Nhà chồng
VNTN - Nó sắp đến ngày sinh. Bụng tròn lủng như cái thúng bé. Công chúa đầu lòng tha hồ thương mẹ. Nó cười toét thông báo với tôi. Mẹ chồng nó túc trực ở nhà nó hơn tuần rồi. Bà đi ô tô khách lên thành phố mà quẩy theo cả gánh hàng. Một bên là cái móng giò lợn, mấy con gà giò. Một bên rau đủ loại. Rau ngót bẻ cả cành. Rau tía tô bứt ngọn non một túi to. Của nhà trồng cả, sạch lắm.
Rau tía tô để làm gì? Tôi hỏi bà. Bà vấn lại cái khăn đen sờn hết lớp nhung, dém đám tóc trắng lưa thưa gọn gàng, thong thả lấy hai ngón tay quệt nước trầu ngang mép, giải thích:
- Nhà quê chúng iem từ xưa đến giờ, cứ gái trở dạ là uống nước tía tô bác ạ. Cho nó đỡ đau. Trước ngày cho con tiêm phòng, mẹ cứ uống lá tía tô, con bú sữa sẽ không đau đớn gì cả, bác sĩ tiêm mà nó lại cười. Từ ngày con dâu có chửa, nhà iem trồng hửn một luống tía tô, không phun phiếc gì, chỉ tưới rặt nước lã, sạch lắm bác ạ…
Hóa ra cái mẹo giảm đau của nhà quê hay thật, cháu tôi lên bàn đẻ, rặn một hơi là con tọt ra, chẳng đau đớn quằn quại cả ngày trời như tôi ngày xưa. Tôi vào phòng sản phụ thấy mẹ chồng nó đang bón cho bát cháo thịt băm thơm nức mùi tía tô. Chồng nó hãnh diện bế con khoe tôi. Con nó môi đỏ chót, mũi cao thẳng tắp.
Hồi nó đưa người yêu về báo cáo bố mẹ, họ nhà tôi như gặp hạn. Tưởng thế nào, nó chọn chồng nhà quê. Bố mẹ chồng ở tận lũng núi xa lơ xa lắc. Mà già cả bệnh tật, nhà cửa gió lùa, trồng cấy chăn nuôi tự cung tự cấp. Nó là con gái thành phố, được ăn học, có nhan sắc. Anh chị tôi thở dài sườn sượt, bữa cơm ra mắt buồn thiu thỉu. Nó bảo: Chúng con yêu nhau, sướng hay khổ con xin chấp nhận. Ừ thì thôi. Cuộc đời này là của con cơ mà. Mẹ nó gạt nước mắt cười gượng. Rồi cháu tôi lên xe hoa.
Một lần tôi đến chơi, thấy nó đang sửa soạn hành lý về thăm nhà chồng. Có gói vuông vuông bọc cẩn thận mấy lớp giấy báo để cạnh túi hành lý. Tôi cầm lên, biết ngay là tiền.
- Ái chà, mang nhiều tiền về biếu bố mẹ nhỉ?
Nó cười lỏn lẻn, mở bọc giấy. Tiền thật. Từng kẹp một. Kẹp 200 đồng, 500 đồng, 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng. Phẳng phiu, thẳng mép, buộc dây chun.
- Tiền cho mẹ đi chùa hả cháu?
- Dạ không ạ. Tiền cháu tiết kiệm đi chợ, mang về cho mẹ chồng cháu.
Nó nâng niu gói tiền, cẩn thận cho vào túi, cười tươi như mang cả gia tài, rồi nhỏ nhẻ:
- Vài đồng tiền lẻ ở thành phố có khi nhìn thấy rơi không nhặt. Nhưng ở nhà quê mọi người nâng niu từng hào từng xu. Năm tờ 200 là được một nghìn rồi, mua được nắm hành tướng rồi cô ạ. Cháu cứ tích cóp thế, mỗi lần về đưa cho mẹ cháu, vài chục nghìn thôi mà mẹ cháu vui lắm, khoe cả xóm ý.
Con nó được mươi ngày, cả họ nội rồng rắn ra thành phố rước cháu về quê. Mẹ chồng nó quết lên trán cháu vệt nước trầu đỏ ối, tay lăm lăm chiếc đũa làm vũ khí “cho ma quỷ trên đường đi không trêu chọc cháu bà”. Bố chồng nó quýnh quáng xỏ trái đôi dép tổ ong sứt mõm, tay ôm chặt cái làn nhựa đựng tã lót, mắt không rời đứa cháu đỏ hon hỏn nằm êm ái trên tay con trai mình, miệng cười lộ hàm răng khuyết. Cả cái khối yêu thương ấy bọc cháu tôi vào giữa mà cuốn đi.
Cháu tôi về quê chồng, trong cái túi cũ kia có bọc tiền năm xu một hào. Nó tích cóp mỗi ngày, dày cộp như tình yêu của nó dành cho nhà chồng.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...