Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
10:41 (GMT +7)

Nhiếp ảnh và sân chơi quốc tế

VNTN - Có lần tôi được một anh bạn người Berlin đưa đến Thư viện quốc gia của nước Đức XHCN (DDR). Thư viện khi đó có hơn hai triệu đầu sách, nó là niềm tự hào của mỗi người German ham đọc. Nhưng khi tôi lần mò vào danh mục sách “Vietnam” thì chỉ thấy quyển “Dế mèn phiêu liêu kí” của Tô Hoài được giới thiệu và dịch sang tiếng Đức. Có lẽ việc dịch sách văn học của Việt Nam ra nước ngoài chẳng những xưa kia, mà đến hôm nay vẫn còn là vấn đề đầy khó khăn, không chỉ riêng tiếng Đức mà còn ở tất cả mọi thứ ngôn ngữ khác.

Việt Nam tham gia hội nhập, nhưng dường như ta mới thực hiện được cái nghĩa đen của từ “hội nhập”, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng. Nhỏ từ cái tăm bông ngoáy tai, lớn thì tàu ngầm lớp kilo để trang bị cho quân đội và bình dân phổ biến là chiếc điện thoại di động… Còn mỗi khi đề cập đến hội nhập văn hóa, khi chưa xuất được gì đáng “đồng tiền bát gạo” ra bên ngoài, thì đã vội ôm về hàng đống thứ từng bị dư luận phê phán là lai căng, kệch cỡm…

Từ cổ chí kim, khi quan sát các nhà văn làm việc, công cụ của họ chuyển đổi từ cây viết đến cái máy chữ và hôm nay là bàn phím với màn hình máy tính… Quá trình ấy mất cả ngàn năm. Vài ba lần chuyển đổi căn bản nhưng những văn sĩ vẫn cứ phải tự bơi trong mớ kiến thức mà mình sở hữu mới có thể lao động và sáng tạo… Những “cải tiến” của khoa học kĩ thuật dường như chưa can thiệp được nhiều cho việc làm nhẹ nỗi mệt nhọc của nhà văn. Trong khi nhìn sang những lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh và đặc biệt là nhiếp ảnh, lại luôn được cải tiến không ngừng. Có thể nói nếu không có sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, thì nhiếp ảnh và điện ảnh không có cơ hội tồn tại. Hiện nay trong “làng” văn nghệ Việt Nam, để vươn ra hội nhập quốc tế tốt không phải giới văn chương, cũng không phải bên mĩ thuật, kiến trúc, hay những người sáng tác nhạc, mà là nhiếp ảnh!

Tiến trình hội nhập của nhiếp ảnh thì có nhiều những nguyên nhân khách quan và chủ quan, bài viết này chỉ nêu ra một số căn nguyên cụ thể.

Tác phẩm “Chợ sớm” (Trương Minh Điền) đoạt giải Ba Cuộc thi ảnh Nông Lương thế giới năm 2013

Tính đặc thù

Năm 1826 Joseph Nicephore Niepce cho ra đời chiếc máy ảnh đầu tiên. Ông đã đặt nền móng cho một ngành công nghiệp nhiếp ảnh phát triển rực rỡ nhờ ham thích, sự tiện dụng và dễ học. Thiết bị phục vụ cho nhiếp ảnh qua năm tháng cũng được cải tiến không ngừng. Đặc biệt vào cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 nhờ luôn được kết hợp, áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến một cách sớm sủa như quang học, cơ học, điện tử, những năm gần đây là tin học; thiết bị ghi hình ngày càng gọn nhẹ hơn, được quảng bá rộng khắp cho mọi thành phần trong xã hội, và nghề ảnh do không lệ thuộc vào số đông, nên không mất nhiều công sức để tổ chức triển khai công việc. Người ta có thể “chơi ảnh” và khi cơ hội đến, có thể sống bằng nhiếp ảnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn ra đời, nhiếp ảnh đã tìm được chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật. Tần suất các cuộc triển lãm ảnh được tổ chức từ địa bàn nhỏ, tới tầm quốc tế được duy trì thường xuyên, dày đặc và không có dấu hiệu dậm chân tại chỗ hoặc thu hẹp lại. Những nhà nhiếp ảnh người Việt Nam được tận hưởng các thành tựu của nền kĩ nghệ nhiếp ảnh trên thế giới, và bằng nhiều con đường họ đã tiếp thu một cách sáng tạo vào đời sống tinh thần của mình. Tuy vậy, nếu nhìn vào sự phát triển hàng thập niên, bên cạnh những ưu điểm, nền nhiếp ảnh Việt Nam đã không che giấu được sự hạn chế nổi cộm là manh mún, thiếu đồng bộ; lệ thuộc vào bao cấp; bảo thủ; chưa khai thác được sức mạnh của việc xã hội hóa nhiếp ảnh, dàn trải và nặng về ban phát dẫn đến bình quân chủ nghĩa. Ngập ngừng trong hội nhập, dẫn đến kìm hãm cả sự phát triển (đặc biệt trong ảnh nude).

Những cuộc dấn thân táo bạo của cá nhân

Như những mạch ngầm chắt nước thành suối, thành sông, nhiều nhà nhiếp ảnh người Việt Nam đã tự tìm đường để quảng bá, giao lưu, hòa nhập với bên ngoài, sự giao thoa loang rộng và nhanh như những vết dầu trên mặt biển. Việc một tay máy thích “chia sẻ với người xem” ở chỗ tôi có thứ gì…, đến khi cao cấp hơn, họ lộ cho khán giả biết mình đã “nghĩ gì”, “thấy gì” rành mạch, minh triết về nơi mình đã đặt chân đến và nơi mình sống, bằng thứ “ngôn ngữ” là hình ảnh…, họ tự tạo ra sự khác biệt đầy thi vị mang đậm dấu ấn cá nhân.

Ngay từ nửa đầu của thế kỉ 20, các nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, Đỗ Huân, Mạnh Đan… đã sớm tham gia giao lưu, triển lãm ảnh quốc tế và thành tích của họ khi đó đã chứng minh, những nhà nhiếp ảnh người Việt Nam không hề kém cạnh với bạn nghề khắp năm châu. Thời chiến tranh chống Mĩ và sau ngày thống nhất đất nước, số người gửi ảnh đi dự thi ở nước ngoài ngày một đông đảo hơn như Văn Bảo, Mai Nam, Xuân Liễu, Long Thành, Ngọc Thái, Khắc Hường, Bá Hân, Hoàng Thế Nhiệm, Lý Hoàng Long, Nguyễn Dần, Duy Anh… Có những người nhiều năm được PSA bình chọn trong top những nhà nhiếp ảnh hàng đầu thế giới của năm như: Lê Hồng Linh, Đào Tiến Đạt… Thành tích họ đoạt được trên khắp các salon ảnh quốc tế phải kể đến hàng trăm giải thưởng các loại. Có người được nhận những tước hiệu rất cao, được FIAP phong là nghệ sĩ bậc thầy như Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn…

Độ mươi năm trở lại đây, do những nhiêu khê trong khâu kiểm duyệt ở Việt Nam đã được tháo bỏ nhiều và nhờ mạng internet, số người chơi ảnh quốc tế hàng năm có thể kể đến hàng trăm người tham gia và đặc biệt những người mới cùng lớp trẻ đã không hề tỏ ra kém cạnh: Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Ngọc Thạch, Nguyễn Vinh Hiển… Trong số họ có rất nhiều người bây giờ gần như chỉ chơi ảnh quốc tế mà không tham gia gửi ảnh dự thi ở trong nước nữa, có lẽ bởi họ là những người có cá tính… Họ phát triển nhanh, nổi trội vì luôn biết kết hợp năng khiếu bẩm sinh của cá nhân với thành tựu, kiến thức mà loài người tích hợp cho nhiếp ảnh. Mỗi người như đều đã có sẵn những bộ ảnh để thỏa mãn các salon quốc tế. Họ chia sẻ rằng, ở Việt Nam các Ban giám khảo mỗi “nhiệm kì” dường như chỉ đóng khung một ê kíp trải suốt từ Bắc vào Nam để đi chấm ảnh, có những thành viên giám khảo còn bị những “thí sinh” ưa hài hước qua mặt…; sự thẩm định cũng chênh lệch về trình độ…

Nói tóm lại, sân chơi trong nước từ lâu đã quá chật chội cho những nhà nhiếp ảnh có bề dày thành tích cao, có tài và ham học hỏi. Khi còn đủ tài lực, họ gửi ảnh dự thi ở nước ngoài, mục đích không gì khác là muốn “thử lửa” đứa con tinh thần của mình, để rồi ngày mai, tuần sau, tháng sau…, có một niềm vui chờ đợi từ một Ban giám khảo có uy tín, không quen biết, vô tư… về thành quả lao động của mình. Đại đa số họ, ảnh vào triển lãm hay có tên trong danh sách đoạt giải không còn là điều mới lạ, mơ ước hay cuồng lên vì vui sướng… Quan sát họ trao đổi thông tin với nhau, đôi khi ta chỉ thấy họ mỉm cười vì sản phẩm “thử nghiệm” đã được đánh giá ở mức nào? Còn phải điều chỉnh tiếp ra sao, trong khâu nào, của cả một quá trình tìm tòi sáng tạo.

Khi chơi ảnh bươn bả ở bên ngoài, các nhà nhiếp ảnh người Việt Nam đã học tập được rất nhiều ở bạn bè quốc tế, cả từ khâu chụp, đến khâu giải quyết hậu kì. Và họ sẵn sàng hy sinh những đồng tiền chắt chiu được để trả lệ phí dự thi (hơn 90% các cuộc thi quốc tế người tham dự phải nộp lệ phí và không nhận được chút gì gọi là quyền lợi vật chất). Những thứ mới lạ, những công nghệ tiên tiến của khắp năm châu đã được họ thu lượm về nước một cách thầm lặng. Và thật bất công nếu không ghi nhận là họ đã góp phần không nhỏ để nâng tầm chất lượng nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế chắc chắn không phải là nơi để tạo dựng “phong trào”. Khái niệm ấy chỉ có ở môi trường nhiếp ảnh Việt Nam. Mặc dù mỗi ngày trên thế giới có cả chục cuộc trển lãm quốc tế, nhưng những người hăng say nhất, chắc cũng chỉ dám gửi vài chục cuộc thi trong một năm. Một nhà nhiếp ảnh dám bơi ra biển lớn thì ngoài tiềm năng kinh tế ra, anh ta phải thực thụ có tài, còn không thì chỉ là “ném tiền qua cửa sổ”.

Qua nhiều năm theo dõi, tôi luôn khâm phục những nhà nhiếp ảnh đã dám dấn thân ở các sân chơi quốc tế, họ đã lặng lẽ chi phí rất nhiều để quảng bá những hình ảnh độc nhất vô nhị của đất nước Việt Nam xinh đẹp, mến khách và thanh bình. Họ chẳng đòi hỏi gì khi làm những việc mà lẽ ra Bộ Văn hóa phải thực hiện. Nếu những cơ quan chức năng thay mặt nhà nước không thưởng cho họ vì đã giành những danh hiệu cao quý ghi danh người Việt Nam ở mỗi cuộc thi ảnh quốc tế, thì mong một số bạn nghề và ai đó cũng đừng làm họ chạnh lòng, hay có ý quy kết những người vươn ra hòa nhập với bạn nghề khắp năm châu là hão huyền chạy theo tước hiệu, danh vọng… Và người tử tế yêu nước luôn phải biết mở lòng cười vui mỗi khi thấy hình ảnh của quê hương được “gắn nơ” trong những cuộc triển lãm ảnh quốc tế!

Sự hội nhập, trao đổi hình ảnh ở tương lai…

Làm người, vốn dĩ sự tò mò đã là bẩm sinh, nên những câu hỏi thường trực đại loại như: Cái gì? Thế nào? Ở đâu? Luôn khiến người ta bươn bả để tìm hiểu và kết quả là buồn vui với nó, sướng - khổ có khi cứ tự quàng vào thân. Nhưng ai sống ở thế kỉ 21 mà có thể tự khép mình để ẩn dật, để có thể không nhận vào và không cho đi(?). Giàu có như Bill Gates thì hàng ngày cũng chỉ hưởng một lượng calo không nhiều hơn một ông già thất nghiệp. Giữa lúc còn cảm nhận được niềm vui, ông ấy hiến phần lớn đống tài sản lương thiện của mình để tận hưởng hạnh phúc là thấy đồng tiền đã làm được những việc tử tế.

Một nhà nhiếp ảnh thường quý những khuôn hình mình thâu nhận được. Song họ cũng giống như một nhà thơ, là muốn được trải lòng với người thân những rung cảm của tâm hồn… Được khoe với bạn bè gần xa “đứa con tinh thần”, từ lâu cũng đã là một nhu cầu bản năng của người cầm máy. Một điều tưởng như nghịch lý, là những người tham gia giao lưu ảnh quốc tế thời gian càng dài, thành tích càng dày, họ lại như càng khiêm tốn hơn. Vậy là khi giao lưu ảnh với bên ngoài biên giới, người ta học được nhiều điều, nghiệp vụ vững vàng lên và tự thân họ đã trưởng thành. Với công nghệ hôm nay, loài người chợt như thấy mình gần gũi nhau hơn, và nhiếp ảnh đã khiến bao người tìm đến nhau để chia sẻ cái bắt tay? Rồi khi cả thế giới ai cũng được sở hữu một thiết bị ghi hình, thì “ngôn ngữ” kết nối của tương lai phải chăng sẽ là những hình ảnh?

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy