Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:55 (GMT +7)

Nhà báo Nguyễn Ái Quốc

Nói về Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh, thế giới hẳn phải “ngả mũ” trước một nhà chính trị lỗi lạc, một bộ óc siêu phàm của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và góp phần vào đánh đổ chế độ thực dân trên thế giới. 

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Ái Quốc được lưu trữ tại Pháp

Cũng như rất nhiều nhà chính trị lỗi lạc hiện đại, Nguyễn Ái Quốc, Nelson Mandela hay Hugo Chávez, họ đều là những nhà văn, nhà thơ và nhà báo. Họ dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho nền hòa bình của dân tộc của họ và của các dân tộc trên thế giới.

Năm 1919, ngay khi đặt chân lên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới các nhà báo và tranh thủ tiếng nói của họ thông qua những bài viết ủng hộ các cuộc đấu tranh đòi tự do ở Đông Dương. Không chỉ dừng lại ở tranh thủ sự ủng hộ của các nhà báo nước ngoài, sau khi thành công gây tiếng vang với bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị vì hòa bình ở Véc - Xây vào tháng 6, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cầm bút và trở thành một nhà báo trực tiếp nói lên tiếng nói của người dân An Nam tại Pháp.

Ngày 4 tháng 9 năm 1919, trên số báo Nhân Đạo có đăng bài “Đông Dương và Triều Tiên – Một sự so sánh đáng lưu tâm” với chữ ký Nguyễn Ái Quốc. Đây là bài báo được Nguyễn Ái Quốc viết trong bối cảnh cách đó hai tuần, vào ngày 19 tháng 8 năm 1919, chính quyền đế quốc Nhật vừa tuyên bố từ Tokyo trao quyền tự chủ cho Triều Tiên và thừa nhận những quyền lợi bình đẳng của người Triều Tiên trước người Nhật Bản nhằm xoa dịu những cuộc biểu tình nổi dậy giành độc lập trên khắp nước Triều Tiên (*). Dưới đây là trích đoạn của bài báo.

“(…)

Tự chủ Triều Tiên

Một bản thông báo đã được tuyên bố ở Tokyo, ngày 19 tháng 8 năm 1919 trao quyền tự chủ của Triều Tiên và cho phép những người Triều Tiên có cùng quyền lợi với người Nhật Bản bằng việc tuyên bố cả hai dân tộc đều có chung những lợi ích. (…). Vậy nên chúng ta không nên chấp nhận lời xin lỗi của chủ nghĩa đế quốc Nhật, chúng ta nên kết tội họ cũng như cần phải kết tội tất cả các chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta cũng sẽ không không làm phép so sánh chi tiết giữa việc cai trị của Nhật Bản và việc cai trị của Pháp, dù nếu so sánh thật sự thì có vẻ như phần lợi sẽ nghiêng về phía Nhật Bản, vì họ chưa có ý định đầu độc những người Triều Tiên bằng việc ép dùng rượu và thuốc phiện; nhưng chính hôm nay chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ giải phóng cho nhân dân Triều Tiên bằng cách đồng hóa họ với những công dân Nhật Bản. Thật khó khăn thừa nhận rằng sau 50 năm chiếm đóng, những người đại diện của Cộng hòa Pháp tại Đông Dương vẫn cứng đầu duy trì những người bản địa ở chế độ nô lệ bằng cách tước đoạt hết của họ quyền tự do và các quyền mà đế chế Mặt Trời Mọc đã hoàn toàn nhượng bộ một dân tộc mà họ đã chiếm đóng cách đây chưa đầy mười lăm năm”.

Tuy nhiên, là một nhà báo nhạy bén, ngay từ đầu bài báo, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “… cần phải dự báo rằng những người Triều Tiên sẽ không chỉ dừng lại ở sự chấp nhận tuyên bố này, họ sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi độc lập bởi vì tự họ hiểu, bản tuyên bố này cũng như những quyết định hành pháp khác sẽ chỉ có giá trị ít nhiều tùy theo cách chúng được áp dụng”. Trên thực tế, đúng như nhận định của Bác, cuộc chiến giành độc lập của nhân dân Triều Tiên không dừng lại ở đó, dù tuyên bố trao quyền độc lập diễn ra vào cuối năm 1919 nhưng nó chỉ kết thúc vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 với sự chia cắt đất nước thành hai miền Nam, Bắc.

Bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Nhân Đạo số ra ngày 4/9/1919

Từ sự so sánh đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đi sâu và chỉ ra sự tàn ác của chính sách thực dân mà đế quốc Pháp đang thực hiện tại Đông Dương:

Nhồi sọ những người da vàng

Trong những năm chiến tranh, rất nhiều phong trào lớn của những người theo chủ nghĩa dân tộc đã diễn ra ở Triều Tiên và ở Đông Dương để giải cứu những gông cùm ngoại bang; nhưng trong khi ngay trước ngày toàn quốc nổi dậy, chính phủ Nhật Bản đã rất khôn khéo thông báo những cải cách cơ bản nhằm xóa bỏ những ký ức đáng buồn, thì chính phủ thực dân Pháp vẫn bảo tồn sự ngây thơ tin rằng ở Đông Dương, để trói buộc người bản địa, chỉ cần ru ngủ họ mãi mãi bằng những bài phát biểu chính thức, những bài tuyên truyền êm ái và những cuộc tụ tập của những người trung thành với chính phủ, những cuộc tụ tập chỉ có giá do họ định mức thì ở đất nước nơi lỗi lầm - hay có thể gọi bằng từ cố ý - của chính phủ, những giá trị đạo đức được quy đổi ra tiền hiển hiện ở mọi tầng lớp từ cao xuống thấp, mạng người được mang ra mua bán không phải là chuyện hiếm. Và để nhồi sọ người da vàng, chính phủ thuộc địa có cả hàng tá những phương tiện cực hữu hiệu.

Vì họ chỉ cho phép, trong lĩnh vực xuất bản bằng tiếng Phương Đông, quyền phát biểu để nói những điều vừa lòng chính phủ, sau khi đã qua kiểm duyệt, chính phủ đã lợi dụng đặc quyền này để tạo ra những tờ báo An Nam cho mục đích của họ. Những tờ báo được hỗ trợ ngầm một khoản tiền nho nhỏ sẽ chịu trách nhiệm làm cơ quan tuyên truyền cho chính phủ và dần được biến thành tờ báo lớn của thuộc địa có thể qua mắt được người kiểm duyệt.

Đó là hệ thống nhồi sọ mà chính phủ Đông Dương muốn sử dụng thông qua chế độ tự do báo chí.

Sự hy sinh của người An Nam trong chiến tranh

Nếu chúng ta làm bản tổng kết về những hy sinh mà nước Pháp áp đặt cho người dân An Nam từ đầu cuộc chiến, về mặt tài chính, đã có hàng trăm nghìn phờ-răng có nguồn gốc từ tiền ủng hộ tự nguyện hay bắt buộc - chủ yếu là bắt buộc hơn là tự nguyện; về mặt con người, “phương tiện” nhân lực có thể lên tới trăm nghìn lao động và nhiều hơn nữa là những người lính đỡ đạn, dù là ai thì họ cũng là người bị bắt buộc đi đến Pháp hoặc một nơi nào đó, trong số họ con số những người tự nguyện là vô cùng ít ỏi. Những người lao động và người lính An Nam, hàng chục nghìn người sẽ không bao giờ được quay trở lại cố hương, hoặc họ là nạn nhân của những tai nạn lao động, hoặc họ bị giết trong những cuộc tàn sát đẫm máu ở Pháp hay là ở một vùng nào đó ở Balkan. Ngay bây giờ, chỉ cần đi dọc miền bắc nước Pháp cũng có thể gặp hàng nghìn người An Nam bất hạnh, những phu lính đào hào, những người đại diện cho tầng lớp những người bị kết án lưu đầy, chỉ khác là họ không bị cùm tay chân vì người ta không sợ họ chạy trốn”.

Ngay khi đăng tải bài báo này, giới mật thám lúc bấy giờ bắt đầu theo dõi chặt chẽ hơn hành tung của Nguyễn Ái Quốc. Trong bản báo cáo của mật thám, bài báo được nhắc lại rất nhiều như một minh chứng cho tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng điều chúng không thể ngờ rằng, hai năm sau, Nguyễn Ái Quốc lúc này đã trở thành cây bút có kinh nghiệm với nhiều bài báo trên những tờ báo danh tiếng, tiếp tục đăng bài “Vấn đề người bản địa” ở báo Nhân Đạo số ra ngày 2 tháng 8 năm 1921, trang số 3, mục “Đông Dương”. Lần này không còn là sự so sánh nữa mà là một sự khẳng định “Thế giới sẽ chỉ có hòa bình mãi mãi nếu như tất cả các dân tộc cùng thống nhất kết thúc câu chuyện cổ tích đô hộ trên toàn thế giới”.

Báo Nhân Đạo là một tờ báo của Pháp được thành lập vào năm 1904 bởi Jean Jaurès (1859-1914), một nhà chính trị lỗi lạc của Pháp, người đồng sáng lập Đảng Xã hội Pháp và cũng là người tiên phong cho đạo luật phân quyền chia cách nhà thờ khỏi chính phủ, người luôn đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Cũng từ J. Jaurès, tờ Nhân Đạo trở thành tiếng nói chính thức của Quốc tế Công nhân. Sau năm 1920, tờ Nhân Đạo trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp cho đến năm 1994. Ngày nay, nó vẫn là cơ quan ngôn luận đại diện cho tầng lớp công nhân.

 

Để tiếp tục chỉ cho thế giới thấy rằng cái cớ “khai sáng văn minh” mà chủ nghĩa thực dân sử dụng để xâm chiếm thuộc địa chỉ là một sự giả dối bởi “Nước Pháp đã bắt đầu chinh phục Đông Dương gần cùng thời kỳ với nước Nhật bước đi những bước đầu tiên trong cuộc cải cách 1868. Nhưng nếu trong khoảng một nửa thế kỷ nước Nhật đã xây dựng được một chế độ cho phép họ trở thành một trong những cường quốc trên thế giới, thì nước Pháp, cần phải nhấn mạnh vẫn tiếp tục thử nghiệm chính sách Đông Dương. Thậm chí chúng ta còn tự hỏi liệu có thực sự tồn tại một chính sách Đông Dương cũng bởi từ sau cuộc xâm lược của Pháp, đất nước của chúng ta nói một cách chung chung vẫn phải chật vật sống ngày qua ngày mà không biết được sẽ đi về đâu với chính sách khi thì đồng hóa khi lại hợp tác như chính phủ đã hứa, ấy là còn chưa kể đến việc chẳng có chính sách nào được áp dụng. Tình trạng chung hiện giờ của chúng ta là như sau. Ngày hôm nay giống như ngày hôm qua, dân tộc bị áp bức và dân tộc xâm lược vẫn sống đối diện trong một bầu không khí nghi ngờ lẫn nhau. Bức tranh đen tối này rất thú vị để nhìn nhận dưới mọi góc độ khác nhau”.

Sự thật là sau một nửa thế kỷ đô hộ, nước Pháp không mang thêm cho Đông Dương những lợi ích văn hóa hay kinh tế, mà chỉ làm tăng thêm những bức bối xã hội gây ra từ chính sách cai trị của thực dân Pháp “Dành cho tộc người (**) An Nam này chỉ có một cách cai trị tốt nhất đó là áp bức… Giáo dục cho người An Nam hay cho phép họ được hưởng giáo dục, một mặt đó là cung cấp cho họ những khẩu súng nạp đạn nhanh để chống lại chúng ta, mặt khác đó chính là đào tạo những con chó trí thức sẽ bất lợi hơn là có lợi…”. Tệ hại hơn ngay cả khi người dân ý thức được tình trạng của họ, họ cũng không thể phản kháng “bởi vì nếu họ tự cho phép chống đối, họ sẽ bị buộc tội nổi dậy phản kháng hay cách mạng và sẽ bị xử thành tội trạng. Nhưng bất hạnh hơn vẫn là những người bản địa đã trốn chạy khỏi chế độ này bằng việc di cư: người nhà của họ sẽ bị xử tội thay và họ, nếu bị bắt sẽ bị lưu đày hay dựa cột”. Một chính sách tàn bạo như thế thì dĩ nhiên kết quả sẽ khiến người dân sợ hãi, rồi từ sợ hãi đến im lặng chấp nhận sự bảo hộ “Ngay bây giờ ở khu lưu đày Guyane, hay ở Nouvelle Calédonie, ở Poulo-Condor v.v. đầy ứ những người tù chính trị bản địa. Những súng máy và máy chém đã thu hẹp dần những tiếng nói của những người kháng cự và biến chúng thành sự im lặng”.

Tấm biển tưởng nhớ lãnh tụ Hồ Chí Minh tại thành phố Marseille (Cộng hòa Pháp)

Nhưng cuộc chiến thực dân của Nhật tại Triều Tiên và đang dần bành trướng về Đông Dương khiến cán cân quyền lực thay đổi “Tình hình mà chúng tôi vừa kể qua trong vài nét có thể kéo dài mãi mãi vì ngày hôm nay cuộc chiến (***) đã đảo lộn toàn cõi Âu đã được thêm vào cuộc chiến ở Đông Dương. Vì sự thật, tiếp theo cuộc chiến, Nhật Bản đã đạt được ở nước Pháp một vài điều kiện thuận lợi ở Đông Dương. Cần phải đợi người Nhật đến Đông Dương ngày càng đông để khiến cuộc sống ở đây thêm tồi tệ và buộc người Đông Dương tiếp tục làm sống trong sự ngu dốt bởi chính sách ngu dân và hèn nhát thông qua việc tước bỏ quyền công dân và chính sách đầu độc của chính phủ bằng thuốc phiện, rượu, những thứ mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nguồn thuế và các công ty sản xuất, buôn bán, cứ như thế vòng tuần hoàn tiếp tục thắt chặt. (…) Nhưng trong khi người Nhật, nhờ vào sự khôn ngoan của họ đã tự trang bị cho mình đầy đủ vũ khí để tồn tại trong cuộc chiến kinh tế, nhưng người An Nam – chúng ta đã giải thích tại sao – vẫn hoàn toàn là số không, ở vạch xuất phát của những tiến bộ hiện đại so với những quốc gia láng giềng: Trung Quốc, Nhật Bản, Miến Điện và thậm chí cả Ấn Độ. Vấn đề đặt ra bây giờ là trong tình hình mới với sự nhập cư ồ ạt của người nước ngoài, chính phủ Pháp có nên tin đó là cơ hội cho những quyền lợi chung, gỡ bỏ hàng rào ngăn cách với người bản địa và giúp đỡ họ, bằng tất cả những phương tiện sẵn có để đối đầu với sự cạnh tranh mà họ sẽ phải đối mặt với người Nhật và người các nước khác”.

Nhưng Nguyễn Ái Quốc không ngây thơ để trông chờ vào sự thức tỉnh của chính phủ đế quốc, cách đây hai năm trong bài “Đông Dương và Triều Tiên – Một sự so sánh đáng lưu tâm” Người đã từng đặt ra câu hỏi “Liệu ít nhất nước Pháp có thể tỏ ra quan tâm đến Đông Dương như Nhật Bản đã làm đối với Triều Tiên?”, câu trả lời bây bây giờ là “Không ai có thể từ chối sự thật rằng việc không có những quyền tự do tối thiểu như diễn đạt những suy nghĩ, những nhận thức của cuộc sống hiện đại thì tất cả sự giáo dục dù rất nghiêm túc cũng không thể thành công”.

Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp (ANOM)

Có thể nói, dù chưa từng trải qua bất cứ một trường lớp về báo chí, nhưng trong một thời gian rất ngắn, với ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định được vị trí của mình như một nhà báo thực thụ trên diễn đàn báo chí ở nước Pháp đại lục. Những bài viết của Người, dù đơn lẻ vẫn có một sự móc nối đầy logic trong cả thời gian, không gian và tính thời sự tạo cho người đọc một sự tò mò. Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc trong giới báo chí của Pháp là một điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi.

-----------------

(*) Triều Tiên ở nửa đầu thế kỷ XX vẫn bao gồm Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngày nay, hàng năm ngày 1 tháng 3, Hàn Quốc (miền Nam của Triều Tiên cũ) lấy làm ngày lễ tưởng niệm những người anh hùng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc.

(**) Trong bản gốc, Bác dùng từ “race”. Thực ra từ này vào đầu thế kỷ XX dùng để chỉ tộc người và chưa bao hàm ý nghĩa ẩn dụ. Nhưng ngôn ngữ là một thực thể sống, luôn chuyển động và thay đổi, vì thế cách hiểu cũng thay đổi. Nhưng trong bài báo này, từ “race” được dùng rất đúng ngữ nghĩa.

(***) Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Quyên GAVOYE 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy