Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn... khu vực VB7+
(Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, được sự nhất trí và giao nhiệm vụ của UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện quy định chung của Nhóm liên kết xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật khu vực Việt Bắc (gọi tắt là VB7+) của 9 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh về việc luân phiên tổ chức Hội thảo văn học nghệ thuật hàng năm, hôm nay Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Nhóm VB7+ và Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”.
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, tôi xin trân trọng chào mừng sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đại diện Hội VHNT các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc; đại biểu các ban ngành đơn vị; cán bộ hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, đại diện các hội thành viên cùng toàn thể quý vị đã về dự Hội thảo.
1. Nói đến văn hóa đặc trưng của vùng Việt Bắc là nói đến một kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú, độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, Cao Lan - Sán Chay, Sán Dìu…; là nói đến các loại hình nghệ thuật dân gian tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có lịch sử lâu đời và kết tinh những giá trị độc đáo, phản ánh tính đa dạng văn hóa và sức sáng tạo dân gian. Từ đời sống lao động sản xuất, từ tín ngưỡng, phong tục tập quán đặc trưng của từng dân tộc, cộng đồng các dân tộc Việt Bắc đã sáng tạo và đóng góp vào kho tàng văn hóa nước nhà những di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý báu. Tiêu biểu là nghi lễ Then của người Tày, các điệu Nàng ới, Lượn, Sli của người Nùng, Páo Dung - Pả Dung của người Dao, múa Tắc Xình của người Sán Chay, những điệu Khèn và Gầu tào của người HMông, múa trống đồng của người Lô Lô … và những loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc khác mang tính bản địa - tộc người. Cùng với đó là sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền, các tộc người do những biến động của lịch sử tạo nên những cuộc dịch chuyển dân cư lớn đem theo những giá trị văn hóa khác biệt, vừa giữ được những giá trị bản nguyên như sự xuất hiện nghệ thuật Chèo, Kịch nói, Cải lương của người Kinh, vừa tạo sinh những giá trị mới như tuồng Dá Hai Cao Bằng, múa rối Tày Định Hóa - Thái Nguyên …
Có thể nói, sự đặc sắc của các loại hình nghệ thuật biểu diễn góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa, làm nên “tấm thẻ căn cước” của từng dân tộc, đồng thời tạo ra sự đa sắc văn hóa bền vững nhiều thế kỷ qua ở miền núi vùng cao Việt Bắc.
Bước sang thế kỷ 21, như một quy luật khách quan của nhân loại xu thế toàn cầu hóa kinh tế, toàn cầu hóa văn hóa diễn ra ngày càng sâu rộng. Cùng với những ảnh hưởng tích cực của các xu thế này, chúng ta hàng ngày hàng giờ chứng kiến hiện tượng xâm thực văn hóa, xâm lấn văn hóa và cao hơn nữa là xâm lăng văn hóa từ các nước lớn, cộng đồng dân cư lớn. “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc” (Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”).
Ở thời kỳ của kinh tế thị trường, kỹ thuật số và công nghệ phát triển, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông hiện đại (như truyền hình, internet và mạng xã hội) chiếm ưu thế, tạo ra sự khác biệt về thị hiếu và giá trị thẩm mỹ cộng đồng, thì nghệ thuật truyền thống cũng như các loại hình nghệ thuật khác phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự mai một về ngôn ngữ bản địa, nhiều di sản văn hóa truyền thống trong đó các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống bị thu hẹp dần trong tâm thức sáng tạo và tiếp nhận của cộng đồng. Mặc dù Đảng, Nhà nước cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc thay đổi cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, chính sách giáo dục đào tạo, chính sách ưu đãi nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật… nhưng sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó đối với hệ thống quản lý văn hóa và giới văn nghệ sĩ.
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc cũng không nằm ngoài bài toán khó ấy.
2. Là cộng đồng đại diện cho giới sáng tạo nghệ thuật của khu vực Việt Bắc trong những năm qua, với mong muốn nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại từ góc độ các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Hội VHNT các tỉnh trong nhóm VB7+ đã thống nhất chọn chủ đề và cùng nhau tổ chức Hội thảo.
Mục tiêu nhóm VB7+ đặt ra là thông qua Hội thảo để nhận diện, đánh giá về những tinh hoa, bản sắc, giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống khu vực Việt Bắc, cụ thể là 04 chuyên ngành: Múa, Sân khấu, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến giải, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn về xu hướng, sự vận động, phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống khu vực Việt Bắc trong thời gian tới; đề xuất những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để bảo tồn và phát huy giá trị đó trong đời sống đương đại, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đời sống văn hóa - tinh thần khu vực Việt Bắc. Hội thảo sẽ góp phần bổ sung tri thức khoa học để các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong khu vực Việt Bắc báo cáo, tư vấn với các cơ quan chức năng trong việc ban hành những chính sách phù hợp để phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống trong tình hình mới. Đồng thời, đây cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
Trên tinh thần đó, những nhóm nội dung chính được đặt ra là:
- Về một/một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc sắc, mang đậm dấu ấn của địa phương.
- Về đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tỉnh nhà - những thuận lợi và khó khăn.
- Vị trí, vai trò của Hội Văn học nghệ thuật các cấp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại.
- Đề xuất các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại.
Sau hai tháng chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 17 tham luận của 9 Hội VHNT tham gia. Bộ tham luận tương đối đồng đều về chất lượng, với đầy đủ 4 lĩnh vực: Văn nghệ dân gian, Múa, Sân khấu, Âm nhạc. Tham luận bám sát chủ đề, giúp độc giả có những hình dung khá cụ thể, rõ ràng về chủ đề của Hội thảo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, giàu tâm huyết và tinh thần khoa học nghiêm túc của tác giả.
- Ở nhóm nội dung thứ nhất, Về một/một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc sắc, mang đậm dấu ấn của địa phương. Các Hội đã lựa chọn và giới thiệu đến Hội thảo những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc trưng của tỉnh mình. Từ đó góp phần tạo nên một bức tranh tương đối đa sắc màu, với những đường nét ấn tượng, độc đáo về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vùng Việt Bắc: Then, Páo Dung, Sli, Chèo, Tuồng Dá Hai, Tắc Xình, …. Cung cấp cho những người tiếp cận nguồn tri thức, thông tin hữu ích, quý giá về đặc trưng các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vùng Việt Bắc – lĩnh vực nhiều ý nghĩa nhưng dường như còn chưa được quan tâm đúng mức, cần được khai phá/ khai thác mạnh mẽ, sâu sắc hơn.
- Ở nhóm nội dung thứ hai, Về đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tỉnh nhà - những thuận lợi và khó khăn. Đồng thời với việc nhận diện giá trị của loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tác giả của các tham luận cũng cung cấp thông tin khá cụ thể về nguồn nhân lực hiện đang làm chủ thể sáng tạo và quảng bá các loại hình nghệ thuật đó. Ở nội dung này cho thấy, bên cạnh những thông tin ấm sáng như Bắc Giang có một Nhà hát Chèo với hơn 50 nghệ sĩ diễn viên, nhạc công; có 18 Câu lạc bộ hát Chèo ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh, thì hầu hết đều chia sẻ những băn khoăn lo lắng về sự mai một của đội ngũ nghệ nhân, sự thiếu vắng các tài năng trẻ, cùng những khó khăn về cách thức hoạt động, sự biến động về tổ chức bộ máy (việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào trung tâm văn hóa nghệ thuật) dẫn đến giảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ sáng tác, quảng bá…
- Ở nhóm nội dung thứ ba, Vị trí, vai trò của Hội Văn học nghệ thuật các cấp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại. Nội dung này rất tiếc lại ít được đề cập. Chỉ có tham luận của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh bám sát và chia sẻ những kinh nghiệm đã làm cùng những vấn đề đang được đặt ra.
- Ở nhóm nội dung thứ tư, Đề xuất các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại. Nội dung này được các tác giả dành nhiều quan tâm. Các tham luận rất chú trọng đưa ra những giải pháp vừa có điểm, vừa có diện, vừa mang tính vi mô, vừa ở tầm vĩ mô, vừa lý luận vừa thực tiễn… chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm quý báu, có thể đề xuất với các cấp, cơ quan, đơn vị hữu quan để góp phần giải quyết tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này.
3. Tiếp nối bộ tham luận đã được chuẩn bị hết sức công phu, tại diễn đàn Hội thảo hôm nay, chúng tôi trân trọng đề nghị:
Các quý vị đại biểu đại diện các hội, các cơ quan đơn vị tiếp tục đóng góp những số liệu, dẫn chứng thực tiễn trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Cùng với những nội dung trên, Ban tổ chức Hội thảo cũng trân trọng đón nhận những nội dung khác do các đơn vị đề xuất, phù hợp với chủ đề Hội thảo.
Đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân tham dự Hội thảo, chúng tôi đề nghị các quý vị đóng góp ý kiến về những thành công, những hạn chế, những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân từ góc độ sáng tác, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống khu vực Việt Bắc; đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các loại hình này.
Và sau cùng, chúng tôi mong muốn Hội thảo sẽ đem đến những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc, từ đó chuyển hóa thành mục tiêu, chương trình hành động của các Hội VHNT khu vực VB7+, gắn với các kế hoạch hoạt động cụ thể để đội ngũ hội viên cùng tập thể các Hội phát huy mọi khả năng của mình, tham gia tốt nhất việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc gắn với đời sống của con người Việt Bắc đương đại.
Giáo sư Trần Văn Bính, một nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu của nước Việt từng viết: “Sau lưng chúng ta là nghìn năm văn hiến Đại Việt rực rỡ, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp nối truyền thống đó để xây dựng và phát triển văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, mà khởi đầu của nền văn hóa đó đã một thời trở thành đỉnh điểm của lương tri nhân loại. Những gì mà cha ông ta đã làm được, những gì mà thế hệ cách mạng tiền bối do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã làm được, phải là bài học lớn cho tất cả chúng ta hôm nay để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến giàu bản sắc dân tộc”. (Đột phá khẩu để xây dựng và phát triển nền văn hoá - Trần Văn Bính. Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn)
Xin mượn ý câu nói của giáo sư Trần Văn Bính: sau lưng chúng ta là nền văn hóa nghệ thuật Việt Bắc vô cùng đặc sắc mà tổ tiên các tộc người trên mảnh đất thiêng liêng này để lại. Nhiệm vụ của chúng ta là giữ gìn, vun đắp, hoặc ít nhất là làm chậm lại quá trình mai một của nó, kiên trì giữ gìn, bảo vệ để còn trao truyền những giá trị đẹp đẽ nhất của nó cho các thế hệ con cháu mai sau.
Với nội dung và ý nghĩa đó, Ban Tổ chức và đoàn chủ tọa Hội thảo kính mong các đại biểu, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp những ý kiến quý báu, tâm huyết và có hiệu quả đối với chủ đề mà chúng ta tâm đắc.
Xin trân trọng cảm ơn và chúc các đại biểu sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Nguyễn Thúy Quỳnh
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...