Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:54 (GMT +7)

Nhiệm kỳ Quốc hội 13 và dấu ấn đại biểu Thái Nguyên

VNTN - Sau hơn 20 ngày làm việc, sáng 12/4 vừa qua, Quốc hội khóa 13 đã bế mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ - kỳ họp mà theo đánh giá của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Chiếm phần lớn thời gian và cũng là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này chính là việc kiện toàn nhân sự với sự kiện cả Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lần đầu tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Chính phủ cũng có đến 21 trong số 27 thành viên là người mới được phê chuẩn, chỉ có điều không có vị nào là phụ nữ.

Đại biểu Quốc hội Khóa 13 tiếp xúc cử tri      Nguồn: Báo Thái Nguyên

Nhưng nhân sự mới của Quốc hội thì khác. Bên cạnh tân Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, ba nữ đại biểu vừa trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khoá 12 cũng đã được giao trọng trách mới - chủ nhiệm ba Ủy ban của Quốc hội.

Trong đó, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đắc cử uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp với số phiếu thuận cao nhất trong ba vị.

Đây là kết quả đã được dự đoán trước. Bởi cả nhiệm kỳ qua, mỗi lần cái tên Lê Thị Nga - đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên xuất hiện trong danh sách các vị đăng ký phát biểu ở các phiên thảo luận toàn thể đều thu hút sự chú ý của cả đại biểu và báo chí.

Bởi, bà là một trong số không nhiều các vị đại diện cho dân không sa vào lối mòn của cách phát biểu mở đầu là “cơ bản tán thành với các báo cáo”, sau đó “tuy nhiên còn một số hạn chế…”.

Mà, mỗi lần xuất hiện, đại biểu Lê Thị Nga đều chỉ chọn một vấn đề, đề cập toàn diện, phân tích nhiều chiều, sâu sắc và thuyết phục từ hiện trạng, hệ quả, hành lang pháp lý đến hạn chế trong tổ chức thực hiện, nguyên nhân và cách khắc phục.

Những vấn đề đã được đại biểu Lê Thị Nga đề cập không chỉ riêng ở riêng lĩnh vưc tư pháp. Như, cần chỉ ra những nhóm lợi ích liên quan đến ODA  - nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, thảm án liên tiếp và những thiếu sót ở tầm vĩ mô, và gần đây nhất là thực phẩm bẩn đẩy dân vào thế lưỡng nan…

Các chất vấn của nữ đại biểu này cũng rất sắc sảo, với tinh thần “truy” tận cùng trách nhiệm.

Nhưng, không chỉ đầy trách nhiệm khi nói, mà hành động của nữ đại biểu Lê Thị Nga cũng rất đáng nể.

Không phải vô cớ mà "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén phát biểu khi nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã dành riêng một dòng để “cảm ơn bà Lê Thị Nga, Đại biểu Quốc hội”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên các thời kỳ thăm Văn phòng Quốc hội

Nguồn: quochoi.vn

Nhưng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên không chỉ có đóng góp của mình đại biểu Lê Thị Nga được cả đại biểu và cử tri ghi nhận.

Nhìn lại cả 5 năm, Trưởng đoàn đại biểu Trương Thị Huệ -  khái quát, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành nhiệm vụ.

Theo quan sát của người viết, so với mặt bằng chung của nhiều đoàn đại biểu Quốc hội khác thì đoàn Thái Nguyên có phần nổi trội.

Bên cạnh đại biểu Lê Thị Nga, nghị trường còn rất quen với sự xuất hiện của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Không quá “chau chuốt” ngôn từ gây sốc, những phát biểu của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đều rõ chính kiến, quan điểm, đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống và đòi hỏi của cử tri, không vòng vo, không né tránh.

Đặc biệt, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng rất cởi mở với báo chí, góp phần không nhỏ làm cầu nối giữa Quốc hội với cử tri.

Khá điềm tĩnh, thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân khu I cũng không xuất hiện quá nhiều trong các phiên thảo luận, nhưng ông đã nói là thể hiện sự nghiên cứu công phu, nắm chắc vấn đề và tỏ rõ chính kiến. Thẳng thắn, đó cũng là phong cách của nữ Trưởng đoàn Trương Thị Huệ mỗi khi góp ý hoàn thiện dự án luật hay bàn thảo về những nội dung khác tại nghị trường.

“Lâu nay cử tri, nhân dân rất bức xúc về việc cứ thành tích thì cá nhân được hưởng là rất rõ, nhưng khuyết điểm thì lại đổ lỗi cho tập thể”, bà đã từng nhận xét như thế, và được nhiều đại biểu khác đồng tình.

Nói sao cho thuyết phục, cho đúng vai trò đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất đã là rất rất khó, nhưng đôi khi không nói lại còn “khó” hơn.

Bởi, mỗi phiên thảo luận đều có giới hạn, không thể đủ thời gian cho tất cả các vị đăng ký phát biểu đều có thể đăng đàn. Vì thế, người Trưởng đoàn đôi khi dù đã chuẩn bị rất chu đáo ý kiến tham gia thảo luận vẫn “nhường” cho thành viên khác của đoàn. Trưởng đoàn còn là người phải góp phần mang lại hiệu quả cao nhất cho mỗi lần xuất hiện của các thành viên trong đoàn, cho mỗi đóng góp của cá nhân và của cả đoàn vào hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội.

Và vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã làm được điều khó đó.

Phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 13, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, khoảng thời gian năm năm đó, các vị đại biểu đã gắn bó với Nhân dân, trăn trở về những bức xúc trong cuộc sống của người dân, cố gắng sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, chủ động, tích cực đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

Đó cũng là những điều các vị đại biểu Quốc hội là người Thái Nguyên hay được ứng cử ở Thái Nguyên đã làm được. Đa số trong số họ sẽ không tiếp tục ứng cử ở khóa mới. Chỉ còn hai vị tiếp tục được giới thiệu tái cử là Chủ nhiệm Ủy  ban Tư pháp Lê Thị Nga và thiếu tướng Phan Văn Tường. Dù đa số thành viên của đoàn là mới, nhưng cử tri vẫn có quyền hy vọng và đòi hỏi địa danh Thái Nguyên luôn xuất hiện cùng với tên tuổi các vị đại biểu thực sự đại diện cho nhân dân.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy