ngõ hẹp, tôi tự tin đạp xe ra phố.
Khu trung tâm thành phố Thái Nguyên đã được trang hoàng lộng lẫy với nhiều băng rôn, pa nô, áp phích và cờ hoa rực rỡ. Tại các ngã ba, ngã tư, hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do” nổi bật bên nhiều tấm pa nô “Năm mới thắng lợi mới!”. Con đường từ Bảo tàng Việt Bắc đến chợ Bến Tượng dòng người qua lại mua bán tấp nập. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, lương thực, bách hóa đông kín người xếp hàng… Ngoài một số trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, Bảo tàng Việt Bắc, Rạp chiếu bóng Nhân Dân… được xây dựng khang trang hiện đại, các đường phố hầu hết nhà tranh mái lá. Sau lưng phố vẫn là những mảnh ruộng trồng lúa và các loại rau màu. Nhiều bận tôi thấy có bác nông dân vác cày giong trâu thủng thẳng đi giữa phố. Phố nào tôi cũng có bạn nên mọi đường ngang ngõ tắt gần như thuộc làu. Bố tôi bảo Thái Nguyên là thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc, nơi có khu công nghiệp luyện kim lớn nhất nước, nên thành phố đã được quy hoạch xây dựng khá quy mô. Từ khi Mỹ đem máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, việc xây dựng bị dừng lại…
Tôi ấn tượng nhất là con đường từ Bảo tàng Việt Bắc tới chợ Bến Tượng với một bên là vườn hoa Sông Cầu, một bên là dãy nhà tranh cửa hàng, cửa hiệu chụp ảnh, may mặc, cắt tóc và bán đủ loại hàng hóa. Ngay từ hồi học vỡ lòng, tôi đã được mẹ đưa tới đây ăn kem và mua quần áo, giầy dép. Nghe nói dãy phố này trước kia chủ yếu của các nhà buôn được xây dựng rất bề thế đối diện Vườn hoa Dây Thép. Khi thị xã Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến, phố bị phá hủy. Hòa bình lập lại, một số chủ nhân dựng lại nhà cửa từ đống gạch vụn, rất ít nhà xây gạch mà chủ yếu dựng cột trát vách toóc xi, lợp lá cọ…
Nghiêng ngó một chặp, hứng chí tôi đạp xe vào nhà Dũng, thằng bạn thân trong xóm Đầm Xanh. Mẹ Dũng đang ngồi rửa lá dong gói bánh chưng, bà cười hiền hậu: “Biết đi xe đạp rồi hả con. Chả bù cho thằng nhà bác… Nó vừa bị bỏng nổ chì, may không mất Tết”. Nhà Dũng chưa có xe đạp, nhưng mấy bận nó kể ông bác sang chơi, đưa xe cho nó tập, nhưng nó hãi… Dũng lén kéo tôi vào bếp, vạch cho tôi xem vết bầm đỏ trên ngực: “Tao nấu chì đúc chiếc cái đánh đáo, vừa đổ ra trôn bát nó nổ đánh bụp, may không sao”. “Chắc mày không lau khô trôn bát chứ gì?”. “Chắc thế! Bọn Mỏ Bạch, Gang Thép có mấy thằng chơi mả lắm. Nó rủ Tết này bọn mình đấu tay bo. Mày với tao chiến nhá…!”. Trong nhóm bọn tôi, Dũng đánh đáo rất siêu, tôi chỉ vào hạng tép riu, chuyên ngồi chầu rìa, nhưng chưa bận nào nó không kéo tôi đi cùng. Nghe tiếng pháo nổ đùng đoàng của bọn trẻ con trong xóm, Dũng mở ngăn kéo lấy khay pháo tép dúi cho tôi một nắm: “Tao với mày làm mấy phát”. Hai thằng ra ngõ, vớ được bãi phân trâu, chúng tôi dúi pháo vào thi nhau đốt làm phân bắn tung tóe. Ông tổ trưởng dân phố đi qua thấy vậy quắc mắt: “Tết nhất đến nơi, chúng mày định làm giặc hay sao mà nghịch bẩn hết đường xá thế hả?”. Chúng tôi khiếp, nhảy đại qua giậu cúc tần hàng xóm để ông không biết con cái nhà ai. Thấy còn sớm, tôi rủ hắn đi tập xe đạp. Liếc chiếc xe khung cao, hắn giãy nảy, từ chối. “Mày càng sợ nó càng hay đổ. Đi với tao…”. Mẹ Dũng trong bếp nói vọng ra: “Trưa rồi, hai đứa ở nhà ăn cơm, chiều đi đâu hẵng đi”. Dũng nhanh nhảu: “Bọn con sang Quy Bơ một tý…!”. Nói sang Quy Bơ, nhưng ra khỏi cổng Dũng ngần ngừ: “Bên ấy đông người qua lại, nhỡ gặp bọn con gái…”. Không khó để tôi tìm một đoạn ngõ khá rộng hướng dẫn Dũng tỷ mỷ và bắt hắn trèo lên xe. Vất vả giữ sau xe mấy lượt, hắn cũng tự mình đạp đi được. Tôi chạy sau nhắc hắn đạp nhẹ. Bất chợt xe tăng tốc. Tôi hét lớn: “Phanh lại!” Chưa kịp nhào tới giữ thì Dũng và xe lộn tùng phèo xuống ao... Lên bờ run lẩy bẩy vì rét, nó nhăn nhó: “Lạ thật! Tao bóp phanh một phát nó lộn luôn”. “Mày phải bóp từ từ. Bóp chết khự nó không lộn mới lạ!” Chờ Dũng hoàn hồn, tôi động viên: “Đằng nào cũng đã ướt, mày làm mấy vòng cho nóng người”. Đã võ vẽ biết đi, lại có kinh nghiệm bóp phanh, chẳng mấy chốc Dũng tự đạp xe khá nhịp nhàng. Cao hứng, chúng tôi thay phiên nhau tập đến quá trưa mới về. Tôi cho Dũng đi xe vào tận sân làm mẹ Dũng mừng rỡ. Bà bảo bà cũng đã mấy lần thử tập lái xe đạp, nhưng bao phen hú hồn, hú vía, giờ cạch đến già không dám động đến...
Những ngày sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, bạn bè theo người nhà mỗi đứa một nơi, giờ tha hồ tụ tập. Tôi cùng đám bạn mấy lần leo lên cây nhãn cổ thụ trước cửa chợ Bến Tượng ngắm phố ngắm người. Trong dòng người tấp nập sắm Tết, thi thoảng có người trên đầu mang vành khăn trắng. Ngồi chầu hẫu chán, chúng tôi lại lang thang khắp các ngõ phố xem mua bán. Tôi ấn tượng nhất là quầy bán tranh ảnh Tết. Tranh ảnh ngày đó chủ yếu là các cuốn thư và tranh dân gian, câu đối. Các cuốn thư đều lớn như các bức hoành phi chạm khắc trên đồ gỗ, đồ đồng hiện nay, nhưng vẽ trên giấy bằng mực mầu rực rỡ, hầu hết là hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”. Các tranh dân gian đủ loại mầu sắc cũng rực rỡ không kém, thích nhất là các bức “Cá chép trông trăng”, “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”. Có lẽ năm ấy là Tết Quý Sửu nên tôi thấy nhiều người chọn mua tranh “Chăn trâu thổi sáo”, “Tát nước đêm trăng”… Cảnh đấy giống những buổi đi học, trong túi bọn trẻ con tụi tôi đứa nào cũng có sẵn con cù, chiếc cái đánh đáo và mấy hòn bi ve, hễ gặp bọn nào chơi gì cũng xúm lại tham gia.
Càng những ngày áp Tết, không khí càng thêm nhộn nhịp nao nức. Từ sáng sớm tiếng lợn bị bắt thịt kêu eng éc, pháo thi thoảng nổ đì đùng. Bọn chúng tôi được giao nhiệm vụ dậy sớm ra mậu dịch mua hàng Tết. Tôi cùng mấy thằng bạn xách làn tới địa điểm. Mới 4 giờ, trời còn tối đen như mực, dòng người đã xếp hàng rồng rắn trước ô cửa nhỏ đóng kín treo bóng đèn điện đỏ quạch. Chúng tôi kiếm gạch đặt chỗ và kéo nhau ra gốc cây đốt lửa ngồi tán gẫu. Mua xong hàng thì cũng đã trưa muộn.
Và vội bát cơm phần tôi từ cạp lồng ủ trong chăn bông, tôi lỉnh ngay ra mảnh ruộng lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ cùng đám bạn đá bóng. Không cần tính mỗi hiệp bao nhiêu phút, chúng tôi đá đến mệt bã người mới lên bờ ruộng nghỉ. Thằng Tùng bỗng nhiên te tởn: “Chúng mày kiếm cái cưa sắt, tao mới nhặt được hai quả đạn. Bọn mình lấy thuốc, làm mấy quả pháo cối nổ cho bốc”. Chuyện nhặt được bom đạn chẳng đứa nào lạ. Năm ngoái lên đồi tìm tổ chim non, tụi tôi phát hiện một quả bom khá lớn nằm trong bụi cây. Nghĩ bom bị xịt, chúng tôi xúm lại hò nhau hì hục lăn xuống chân đồi. Năm lần bảy lượt “một, hai, ba” nhưng quả bom không hề nhúc nhích. Chán, bọn tôi đành về báo các bác dân quân. Biết chuyện, mấy anh lớn hơn mắng tụi tôi dốt: “Nếu để bọn anh cưa, chắc có ối thuốc nổ, tha hồ làm mìn đánh cá sông, quấn pháo...”. Nghe Tùng nói có thuốc làm pháo cối, tôi mừng rỡ nhưng vẫn lo lắng: “Bọn mình cưa, nhỡ nó nổ thì khốn”. Tùng nhướn mắt: “Nổ là nổ thế nào, nỏ gỉ ngoèn”. Buổi tối không kiếm được cưa sắt, Tùng mang chiếc dao cùn ra chặt. Ông bố Tùng bắt được nện nó một trận nên thân. Giờ nghĩ lại mới thấy sợ. Tôi không biết nếu kiếm được cưa, Tết năm đó có chuyện gì sẽ xảy ra không…
Ngày 28 Tết nhà tôi mổ lợn cùng ba nhà khác ăn đụng. Nhiều gia đình từ vài ngày trước cũng đã chung nhau đụng lợn, xóm ngõ trưa, tối liên hoan tưng bừng. Con lợn nhà tôi nuôi cả năm chủ yếu bằng nước vo gạo và chuối khoai nhì nhằng, độ chừng hơn tạ. Tôi được giao ngồi đập hành, coi mèo. Sau khi thịt lợn được chia đều mỗi cho nhà một đùi, chiếc thủ và bộ lòng được chế biến để bốn nhà cùng trải chiếu ăn bữa cơm chung. Nồi nước luộc lòng được tra gạo nấu cháo. Nồi cháo cho cả bốn nhà ăn nên to khủng khiếp. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa thấy nhà nào nấu nồi cháo lòng to như thế.
Đêm 30 Tết, thành phố có rất nhiều điểm liên hoan văn nghệ. Chưa có nhiều đèn trang trí, nhưng các sân khấu thật lộng lẫy và đông nghịt người xem. Tôi và Dũng ra sân khấu rạp ngoài trời. Trên sân khấu, ban nhạc có bộ trống, hai cây đàn ghi ta và chiếc ắc-coóc-đê-ông. Nhiều tiết mục trên sân khấu hát, người xem cũng vỗ tay hát theo. Chưa đến giờ giao thừa, pháo khắp nơi đã nổ ran. Các tia lửa và nhiều tiếng súng, hình như bộ đội hoặc tự vệ phấn khởi thi nhau bắn lên trời.
Những ngày Tết, khu vực trung tâm có nhiều điểm tổ chức vui chơi giải trí, với các trò bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, kéo co, đập niêu đất, chơi cờ người… Như hẹn, nhóm Gang Thép, Mỏ Bạch cùng chúng tôi ra trước cửa rạp Quyết Tiến kẻ vạch thi đấu, người xem cũng vòng trong vòng ngoài…
Mấy mươi năm trôi qua, thành phố Thái Nguyên đã mang vóc dáng một đô thị văn minh hiện đại. Tết đến Xuân về, niềm vui từ lòng người sáng lên trên nụ cười ánh mắt. Dũng, người bạn hồi bé tập đi xe đạp còn sợ, tốt nghiệp cấp 3 tham gia quân đội và hy sinh năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên. Đồng đội kể lại nó chiến đấu rất dũng cảm, bị thương vẫn nghiến răng xiết cò súng đến hơi thở cuối cùng…
Trong tâm thức người Việt, mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa của hội ngộ, sum họp đón Tết cổ truyền, mùa của sự khởi đầu và kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Với tôi, mùa xuân còn là dịp gửi lòng mình về một miền ký ức…!.
THÁI DƯƠNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...