Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
07:21 (GMT +7)

Người Việt đang tự hại mình

VNTN - Nhiều năm trở lại đây, môi trường sống đã trở thành một trong những đề tài nóng không chỉ trên các diễn đàn xã hội, mà còn là nỗi lo thường trực hàng ngày của mỗi người dân. Nhu cầu được sống trong một môi trường trong lành, được ăn sạch uống sạch ở thời đại mới bỗng trở nên quá xa xỉ. Điều này mới nghe tưởng chừng mâu thuẫn, song nó là sự thật hiển nhiên đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta.

Chỉ chừng mươi năm trước, khái niệm về thực phẩm bẩn hầu như không tồn tại trong đời sống của người Việt. Những thứ hàng nông sản từ các miền quê được thương lái thu gom rồi đem về bán ở thành phố luôn khiến người ta yên tâm, tin tưởng mà không cần phải quan tâm lo lắng về chất lượng, độ an toàn của chúng. Chỉ cần nghe nói là gạo quê, gà quê, rau quê… là đủ để bảo đảm rằng những thực phẩm mình mua đáng tin cậy đến mức nào.

Nhưng nay thì dù đến tận vườn bãi chốn thôn quê chân chất để mua thì tâm lý vẫn phải cảnh giác, dè chừng. Chuyện ấy chẳng còn gì lạ lẫm,  bởi giờ đây vấn đề tiêu cực trong kinh doanh thực phẩm đã trở nên phổ biến, người dân quê bản tính mộc mạc, thật thà với nhận thức hạn chế đã nhanh chóng tiếp cận các hành động tiêu cực một cách thụ động, thậm chí đầy hào hứng. Những hành động được cho là gian dối, nhẫn tâm ấy đã diễn ra một cách rất hồn nhiên, vô thức chứ không tinh quái che đậy.

Thông qua các phương tiện truyền thông, người ta có thể thấy ngay ở một góc chợ quê, các bà các cô ngồi xếp hàng giãi thẻ với những lồng ngan, gà, cố sức nhét vào miệng con vật nào ngô, khoai… thậm chí cả đất sét và đá mạt. Nhiều người lo ngại khi chứng kiến những ông bà nông dân xăng xái đi mua thuốc trừ cỏ để phun cho luống cải nhanh ngả màu kịp đem bán ở phiên chợ hôm sau; hay cảnh những vốc u-rê được đổ vào các chậu tôm cá, những ống xi-lanh bơm tạp chất vào đùi, thân gà, vào tôm…

Dù cộng đồng lên án, chia sẻ nhiều mối quan ngại về việc người Việt đang phạm tội ác, đầu độc và hủy hoại cuộc sống của chính đồng loại mình để kiếm lợi, thì “cái ác” vẫn cứ diễn tiến không ngừng. Người ta bảo nhau cách tránh “họa” bằng việc tự nuôi gà, tự trồng rau để tự cung tự cấp. Nhưng nhịp sống công nghiệp, thời gian và vốn đất đai ở đô thị hạn hẹp, thì ý định trên là điều không tưởng. Còn tiếng nói của các cấp chính quyền sở tại chịu trách nhiệm chính về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều năm qua cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt” mà thôi.

Tỷ lệ những bệnh nhân mắc ung thư và các loại bệnh nan y khác đang tăng cao hàng năm, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là từ nhu cầu ăn uống, từ nguồn thực phẩm nguy hại. Nhưng dường như đó không phải là chuyện mà những kẻ hám lợi quan tâm. Họ vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để luồn lách, qua mặt cơ quan chức năng, hòng làm cho túi tiền của mình đầy thêm mà không biết đến những nỗi đau, những mối nguy hiểm đang dần cướp đoạt sinh mạng của đồng loại.

Tâm lý ăn xổi và cơ chế thị trường nghiệt ngã đang là những tác nhân chính làm cho con người ta trở nên mê muội và tàn nhẫn hơn. Các ban, ngành chức năng trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn cũng đã vào cuộc với những động thái tích cực như: các chiến dịch tuyên truyền về quy trình an toàn vệ sinh trong sản xuất, chế biến; công bố những địa chỉ đỏ báo động về an toàn thực phẩm; hoặc thanh, kiểm tra rốt ráo trên diện rộng các cơ sở chăn nuôi, nhà hàng ăn uống…

Mong rằng không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi chung chung trên các phương tiện thông tin đại chúng hay các chiến dịch mang tính thời vụ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh, có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa để xử lý các vi phạm. Và trên hết, mỗi người dân phải ý thức được tiếng nói của mình, của cộng đồng; góp tiếng nói để lên án những hành động tội lỗi ấy thật mạnh mẽ cũng là cách chúng ta tự cứu mình và người thân. Chỉ như vậy xã hội mới thật sự có được một môi trường sống trong sạch và an toàn hơn.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy