Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:13 (GMT +7)

Nguyễn Việt Chiến - Mộng mơ giữa những lưu đày

Rồi mai sau nhớ lần đầu

Lần đầu tôi biết đến Nguyễn Việt Chiến là quãng những năm 96, 97. Cuốn sổ tay cần mẫn của cha tôi đã chép lại từ đâu đó bài Tiếng trăng của anh mà óc tò mò trẻ nhỏ đã khiến tôi một lần chạm đến, để rồi cứ neo mãi trong kí ức thơ dại: Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn và bước chân lặng lẽ ra đi...

Tôi lại chép Tiếng trăng vào những cuốn sổ cha tôi cho để luyện chữ. Nét chữ thiếu thời vụng về, tôi sợ ánh trăng khuya, lá cong vàng, lòng người và cả không gian ngưng đọng, im ắng đó sẽ chợt tan vỡ. Nhưng, có ai trong chúng ta không mang theo bước chân của mình niềm tâm sự lưu đày, bỏ lại phía sau những khoảng trời có lẽ đã tan ra, rơi vào kỷ niệm…

                                    c-1690965351.jpg
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Nguồn ảnh: internet)

Khi đã nhận về đôi mảnh vỡ trên bước chân tha hương của mình, tôi chợt nhận ra, kẻ bỏ đi ngày ấy trong thơ Nguyễn Việt Chiến đã chất chứa trong tâm can quá nhiều u uẩn. Đến nỗi, sự âm thầm, lặng lẽ vừa như nhất quyết lại đầy day dứt ấy đã trở thành một đặc điểm để tôi đi tìm anh với chút kinh nghiệm ít ỏi của mình. Nguyễn Việt Chiến lặng lẽ mơ dưới sao trời một vùng trăng bình yên đã vỡ, lặng lẽ chiêm nghiệm về rong rêu của nhân gian, lặng lẽ phủ định để ra đi, để tìm về. Lặng lẽ mà quyết liệt, mộng mơ mà đầy suy tưởng, bỏ đi mà lòng cứ đau đáu ngoái về,…

Mộng mơ vùng trăng tan vỡ

Nguyễn Việt Chiến đích thị là một kẻ mộng mơ. Mộng mơ như cách hiểu của G.Bachelard là sự “mơ về”. Nẻo về ấy có thể là một hồi tưởng, một viễn tưởng hay một huyễn tưởng. Nghĩa là một thực tại thi ca. Cái đã qua, ngày chưa tới, cả những điều có thể không thực, nhưng là những mộng mơ giữa sao trời với lòng đầy suy tưởng. Mộng mơ trả anh về với khung trăng nguyên lành thuở chưa lìa xa:

Ước một ngày trở lại

Em vẫn còn như sông

Giữa non tơ bờ bãi

Mãi xanh trong một dòng

(Mùa này sông cạn nước)

Đó là thực tại hồi tưởng trong dòng mơ mộng. Quãng này chắc đã xa xôi! Ký ức ánh lên màu nắng Ba Vì, sắc mây Tản Viên, dòng sông Đáy, lụa Hà Đông, tươi thơm rỡ ràng như đồng cỏ mật, như thân ngô vừa cắt, như cỏ may, như em, như ta,… Là bởi, Ta của xứ Đoài, ta của em! Có lẽ, đây là vùng trăng trinh nguyên của Nguyễn Việt Chiến, nơi những bước chân chưa âm thầm dự định ra đi. Đúng hơn, phải nói rằng có kẻ đã ngồi lại, tưởng niệm những tháng ngày thanh xuân khi em ra đi. Nguyên ủy của bước chân lưu đày kia hóa ra lại là một sự ra đi khác, trước đó :

Ngoài sông cánh buồm

Vừa bỏ ta đi

Em mang theo cả

Những ngày tháng kia

(Phố III)

Mộng mơ về phương ấy, thơ Nguyễn Việt Chiến dịu dàng quá. Sắc thái độ lượng trong lời thơ như thái độ của kẻ biết những điều không thể không xảy đến. Thể thơ 4, 5 chữ quả có hiệu năng rất lớn trong việc triển hiện chức năng thi ca này. Thanh xuân và những vết vỡ đầu đời, dù cắt cứa mà vẫn cứ đẹp. Sôi nổi và cuồng nhiệt, nhịp đời ấy hằn vào những lời thơ thanh thoát, có phần như nhanh chóng, thoáng chốc. Có lẽ, sự mơ về trong khung trời này ít bị kiểm duyệt bởi những định kiến của suy tưởng. Mơ về là để sống lại, để nhấm nháp, để tận hưởng (đôi khi là huyễn mị chính mình) mật ngọt, hương thơm, thanh sắc của thời không thể tìm lại trong dòng đời chảy trôi bất định:

Ta xa miền thơ ấu

Ta xa mùa yêu thương

Ta qua miền tưởng tượng

Ngỡ còn em… đâu còn

(Mùa này sông cạn nước)

Thế là đã rõ. Thơ ấu, yêu thương, em là những hội tụ làm nên “vùng nhiễu động” tâm tư của anh. Em của ngày xưa, em của hôm nay, anh của quá khứ, anh trong ngày hiện tại, vùng trăng yên bình và vùng trời nhiễu động, cái đã phong nguyên trong hoài niệm, cái còn đắp đổi, lở bồi,… là những đối cực trong dòng mơ tưởng của Nguyễn Việt Chiến. Không khỏi có lúc Nguyễn Việt Chiến đã hoang mang, suy định lại ngày cũ, phán xét tuổi mình bằng định kiến của một kẻ “lưu đày trong nhẫn nhục” sau ngày “bỏ đi”:

Chúng mình còn gì để yêu nhau

(Khúc hát)

Áo em giờ không phải lụa Hà Đông

(Trở lại)

ý thơ như là hờn dỗi! Ngày xanh không còn, cũng như em ra đi cùng cánh buồm và dòng sông ngày vắng nước. Chỉ còn lại phía anh nguyên một niềm thơ, dịu dàng và độ lượng. Cái độ lượng của một người đã nhận hiểu hết giá trị của phần đời đẹp đẽ đã vĩnh viễn đi qua. Cái độ lượng có được từ một trái tim đã sống trọn vẹn trong những ngày thơ trẻ :

Những khoảnh khắc bên em

Không một phút giây thừa

Anh đã sống và hiến dâng tất cả

Đây máu anh và những gì anh có

Cả bóng đêm trong giọt rượu cuối cùng

Cả sao trời ùa vỡ phút hư không

(Con người XIII)

Khi tất cả đã vuột qua, nuối tiếc chỉ còn vương trong mơ tưởng, như chút nắng nghèo vào đêm, như bàn tay bên củi bếp đợi ai về sau mưa (ý thơ Nguyễn Việt Chiến). Người ra đi - Em, chẳng biết có khi nào thoáng nhớ, để chìm vào mơ tưởng, để một lần được thức dậy: Dậy đi em mùa thu không ở lại/ Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh. Vẫn còn tiếng trăng trên lá, kí ức dịu dàng như thuở anh và em đã đi qua.

Ta là kẻ lưu đày trong nhẫn nhục

Những vùng trăng tan, mỗi mảnh ánh một chân dung, một hình hài đã hằn trong tuổi đời. Mộng mơ, ấy là Xứ Đoài, non Tản, sông Đáy, là trăng cũ, bờ tre, cánh đồng, khúc sông, là mùi thôn ổ nhóm nhen trong bếp chiều, thân ngô ngọt tươi mới cắt, là dáng em tất bật qua đồng,… Và cho tất cả, một mùa thương yêu cũ… Nhưng, thoáng chốc, mọi thứ tan vỡ. Ta thành kẻ lưu đày…

Những thoi hẹn hò đã tắt - áo em giờ không phải lụa Hà Đông

Đã tắt tiếng thoi, đã ngừng thêu dệt, giấc mộng lành trong không gian nguyên sơ đã tan. Đúng hơn, một thực tại đã đi qua. Kẻ âm thầm bỏ đi, làm vỡ ánh trăng trên lá chính là một thân phận đã khởi sự những lưu đày. Ai đó nói rằng vì có em mà ta hiện hữu, vì vắng em nên ta lưu đày. Điều đó đúng ở đây khi anh chợt nhận ra áo em giờ không phải lụa Hà Đông. Câu thơ chứa nhiều biểu tượng, kêu gọi sự thông dự sâu hơn vào kinh nghiệm sống, thẩm mỹ quan, giá trị quan của thi sĩ. Sự phán xét với chứng lý không thể sắc bén hơn. Không phải lụa Hà Đông nghĩa là không phải em, không phải những giá trị đã kết dệt nên một vùng xưa cũ đầy ấp yêu nữa:

Em không phải một mùa hương xưa cũ

Đã xa xôi đã từng đến trong đời

(Ta nặn lại chiếc bình đêm tan vỡ)

Không còn áo lụa Hà Đông, hương mùa cũ đã tan đi, Chúng mình còn gì để yêu nhau? ảnh tượng day dứt nhất, đến mức rướm máu chính là em:

Đêm đêm

Ngồi gỡ ánh trăng khuya

Khỏi da thịt mình

(Con thuyền rời bến sông xưa)

Em muốn thoát ra, muốn tước bỏ tất cả những gì đã trở thành máu thịt, đã trở thành xác thân, thành bản thể. Mà em cũng chính là anh đấy! Thế nên nỗi đau mới rõ rệt, hữu hình. ánh trăng là một biểu tượng cho tất cả những tháng ngày tươi ngọt, êm dịu. Nhập vào bản thể của anh và em, chất sống ấy như là sinh mệnh. Mất đi nghĩa là cái chết hoặc một dạng thái tương tự - không còn là em:

dẫu thương cha nhớ mẹ

em dứt áo đồng quê không trở lại

ta mất một bờ vai trăng đẫm

một đồng quê tái tê thủ thỉ

ngày trăng đi

(Quê)

Nếu xét ở thái độ, giọng điệu, khúc hát về giấc mơ trên cỏ, trong vùng trăng xanh nguyên lành thanh thoát, dịu dàng bao nhiêu thì giờ đây, khi em rời xa, những dằn vặt, xót xa vây bủa lấy anh lại càng nhiều bấy nhiêu. Em lưu đày trong lạc lầm phiêu dạt, ta lưu đày trước hết trong nỗi đau mất em. Hình tượng con ngựa hoang với giấc mơ thủy tinh trong lòng đêm rỗng dự phóng bao điều tan vỡ, bao mặc cảm tha hóa :

Khi em bỏ ra đi

Con ngựa hoang

Ngủ trong lòng đêm rỗng

Mơ giấc mơ thủy tinh

(Cánh đồng dĩ vãng)

Trống rỗng như là một thân thể vừa trút hơi thở sau cùng. Chỉ còn lại một se ngưng, một dự cảm vụn vỡ, một cơn hoang đầy phó mặc - Khởi sự một định mệnh lưu đày!

Lưu đày giữa phố

Phố là một ý niệm, một hình dung từ kinh nghiệm của một kẻ lưu đày. Khói bụi, xăng dầu trôi như một dòng sông cáu bẩn, những giấc mơ nát nhầu, nhớp nháp vì lũ chuột và gián, sự xám lặng của sắt tây, của tường nhà, những ban mai hoen ố, những hoàng hôn bất trắc, những vầng trăng tù đầy,… Trên nỗi âu lo quánh đặc, những trái tim mệt mỏi trong “nền văn minh dã thú”. Phố rong rêu, thiếu thốn đến đáng thương:

Cũng giống như con người

Thành phố đêm nay

Cần phải ngủ

Để tiếp tục những giấc mơ thiếu thốn của mình

Về một miền đất tươi xanh

(Phố V)

Thơ về Phố, về một “nền văn minh dã thú” chính là những truy vấn ráo riết về thực trạng của lưu đày, về tình huống mà kẻ bỏ đi ngày nào đã vô tình lâm lụy. Từ “miền đất tươi xanh” đến vùng không gian xám ngắt, mộng mơ luôn duy trì một khuynh hướng trở về. Luôn xảy ra trong tâm tưởng, trong giấc mơ của kẻ tha hương chính là bị vây bức trong thị thành “dịch hạch”. Vây bức mà không thể thoát ra, càng vẫy vùng để đào thoát lại càng cảm nhận đầy đủ hết sự bí bách, thiếu thốn của phố thị:

Khi vẻ đẹp của trăng

Trong một thiên nhiên

Bị cắt xén bởi những nóc nhà

Ta nhìn trăng với vẻ ngấu nghiến

Của một kẻ bị bỏ đói thường xuyên

(Phố IV)

Nguyễn Việt Chiến đã có lần nói: “Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến mức tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận”(*). Gương mặt của mỗi số phận trong thơ ca chính là sự hiện hữu của cá tính, của một chủ thể với những hệ giá trị, những quan niệm về thế giới, con người, cái đẹp. Hệ giá trị này luôn dội đập với đời sống làm nên một trong những thể tính của hiện hữu chính là ý thức về sự phi lý. A. Camus đã rất xác đáng khi lý giải rằng, chẳng phải thế giới phi lý, mà sự hiện hữu của con người làm cho nó phi lý. Nguyễn Việt Chiến luôn bị vây bức trong cảm giác về sự phi lý, cái “sự thật khắc nghiệt”, bất như ý chính là nguyên ủy của lưu đày. Về mặt nhận thức luận, đô thị hóa là một thực tại không thể tránh khỏi, đồng thời nó hoàn toàn không nghịch lý. Nghịch lý, phi lý chỉ nảy sinh khi con người luôn thường trực những dự liệu, những phản kháng, những mưu cầu đôi khi đi ngược, thách thức tự nhiên, quy luật. Một kẻ sinh ra bên dòng sông Đáy, đã tắm nắng Ba Vì, mây Tản Viên, óng chuốt tâm tình trong lụa Hà Đông, thương mến những dáng hình quê kiểng, thân thuộc sẽ thấy những đổi thay chóng vánh của thị thành là một sự phi lý, một tha hóa. Trong cơn cuồng lưu của phố thị, ai còn nhớ miền mơ tưởng này:

Tháng giêng mưa dưới bến

Mỏng mai cô lái đò

Mắt mưa em lúng liếng

Trói tôi bằng vu vơ

(Mưa tháng giêng)

Giờ thì dáng hình mỏng mai dưới bến mưa ấy đã xa lắm khỏi tâm tưởng của kẻ lưu đày. Thế nên, mơ tưởng, mộng mị luôn đặt cái tôi trữ tình trong những giằng xé đầy nghịch lý. Giấc mơ mịt mù cát trắng, lẫn tiếng chim kêu đau trong chiều bạc rỗng là huyễn ảnh của một định mệnh lầm lạc, khát khao trở về nhưng dường như thật khó khăn.

  Có những mộng mơ khiến người ta lưu đày. ấy là khi mộng mơ trói buộc con người trong những vùng ký ức không thể nguôi quên. Dường như, cả thực tại và mơ mộng, Nguyễn Việt Chiến luôn bị vây bủa bởi tâm thức lưu đày. Một phố thị thiếu thốn và túng quẫn, nền văn minh dã thú khiến cho cái tôi luôn thấy mình bị cuốn đi, không thể thoát ra. Nghĩa là một sự tha hóa. Để kháng cự, cái tôi ấy cứ “mơ về” một vùng trăng trinh nguyên, một miền Cát đợi, một bến mưa giữa mùa tháng giêng, một nguyên sơ mỏng mai như lụa Hà Đông. Làm sao để kháng cự tình thế lưu đày khi lại chìm vào một lưu đày khác! Bởi thế mà thơ sinh ra.

---------

(*). Nguyễn Việt Chiến, Thơ Việt Nam - tìm tòi và cách tân (1975 - 2005), Nxb Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, 2007, tr. 9.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy