Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:37 (GMT +7)

Nhiều nội dung cấp thiết được bàn thảo, thông qua

Tại Kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa 14, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra sáng ngày 28/10, UBND tỉnh đã trình 8 nội dung quan trọng.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ trước khi bước vào Kỳ họp

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa Kỳ họp đánh giá: Đây là những nội dung rất quan trọng, mang tính cấp thiết nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Chủ tọa điều hành phiên họp

Bởi vậy, Chủ tọa đã yêu cầu các đại biểu tham dự Kỳ họp với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trước cử tri, trên cơ sở các quy định của pháp luật, tập trung nghiên cứu, thảo luận các nội dung trình tại Kỳ họp, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chất lượng, để HĐND tỉnh xem xét, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn.

Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên tiếp tục xin điều chỉnh chủ trương

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phần nào cho thấy sự khẩn trương, trách nhiệm và kỹ lưỡng của các Ban HĐND tỉnh, các cơ quan tham mưu đối với các nội dung trình tại Kỳ họp.

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá và xem xét đối với tờ trình xin phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân vận động Thái Nguyên.

Các đại biểu tập trung cao độ để nghiên cứu, bàn thảo đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết

Đây là dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ nhất ngày 4/11/2021. Tháng 10/2022, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 535.992 triệu đồng. Tăng 69.930 triệu đồng.

Như vậy kinh phí phải bố trí từ ngân sách địa phương dự kiến tăng thêm 226.592 triệu đồng.

Với mức tăng đến 73,2% như vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh đánh giá nguyên nhân tăng thêm phần chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 69.930 triệu đồng.

Đồng thời, đánh giá công tác khảo sát, thống kê, kiểm đếm diện tích đất và tài sản trên đất trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ nhất.

Trong điều kiện nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2022 gặp nhiều khó khăn, khả năng cân đối ngân sách tỉnh đối với phần kinh phí tăng thêm để thực hiện dự án cũng là vấn đề được đặt ra.

Đại diện UBND tỉnh đã giải trình nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh này, cụ thể:

Tại thời điểm lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chủ đầu tư đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên cung cấp khái toán sơ bộ kinh phí giải phóng mặt bằng để xác định tổng mức đầu tư dự án, chưa xác định được rõ nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất, chưa thống kê chi tiết tài sản trên đất dẫn đến “Tăng do đơn giá bồi thường đất; Tăng do diện tích đất nông nghiệp cùng thửa đất ở; Tăng do xác định lại loại đất; Tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản; Tăng do số lượng cây trồng trên đất; Tăng do phần tài sản chưa thống kê chi tiết, tài sản phần chìm, tài sản có kết cấu khác biệt; Tăng do chi phí di chuyển đường điện”.

Giải trình về khả năng cân đối ngân sách tỉnh đối với phần kinh phí tăng thêm để thực hiện dự án trong điều kiện nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2022 gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh cho hay:

Nguồn vốn đề nghị điều chỉnh tăng thêm được cân đối từ nguồn vốn Ngân sách địa phương từ phần vốn Dự phòng chưa phân bổ (450.097 triệu đồng), kèm theo Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên; dự kiến bố trí vốn giao theo tiến độ thu thực tế.

Các nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao

Đại biểu Ma Công Trình, Tổ đại biểu huyện Định Hóa

Tham gia ý kiến vào việc xây dựng quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thiện Nghị quyết trước khi ban hành.

Đối với việc hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư cho các dự án thực hiện nội dung phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, đại biểu huyện Định Hóa đề nghị bổ sung thêm các xã, thôn đã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 -2025 vào diện này.

Đề nghị này xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, vì theo kế hoạch, Định Hóa sẽ “về đích” nông thôn mới vào năm 2023. Đồng nghĩa với việc không còn xã đặc biệt khó khăn; trong khi, hiện nay huyện Định Hóa vẫn còn 3 xã và 21 thôn đặc biệt khó khăn. Quá trình xây dựng nông thôn mới các thôn, xã này đã dồn hết nguồn lực của cả nhà nước và của nhân dân.

Các nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao

Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đã xem xét, cho ý kiến vào danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm; thảo luận và xem xét việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng rừng đáp ứng yêu cầu triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Các ý kiến góp ý của các Ban HĐND và đại biểu tham dự Kỳ họp đã được tiếp thu, chỉnh sửa. Bởi vậy, 8 nghị quyết đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Ngân         

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy