Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:16 (GMT +7)

Nhẹ nhõm về miền an lạc

VNTN - Giữa năm 2013, lần đầu tiên tôi có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh. Những điều tôi biết về ông trước đó, chỉ tóm trong một câu ngắn gọn: Ông là người có công rất lớn đi tìm và giải mã bí ẩn lịch sử về quê hương của Lý Bí - vị vua đầu tiên của nhà tiền Lý và nước Vạn Xuân. Chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều chuyện, về hành trình hơn 20 năm ròng rã cặm cụi kiếm tìm sử cứ; chuyện dạy học, nghiệp văn chương… Tôi thắc mắc rằng, danh xưng các “nhà” mà người ta gọi ông: nhà giáo, nhà thơ, nhà nghiên cứu, liệu có quá nhiều? Ông cười sảng khoái, dí dỏm bảo: Nhà gì nghe cũng to, hay và sướng lắm, chỉ mỗi “nhà ở” là ọp ẹp thôi.

 

Ông chẳng quan trọng chuyện người ta gọi mình là nhà gì, chỉ khiêm tốn nhận là nhà giáo. Ông bảo, đó là một danh xưng giản dị và đúng tầm với một đời giữ trọng trách làm “người đưa đò”. Ngôi nhà cấp bốn 3 gian cũ kỹ, nhỏ hẹp nhưng gọn gàng ngăn nắp. Không gian tôi ấn tượng nhất là góc buồng cạnh cửa sổ - nơi đặt một chiếc bàn cũ, cạnh đó là một chiếc tủ gỗ đã bung cánh, ông để khá nhiều sách. Góc nhỏ ấy là nơi nhà giáo ngày đêm soạn giáo án, sau nữa là nghiên cứu lịch sử, làm thơ. Nhìn nó, rồi nghe ông tự hào kể về những lớp thế hệ học trò thành đạt, mới hay suốt bấy nhiêu năm qua, ông đã vui vẻ thế nào khi làm một ông giáo nghèo nhưng luôn giữ khí chất liêm khiết, sống và không thẹn với lòng bao giờ.

Khi đó ông đã ngoài 80, nhưng tư duy và nhiệt huyết thì rất “trẻ hóa”, hiếm người nào ở ngưỡng tuổi ấy có được. Thời điểm đó, ông đã có khoảng 70 đề tài lịch sử được nghiên cứu, trong đó có hai cuốn giáo trình Lịch sử thế giới hiện đại dùng giảng dạy trong trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc. Những sản phẩm ông dày công nghiên cứu đã được nhiều thế hệ học trò tiếp nhận. Ông cũng trực tiếp giúp đỡ cho nhiều học trò làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ về văn hóa dân gian thành công… Cặm cụi nghiên cứu, xác định gốc tích quê hương của Lý Nam Đế bắt đầu từ năm 1991, ông đã tự đưa mình vào thế khó, bởi mười lăm thế kỷ trôi qua đã không ai chịu lý giải. Cũng sợ mình “mò kim đáy bể”, nhưng ông tâm niệm đó như là một món nợ với lịch sử mà hậu thế cần phải trả, giờ không làm thì sau này sẽ chẳng ai làm nữa. Nghe ở đâu có thông tin liên quan đến Lý Bí là ông tìm đến. Gói ghém từng đồng lương hưu ít ỏi, ông có những chuyến đi thực địa kéo dài cả tháng trời, rong ruổi với chiếc xe đạp cũ đã dùng mấy chục năm… Kết quả cho bao tháng ngày ông lao tâm khổ tứ, là một hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia “Một số vấn đề về Vương triều tiền Lý và quê gốc của vua Lý Nam Đế” được diễn ra vào tháng 10/2012, mà ở đó, các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đã công nhận những nghiên cứu của ông là khoa học, sát hợp nhất để lý giải về quê hương hoàng đế đầu tiên của nước ta.

Sau này, tôi có dịp gặp lại ông thêm mấy lần trong những hoạt động của Hội VHNT tỉnh. Lần nào gặp ông cũng là cái siết tay thật chặt, ông ôn tồn hỏi han, còn nêu ra tên vài bài viết mới nhất của tôi, đưa ra nhận xét rất thẳng thắn, chân tình. Lần nào cũng hẹn “hôm nào xuống chơi với bác, ăn với bác bữa cơm rau nhá”. Nhớ đến ông và lời hẹn trong nhiều lần tác nghiệp ở Phổ Yên, nhưng lúc thì ngược đường, lúc lại mải mê theo việc, nên cứ lần lữa mãi chẳng ghé được.

Những ngày giáp tết 2018, tôi được cùng lãnh đạo cơ quan Hội VHNT đi chúc tết và tặng quà các hội viên cao tuổi. Lúc ấy ông đã được các con đưa về thành phố Sông Công chăm sóc vì sức khỏe yếu. Bị tai biến, cơ bản chỉ ở yên một chỗ, ông vẫn nghe được điện thoại và chỉ đường cho chúng tôi. Trí nhớ suy giảm nhiều, gợi chuyện nhắc tên cũng chỉ còn nhớ loáng thoáng. Chúng tôi chẳng dám ngồi lâu vì sợ ông trò chuyện nhiều sẽ mệt. Dù thân thể mệt mỏi nhưng ánh mắt ông vui vẻ và tươi tỉnh, cái siết tay thân thuộc của ông khi chào tạm biệt, đến giờ tôi vẫn nhớ.

Biết rằng rồi sẽ có ngày ông phải rời cõi tạm này, nhưng nghe tin dữ lòng cứ man mác xót xa. Nhớ ông, lại nhớ những điều ông bộc bạch, rằng đời ông đã sống với nhiều hoài bão “mơ mộng”, đã tận hiến và làm những điều không tưởng. Xin gửi một nén tâm nhang tiễn ông nhẹ nhõm về miền an lạc, tôi tin ông đã thỏa nguyện với một hành trình sống trọn vẹn của cuộc đời. Những điều thiện lành ông đã “cho đi”, sẽ còn mãi!

LÊ ĐÌNH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục