Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
01:50 (GMT +7)

Nhà giáo, “lễ tân” và “đòi nợ”

VNTN - 1. Những ngày qua, dư luận xã hội ồn ào việc Phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh điều động cán bộ, giáo viên nữ trẻ đẹp để làm “lễ tân” trong các ngày lễ, nhưng sau đó, các cô giáo trẻ đã bị một số người bắt buộc hoạt động sai mục đích (tiếp khách ăn uống, bia rượu, hát hò…). Có những luồng dư luận trái chiều về sự việc này. Nhiều người cho rằng giáo viên nữ đi làm lễ tân phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội - văn hóa của địa phương là chuyện bình thường, không có gì phải ầm ĩ cả, báo chí truyền thông làm rối lên thôi. Rất nhiều người khác phản bác, cho rằng việc làm này là sai chức năng nhiệm vụ của giáo viên và ngành giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động chuyên môn và hình ảnh các cô giáo trong đời sống xã hội.

Sự việc được đưa tới tận diễn đàn của kỳ họp Quốc hội, và chỉ lắng xuống khi đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực trả lời là “rất không tốt”, còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có công văn nói rõ quan điểm của Bộ rằng, việc bố trí giáo viên đi làm công việc gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người giáo viên và các công việc chuyên môn là không phù hợp; đề nghị “Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, kiểm tra làm rõ thông tin, chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời. Chính quyền Hà Tĩnh cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao”.

2. Cũng trong thời gian này, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn để bạn đọc, đặc biệt là các thầy cô giáo trao đổi xung quanh việc họ phải lĩnh trách nhiệm thu các loại tiền quỹ trong nhà trường, thu hút hàng trăm ý kiến tham gia.

Trên thực tế, cũng không biết từ khi nào, các giáo viên chủ nhiệm mặc nhiên trở thành người đứng thu các loại tiền, từ các khoản bắt buộc theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế đến các khoản thu mang tên “xã hội hóa” như quỹ cha mẹ học sinh, quỹ khuyến học, quỹ lớp, quỹ đội, tiền đồng phục học sinh, tiền mua trang thiết bị học tập và giảng dạy…

Qua tiếp xúc, các giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở nhiều trường học trong tỉnh Thái Nguyên đều nói: không có bất cứ một văn bản nào của ngành, địa phương hay nhà trường quy định họ có nhiệm vụ này, nhưng như thể một luật lệ bất thành văn, cứ vào dịp đầu năm học, kỳ học là văn phòng nhà trường phát các bản hướng dẫn thu đến tận tay họ, và họ buộc phải thu, giữ, ghi chép các tiền đã thu để nộp cho bộ phận tài vụ; phải nhắc nhở, “đòi nợ” nếu học sinh nộp chậm hoặc nộp thiếu; thậm chí phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thất thoát hoặc sai sót.

Chưa kể ở một số trường, việc thu và nộp đúng hạn các khoản cũng là một trong các tiêu chí… xét thi đua, đánh giá thầy cô, theo báo Tuổi Trẻ.

Vậy là trên phạm vi cả nước, các nhà giáo, những người có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh lại phải kiêm thêm việc không thuộc chức năng nhiệm vụ của họ. Việc để thầy cô bị chi phối về những quan hệ liên quan đến tiền nong với học trò và phụ huynh ít nhiều ảnh hưởng đến tiếng nói, uy tín của họ trong công tác giáo dục.

“Người giáo viên phải được làm đúng chuyên môn của mình. Bất kỳ sự điều động hay yêu cầu giáo viên làm công việc gì khác cũng phải được sự đồng ý của họ, không thể bắt ép. Tôi phản đối chuyện bắt giáo viên phải thu tiền, thu phí”, một thầy giáo ở thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên báo.

3. Sự việc “giáo viên đi làm lễ tân” ở Hà Tĩnh và cuộc trao đổi về chuyện giáo viên phổ thông phải thu tiền, phải “đòi nợ” học sinh trên báo Tuổi Trẻ đã đặt ra cho các cơ quan Nhà nước cũng như dư luận xã hội vấn đề xem xét lại việc sử dụng người giáo viên sai chức năng nhiệm vụ. Bởi những chuyện đó không phải là cá biệt,  không chỉ diễn ra ở một địa phương, không chỉ ở mỗi cấp huyện.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục và đào tạo cần có quy định rõ ràng về những việc này, trên tinh thần tôn trọng và tạo mọi điều kiện cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo Luật Giáo dục; giảm bớt những gánh nặng phi lý, có cơ chế tốt hơn để nhà giáo không phải bận lòng với những việc không thuộc về chức năng nhiệm vụ của họ, để tập trung làm tốt sứ mệnh của những người “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” (theo Điều 14, Luật Giáo dục).

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy