Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:02 (GMT +7)

Nguyễn Thị Thập, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho

Ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở Mỹ Tho, người lãnh đạo cao nhất cuộc khởi nghĩa này là một phụ nữ: bà Nguyễn Thị Thập. Không chỉ là một nhà cách mạng kiên định, bà còn là Đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gần 20 năm (1956 - 1974) và là người phụ nữ đầu tiên được nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1985, huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Bìa cuốn sách “Từ đất Tiền Giang” - Hồi ký của bà Nguyễn Thị Thập, do nhà văn Đoàn Giỏi chắp bút
Bìa cuốn sách “Từ đất Tiền Giang” - Hồi ký của bà Nguyễn Thị Thập, do nhà văn Đoàn Giỏi chắp bút

Bà Nguyễn Thị Thập tên khai sinh là Nguyễn Thị Ngọc Tốt. Trong Hồi ký “Từ đất Tiền Giang”, bà Nguyễn Thị Thập cho biết: "Tôi rất ham mê đọc sách, mỗi lần gánh chuối, gánh trầu cau đi chợ bán, tôi không dám ăn quà bánh gì, dành tiền mua sách về đọc... Qua câu chuyện giữa cha và anh tôi dần hiểu "thế nào là cái nhục mất nước"… Tôi muốn vượt qua khỏi những lề thói, tập quán cổ hủ của xã hội phong kiến, thực dân thống trị. Sức tôi đang lớn, người tôi rất sôi  nổi. Tôi muốn đi, muốn hoạt động, muốn làm một cái gì đó để cứu nước". Vì vậy, ngay khi còn trẻ bà đã tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1931). Từ đây bà lấy bí danh là Mười Thập. Trở thành Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ sau đó không lâu (tháng 4 năm 1935), vào tù, ra khám song bà vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Ở Mỹ Tho, bà đã cùng các đồng chí của mình, trong đó có người anh ruột và người sau này trở thành chồng bà (ông Lê Văn Giác, Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho) tập hợp lực lượng, tuyên truyền cách mạng trong thanh niên.

Năm 1940, khi Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa, bà Nguyễn Thị Thập được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng vũ trang của tỉnh. Trên cương vị này, bà đã tổ chức cho các địa phương luyện tập, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn. Khi lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy ban ra, lực lượng vũ trang và nhân dân Mỹ Tho đã vùng lên làm cuộc cách mạng lớn. Tại đây, đình Long Hưng, nơi được chọn làm tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho đã xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, sau này đã được chọn làm Quốc kỳ của Việt Nam. Khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho bà đang có mang gần ngày sinh. Hồi ký “Từ đất Tiền Giang” của bà cho biết: “Đúng ngày 22, rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940 cuộc khởi nghĩa, lệnh từ Sài Gòn về Mỹ Tho, 2 giờ khuya đến 5 giờ sáng, khắp nơi kéo quân đến đường bạo động giành chính quyền…Tôi như quên hẳn mình đang có thai gần kỳ sinh nở… Tóc búi cao, quần xắn đến gối, tôi thắt chặt bụng chửa bằng chiếc khăn rằn. Khi lên trước, khi chạy ngược lại đằng sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh, tưởng mình như còn con gái…".

Cuộc khởi nghĩa thành lập được chính quyền công - nông nhưng sau đó đã bị thực dân Pháp quay trở lại đàn áp. Rất nhiều người tham gia cách mạng đã bị địch bắt, xử tử hình, thủ tiêu, trong đó có chồng bà. Nén nỗi đau vì việc riêng, bà quay trở lại quê nhà gây dựng lại các phong trào cách mạng và khôi phục lại Tỉnh ủy Mỹ Tho và Xứ ủy Nam kỳ.

Bà Nguyễn Thị Thập với các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, 1953. Ảnh tư liệu lịch sử
Bà Nguyễn Thị Thập với các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, 1953. Ảnh tư liệu lịch sử

Tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bà được cử đi dự Đại hội Quốc dân. Trong Hồi ký bà cho biết, trên đường từ miền Nam ra miền Bắc, đi tới đâu cũng thấy nô nức không khí của Tổng khởi nghĩa. Đoàn của bà gặp rất nhiều trắc trở trên đường đi và thậm chí xe hơi của đoàn đã bị lực lượng cách mạng ở Quảng Ngãi tịch thu. Có lẽ vì vậy đoàn của bà đã tới trễ khi Đại hội đã kết thúc và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công ở Hà Nội và nhiều địa phương. Bà trở lại Thủ đô gặp Trung ương Đảng và được Tổng Bí thư Trường Chinh giao trọng trách là cùng với phái viên Trung ương tiến hành việc thống nhất Đảng bộ Nam Bộ.

Trong hồi ký của mình, bà cho biết: Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói trong cuộc họp chung của Xứ uỷ (khi ấy ở Nam Bộ có 2 Xứ uỷ là: Xứ ủy Giải phóng và Xứ ủy Tiền phong) rằng bây giờ sẽ bàn chuyện thực hiện, nhất là việc thống nhất với nhau: “Cả nước giờ đã thắng lợi, cách mạng đã giải phóng toàn thể dân tộc. Đảng bộ trong Nam vì có chuyện khởi nghĩa năm 1940 nên cơ sở bị khủng bố, các đồng chí hy sinh, tù tội cũng nhiều… Các đồng chí đã gắng sức khôi phục lại, giờ cũng cướp chính quyền (cách gọi khi ấy), cũng giải phóng như miền Bắc. Đó là điều có lợi cho Đảng ta. Giờ hai bên tập hợp, thống nhất với nhau để mà làm việc”. Vì vậy, cuối tháng 8/1945, bà về đến Mỹ Tho, thực hiện thành công việc thống nhất tổ chức Đảng bộ Nam Bộ. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá I diễn ra vào 6/1/1946, bà Nguyễn Thị Thập đã được cử tri bầu là Đại biểu Quốc hội đại diện tỉnh Mỹ Tho. Bà là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà; và trong số đó, có một người là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long là bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, ở Nam Bộ, bà Nguyễn Thị Thập đảm nhiệm cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ từ năm 1947 đến năm 1952. Năm 1953, bà được Trung ương điều ra Việt Bắc và sau đó được cử quay trở lại miền Nam để phổ biến việc thi hành Hiệp Genève (20/7/1954). Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và giữ cương vị này liên tục gần 20 năm (1956 – 1974). Bà Nguyễn Thị Thập cũng là Uỷ viên Trung ương Đảng từ năm 1955 đến khi nghỉ hưu năm 1980, là Đại biểu Quốc hội liên tục trong 6 khoá, từ khoá I đến khoá VI và là Phó Chủ tịch Quốc hội từ khoá II đến khoá VI. Bà Nguyễn Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đánh giá: bà Nguyễn Thị Thập đã “để lại cho chị em phụ nữ Việt Nam trong cả nước những tình cảm rất sâu đậm của một người lãnh tụ phong trào, hết mình vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng nhân dân…”.

Bà Nguyễn Thị Thập (đầu hàng bên phải) là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I (tháng 1/1946). Ảnh tư liệu lịch sử
Bà Nguyễn Thị Thập (đầu hàng trước, bên phải) là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I (tháng 1/1946). Ảnh tư liệu lịch sử

Là một nhà cách mạng kiên cường, bất khuất song cũng như nhiều người Việt Nam khác, bà đã trải qua những nỗi đau riêng về những mất mát, xa cách, hy sinh của gia đình. Chồng bà hy sinh năm 1941 khi bà mới sinh con được mấy ngày. Vì cách mạng nên bà phải xa con gái tới 8 năm, con trai út của bà xa bà khi mới 8 ngày tuổi và trôi dạt 14 năm mới gặp lại mẹ của mình. Năm 1953, con trai cả của bà hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1967, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bà lại mất người con trai út của mình khi anh hy sinh ở chiến trường miền Nam. Trước nỗi đau và mất mát quá lớn của bà, Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Đức ở Việt Nam đã đến chia buồn với bà.

Ông ôm theo một bó hoa trắng, để xe từ xa, đi bộ tới nơi bà ở, trao cho bà một bức thư do ông tự tay viết bằng tiếng Việt: “Kính gửi đồng chí Nguyễn Thị Thập. Chị Thập rất kính mến. Trong cuộc đời của chúng ta, nghèo túng và đói khổ, áp bức và khinh rẻ, tra tấn và tù đày, căm thù và tranh đấu đã làm cho chúng ta trở nên khắc khổ và cứng rắn. Nhưng tình cảm của chúng ta, trái tim của chúng ta không vì thế mà khô cằn và mòn mỏi, khiến chúng ta không cảm thấy xúc động mỗi khi bị mất những người thân yêu nhất, hoặc trước những nỗi đau thương của bè bạn, những nỗi thống khổ của con người mà không để cho đau thương lôi cuốn. Tôi rất xúc động khi các bạn Việt Nam thân mến cho tôi biết tin đau đớn là người con thân yêu của đồng chí đã mất. Xin đồng chí cho phép tôi được gởi tới đồng chí, người chị rất kính mến, lời chia buồn thành thật của tôi. Tôi nghiêng mình trước nỗi đau thương của đồng chí, nỗi đau thương của người mẹ. Mong rằng niềm tự hào về người con anh hùng của đồng chí đã hiến dâng tất cả cho vinh quang và chiến thắng của nhân dân mình, sẽ giảm bớt nỗi đau thương cho người mẹ dũng cảm”. Trước những nỗi đau quá lớn này song bà vẫn tâm niệm: “Trong mất mát, không phải chỉ riêng tôi, hàng ngàn hàng vạn bà mẹ đã phải hy sinh những người con thân yêu mình".

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập nhận bức trướng “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang, chống Mỹ cứu nước” do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trao tặng ngày 20/10/1966. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập nhận bức trướng “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang, chống Mỹ cứu nước” do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trao tặng ngày 20/10/1966. Ảnh tư liệu lịch sử

Cùng với những người phụ nữ anh hùng khác của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng, bà Nguyễn Thị Thập như một huyền thoại, bà thật xứng đáng tiêu biểu cho phụ nữ Nam Bộ với những phẩm chất mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Hồng Phúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 9 giờ trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 21

Văn nghệ Tuổi hoa 1 ngày trước

Đặc sắc múa dân gian của người Cao Lan

Cuộc sống quanh ta 1 ngày trước

Từ triền núi cao hai mùa na kết trái

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Loay hoay xế chiều

Câu chuyện văn hóa 2 ngày trước

Đêm huyền minh

Văn xuôi 3 ngày trước