Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:10 (GMT +7)

“Nhiều gia đình hai, ba anh chị em chỉ có 1 cái điện thoại để học trực tuyến”

VNTN- Tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, từ 9h sáng 11/11 Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chứa đựng đầy lo lắng xung quanh việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động xã hội, mà giáo dục không phải là ngoại lệ.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

1,8 triệu trẻ em thiếu thiết bị

Nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, Bộ Giáo dục và đào tạo đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao, trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, đó là nỗi lo được thể hiện không chỉ trong một chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Lần đầu tiên trả lời chất vấn, song Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn "trả bài" khá rõ ràng, mạch lạc, dù không phải vấn đề nào cũng đủ thuyết phục đại biểu.

Với dạy học trực tuyến, ông nói, việc dạy học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Việt Nam đã có kinh nghiệm từ năm học trước nhưng bước vào năm học này, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian dạy và học trực tuyến ở Việt Nam đang diễn ra với quy mô, thời gian dài chưa từng có tiền lệ, phát sinh nhiều vấn đề ở cả phía thầy, trò, các nhà quản lý và các hệ thống hạ tầng công nghệ.

Tính đến ngày 30/10/2021, cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, trên thực tế có đến 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học.

“Đây là tình huống bất đắc dĩ, nên trước khi quan tâm đến chất lượng học trực tuyến, chúng tôi đang quan tâm đến các cháu không có thiết bị, để các cháu không phải bỏ học. Có những trường đang dạy qua truyền hình để duy trì cảm giác học cho học sinh, duy trì nề nếp dạy và học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời đại biểu.

Việc đánh giá chất lượng dạy và học trực tuyến một cách đẩy đủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thực hiện khi học sinh trở lại trường. Ông thừa nhận dạy và học trực tuyến đang ảnh hưởng đến cả chất lượng, việc trang bị kỹ năng, nhất là kỹ năng chỉ được hình thành quá trực quan, thực hành vì thế sẽ có kế hoạch tăng cường kiến thức, hỗ trợ kỹ năng và tư vấn sức khỏe cho học sinh sẽ là ưu tiên khi trường học được mở cửa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng yêu cầu không đưa vào tay các em các loại phiếu đánh giá chất lượng ngay khi các  em trở lại. Sẽ có hướng dẫn bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại, không gây căng thẳng cho học sinh khi trở lại trường.

Đại biểu Thái Nguyên chất vấn những gì?

Hơn hai tiếng chất vấn, có đến 3 đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên đặt câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Nêu thực tế  nhiều nơi thiếu giáo viên triền miên nhưng hỏi Sở Giáo dục thì sở này nói phải hỏi Sở Nội vụ, Sở Nội vụ lại nói phải đăng ký chỉ tiêu để Bộ Nội vụ duyệt, đại biểu Nguyễn Công Hoàng muốn biết giải pháp của hai Bộ thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng nêu thông tin đáng chú ý là hiện cả nước đang thiếu hiện nay đến trên 94.000 giáo viên, trong đó tỷ lệ hơn 1/3 là thiếu giáo viên mầm non.

Ông khẳng định Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ đang có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Năm 2019, hai bộ đã trình và được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên cho 14 tỉnh, trong tháng vừa rồi đã trình tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học.

"Hai bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ, việc thừa thiếu không phải hai bộ đổ lỗi cho nhau", Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Nêu thực tế học sinh thường được điểm thấp khi thi môn lịch sử, nhiều học sinh học đối phó, đại biểu Đoàn Thị Hảo chất vấn về nguyên nhân và Bộ trưởng có giải pháp gì để đổi mới trong giảng dạy môn học này?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là vấn đề chuyên môn khá sâu trong việc triển khai chương trình giáo dục mới. Thừa nhận thực tế là điểm thi môn lịch sử thấp so với các môn khác, học sinh không yêu thích, học với tính chất đối phó, Bộ trưởng chia sẻ "đây là vấn đề chúng tôi rất là suy nghĩ".

Bộ trưởng cũng nói thêm, lịch sử là môn học rất quan trọng cung cấp hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống, giúp tu dưỡng phát triển con người, hiểu biết đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.

Nhưng, học sinh không hứng thú học môn này, theo Bộ trưởng, cách dạy môn lịch sử hiện nay vẫn thiên về các sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Quá trình kiểm tra, đánh giá cũng thiên về số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Trước Quốc hội, Bộ trưởng "hứa" trong thời gian tới sẽ triển khai đổi mới giảng dạy môn lịch sử theo hướng thay đổi sẽ tăng cường sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu với lịch sử. Học sinh còn điểm khác trong cảm nhận, đánh giá thì sẽ trao đổi để thuyết phục, tranh luận. Quá trình thi, kiểm tra không đánh đố học sinh nhớ con số, ngày tháng.

Bốn giải pháp giảm dạy thêm

Cũng là đại biểu Đoàn Thái Nguyên, ông Nguyễn Lâm Thành dùng quyền tranh luận để tiếp mạch chất vấn, tranh luận về dạy thêm, học thêm mà các đại biểu đã đặt ra.

Ông Thành nhấn mạnh, đây là câu chuyện được nói từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi.

Có bốn vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm, theo đại biểu Lâm Thành.

Thứ nhất, đó là cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. Đại biểu cho biết đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai, theo ông Thành cần thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Vì thế đại biểu đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.

Thứ ba, đại biểu Thái Nguyên cho rằng cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thi cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu.

Thứ tư, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm, đại biểu Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) chất vấn

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần thái độ, dư luận xã hội.

 "Những ý đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang triển khai. Đổi mới giảng dạy một số môn đang theo tinh thần tự học, sáng tạo. Việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm", ông Sơn hồi âm.

"Tư lệnh" ngành giáo dục cũng cho biết, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng nhằm hạn chế việc dạy thêm. Ông cũng nêu thực tế phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học ứng thí hơn là chú ý đến việc cho em mình học cái để phát triển bản thân của các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần điều chỉnh.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy