Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: “Hương đồng gió nội” liệu có… “bay đi”?
VNTN - Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh ra biết bao anh hùng, trong đó có những người phụ nữ kiệt xuất. Những cái tên lẫy lừng như: Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Huyền Trân Công chúa, Nguyễn Thị Duệ… đã được lưu danh sử sách. Trong kháng chiến chống Pháp, những nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên...; thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là những nữ anh hùng: Nguyễn Thị Định, Trần Thị Lý, Ngô Thị Tuyển.... Và ngày nay, nhiều phụ nữ đã và đang giữ cương vị lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, họ đã có nhiều đóng góp đáng kể cho đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong tiến trình đổi mới và hòa nhập quốc tế, chúng ta đã thu được những thành quả to lớn, đáng tự hào. Bộ mặt đất nước thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Cùng với đó, thế hệ trẻ trong đó có các nữ sinh đã được thụ hưởng những thành quả đó, họ được học hành quy củ và bài bản hơn xưa. Một bộ phận còn được đi du học tại các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Singapore..., mang về những kiến thức khoa học tiên tiến và những giá trị tinh hoa của nhân loại, bồi đắp cho nền tri thức nước nhà - đó là điều không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, phải chăng do bùng nổ thông tin, sự giao lưu trong nước và quốc tế rộng rãi về kinh tế, giáo dục, ngoại giao, văn hóa (phim ảnh, ca nhạc)... mà những thuần phong mỹ tục của ông cha ta từ ngàn xưa có phần bị mai một và trở nên lạc hậu? Bên cạnh nhiều nữ sinh vượt khó vươn lên, có chí tiến thủ trong công tác, học tập, lao động, tu dưỡng đạo đức, biết đối nhân xử thế, thì một bộ phận còn bị phàn nàn, chê bai.
Tôi đã được chứng kiến nhiều chuyện khiến bản thân phải suy nghĩ. Đó là việc mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu do bất đồng lối sống, nếp sinh hoạt… Chẳng hạn như con dâu vô ý phơi đồ lót trước cửa nhà; hoặc con dâu ngủ dậy muộn không chịu nấu ăn sáng cho bố mẹ chồng, bỏ bê nhà cửa không chịu dọn dẹp; hoặc con cái nóng giận, không kiềm chế đã mắng chửi con trước mặt bố mẹ; rồi con cái đi làm về chỉ chăm chăm vào điện thoại mà không quan tâm, hỏi han bố mẹ... Những điều tưởng chừng nho nhỏ ấy mà cũng khiến mối quan hệ gia đình dần rạn nứt do thiếu sự chia sẻ, thông cảm và dạy bảo chân thành.
Bà Ly có hai đứa con gái, đứa lớn ở Hà Nội, đứa thứ hai lấy chồng được bố mẹ cho đất làm nhà ngay cạnh, vậy là ông bà lại phải bận tâm. Bà phàn nàn với tôi: Chán lắm bác ạ, con này nó lười lại vô tâm, chả bù cho con chị tí nào. Ông Đăng thấy vợ nói vậy bèn chỉ vào đứa cháu bên cạnh và nói: hồi thằng này mới được hơn 1 tuổi, có bận bị sốt cao, hơn 9 giờ tối, bà nhà tôi và bố mẹ nó phải đưa sang bệnh viện. Khoảng một giờ sau thấy bố mẹ nó về. Tôi nghĩ chắc bệnh viện đông, phải nằm ghép nên bà ấy “đuổi” chúng nó về. Sáng hôm sau tôi sang viện thăm cháu, cô y tá trực đêm ấy nói gay gắt: bác về bảo con dâu, ai lại trời rét căm căm, con thì sốt mà mẹ nó không ở lại trông con, kệ mình bà. Đêm cháu nó sốt làm bà vất vả vừa bế cháu vừa đi tìm bác sĩ. Sao mà mẹ nó đụt thế, con ốm lại để cho bà trông mà bỏ về ngủ được thì cháu cũng chịu. Tôi vào phòng hỏi: Bà đuổi chúng nó về à? Thì bà ấy nói, xong thủ tục thì chúng nó tự về chứ nào ai đuổi.
Vợ chồng ông Bạo lại thường xuyên phàn nàn vì con dâu lười, không biết tổ chức gia đình. Bà rất bực, nhưng chẳng mấy khi nói trực tiếp với con dâu mà chỉ lục bục ở trong miệng. Từ việc đưa đón cháu đi học, đến đi chợ, rồi trồng rau, đi nộp tiền điện, nước, tắm cho hai đứa, nấu cơm... ông bà đều lo cả. Đi làm về chúng nó chỉ việc tắm rồi ăn cơm, ăn cơm xong chỉ còn một việc là rửa bát. Ông Bạo cũng góp ý với các con nhiều lần, nhưng đâu vẫn đóng đấy, ông bà cám cảnh: Ôi dào, đã là dâu con nhà mình rồi, đuổi thì không đuổi được, dạy mãi không xong, thôi thì đành phải “sống chung với lũ” vậy…
Chưa có cuộc điều tra hoặc khảo sát nên không biết số cháu nữ sinh bị cho là hư, là lười chiếm bao nhiêu phần trăm. Nếu nhìn rộng ra ngoài xã hội thì thấy, ngày nay đa phần các cháu được học hành, được tiếp xúc với xã hội văn minh qua thực tế và qua các phương tiện như: Internet, ti vi, máy tính, điện thoại thông minh... nên kiến thức của các cháu hơn hẳn các lớp cha anh ngày trước. Nhưng có một nghịch lý là ý thức của một bộ phận lại tỷ lệ nghịch với những hiểu biết ấy. Phải chăng ngày xưa do mức sống còn thấp, do phải băm bèo, thái chuối, nấu cám, chăn lợn, do phải cùng mẹ xay thóc, giã gạo nên các cháu chăm chỉ, thức khuya dậy sớm? Nhiều người cho rằng, ngày nay một bộ phận nữ sinh tuy có trình độ nhưng lại không có kỷ luật, sống tự do, buông thả. Ngày xưa không hề có hiện tượng nữ sinh mặc quần “siêu ngắn” ra chỗ đông người, nơi tập thể, thì nay lại tương đối phổ biến. Không hiếm trường hợp diễn viên lên sân khấu đã ăn mặc “quá nghèo” gây phản cảm trong công chúng. Khi xem những chương trình này, người ta nghĩ đó là những phiên bản được nhập từ nước ngoài...
Theo một chương trình chuyên đề về xã hội thì ngày nay tỉ lệ nạo, phá thai ở nữ sinh, bao gồm cả lứa tuổi vị thành niên ngày càng có xu hướng gia tăng. Ngày nay những trường hợp nữ sinh “sống thử cho biết” ngày càng nhiều. Dư luận hẳn chưa quên, năm trước báo chí đã đưa tin một nữ sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội, chỉ vì “thử cho biết” nên đã để lại hậu quả. Và đã dại dột giải quyết hậu quả bằng cách vứt đứa trẻ vừa sinh từ nhà cao tầng xuống đất. Thật không thể tin nổi!
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Tuy vậy, việc giáo dục truyền thống “anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đối với các thế hệ trẻ ngày nay - nhất là với các cháu nữ sinh không thể dập khuôn hoàn toàn theo nếp cũ, mà phải có cách tiếp cận mới cho phù hợp với xu thế thời đại. Nhưng làm thế nào để hòa nhập mà không hòa tan? Đã đến lúc cộng đồng Việt cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát, giáo dục, định hướng nhận thức và hành vi của giới trẻ, để hạn chế sự “bay đi” của những “hương đồng gió nội” - những truyền thống tốt đẹp, sự nết na của các cô gái Việt Nam duyên dáng, hiền thục mà ông cha ta đã bao đời rèn giũa.
Nguyễn Đình Thưởng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...