Người luôn “chắt chiu”
VNTN - Mười bốn năm sau cái bắt tay lần đầu làm quen, có hơn nửa thập kỷ cùng chia sẻ, trải nghiệm với nhau trong hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT), Phùng Văn Long để lại trong tôi nhiều ấn tượng đáng nhớ. Với bản tính trung thực, hiền lành, anh hòa mình vào tập thể bằng tất cả sự nhiệt tình sẵn có, cho dù hoàn cảnh gia đình chưa thuận lợi, kinh tế eo hẹp, con còn thơ dại…, anh vẫn luôn “chắt chiu” dành thời gian đủ để thực hiện những ý tưởng nhiếp ảnh mà mình đam mê, dành cho bạn bè tình cảm trân quý suốt nhiều năm qua.
Tác phẩm “Đường nét công nghiệp”
Phùng Văn Long là một trong những người bước vào hoạt động VHNT rất sớm, khi còn là công nhân xưởng cơ khí nhà máy gang thép Thái Nguyên, anh đã có niềm đam mê VHNT mãnh liệt, lúc đó chưa lập gia đình nên anh có khá nhiều thời gian dành cho thú vui mình yêu thích. Anh từng tham gia lớp học mỹ thuật dành cho công nhân viên chức do Nhà Văn hóa Công nhân gang thép tổ chức; tham gia lớp học quay phim, nhiếp ảnh tại Hà Nội. Ngoài công việc chính tại nhà máy, anh còn tham gia nhiều hoạt động mang tính thông tin, tuyên truyền của Nhà Văn hóa Công nhân gang thép, góp phần xây dựng phong trào văn hóa cơ sở. Anh từng đùa vui bảo “đó cũng là nghề tay trái kiếm thêm mớ rau, miếng đậu”.
Tích cực tham gia sinh hoạt và là hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh công nhân gang thép, năm 2012 anh được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Song mỗi lần nhận tin báo Chi hội tổ chức đi điền dã, thực tế sáng tác ngoại tỉnh, anh đều từ chối trong nuối tiếc do không có điều kiện đi dài ngày. Phùng Long luôn “nép” mình sau những ồn ã. Tôi thấy rõ điều ấy trong những lần cùng anh tác nghiệp. Nhớ lần đi thực tế ở Nhà máy Phụ tùng số 1 Sông Công, khi mọi người nhộn nhịp thao tác, anh lặng lẽ đứng một mình chăm chú theo dõi và nói chuyện khá lâu với người công nhân đang làm việc, rồi lặng lẽ bấm máy. Đi “Hội xuống đồng” ở Phổ Yên dịp Tết Nguyên đán, anh lần mò đi khắp khu vực tổ chức thi cấy, chọn tìm điểm chụp, anh tâm sự: “đông anh em chụp thì mình nên chọn điểm chụp khác tránh bị trùng nhau, cũng muốn tìm những góc khác biệt để trải nghiệm”.
“Sản phẩm mới”
Lập gia đình khi tuổi đã ngoài 40, khá muộn màng so với bạn bè cùng trang lứa, vừa công tác lại vợ mọn con thơ, anh vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người chồng, người cha trong gia đình và lặng lẽ san sẻ thời gian dành cho đam mê. Không có nhiều thời gian nhàn tản vì vướng bận nhiều việc gia đình, con cái, thế nên Phùng Long luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ trước mỗi chuyến đi, thậm chí là việc lên ý tưởng, góc chụp. Có lần đi chụp vùng chè Phú Lương, nắng chiều trước hoàng hôn là một trong hai thời điểm “ánh sáng vàng” các nhiếp ảnh gia ưa thích, anh đến đúng địa điểm đó rồi cẩn thận ngắm chụp, xong gói ghém đồ nghề chào mọi người về sớm để kịp đưa con đi học thêm ngoài giờ. Là một người rất có trách nhiệm với gia đình, anh luôn tâm niệm và ước muốn lo cho con cái học hành bằng tất cả khả năng có thể, vì đó là tài sản lớn nhất vợ chồng anh có được.
Các tác phẩm của Phùng Văn Long đa phần thuộc thể loại lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường, phản ánh trực diện cuộc sống xã hội quanh ta. Có lần ngồi trà nước với nhau, anh thật thà chia sẻ rằng, làm công nhân trong thời kỳ đầu thập niên 80 thế kỷ trước, đồng lương thời bao cấp chỉ đủ cho cuộc sống độc thân ở khu tập thể cùng đồng nghiệp, muốn mua máy để làm thêm “nghề tay trái”, anh phải rất tiết kiệm chi tiêu, có việc gì ai gọi cũng làm. Vốn hiền lành, trầm tĩnh nên phong cách tác nghiệp của anh cũng vậy. Luôn cẩn thận kiểm tra thiết bị, chọn lựa góc độ, quan sát tiêu điểm trước khi bấm máy. Những dịp anh em gặp gỡ, Phùng Văn Long thường trao đổi, tham vấn về những ý định nảy sinh trong suy nghĩ của mình với đồng nghiệp. Anh say mê tranh luận nghiệp vụ ảnh nghệ thuật, kỹ thuật sử dụng thiết bị, mong hiểu kỹ hơn để tìm cách khắc phục hạn chế của máy và chụp được những hình ảnh ưng ý. Chỉ tiếc là, đam mê và ước mơ thì vô hạn, nhưng điều kiện, hoàn cảnh thực tế là một khoảng cách có giới hạn. Thành tích có được ở một số cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh công nhân gang thép, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc tuy khiêm tốn, nhưng với anh đó là kết quả của sự cố gắng nỗ lực dành cho đam mê trong hoàn cảnh của riêng mình.
Ở tuổi 62 - cái tuổi nhiều người đã an nhàn cùng con, cháu, thảnh thơi với vui thú đam mê, riêng anh vẫn cần mẫn chăm chút cho các con sắp đến tuổi trưởng thành, vẫn nỗ lực làm việc vun đắp cho tổ ấm gia đình. Vất vả là thế, bộn bề là thế nhưng đối với nhiếp ảnh, anh vẫn luôn chắt chiu thời gian dành cho nó. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, nhưng thực lòng khi nghe tin báo anh đột ngột ra đi, tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật, không tin sự nghiệt ngã của tạo hóa áp đặt lên anh. Với tôi anh là người bạn tốt bụng, cởi mở, hiền lành. Với Chi hội Nhiếp ảnh anh là hội viên năng động hoạt bát, nhiệt tình, chan hòa tình cảm. Phùng Văn Long đã đi xa, nhưng trong tâm tưởng tôi và nhiều đồng nghiệp, tất thảy những gì đẹp đẽ nhất đã từng có, từng trân trọng, quý mến đối với anh vẫn luôn vẹn nguyên, đong đầy!
Việt Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...