Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
21:53 (GMT +7)

Nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

VNTN - Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đặt mục tiêu triển khai và đầu tư cho 28 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích gần 731 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 60 - 65%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các CCN gặp không ít khó khăn trong đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư bởi nhiều nguyên nhân.

Toàn tỉnh hiện có 35 CCN, nhưng mới chỉ có 19 CCN chính thức đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 39,2%. Trong số này, có tới 11 CCN hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng và gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư. Là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, thế nhưng những năm qua thành phố Sông Công phải chật vật lắm mới thu hút được một số dự án đầu tư vào CCN. Cụ thể, CCN Khuynh Thạch được quy hoạch từ năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động. CCN Bá Xuyên mới thu hút được 1 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu còn CCN Lương Sơn hiện chưa thu hút được dự án nào. Hiện nay, chỉ có duy nhất CCN Nguyên Gon đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% (13 dự án).

Cũng giống như thành phố Sông Công, các huyện miền núi, vùng cao như Đồng Hỷ, Định Hóa việc thu hút các dự án đầu tư vào CCN cũng rất khó khăn. Tại huyện Định Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, huyện tập trung phát triển CCN Kim Sơn (20ha), tuy nhiên nhiều năm qua CCN này gần như bị “bỏ không”. Đối với huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, huyện có 3/4 CCN được quy hoạch chi tiết nhưng gần như vẫn “án binh bất động”. Đáng nói là CCN Nam Hòa vẫn chưa thu hút được dự án nào.

 

Cụm công nghiệp Nguyên Gon Sông Công hiện có 10 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Ảnh: Cẩm Duyên

Theo giải thích của đại diện các cơ quan chuyên môn, các CCN gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư là do CCN chưa có quỹ đất sạch. Ông Phan Quang Huy, Giám đốc DN tư nhân Phan Huy Hoàng (huyện Phú Lương) nói: Hiện nay phần lớn các CCN trên địa bàn huyện chưa có hạ tầng cơ bản cho các DN thuê để hoạt động sản xuất. Thay vào đó, các DN phải tự bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khi tiến hành đầu tư dự án.

Đại diện lãnh đạo nhiều địa phương cho biết: do ngân sách Nhà nước hạn hẹp nên giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng tại các CCN hiện nay chủ yếu phải trông chờ vào việc thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong số 19 CCN đang hoạt động hiện nay thì có tới 11 CCN vẫn đang đợi nhà đầu tư hạ tầng, trên cơ sở doanh nghiệp sẽ ứng vốn đầu tư, số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hằng năm. Trong khi tâm lý chung của các nhà đầu tư, DN hiện nay là rất e ngại việc thực hiện giải phóng mặt bằng bởi chi phí lớn.

Theo ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) phân tích: Các CCN của tỉnh phần lớn hiện nay đều nằm ở các địa phương còn khó khăn nên không chỉ hạ tầng trong CCN chưa hoàn thiện mà giao thông ngoài hàng rào CCN cũng chưa được đồng bộ. Ví như Quốc lộ 17 và 11B nối vào các CCN Nam Hòa và Đại Khai (Đồng Hỷ); Quốc lộ huyết mạch 3C vào trung tâm huyện Định Hóa còn chật hẹp, xuống cấp gây khó khăn cho việc di chuyển. Khó khăn là thế nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN nên chưa tăng thêm động lực cho các nhà đầu tư.

Ngoài nguyên nhân chính về cơ sở hạ tầng thì thời gian qua một số CCN còn bộc lộ hạn chế về quy hoạch như nằm gần khu đô thị, xa vùng nguyên liệu, hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; một số các nhà đầu tư hạ tầng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm trễ và ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án khác. Nhận thấy hạn chế này, nên tỉnh cũng đã kịp thời khắc phục bằng việc ban hành Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thu hồi các dự án đầu tư hạ tầng của các chủ đầu tư không có đủ năng lực để tránh lãng phí tài nguyên đất và gây ra bức xúc trong dự luận.

Như vậy, khó khăn nhất hiện nay đối với phát triển CCN là thu hút các nhà đầu tư hạ tầng. Để giải quyết khó khăn này, hiện tại, Sở Công thương đang được tỉnh giao chủ trì xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển CCN, trong đó tập trung vào việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ từ việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng đến xây dựng hạ tầng trong CCN. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn Khuyến công quốc gia để hỗ trợ các địa phương thực hiện lập quy hoạch chi tiết CCN. Về phía các địa phương đã và đang đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào CCN; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn...

Hoàng Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy