Người thổi hồn vào gỗ
Ký. Bùi Nhật Lai
VNTN - Hôm nay đài báo gió mùa đông bắc tăng cường đem theo cái lạnh thấu xương mỗi khi ra đường. Tôi phóng xe về Làng Lân, con đường đã được bê tông hóa và kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đường làng mở rộng 6 mét thỏa sức cho các phương tiện ô tô qua lại. Con đường làng là dấu ấn đầy ấn tượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay ở quê tôi. Con đường được khánh thành đáp ứng sự mong mỏi của bà con bấy nay và làng tôi trông đẹp như tranh vẽ, chả thua kém ai! Đường làng ngõ xóm phong quang, nhìn mọi người qua lại ai cũng tươi vui, khiến khách lạ đến làng cũng cảm thấy ngỡ ngàng và vui lây! Tôi về làng lần này cốt tìm gặp Nguyễn Huy Dũng, một chàng thanh niên hiện có tay nghề cao, chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Nguyễn Huy Dũng sinh ra và lớn lên tại Làng Lân, trước đây cùng xóm với tôi. Dũng sinh năm 1982, với tôi, Dũng thuộc hàng con cháu trong làng. Kể từ khi rời làng ra phố, tôi ít gặp lại Dũng. Tôi dừng xe trước xưởng mộc của Dũng, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự ồn ã, hối hả, không khí lao động hết sức khẩn trương, tiếng máy cưa, máy đục, máy mài xiết trên thớ gỗ nghe đến chói tai, mấy người thợ đang chăm chú vào công việc của mình. Gỗ và gốc cây vứt ngổn ngang trong xưởng. Mãi khi tôi bước vào xưởng gọi lớn, lúc đó Dũng mới nhận ra tôi, anh vội dừng tay máy, bỏ cặp kính bảo hộ xuống và vui vẻ mời tôi lên nhà:
- Ôi chú vào chơi! Mời chú lên nhà, chứ ở đây bụi và ồn lắm.
Tôi theo chân Dũng bước vào nhà, tôi không tin ở mắt mình, tôi như lạc vào một thế giới cổ tích, những pho tượng Di Lặc,Thần Tài, những Hổ, Báo, Đại Bàng, Sư Tử… tất cả đều rất sống động và đẹp long lanh…Tôi thật không ngờ anh chàng này lại có đôi bàn tay khéo léo đến vậy. Dũng pha nước mời tôi uống. Sau phút giây nhìn ngắm những tác phẩm bày trong gian nhà nhỏ, tôi bắt đầu câu chuyện.
- Này thế cháu đi học nghề này từ bao giờ nhỉ? Quả chú thấy các đường nét đục chạm của cháu rất sắc nét và tinh tế như thật vậy.
- Cháu đi học lâu lắm rồi. Hoàn cảnh của cháu chú biết quá rõ còn gì. Khi đó do túng quẫn và cũng chẳng có cách gì khác, bà cháu đã gửi cháu về quê nội cho họ hàng bên nội truyền dạy nghề này, từ khi cháu mới 11 tuổi chú ạ!
Nghe đến đây trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh một thằng bé lủn củn, thường những trưa hè vẫn lê la quanh quẩn bên bờ ao dưới bóng mát của mấy bụi tre nhà tôi, bộ quần áo lấm lem bùn đất, mặt mũi lúc nào cũng nhọ nhem, nó chỉ có một mình và cũng chỉ chơi một mình như thế. Nhiều hôm tôi bắt gặp nó đầu đội nón mê hì hụi móc cua ven bờ ruộng giữa trưa hè nắng như đổ lửa. Đó chính là Dũng. Hoàn cảnh của cậu bé cũng rất đặc biệt, bố mẹ cậu sinh được bốn người con trong đó Dũng là con út, trên Dũng là hai người anh và một chị gái. Khi Dũng được 4 tuổi thì cả bố mẹ đều lần lượt qua đời, người chị gái trước đó theo bố mẹ phiêu bạt không biết sống ở đâu. Người anh cả cũng đã chết vì nghiện ma túy, người anh thứ ba lang bạt về tận Bắc Giang làm ăn và lấy vợ ở dưới đó. Dũng ở với bà nội khi ấy bà cũng đã hơn 70 tuổi. Cảnh nhà thật túng quẫn, nên Dũng không được chăm sóc chu đáo, Dũng thiếu thốn tình cảm, vì thế đâm ra lầm lỳ, ít nói, chỉ lủi thủi một mình như thế... Vừa ngắm nhìn những pho tượng tôi vừa chiêu một ngụm chè và hỏi:
- Cháu có thể kể cho chú nghe sơ qua về cuộc sống của cháu kể từ khi về quê học nghề được không?
- Khi bố mẹ cháu mất, cháu ở với bà nội, lên 6 tuổi cháu được đi học lớp 1, khi học hết lớp 3 vì bà cháu già yếu không thể nuôi cháu ăn học được nữa, vậy là cháu phải nghỉ học ở nhà giúp bà làm mọi việc như hái chè, kiếm củi, chăn gà... Thấy hoàn cảnh gia đình như thế cộng với sức khỏe của bà cháu cũng ngày một yếu vậy là bà đã gửi cháu về quê nội ở Cẩm Giàng - Hải Dương để học nghề. Họ hàng thấy vậy cũng cưu mang cho cháu học nghề mà không mất tiền. Cháu học nghề hơn 2 năm. Đến cuối năm 1995, khi đó cháu 13 tuổi, tay nghề cũng đã thông thạo vậy là cháu xin đi làm thuê cho các lò nghề để tự nuôi sống mình. Ban đầu cháu lên thành phố Hải Dương, sau đến Đồng Kỵ - Bắc Ninh, rồi lên Chiêm Hóa - Tuyên Quang… Khi đó cứ ai rủ là cháu đi với suy nghĩ làm việc để kiếm sống thôi chú ạ! Tiền công làm cho các lò cũng rất rẻ, cháu chỉ được trả có 100 nghìn đồng/tháng, tương đương với 1 triệu thời nay, chủ xưởng luôn bắt thức khuya, dậy sớm làm lụng vất vả mà nhiều khi không đủ tiêu chú ạ! Vậy là đến năm 1998, cháu lại theo mọi người đi làm vàng 2 năm, song cũng chẳng được gì, lúc đó cháu mới quay về làng tự mở xưởng làm.
Dũng kể đến đây rồi dừng lại, nét mặt thoáng trở nên ưu tư, có lẽ lúc này đây Dũng đang nhớ lại những ngày tháng phải tha hương, lam lũ kiếm sống nơi đất khách quê người, hay là sự tủi cực của những ngày thơ bé, phải sống côi cút bên bà chăng? Hẳn những dấu ấn ấy sẽ còn hằn sâu mãi trong tâm trí của Dũng.
- Thế khi đó cháu lấy đâu ra vốn mà mở xưởng?
- Cũng may khi cháu về nhà đời sống kinh tế của dân làng khi đó cũng khá lên nhiều, trong vùng nhiều người mở xưởng mộc, nhưng thợ đục chạm trên mình khi đó rất ít, thế là cháu tìm đến các xưởng mộc ở quanh vùng nhận gỗ của họ về làm tại nhà. Cứ thế mọi người biết cháu có tay nghề tốt và họ tìm đến thuê cháu làm.
- Khi ấy cháu đục chạm những gì?
- Thời đó cháu chuyên đục lèo tủ, bệ tủ, bệ giường, bàn thờ, các bức trương bàn ghế salon… lúc ấy ít thợ những dịp giáp tết, việc nhiều, làm không kịp, cháu phải rủ thêm bạn về làm cùng. Cứ thế công việc làm ăn ngày một ổn định và phát triển nhưng vẫn chủ yếu là làm thuê lấy công thôi.
- Thế cháu mở xưởng này từ bao giờ? Sao cháu lại chuyển sang mặt hàng tượng, mỹ nghệ và con giống này?
- Tích góp mãi, năm 2004 cháu lấy vợ, rồi có con, áp lực ngày càng cao, nhận thấy công việc cũ ngày một ít, lý do nhiều xưởng mộc lớn người ta đã có máy, chỉ cần lập trình và đưa vào máy thôi thì các bức chạm nhanh chóng ra lò, độ chính xác lại rất cao, và rất đẹp, trăm bức đều giống nhau y hệt luôn, vậy nên đục thủ công như bọn cháu tốn nhiều thời gian, tiền công vì thế bị đẩy cao, nên việc ít đi chứ không còn sẵn như trước nữa. Từ năm 2009, cháu chuyển hướng sang làm đồ gỗ mỹ nghệ. Đây là một lĩnh vực mới mà ở địa phương mình chưa có người nào làm. Nghĩ thế nhưng phải mãi đến năm 2012 cháu mới có tiền để mở xưởng. Riêng tiền xây dựng nhà xưởng, máy móc cũng lên đến 300 triệu đồng, lại còn vốn mua gỗ, mua máy móc và tiền thuê thợ nữa, phải nói đó cũng là một nỗ lực rất lớn của bản thân cháu chú ạ! Nói vậy rồi Dũng nhoẻn miệng cười tươi, có lẽ đây là phút giây Dũng cảm thấy mình thật hạnh phúc. Tôi hiểu, đó có thể là điều ước thật giản đơn đối với mọi người nhưng đối với Dũng thì đó là cả một sự nỗ lực phấn đấu vô cùng lớn lao, bởi cảnh mồ côi, với hai bàn tay trắng, giờ Dũng đã là một ông chủ nhỏ có gia đình, với một cơ ngơi, tuy còn nhỏ bé nhưng cũng rất đáng tự hào.
Nghe Dũng kể đến đây, tôi thấy rất mừng cho Dũng, không muốn làm mất thời gian của cậu ta, tôi liền bảo Dũng đưa tôi ra xưởng vừa làm, vừa nói chuyện cho tiện. Dũng cùng tôi trở lại xưởng, hàng chục gốc cây và thân gỗ to đang được cánh thợ định hình, tạo dáng, theo sự chỉ dẫn của Dũng. Dũng bảo tôi:
- Làm đồ mỹ nghệ này đòi hỏi người làm nghề phải có con mắt thẩm mỹ, biết tự định hình, tạo dáng cho tác phẩm, điểm nhấn của các sản phẩm là những khuôn hình, độ tương xứng của các hình khối, từ hình các con thú đến cây cối, hoa lá đều phải cân xứng, hài hòa, đường nét phải tinh xảo, uyển chuyển mới được.
Nguyễn Huy Dũng trong xưởng mộc.
- Vậy các công đoạn để tạo tác một sản phẩm là gì?
- Nó gồm nhiều công đoạn chú ạ! Như mấy cậu này đang cắt tỉa những phần thừa của gốc cây, thân cây, đây gọi là phần làm thô, sau phần làm thô đến phần tạo dáng, định hình, đây là công đoạn khởi đầu để hình thành nên cấu trúc của sản phẩm. Tiếp sau là phần làm tinh, đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi tay nghề cũng như sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người thợ, phải hạn chế tối đa mọi sai sót, chỉ sai một ly là đã có thể tạo ra lỗi cho sản phẩm và như vậy đồng nghĩa với sự mất giá chú ạ! Cuối cùng đến công đoạn đánh bóng và sơn sản phẩm. Nói chung là rất cầu kỳ, không thể nóng vội được.
Thì ra nghề chơi nào cũng đòi hỏi sự công phu riêng. Sự hời hợt không thể dẫn tới thành công.
Nhìn bàn tay những người thợ sử dụng máy cưa, máy đục, máy khoan rất thành thục, dưới bàn tay họ những phần thừa của gỗ dần dần được loại bỏ, hình dáng sản phẩm dần lộ ra. Nào hình Hổ, Báo, nào Khỉ, nào Dơi, nào chùm nho, con Sóc… tất cả hiện lên như thật. Mỗi một sản phẩm đều gắn liền với một điển tích, xem những sản phẩm của Dũng ta như thấy lũ chim thú đó đang chạy nhảy quanh ta, chúng thật sự sống động và có hồn. Dũng dùng một chiếc máy nhỏ, đục rũa rất tỉ mẩn, từng đường nét dần hiện ra, đây là khuôn mặt một chú khỉ, trông vừa tinh nghịch, vừa ngộ nghĩnh, tôi bị cuốn vào công việc của Dũng mê mẩn không cả muốn về. Bằng bàn tay tài hoa, khéo léo và óc thẩm mỹ sáng tạo tinh tế của Dũng, những khúc gỗ biến thành những sản phẩm tinh xảo, khiến ai cũng thích thú. Những sản phẩm của Dũng không chỉ mang hơi thở của cuộc sống thường ngày mà còn thể hiện trình độ cùng cái tâm của người thợ, ẩn sâu trong từng sản phẩm còn mang cả bản sắc, tâm linh của văn hóa Việt. Dũng cho tôi biết đồ gỗ mỹ nghệ có cái hay là sử dụng được các loại gỗ tận thu, những gốc cây, đầu mẩu gỗ, xưa nay mọi người thường bỏ đi, nhưng nay từ những gốc cây có thể làm ra những bộ bàn ghế đắt đến vài chục triệu đồng. Những đầu mẩu gỗ cũng có thể làm nên những pho tượng, những con thú tuyệt đẹp, hay những chiếc lục bình giá bán năm, bẩy triệu đồng là thường. Hiện Dũng cũng cho tôi biết thu nhập bình quân của thợ còn khiêm tốn cũng chỉ đạt mức 5 - 6 triệu đồng/tháng. Khi đông việc, thợ nào có tay nghề cao Dũng trả lương tới 8 triệu đồng/tháng. Vào cao điểm những dịp cuối năm, Dũng nuôi 4 - 5 thợ, còn khi ít việc thì luôn có 2 thợ. Tổng thu mấy năm gần đây bình quân cũng chỉ được 200 triệu đồng/năm. Cái khó nhất của nghề này theo Dũng cho biết đó là người thợ phải có khiếu thẩm mĩ và trí tưởng tượng phong phú, ví như nhìn vào một gốc cây, một khúc gỗ mình đã có thể định hình ra được sản phẩm, hai nữa là rất cần sự khéo léo của đôi tay cộng với sự kiên trì, tỉ mỉ, khi làm việc phải tập trung cao độ, không được phân tán tư tưởng, nhất là phải có cảm hứng thì tác phẩm mới đẹp, mới tinh tế. Tôi chỉ vào một gốc cây và hỏi Dũng:
- Trung bình mỗi bộ này làm nhanh cũng phải mất 1 tháng, đó là giờ có máy móc hỗ trợ nên mới nhanh thế, còn tiền công là 15 triệu đồng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...