Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:46 (GMT +7)

Người phụ nữ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên (8/1945)

VNTN - Trên đường bí mật từ Đan Phượng (Sơn Tây) lên dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, ông Trần Huy Liệu vừa vượt địa giới từ Hiệp Hòa (Bắc Giang) sang Phú Bình (Thái Nguyên) thì gặp một nữ cán bộ rất oai phong cưỡi ngựa chỉ huy việc tuần tra ở An toàn khu. Nhiều thành viên trong đoàn trầm trồ, thán phục nữ cán bộ này song không biết đó là ai. Riêng ông Trần Huy Liệu thì nhận ra người đồng chí cũ: bà Trịnh Thị Chính lúc này mang tên mới là Nguyễn Thị Minh Tâm. 

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (1915 - 2009) thời gian hoạt động cách mạng tại Thái Nguyên - Ảnh tư liệu gia đình.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (1915 - 2009) thời gian hoạt động cách mạng tại Thái Nguyên - Ảnh tư liệu gia đình.

Nữ Bí thư Ban Cán sự hai huyện Đồng Hỷ và Phổ Yên

Trong hồi ký “Đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào”, ông Trần Huy Liệu viết: “Trước lúc tới trạm Bình Định tôi được biết người phụ trách vùng này là một nữ đồng chí. Mọi người đều bàn tán và chờ đợi một cái gì tốt đẹp hơn. Đến nơi, trước mắt tôi nữ đồng chí ấy chính là chị Chính mà lúc ấy đã đổi tên thành Tâm, người chị em quen thuộc của căng Bá Vân hồi trước”.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (1915 – 2009) tên khai sinh là Trịnh Thị Chính, bí danh Lê Thị Hòa, quê tại thôn Vô Ngại, xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Từ năm 1941, bà được Xứ ủy Bắc kỳ đồng ý cho thoát ly đi làm cán bộ quần chúng xây dựng phong trào ở Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

 

Cô gái làng Vô Ngại, xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ấy thuở nhỏ đã biết noi gương các anh đi làm cách mạng từ năm 14 tuổi. Các anh trai của bà là Trịnh Tam Tỉnh và Trịnh Văn Yên đều tham gia các hoạt động yêu nước từ sớm. Bà được các anh giao nhiệm vụ đưa thư và liên lạc với những người yêu nước trong vùng. Đến tuổi trưởng thành, bà tham gia phong trào dân chủ, dạy truyền bá chữ Quốc ngữ cho những người chưa biết chữ xung quanh. Năm 1940, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi bị lộ, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định cho bà đi thoát ly và cử lên Thái Nguyên, xây dựng cơ sở ở căng Bá Vân. Bà gắn bó với Thái Nguyên bắt đầu từ năm 1941, sau đó trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy Phổ Yên và Đồng Hỷ, củng cố đường giao thông nối liền Bắc Giang với Khu Giải phóng (1945).

Trong một bản lý lịch Đảng viên do gia đình cung cấp, bà Nguyễn Thị Minh Tâm đã cho biết một số công việc bà đã làm trong thời gian công tác tại Thái Nguyên từ 5/2/1941 đến 19/8/1945. Đó là công tác tuyên truyền xây dựng tổ chức quần chúng quanh căng Bá Vân (Thái Nguyên) và làm giao thông cho căng Bá Vân, nhà tù Chợ Chu ở Định Hóa (Thái Nguyên)… Chính bà đã chuyển tài liệu vào cho anh em tù nhân đang bị giam giữ tại căng Bá Vân.

Sau đó, bà còn tham gia tổ chức để đưa một nhóm 12 tù nhân vượt ngục Chợ Chu thành công cuối năm 1944. Trong số đó, có nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội như Thượng tướng Song Hào (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Trung tướng Lê Hiến Mai (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH); Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên Quân chủng Hải quân); Thiếu tướng Trần Thế Môn (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương)… Hoàng Bá Sơn (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT); Phạm Ngọc Bổng (Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang)… Đặc biệt, có 2 cán bộ trong số này đã cùng bà Nguyễn Thị Minh Tâm tham gia Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên là ông Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Trung Đình - Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời.

Đồng thời, bà còn tham gia tổ chức 8 người trốn thoát khỏi căng Bá Vân. Sau này, họ trở thành những cán bộ cao cấp như ông Hà Kế Tấn - Bộ trưởng Bộ Thủy lợi; ông Tô Quang Đẩu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ…

Bị lộ, cấp trên liền cử bà đi vào chiến khu làm đội viên du kích Đình Cả - La Hiên thuộc châu Võ Nhai (Thái Nguyên). Là cán bộ chính trị trong đội du kích, bà đi họp với cơ sở trong làng, các cụ, chị em phụ nữ.

Một thời gian sau đó, địch khủng bố mạnh nên tháng 1/1945, Xứ ủy gọi bà về Bắc Giang, cử đi học một lớp chính trị, rồi điều bà về xây dựng phong trào huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), để củng cố phong trào chung quanh căng Bá Vân (Thái Nguyên).

Bà viết trong lý lịch: “Lúc đó tôi làm Bí thư Ban Cán sự hai huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống thuế, xây dựng phong trào vững mạnh, củng cố đường giao thông Bắc Giang và Khu Giải phóng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo du kích, dân quân và nhân dân kết hợp bộ đội giải phóng ra giành chính quyền tỉnh Thái Nguyên thắng lợi”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tâm (bà Tâm thứ hai từ trái sang) - Ảnh tư liệu gia đình.
Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tâm (bà Tâm thứ hai từ trái sang) - Ảnh tư liệu gia đình.

Là cán bộ cũ, đã thông thuộc địa hình, lại có nhiều gia đình cơ sở nên bà Tâm đã sớm xây dựng được các tổ chức quần chúng, đưa phong trào thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên nhi đồng, du kích, tự vệ (lồng vào tổ chức bảo an) phát triển rất nhanh. Các hoạt động của nông dân cứu quốc, tổ chức bắt cướp, tổ chức chống thuế, huấn luyện chính trị, quân sự… Uy tín Việt Minh lên cao, phong trào càng mạnh. Việt Minh xã, Ủy ban Nhân dân Cách mạng xã lần lượt được thành lập.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến rất gần. “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm, hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”. Nội dung trong Thư gửi đồng bào toàn quốc của lãnh tụ Hồ Chí Minh vào tháng 10/1944 lúc này càng cho thấy thắng lợi đã đến gần. Phải biết chớp thời cơ để giành chính quyền khi quân phát xít Nhật bị Đồng minh đánh bại.

Không khí những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 vô cùng khẩn trương, tưởng chừng như một ngày bằng hai mươi năm. Đường giao thông từ Bắc Giang sang Khu Giải phóng để lên Hội nghị Tân Trào được củng cố. Lúc này, nhiều đoàn cán bộ trong khắp ba miền Bắc - Trung - Nam và cả Ai Lao (Lào) và Xiêm (Thái Lan) lần lượt theo đó để về với Tân Trào. Cán bộ đi Hội nghị rất đông. Bà Minh Tâm đã tổ chức đảm bảo an toàn cho cán bộ lên dự Hội nghị cũng như công tác bảo mật trừ gian khi có những kẻ rình mò vào An toàn khu.

Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám

Sáng 13/8/1945, có thư hỏa tốc của đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) trên Khu Giải phóng về yêu cầu lãnh đạo du kích, tự vệ và nhân dân ra đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên.

Ông Lê Trung Đình - Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên kể lại trong hồi ký như sau: “Về đến Đại Từ được ít ngày, tôi nhận được chỉ thị của cấp trên phải về gấp Đồng Hỷ đến xóm Bình Định thuộc xã Tân Cương gặp chị Tâm để cùng chị củng cố và phát triển phong trào vì ở đây gần thị xã Thái Nguyên (…) Sau khi đến Bình Định tôi gặp chị Tâm ở nhà cụ Thân. Chúng tôi đã bàn bạc trao đổi ý kiến về công tác lớn cần phải làm. Chị Tâm cho đồng chí liên lạc đưa tôi về gấp xã Tiên Phù (Phổ Yên) gặp đồng chí Vũ Thị Ngọc (tức Vũ Thị San, cán bộ của Xứ ủy ở nhà cụ Hải Lóng - cơ sở 2 của Trung ương) và đồng chí Quang Huy, người phụ trách huyện Phổ Yên”.

Tối 19/8/1945, Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng triệu tập một cuộc họp chung với cán bộ lãnh đạo tỉnh để thống nhất lực lượng và hoạt động chung “Khởi nghĩa giải phóng thị xã Thái Nguyên”. Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên cũng được thành lập gồm các đồng chí: Nhị Quý, Trung Đình, Hoàng Thế Thiện, Đào An Thái, Nguyễn Thị Tâm”.

(Trích Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (1936 – 1965)”, xuất bản năm 2003, trang 161).

 

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm viết: “Địa điểm tập trung là làng Thịnh Đán (huyện Đồng Hỷ). Bốn giờ sáng ngày 14/8/1945 chúng tôi kết hợp với bộ đội ra lấy tỉnh”.

Cùng lúc đó, Trung ương cử ông Võ Nguyên Giáp và ông Trần Đăng Ninh đưa bộ đội Việt Nam Giải phóng quân và đại đội Việt - Mỹ do ông Đàm Quang Trung chỉ huy về giải phóng thị xã Thái Nguyên, làm điểm để rút kinh nghiệm giải phóng đô thị trong phạm vi toàn quốc.

“Lúc đó ở Đồng Hỷ, tôi, đồng chí Tâm, một số các đồng chí chủ chốt như Ngọc Lan, Sinh, Hoài và đồng chí Tẩy (liên lạc của Xứ ủy) nhận được chỉ thị phải gấp rút chuẩn bị đầy đủ lượng thực, thực phẩm, rau xanh để đón Giải Phóng quân về giải phóng thị xã Thái Nguyên”, ông Lê Trung Đình nhớ lại trong hồi ký.

Nhận được chỉ thị trực tiếp từ khu căn cứ giải phóng Tân Trào, các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và Phổ Yên, Phú Bình, Võ Nhai đưa gấp một số lực lượng vũ trang địa phương về thị xã phối hợp với Giải phóng quân. Các địa phương chỉ để lại một số đủ bao vây bọn Nhật ở đó như Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ và đồn điền Gia Sàng (thuộc Đồng Hỷ).

Bà Minh Tâm viết lại: “Tôi cùng anh Trần Đăng Ninh và một số đồng chí nữa đến nhà điện thị xã Thái Nguyên. Độ 6 giờ sáng, súng tước được ở các nơi đem về nhập vào kho dồn dập, quân các nơi rầm rập kéo về báo cáo con số, các nơi đem đến ủng hộ lợn, gạo tấp nập. Bận quá, hai - ba giờ chiều chưa được ăn cơm sáng”.

Đang bao vây tỉnh lỵ Thái Nguyên thì có tin Hà Nội đã giành được chính quyền. Xứ ủy Bắc Kỳ đề nghị các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh về ngay Thủ đô. Quân giải phóng cũng kéo về Thủ đô ngay, chỉ để lại một phần lực lượng ở lại Thái Nguyên giúp xây dựng chính quyền mới sau khi tỉnh trưởng Thái Nguyên chấp nhận bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm đã cùng với Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tổ chức ổn định tình hình tại các khu phố. Xong việc, bà lại được cử về xây dựng cơ sở tổ chức của huyện Đồng Hỷ cho kịp thời tổ chức các lớp huấn luyện cấp tốc để có cán bộ phục vụ cho phong trào. Bà được cử làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy