Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
04:24 (GMT +7)

Người nghèo vơi cơn khát

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

Thiếu đất sản xuất, thiếu tiền vốn đầu tư, thiếu sức lao động và thiếu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Đó là “đặc điểm chung” của những hộ nghèo tôi gặp. Họ như người đi trên sa mạc, khô khát, kiệt lực, gượng sức hướng về phía biển. Nên các chính sách của Nhà nước đến với họ đúng lúc, giống như cơn mưa mát lành làm vơi cơn khát, giúp người nghèo đủ sức đi tiếp hành trình của đời mình đến bến bờ no ấm.

Nhà “3 cứng” cho người nghèo

-Nếu được ước, ông sẽ ước điều gì?

-Tôi ước mình có một ngôi nhà “3 cứng” (cứng nền, cứng tường, cứng mái).

-Sao ông không ước mình có vila, “biệt phủ” hay một ngôi nhà cao tầng?

-Tôi đã làm lụng, đã mơ ước… Bây giờ tôi đã già.

Cựu chiến binh Ma Đình Tồn, 80 tuổi, xóm Bục 4, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa)nghẹn lời, mắt ngấn nước bùi ngùi. Tôi cũng thấy bối rối vì đã vô tình chạm vào nỗi buồn của ông. Nỗi buồn của người có cuộc sống áo cơm chật vật, và chưa có được một mái nhà đủ che chắn nắng, mưa.

Trẻ em người Mông Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) và giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá.

Đầu tháng 8/2018, tức nửa năm sau tôi trở lại xóm Bục 4, ông Tồn và người vợ 79 tuổi đã có ngôi nhà mới rộng 56m2, đạt chuẩn “3 cứng” như mơ ước. Ông nói chất phác: Nhà xây dựng hết 115 triệu đồng, trong đó Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) - thông qua Hội CCB tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do con cháu, họ mạc đóng góp ủng hộ. Hội cựu chiến binh cơ sở cũng ủng hộ được 42 ngày công san đất, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng.

Với người nghèo thì có được ngôi nhà đạt chuẩn “3 cứng” như của ông Tồn là cả một ước mơ đời người. Ít hôm trước, cũng ở huyện Định Hóa, chúng tôi về xóm Nam Cơ, xã Kim Phượng thăm gia đình bà Đặng Thị Chúc. Bà Chúc phấn chấn kéo tôi ra góc vườn, chỉ vào ngôi nhà đã xập vì đợt mưa dạo đầu hạ, bảo: Nhà tôi đó, không ở được rồi.

Trong lúc tôi chưa kịp phản ứng, bà lại kéo tôi ra một góc vườn đầy gạch, cát ngổn ngang, bảo: Biết tôi quanh năm bệnh tật, con trai còn nhỏ, tiền không có một đồng, nên các bác ở Mặt trận Tổ quốc và Hội cựu chiến binh tỉnh đã đến hỗ trợ cho 40 triệu đồng để mẹ con tôi làm lại nhà ở. Dự kiến nhà sẽ hoàn thiện vào dịp trước Tết năm 2019.

Bà Chúc có “thiên tình sử” hết sức đặc biệt. Vì không được nhanh nhẹn như mọi người, nên đến tuổi trưởng thành, bố mẹ gả chị cho một trai làng bên. Anh bị dị tật bẩm sinh, teo 2 chân. Cuộc mưu sinh áo cơm quá chật vật, không thể tự nuôi nhau, hai bên gia đình thông gia đều nghèo, nên đành gạt nước mắt chấp nhận để vợ chồng chị “đường tình đôi ngả”. Người trong cuộc không biết buồn, nhưng những người có trách nhiệm trong xã hội thì lo lắng. Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2018 Hội tham gia hỗ trợ làm mới 30 nhà ở cho hộ nghèo. Bà Chúc là một trong số các hộ được Hội CCB hỗ trợ tiền làm nhà ở. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Kim Phượng chia sẻ: Được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, trong 6 tháng đầu năm 2018, xã có 14 công trình nhà đại đoàn kết được khởi công xây dựng, riêng Hội CCB tham gia ủng hộ 5 nhà.

Chuyện nhà “3 cứng” cho hộ nghèo, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh: Từ nhiều năm gần đây, việc nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vươn lên đã trở thành một phong trào lớn. Phong trào huy động được toàn xã hội tham gia. Riêng năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.400 hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà ở; hàng vạn lượt hộ nghèo khác được hỗ trợ thông qua các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí, trợ cấp đột xuất trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Với người nghèo thì một lời động viên, một nghĩa cử sẻ chia chân tình được ví như phương thuốc màu nhiệm, có thể “chữa căn bệnh nghèo không di căn” sang thế hệ sau. Ví như bà Trịnh Thị Lầy, xóm 2 Hòa Tiến, xã Minh Tiến (Đại Từ). Dù gặp chúng tôi lần đầu, song bà không ngần ngại chia sẻ: Vì chồng ốm nằm liệt một chỗ, bản thân lại thường xuyên đau ốm, nên vợ chồng tôi chẳng làm được gì để có của dư dả. Nhiều hôm mưa, nước xối qua mái nhà, tôi dùng tấm áo mưa che cho chồng không ướt. Những lúc như thế vợ chồng tôi chỉ… mong được chết. Và lúc bĩ cực nhất đời người, các nhà thiện tâm đã tìm đến chia sẻ, động viên. Quỹ Vì người nghèo của tỉnh kịp thời hỗ trợ cho vợ chồng bà số tiền 50 triệu đồng để làm lại nhà ở.

Đời còn gì đẹp hơn là sự yêu thương, chia sẻ. Tôi nghĩ như thế khi chứng kiến từng viên gạch hồng được bàn tay người thợ khéo léo gắn kết thành công trình mới. Trong thời gian 5 năm gần đây, trên địa bàn của tỉnh đã có hàng nghìn ngôi nhà “3 cứng” được xây nên tặng cho người nghèo. “An cư mới lạc nghiệp”, có ngôi nhà ở chắc chắn, mỗi người có nhiều hơn cơ hội thực hiện ước mơ, hoài bão vươn lên. Rồi cũng từ nhiều năm nay, những ước mơ rất đỗi bình dị đã và đang tiếp tục được thắp sáng ở những nơi xa xôi, khó khăn trên lưng núi, đặc biệt là ở các xóm, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Để rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng sâu, vùng xa với thị trấn, thị tứ, từ năm 2015, UBND tỉnh đã huy động cán bộ, nhân dân, doanh nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh tham gia đóng góp, ủng hộ tiền để “chẻ núi” làm đường bê tông đến tận trung tâm các xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Ông Vũ Đại Lâm (thứ 3 từ trái sang), cán bộ khuyến nông huyện Đồng Hỷ hướng dẫn cho nông dân xã Văn Lăng kỹ thuật chăm sóc ngô lai.

Cùng mở đường là việc tỉnh “đưa” điện lên núi cho đồng bào nghèo. Riêng địa bàn huyện Võ Nhai có 9 xã nằm trong “Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, gồm: Liên Minh, Phú Thượng, Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa, Thượng Nung, Phương Giao, với tổng số 25 trạm biến áp xây dựng mới, tổng dự toán công trình 120.944 tỷ đồng. Hiện 22 trạm biến áp đã đóng điện, 3 trạm còn lại dự kiến được đóng điện vào quý IV năm 2018. Theo đó, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có thêm 2.421 hộ được sử dụng điện Quốc gia. Ông Hà Văn Tự, Phó trưởng Phòng Kinhh tế và hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Trong lần đưa điện về vùng cao này, huyện Võ Nhai trích hơn 697 triệu đồng từ nguồn ngân sách tự cân đối của huyện để hỗ trợ kéo dây sau công tơ, lắp đặt một số thiết bị điện trong nhà cho 1.395 hộ nghèo (trung bình 500 nghìn đồng/hộ). Bà con rất phấn khởi vì từ nay hết cảnh dầu đèn.

Vâng! Ánh điện của Đảng, Nhà nước về với đồng bào vùng cao, nhất là trong những ngôi nhà “3 cứng” mới được xây dựng lên bằng trái tim nhân ái, để tặng cho người nghèo, sẽ thắp sáng hơn bao ước mơ rất đỗi bình dị. Để những người nghèo như ông Tồn, bà Chúc không phải ngồi trong nhà đội áo mưa. Và để một cảnh nghèo như bà Lầy vẫn thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.

Khi người nghèo có “cần câu”

Chúng tôi lên xóm Bản Tèn (Văn Lăng), nơi có những ngôi nhà của đồng bào Mông tựa vào lưng ngọn núi cao nhất của huyện Đồng Hỷ. Đã sang những ngày đầu tháng tám, tiết trời mát mẻ, thỉnh thoảng lại có đám mây trắng ùa xuống “làm dáng” khiến bà con nhắc nhớ lại hồi tháng ba năm nay, xóm được huyện chọn làm nơi tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mông”. Du khách thập phương đổ về chứng kiến những nét đẹp văn hóa, các môn thể thao truyền thống và thỏa sức ngắm hoa tam giác mạch.

Nghe tiếng khèn, đi giữa bạt ngàn hoa, hít thở không khí trong lành, nhìn sâu thẳm dưới chân núi Tèn có dòng sông Cầu nước xanh màu lam, nhiều người bảo: Bản Tèn là một trong những vùng đất đáng đến. Ông Dương Văn Tình, Trưởng xóm cho biết: Từ nhiều năm rồi, Bản Tèn là địa chỉ cho người trên cả nước tìm đến, nhưng là để giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn. Bản thân tôi cũng không nhớ đã có bao nhiêu bàn tay chìa ra giúp người dân Bản Tèn, nhưng tôi và bà con ở đây đều biết ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp bà con ổn định cuộc sống.

Rời Bản Tèn, chúng tôi đến xóm người Mông Khe Cạn (Văn Lăng), gặp bên nương chè bà con đang í ới chuyện mùa vụ. Ông Hoàng Văn Bình, Trưởng xóm nói chân chất: Cán bộ khuyến nông huyện về hướng dân cho bà con trồng chè, “nó” bảo đấy là cách cho người nghèo chiếc cần câu”. Có “cần câu” trong tay, bà con sẽ “bắt được nhiều cá”. Lời của “nó” nói, càng ngẫm càng thấy không sai. Kể chuyện làm ăn, bà Nguyễn Thị Bần cho biết: Tuy đã “bắt được cá”, nhưng các hộ trong xóm vẫn cơ bản là hộ nghèo. Hầu hết các gia đình đều mong được Nhà nước hỗ trợ vốn, máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất. Ngay như gia đình tôi có 10 sào đất, trồng đủ hết cả ngô, lúa, chè. Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy cày. Nhờ thế công việc đồng áng được kịp vụ, cây trồng đạt năng suất cao hơn, mọi người trong gia đình có thời gian nghỉ ngơi hoặc đi làm công việc khác để kiếm thêm tiền.

 

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, bà con người Mông xóm Na Mạ xã Lâu Thượng đã chủ động trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Cả Thái Nguyên đồng lòng, chung sức giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo vươn lên. Nhưng không phải bằng cách “cho con cá”, mà đặt vào tay người nghèo “chiếc cần câu”; đồng thời hướng dẫn cho họ kỹ năng lấy được nhiều “cá” để họ có cuộc sống ổn định. Ví như hộ ông Ninh Văn Huấn, xóm Mặt Giăng, xã Phúc Lương (Đại Từ). Năm 2016, ông nhận được 800.000 đồng tiền hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Ông dùng số tiền này mua chiếc bình phun thuốc trừ sâu chạy điện. Ngoài sử dụng phục vụ sản xuất của gia đình, ông còn làm giúp bà con trong vùng. Nhờ đó ông có thêm một nguồn thu nhập mới. Cùng ở huyện Đại Từ, ông Hoàng Văn Xuân, xóm Nhất Tâm (Phúc Lương) được hỗ trợ tiền mua máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước chạy điện. Ông Xuân cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất trồng chè, 4 sào ruộng cấy 2 vụ lúa. Nhờ có máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu chạy điện, việc sản xuất của gia đình tôi được chủ động hơn. Nhờ có các máy này, tôi có thể làm dịch vụ phục vụ bà con trong vùng để tăng thêm thu nhập.

Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương tâm đắc: Trong 2 năm gần đây, xã có 460 lượt hộ được tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của Nhà nước. Bà con gọi các loại vật tư, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là “chiếc cần câu”. Để “chiếc cần câu” bảo đảm chất lượng, trước khi trao cho hộ nghèo, xã thực hiện thẩm định, “câu được cá”mới nghiệm thu. Kết quả là số hộ nghèo của xã giảm nhanh, từ 232 hộ năm 2015 xuống 184 hộ năm 2016, và tiếp tục giảm còn142 hộ vào cuối năm 2017. Còn ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Các cấp, ngành liên quan đến chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo luôn quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn cho người nghèo sử dụng số tiền đó sao cho hợp lý, để mua các loại máy móc nông cụ phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. Nên các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo giống như chất xúc tác tâm lý, thúc đẩy người nghèo tự thân vận động, thay đổi tập quán sản xuất cũ để vươn lên thoát nghèo.

Cũng nhờ được hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, trên địa bàn của tỉnh đã xuất hiện một số mô hình làm kinh tế mới, dự báo mang lại hiệu quả cao, như các mô hình trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê, trồng cây ăn quả, trồng rừng. Nhiều chủ mô hình ít năm trước còn là hộ nghèo, nhưng từ tham gia các chương trình, dự án và sử dụng “chiếc cần câu” hiệu quả, nên đã thoát nghèo.

Cao Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy